Chuyển trường mầm non công lập sang bán công: Khó khăn vẫn còn nhiều
9:15', 11/1/ 2005 (GMT+7)

Đến nay, đã có 8 trường mầm non công lập của TP Quy Nhơn và 3 trường mầm non của các huyện Phù Mỹ, Tây Sơn, An Nhơn đã thực hiện mô hình trường bán công (BC). Nhìn chung, các trường đều "đứng" được nhưng khó khăn vẫn còn nhiều.

* Chuyện ghi ở các trường BC

Các cháu Trường Mầm non bán công Tây Sơn trong giờ học

Sau các trường ở TP Quy Nhơn, Trường mầm non (MN) Tây Sơn là đơn vị thực hiện mô hình trường BC sớm nhất trong các huyện. Đây là năm thứ hai trường được chuyển sang loại hình trường BC. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngọc Bích cho biết: "Học phí của học sinh (HS) tăng từ 12.000 đồng lên 68.000 đồng ở hệ mẫu giáo và 81.000 đồng ở hệ nhà trẻ. Ban đầu, chúng tôi rất lo nhưng thật bất ngờ khi số lượng cháu vẫn tăng đều hàng năm". Ở Trường MNBC Hoa Hồng, TP Quy Nhơn, Hiệu trưởng Phan Thị Thiện cho biết: "Hiện chúng tôi đang chịu áp lực do phụ huynh HS có nhu cầu gửi con vào trường rất lớn nhưng cơ sở vật chất của trường chưa đáp ứng!".

Trước khi chuyển sang mô hình BC, các trường đã chủ động chuẩn bị khá kỹ. Trong đó, chất lượng nuôi và dạy cháu luôn được đặt lên hàng đầu. Chị Thiện cho biết: "Ra BC trường phải cạnh tranh với các loại hình trường MN khác nên mỗi cán bộ, GV trong trường đều xác định phải chăm sóc các cháu bằng tất cả trách nhiệm và tấm lòng…". Còn đối với Trường MNBC Tây Sơn, trước khi ra BC, được sự quan tâm của huyện, Trường đã được chuyển đến địa điểm mới, khang trang hơn tại số 3 đường Phan Đình Phùng (thị trấn Phú Phong) với diện tích gần 2.000 m2. Từ khi ra BC, nhà trường cũng đã từng bước củng cố lại đội ngũ giáo viên, chú trọng hơn đến chất lượng nuôi và dạy.

* Khó khăn vẫn còn nhiều

Từ khi ra BC, đã có một vài trường MN ở TP Quy Nhơn hội đủ các yếu tố về cơ sở vật chất, trang thiết bị và chất lượng nuôi dạy cháu nên đã có sự phát triển vượt bậc và đang tiến dần đến khả năng tự thu, tự chi. Tuy nhiên, đối với một số trường MN ở huyện thì khó khăn vẫn còn nhiều. Chị Bích cho biết: "Ngoài Ban giám hiệu và kế toán của trường được Nhà nước trả lương, mỗi tháng trường phải tự trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… cho 22 GV, CNV gần 20 triệu đồng. Trong khi đó, học phí thu được từ học sinh chỉ có 15 triệu đồng, chưa kể các khoản điện, nước, tu sửa, mua sắm phục vụ cho các hoạt động của nhà trường".

Khi ra BC, hầu hết các trường vẫn chưa hoàn thiện về cơ sở vật chất. Trường MNBC Tây Sơn do tận dụng phòng ốc của cửa hàng dược trước đây nên các lớp học đều chật và thấp. Sân trường tuy rộng nhưng thấp hơn so với mặt đường nên vào mùa mưa nước tràn ngập trong sân. Tuy phải phục vụ cho gần 250 học sinh bán trú, nhưng hệ thống nhà bếp của trường vẫn còn sơ sài, tạm bợ… Tại Trường MNBC huyện An Nhơn do tiếp nhận cơ sở là Trung tâm thí nghiệm thực hành cũ nên hầu hết các phòng học đều chật chội, không có nhà vệ sinh riêng, trang thiết bị dạy học, đồ chơi ngoài trời của các cháu chưa đầy đủ".

Bên cạnh đó, do đội ngũ GV các trường MN công lập ở các huyện phần lớn được tuyển chọn từ những năm đầu thành lập trường nên hầu hết đã lớn tuổi, hưởng hệ số lương cao. Đây là một khó khăn khá lớn trong mục tiêu nâng chất đối với các trường khi chuyển ra BC.

* Bao giờ mới tự lực cánh sinh?

"Nếu để thu đủ chi thì học phí của học sinh buộc phải thu tăng lên gấp rưỡi, chắc chắn phụ huynh HS sẽ không kham nổi, trường sẽ khó mà giữ được cháu."- Chị Bích cho biết. Còn đối với các trường đang chuẩn bị chuyển sang BC như Trường MN 19-5 của huyện Phù Cát, ông Trần Trung Tín, Trưởng phòng GD-ĐT huyện cũng cho rằng: "Nếu giữ nguyên biên chế giáo viên khi chuyển sang BC thì ngân sách của huyện phải bù thêm 51,7% so với tổng chi cho trường, quy ra khoảng 257,5 triệu đồng/năm".

Thực hiện mô hình chuyển đổi các trường MN công lập sang BC ở các thành phố, thị trấn thuận lợi đã để phụ huynh HS và xã hội san sẻ bớt gánh nặng đầu tư của Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, hầu hết các trường MN công lập ra BC vẫn chưa thể độc lập hoạt động nếu không có sự hỗ trợ từ Nhà nước. Tuy là trường bán công, nhưng đội ngũ GV của các trường vẫn không thay đổi và vẫn nhận lương như GV biên chế trước đây, có khác chăng chỉ là sự thay đổi về hình thức trả lương. Do đó, các trường vẫn chưa có tâm lý tự lập triệt để.

. Ngọc Quỳnh

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những lối thoát của nghề tiện   (10/01/2005)
Rau giữa dòng Kôn   (10/01/2005)
Sinh viên Đại học Quy Nhơn với các phong trào học tập, rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp   (10/01/2005)
Đồng hành cùng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn   (07/01/2005)
Chuẩn bị đón Tết trên công trường   (07/01/2005)
Góp phần giữ gìn kỷ luật của Đảng  (06/01/2005)
Chuyện "mới" ở Quy Nhơn: Công chức sinh con thứ ba  (06/01/2005)
Quan tâm hơn đối với cộng đồng người Bình Định ở nước ngoài   (05/01/2005)
Dịch vụ chăm sóc SKSS ở tuyến xã: Thực tế và chuẩn - khoảng cách xa vời  (05/01/2005)
Một mô hình nên được nhân rộng   (04/01/2005)
Dạy học giữa đại ngàn  (04/01/2005)
Tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo 2004: Đã giảm nhưng vẫn còn phức tạp   (03/01/2005)
Bình Định với mục tiêu 80% số CBCC được đào tạo CNTT   (03/01/2005)
Hiệu quả từ dự án Số hóa nguồn tài liệu tại Thư viện tỉnh  (02/01/2005)
Nhìn lại 10 năm chống tham nhũng ở Bình Định   (31/12/2004)