Hôm nhà chị Đinh Thị Đông, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Canh Liên huyện Vân Canh thu hoạch đậu phụng, chị em trong làng đến học hỏi cách trồng đậu khá đông vì loại cây này mới được trồng trên đất Canh Liên.
|
Chị em dân tộc thiểu số huyện Vân Canh trao đổi kinh nghiệm làm kinh tế gia đình |
Năm 2002 được Ủy ban Dân tộc - Miền núi tỉnh hỗ trợ cho Canh Liên 300 kg giống đậu phụng cao sản, 500kg lúa giống mới cho 20 hộ trồng thí điểm. Được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, 20 hộ đã trồng đậu phụng cho năng suất cao, tiêu thụ lại dễ.
Đến nay, nhiều hộ nông dân nói chung và phụ nữ Canh Liên nói riêng đã tích cực tham dự tập huấn, dự các lớp chuyển giao kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi. Dần dần chị em phụ nữ Canh Liên đã thay đổi cách nghĩ, cách làm kinh tế gia đình đạt hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như chị Đinh Thị Hải, Đinh Thị Đông, Đinh Thị Lúi, Đinh Thị Hạnh.
Chị Đinh Thị Bích Liên, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ xã nay là Phó Chủ tịch UBND xã tâm sự: "Chị em phụ nữ xã Canh Liên nay đã tiến bộ rồi, không còn lạc hậu như trước nữa". Toàn xã có 1.637 phụ nữ là người dân tộc Ba na. Trong 2 cuộc kháng chiến, nơi đây là căn cứ địa cách mạng, chị em đóng góp rất nhiều cho cách mạng nhưng cũng chịu rất nhiều thiệt thòi trong cuộc sống vì đường sá đi lại khó khăn, hầu như chị em chỉ quanh quẩn trong cái làng của mình, không được học cái chữ; sản xuất tự cung tự cấp... Khi giải phóng rất nhiều chị không biết nói tiếng phổ thông, thậm chí không biết sử dụng tiền khi đi chợ, cuộc sống vô vàn khó khăn. Được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước về nhiều mặt: mở đường giao thông, đưa điện về làng, xây dựng hệ thống nước sạch, hướng dẫn cách làm kinh tế… cuộc sống của bà con nơi đây đã có nhiều khởi sắc từ đó nhận thức của chị em cũng được nâng lên dần.
Chị em tích cực đi học để xóa mù chữ, hơn 100 chị đã đọc thông viết thạo, trong đó có nhiều chị tham gia vào các chức vụ lãnh đạo Đảng, chính quyền, hội, đoàn thể từ làng đến xã. Nhờ học được cái chữ, biết cách làm kinh tế, chị em mạnh dạn chăn nuôi bò, tận dụng đồng cỏ tự nhiên rộng lớn. Chị em trồng lúa nước không những đủ ăn mà còn có để bán. Chị em lại đào ao nuôi cá nước ngọt tự túc nguồn thực phẩm tươi cho bữa ăn hàng ngày. Toàn xã có hơn 2.000 con bò, riêng làng Hà Giao có 500 con, trung bình mỗi hộ có 5-10 con. Thiếu vốn, chị em lại mạnh dạn xin vay vốn để phát triển chăn nuôi bò. Ban đầu mỗi chị chỉ dám vay từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng để mua thêm bò về thả chung với đàn bò của gia đình, chỉ sau vài tháng thấy có lãi, chị em mạnh dạn đề nghị được vay thêm. Đến nay đã có 42 chị được vay vốn phát triển chăn nuôi bò với số tiền 226 triệu đồng.
Công cuộc vượt nghèo của chị em ở Canh Liên mới chỉ là bước đầu, phía trước vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm của chị em cộng với sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ các cấp; sự quan tâm của Đảng và Nhà nước hy vọng cuộc sống của chị em xã vùng cao này sẽ tiếp tục thay đổi mạnh mẽ.
. Hạnh Phúc |