"Miệt vườn" trong thành phố
16:25', 16/1/ 2005 (GMT+7)

. Phóng sự của Lê Viết Thọ

Cữ giáp Tết, trên những hàng trái cây quanh các chợ Quy Nhơn xuất hiện những giỏ mãng cầu hãy còn xanh lá. Những trái mãng cầu ấy, chẳng phải từ những miệt vườn xa xôi nào chở tới mà được ươm trồng, kết trái ngay chính trong lòng thành phố Quy Nhơn. Xóm "miệt vườn" ấy chính tên là tổ 1, khu vực 1, phường Ghềnh Ráng, quen gọi là xóm vườn khu Bãi Xép, nằm ngay trên con đường Quy Nhơn - Sông Cầu.

Xóm vườn ngày một đông thêm

Trước mặt là biển, sau lưng là núi, giữa là những vùng cây trái đang lên xanh. Tôi đến xóm trên bãi Xép một ngày tháng Chạp. Mới từ đường Quy Nhơn - Sông Cầu tạt lên phía núi, đã thấy lô nhô những mái nhà sau những tán cây. Đi thêm vài trăm mét vào sâu phía trong, chạm mặt những vườn cây trái. Những trái mãng cầu đủ chín, chờ tay người hái, lúc lỉu trên những thân cây vừa ngang tầm với, mọc chen giữa những khối đá núi ngổn ngang trên mặt đất. Nhìn đất, nhìn vườn, nhìn những cây trái đang xanh, tự dưng thấy cảm động khi nghĩ đến công sức phải đổ ra của những người đầu tiên khai phá.

* Mãng cầu trái vụ

Chị Nguyễn Thị Tuyết đang lúi húi bên những gốc mãng cầu trĩu quả, hẳn chừng đang tính thời gian thu hoạch Tết. Nghe tôi hỏi về tình hình cây trái năm nay, chị Tuyết xuýt xoa: "Năm nay, bị ảnh hưởng của cơn bão số 2, mãng cầu già rớt đi một số, nếu không thu hoạch sẽ rất khá". Theo nhẩm tính của chị, với thời giá trung bình khoảng hơn 20.000 đồng/kg bán tại vườn, tính cả hai vụ, với 2 ha đất rẫy, hàng vài chục gốc mãng cầu, gia đình chị đều đều mỗi năm thu nhập từ 30 đến 50 triệu đồng. Chị nói: "Hai, ba năm trước, với mức thu nhập như thế này, gia đình tôi cũng vào loại nhất của xóm. Nhưng năm nay, do có một số cây mãng cầu trồng từ những năm 1993, 1994 đã lão hóa, phải trồng lại nên thu hoạch tụt xuống, chỉ vào loại khá mà thôi".

Chị Tuyết cho biết, lúc mới trồng, một năm mãng cầu chỉ cho một vụ vào tháng 4 âm lịch. Rồi một lần, người dân ở đây bắt đầu nhận thấy, cữ tháng 11, những cây mãng cầu trong vườn bắt đầu rụng lá. Họ bèn nghĩ ra cách bứt hết những lá mãng cầu, "ép" cây ra thêm một vụ vào dịp Tết. Người nọ mách người kia và bây giờ thì cả hàng trăm ha mãng cầu xóm trên đều đều mỗi năm ra hai lứa quả. Trong đó, vụ Tết, tiếng là vụ "ép" nhưng đây mới là vụ cho thu nhập chính, vụ hốt bạc. "Vụ tháng 4, mãng cầu ra trái tốt ghê lắm, nhưng do có nguồn trái cây từ miền Nam ra, nên dù mãng cầu của mình tươi hơn, cũng ngon không kém nhưng giá không cao. Chỉ có đến Tết, mãng cầu xóm này độc quyền, có giá hơn. Nếu tháng 4, cỡ 20.000 đồng/kg mãng cầu loại ngon thì Tết năm ngoái, bán được hai mấy, ba chục ngàn đồng".

Bên hiên nhà, tôi gặp anh Lâm Văn Em, Tổ trưởng Tổ an ninh nhân dân, cũng vừa đi thăm vườn về. Anh Em cho biết, anh cũng có 1,5 ha rẫy, trồng cả xoài, cả mãng cầu. Theo anh Em, xóm trên này có 21 hộ thì hầu như hộ nào cũng có vườn. Trung bình mỗi hộ có từ 1 đến 3 ha vườn, chủ yếu trồng mãng cầu, xoài và thêm một số cây trái khác như dứa, mì, chuối, dừa xiêm… nhưng hiện tại, thu nhập chủ yếu vẫn là từ mãng cầu.

* Nhớ công người chăm bón

Một trong những người đầu tiên có công ươm mầm cho những vườn cây trái lên xanh là cụ Nguyễn Kiểm, bố chồng chị Tuyết. Nguyên cụ Kiểm là dân Ghềnh Ráng, sau năm 1980, khi có chủ trương đi kinh tế mới, cụ mới cùng cả gia đình dời vào đây, khi đó hãy còn là chốn góc bể chân mây. Cả khu này ngày đó mới chỉ có dăm, ba nóc nhà. Muốn vào thành phố, hoặc phải cuốc bộ, bươn qua những dốc núi lởm chởm, hoặc bám đò sóng dập bầm mình. Những ngày ấy, căn nhà tranh vách đất của cụ Kiểm, heo rừng còn xuống cà vào vách, phá vườn, phá rẫy. Rồi dần dần, xóm đông đúc lên, người từ Phù Mỹ vào, kẻ ở Tây Sơn xuống, tụ lại mà thành. Người ta gọi đây là xóm vườn, ý chừng là để phân biệt với xóm biển, tức khu Bãi Xép vốn phồn thịnh với nghề biển.

Nhưng trước khi chưa có con đường mới Quy Nhơn - Sông Cầu, xóm vườn tuy mang tiếng trồng cây này, quả nọ, nhưng cũng chỉ mang tính chất là nghề phụ. Còn để mang ra đến thị trường lại cũng mất cả buổi trời, lại thêm tiền đò. Từ ngày có đường mới, hàng hóa ra thị trường gần hơn, thậm chí vào mùa, không cần đi đâu xa, đã có xe vào tận vườn mua sỉ. Cây trái có giá và những mảnh vườn được đầu tư nhiều hơn, trở thành nguồn thu chính cho các hộ dân trong xóm.

Anh Phạm Mai Hùng đang chăm sóc mãng cầu và dừa xiêm

Để có những tán mãng cầu, xoài, rồi cả dừa xiêm đang xanh như hiện tại là cả một quá trình khai phá. Đầu tiên, phải dỡ những mảnh vườn tạp lô nhô đá, để ươm cho được những gốc mãng cầu, xoài. Nhưng cái khó nhất là chuyện nước tưới. Còn nhớ, lần đầu tiên lên xóm vườn, tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy những đường ống dẫn nước đen ngòm, loằng ngoằng như rắn, men theo con đường dẫn vào xóm. Hóa ra, để có nước tưới cây và phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, người xóm vườn phải dẫn nước suối từ chóp núi hòn Đụng về bằng ống nhựa. Những hộ gia đình có vườn gần nhất cũng tính bằng cả cây số, riêng tiền đường ống không thôi đã tính bằng tiền triệu. Những khi cần lắp đường ống nước, các hộ trong tổ phải vần công cho nhau mới làm nổi. Cực nhất là những khi đường ống bị bục, phải đi thăm ống từ 6 giờ sáng lên đến 2, 3 giờ chiều mới đến nơi, mang cả cơm theo.

Có đường ống nước, tức là có điện. Không có điện lưới quốc gia, những hộ dân nơi đây đã mua những máy thủy điện nhỏ về chạy với giá từ vài trăm ngàn đến hơn một triệu, vừa để chạy máy bơm tưới cây, vừa phục vụ sinh hoạt. "Chỉ khổ một cái là dùng cho mục đích này thì thôi mục đích kia. Nhất là vào mùa khô, nước không đủ chạy máy. Ngày khu bãi Xép có điện, chúng tôi đã khấp khởi mừng thầm. Đường điện đã chạy ngang qua trước mắt mình, vậy mà xóm trên này mãi vẫn chưa có. Đây là mong ước lớn nhất của cư dân vườn tụi tôi hiện tại" - anh Em nói.

* Ấp ủ cho những dự định

Anh Phạm Mai Hùng, một chủ hộ khác, vốn đã thử nghiệm với nhiều loại cây trên mảnh đất này, phân tích: "Trồng mãng cầu tưởng vậy chứ cũng chả dễ ăn đâu. Thứ nhất là nó đòi hỏi chăm sóc rất dữ. Này nhé, cứ tính đổ đồng một cây mãng cầu phải một kg phân, rồi thuốc trừ rầy nữa. Chỉ nội việc đi phun thuốc chống rầy không đã đủ xây xẩm mặt mày. Mùa này chứ mùa khô thì còn phải lo chuyện nước. Bấy nhiêu đó đã mệt". Tôi hỏi: "Vậy tại sao mình không thuê nhân công hay làm tổ đổi công cho đỡ vất vả?". Anh Hùng lắc đầu quầy quậy: "Cậu tính, mình cứ ngồi không mà thuê nhân công ư? Mà cho dù có thuê thì cái tính nhà nông cậu cũng biết rồi đấy, người ta làm tốt mấy mình cũng chẳng thể ưng cái bụng. Ngay việc đơn giản nhất là thuê tuốt lá cũng vậy. Cây trái của mình chỉ có mình tuốt là mới yên lòng được thôi".

Ấy là anh Hùng đang giải thích cho tôi cái lý do vì sao anh là người đi đầu ở xóm trên bắt đầu chuyển hướng từ trồng mãng cầu sang dừa xiêm. Từ hai cây dừa xiêm được bà chị mang ra từ quê (Tam Quan - Hoài Nhơn) vào cho mấy năm trước, cây ra được quả nào anh ươm quả đó làm giống, đến nay, rẫy của anh Hùng đã có 150 cây dừa xiêm (chưa tính những cây con), trong đó, có 50 cây đã cho thu hoạch. Anh Hùng so sánh: "Dừa xiêm vừa đỡ công chăm bón mà thu nhập cũng khá. Tôi tính, mình chỉ cần trồng cỡ 150 đến 200 cây dừa xiêm, trung bình ngày nào cũng thu hoạch được cỡ 3 buồng dừa, với mức giá khoảng 3.000 đồng/trái thì thu nhập đâu kém mãng cầu. Hơn nữa, tôi nghĩ tuổi của mình cùng đã khá rồi, sức vóc con người đâu có mạnh mãi được. Mãng cầu thì công chăm sóc của nó lớn lắm, chỉ có trồng dừa xiêm là đỡ vất vả hơn thôi".

Giáp Tết, có dịp đến xóm vườn, bạn sẽ chứng kiến không khí đông đúc, náo nhiệt. Những chuyến xe của các thương lái từ Quy Nhơn vào mua mãng cầu, những chiếc xe máy của người xóm vườn mang mãng cầu từ vườn nhà bỏ thẳng cho những hàng trái cây. "Bỏ sạp với bán sỉ chênh nhau cỡ 1.000 đến 2.000 đồng/kg thôi. Nhưng mình là dân lao động, kiếm thêm được đồng nào hay đồng đó, cũng cố mà mang ra bán tận ngọn" - một lão bà giải thích vậy.

. L.V.T

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Công an tỉnh: Tăng cường công tác đảm bảo ATGT trong dịp Tết  (14/01/2005)
An Lão: Trạm y tế thiếu thốn, người được BHYT thiệt thòi   (14/01/2005)
Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi: Năm đầu đáng khích lệ  (13/01/2005)
An toàn bức xạ X-quang: Nỗi lo từ những phòng chụp X-quang không đủ tiêu chuẩn   (13/01/2005)
2005 - năm hội tụ những ngày lịch sử vẻ vang của dân tộc ta  (12/01/2005)
Những tổ chức cộng sản đầu tiên ở Bình Định  (12/01/2005)
Nỗi lo về mũ bảo hiểm  (12/01/2005)
Chuyển trường mầm non công lập sang bán công: Khó khăn vẫn còn nhiều  (11/01/2005)
Những lối thoát của nghề tiện   (10/01/2005)
Rau giữa dòng Kôn   (10/01/2005)
Sinh viên Đại học Quy Nhơn với các phong trào học tập, rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp   (10/01/2005)
Đồng hành cùng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn   (07/01/2005)
Chuẩn bị đón Tết trên công trường   (07/01/2005)
Góp phần giữ gìn kỷ luật của Đảng  (06/01/2005)
Chuyện "mới" ở Quy Nhơn: Công chức sinh con thứ ba  (06/01/2005)