Hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2):
Những tổ chức cộng sản đầu tiên ở Bình Định
13:50', 12/1/ 2005 (GMT+7)

Nhà ga Quy Nhơn (ảnh chụp 1932) - nơi có phong trào công nhân phát triển sớm

Từ cuối năm 1926, ở Bình Định hình thành một lớp thanh niên yêu nước ưu tú hướng về Cách mạng Tháng Mười Nga. Sau một thời gian đi tìm các tổ chức cách mạng, đồng chí Nguyễn Trân, một thanh niên yêu nước tiến bộ của Hoài Nhơn đã bắt liên lạc với Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng thanh niên Nam Kỳ tại Sài Gòn; được sự giúp đỡ tích cực của Kỳ bộ Nam kỳ, ở Hoài Nhơn đã thành lập được Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại thôn Cửu Lợi, xã Tam Quan (huyện Hoài Nhơn) do đồng chí Nguyễn Trân làm Bí thư.

Cùng với việc hình thành tổ chức Việt Nam cách mạng Thanh niên Hoài Nhơn, khoảng cuối năm 1928 Ban liên tỉnh Tứ Định của Tân Việt cách mạng Đảng được thành lập (gồm Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Kon Tum). Đến cuối năm 1929, cơ sở Tân Việt được phát triển ở nhiều cơ sở, nhà máy trên địa bàn tỉnh Bình Định như Nhà máy đèn, Hãng vận tải đường thủy, Ngân khố, Trường Quốc Học...

 

Đến khoảng giữa năm 1928, tổ chức Việt Nam cách mạng Thanh niên Cửu Lợi đã phát triển ra nhiều làng trong vùng và các làng lân cận, tập hợp vào đội ngũ hàng chục hội viên và hàng trăm quần chúng yêu nước vào tổ chức. Đến cuối năm 1928, hình thành Huyện bộ Việt Nam cách mạng Thanh niên Hoài Nhơn do đồng chí Nguyễn Trân làm Bí thư. Huyện bộ Hoài Nhơn đã tích cực phát triển hội viên, mở các lớp bồi dưỡng về chính trị, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, về Cách mạng Tháng Mười Nga, tổ chức ra các tờ tin để tuyên truyền và giới thiệu đường lối cách mạng của Việt Nam cách mạng Thanh niên...

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tiểu tổ Tân Việt tại Nhà máy đèn Quy Nhơn là tổ chức cách mạng đầu tiên của Bình Định bắt được liên lạc với Phân cục Trung kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam. Cùng thời gian này, Huyện bộ Việt Nam cách mạng Thanh niên Hoài Nhơn đã bàn về chủ trương giải thể tổ chức để tham gia một tổ chức Đảng Cộng sản đã được thành lập trong nước. Huyện bộ Hoài Nhơn thành lập ra nhóm "Ủng hộ cộng sản" để duy trì lực lượng cốt cán của tổ chức Thanh niên Hoài Nhơn. Những hội viên trung kiên đã tích cực tìm đến các nơi tập trung công nhân ở trong và ngoài tỉnh vừa để thâm nhập phong trào công nhân, vừa tìm cách bắt liên lạc với tổ chức Đảng Cộng sản. Khoảng đầu năm 1930, số hội viên Thanh niên Hoài Nhơn trong nhóm "Ủng hộ cộng sản" đã bắt được liên lạc với Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Sài Gòn, đồng chí Nguyễn Trân được kết nạp vào Đảng tại Chi bộ Đảng hãng Charner (Sài Gòn).

Đồng chí Nguyễn Trân (1904 - 1933)

Đầu tháng 3-1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Ủy viên Ban chấp hành lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư phân cục Trung Kỳ (sau tháng 10-1930, đổi là Xứ ủy Trung kỳ) cử đồng chí Phan Thái Ất, cán bộ của Xứ ủy đang công tác tại Đà Nẵng vào đặc trách phong trào Quy Nhơn. Đồng chí Phan Thái Ất chọn một số đảng viên ở Quy Nhơn, Phù Mỹ,... lập ra chi bộ cộng sản tại Nhà máy đèn Quy Nhơn. Lúc mới thành lập chi bộ gồm 5 đảng viên, do đồng chí Lê Xuân Trữ (Lê Xuân Trứ) công nhân kỹ thuật Nhà máy đèn làm Bí thư. Cuối tháng 4-1930, đồng chí Lê Xuân Trữ được điều về Ban điều hành tại Đà Nẵng thuộc Xứ ủy Trung kỳ, Phân ban Xứ ủy chỉ định đồng chí Nguyễn Hoàng, công nhân Nhà máy đèn làm Bí thư.

Ngay sau khi thành lập, chi bộ đã chú ý phát triển lực lượng trong một số xí nghiệp và một số trường học có phong trào học sinh bãi khóa nhằm mở rộng ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng. Chi bộ còn tích cực xây dựng tổ chức Sinh hội đỏ, Công hội đỏ, Cứu tế đỏ trong học sinh, viên chức công tư sở và tiểu thương. Chi bộ phân công đảng viên thâm nhập vào các xóm lao động, công trường đường sắt, khu phố để tuyên truyền, giáo dục quần chúng, phát triển đảng viên. Chi bộ đã lãnh đạo công nhân và nhân dân lao động tổ chức nhiều cuộc đấu tranh: đó là những đợt rải truyền đơn, hô hào công nhân, nông dân lao động đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống cúp phạt...

Trong những năm 1930 - 1931, bằng thực tiễn đấu tranh cách mạng, Chi bộ Nhà máy đèn làm nhiệm vụ của một tổ chức Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng toàn thành phố và các huyện lân cận. "Chi bộ Nhà máy đèn không chỉ là một đảng bộ cơ sở đầu tiên mà còn là một tổ chức Đảng ở địa phương đầu tiên bắt được liên lạc với Đảng Cộng sản Việt Nam".

Lần đầu tiên cờ đỏ búa liềm xuất hiện tại nhiều vùng quan trọng trong tỉnh như Bồng Sơn, Phù Mỹ, An Nhơn, Quy Nhơn, Tuy Phước... Tại Quy Nhơn, truyền đơn được rải trên các đường Gia Long (nay là đường Trần Hưng Đạo) Jules Ferry (nay là đường Phan Bội Châu), Odend Hall (nay là đường Lê Hồng Phong). Cờ búa liềm bay phất phới nhiều giờ liền tại đầu mối giao thông quan trọng của thành phố: cột đèn điện ngã ba công quán -Trường Quốc Học - Ga Quy Nhơn (nay là vùng Công viên Quy Nhơn) và Dịch đình tỉnh thành (ngã ba Quốc lộ 1 - thành Bình Định, An Nhơn). Cuộc đấu tranh đầu tiên này của công nhân và nhân dân Bình Định đã gây cho Pháp bất ngờ và lúng túng.

Đầu tháng 8-1930, được sự giúp đỡ của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Sài Gòn, chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện Hoài Nhơn được thành lập tại thôn Cửu Lợi (Tam Quan) gồm có 5 đảng viên do đồng chí Nguyễn Trân làm Bí thư.

Các chi bộ Nhà máy đèn và chi bộ Cửu Lợi được thành lập là kết quả tất yếu của quá trình kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân, phong trào yêu nước của nhân dân Bình Định. Đó còn là mốc đánh dấu thắng lợi của chặng đường đấu tranh gian khổ, đầy trăn trở, mò mẫm và vấp váp của nhiều thế hệ chiến sĩ yêu nước Bình Định.

. Ngọc Hà

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nỗi lo về mũ bảo hiểm  (12/01/2005)
Chuyển trường mầm non công lập sang bán công: Khó khăn vẫn còn nhiều  (11/01/2005)
Những lối thoát của nghề tiện   (10/01/2005)
Rau giữa dòng Kôn   (10/01/2005)
Sinh viên Đại học Quy Nhơn với các phong trào học tập, rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp   (10/01/2005)
Đồng hành cùng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn   (07/01/2005)
Chuẩn bị đón Tết trên công trường   (07/01/2005)
Góp phần giữ gìn kỷ luật của Đảng  (06/01/2005)
Chuyện "mới" ở Quy Nhơn: Công chức sinh con thứ ba  (06/01/2005)
Quan tâm hơn đối với cộng đồng người Bình Định ở nước ngoài   (05/01/2005)
Dịch vụ chăm sóc SKSS ở tuyến xã: Thực tế và chuẩn - khoảng cách xa vời  (05/01/2005)
Một mô hình nên được nhân rộng   (04/01/2005)
Dạy học giữa đại ngàn  (04/01/2005)
Tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo 2004: Đã giảm nhưng vẫn còn phức tạp   (03/01/2005)
Bình Định với mục tiêu 80% số CBCC được đào tạo CNTT   (03/01/2005)