Kiếm sống nơi phố phường
9:41', 18/1/ 2005 (GMT+7)

Ở Quy Nhơn, có thể kể ra rất nhiều nghề kiếm sống trên hè phố: đánh giày, bán báo, bán hàng rong, thu mua ve chai, đi cân dạo…Trong số đó nghề nhiều vốn nhất là đi cân dạo (trên 20 triệu đồng), còn lại chỉ cần bỏ ra ít vốn là đủ. Với họ, phương tiện di chuyển hành nghề hầu như chỉ là đôi chân…

* Mỗi người mỗi cảnh

Cân điện tử là một trong những nghề cần vốn nhiều nhất

Trong những đội quân đi bán báo dạo, bán vé số, đánh giày và bán móc khóa, hộp quẹt ga hay đi thu mua ve chai…, phụ nữ và trẻ em chiếm hầu hết. Trong đó, trẻ em chủ yếu đi bán vé số, đánh giày và bán báo. Bé Ngô Anh Hiếu đang học lớp 2 Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, người nhỏ thó, đi học một buổi, một buổi đi bán vé số. Nhà Hiếu ở Chợ Bàu (khu vực Bàu Sen, Quy Nhơn), ba làm nghề bốc vác, mẹ bán chuối chiên, hai chị em Hiếu phải vừa đi học vừa đi bán vé số kiếm thêm tiền. Cậu bé kể: "Một ngày cháu bán được khoảng 60 tờ, kiếm được 12.000 đồng. Được bao nhiêu cháu đưa mẹ hết". "Mới học lớp hai, làm sao tính thạo mà thối tiền cho người ta?"- tôi hỏi. "Thì người mua tính hộ cháu. Hồi giờ cháu chưa bị ai giật vé số hết" - cậu bé cười lỏn lẻn, nhe hàm răng sún rất dễ thương. Còn Trung, 18 tuổi, quê ở Thanh Hóa, vào Quy Nhơn đánh giày đã gần 3 năm nay, kể chuyện: "Em đi đánh giày từ năm 12 tuổi, lên Tây Nguyên rồi đi vào các tỉnh miền Nam kiếm sống. Đất Quy Nhơn sống được nên em trụ lại đây. Mỗi tháng em gởi về quê 300.000-400.000 đồng để nuôi các em".

Phần đông phụ nữ đi làm nghề thu mua ve chai đều là dân các huyện trong tỉnh đổ về. Khi ở quê mùa vụ xong, họ vào Quy Nhơn đi mua bán, kiếm thêm đồng lời, ngày kiếm trung bình vài chục ngàn đồng. Bà Bốn Thắm quê ở xã Cát Tiến (Phù Cát) kể: "Hai mẹ con tôi cùng với mấy người nữa thuê nhà ở chung. Đi mua ve chai, đôi khi còn được chủ nhà cho quần áo cũ, tôi đem về quê cho mấy đứa cháu bận, chúng mừng lắm. Hôm rồi có một bà cho tôi nguyên cả bộ bà ba thêu còn mới thật đẹp, tôi để dành đến Tết mặc".

Vài ba năm trở lại đây, ở Quy Nhơn xuất hiện thêm những người chuyên bán hàng rong, trên vai họ là cả một sạp hàng di động nặng chừng trên 5 kg từ quẹt gas, ngoáy tai, kính đeo mắt đến băng đĩa nhạc… Hầu hết đều là người dân ngoài tỉnh. Ban ngày, họ đi bán khắp đường phố, tối mới về ngủ trọ ở đường Đống Đa. Cô gái tên Thuận (quê Sơn Tịnh - Quảng Ngãi), đã sắp đến ngày sinh vẫn hàng ngày rong ruổi trên những tuyến đường, nói: "Bọn tôi thuê nguyên cả nhà, ngủ ở tầng trên mấy chục người. Một đêm ngủ, chủ nhà lấy 2.500 đồng. Bọn tôi không cho người lạ vào sống cùng đâu, bởi ai cũng mang nhiều hàng hóa, người quen mới tin tưởng nhau được thôi. Trước đây, tôi kiếm khá lắm, nhưng giờ người bán nhiều, cạnh tranh nhau, kiếm mỗi ngày 20.000 đồng là đã mừng lắm rồi".

* Chuyện buồn, vui...

Nhiều người già cũng tham gia vào đội quân bán vé số, bán báo

Chị Năm, 45 tuổi quê ở huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) đi bán hàng rong, chép miệng: "Một ngày mười mấy tiếng phơi nắng đi bộ, da dẻ cứ sạm cả lại. Mình già rồi không sao, chỉ tội cho mấy đứa con gái chưa chồng, vai chai sần vì đeo hàng, da dẻ thì đen nhẻm. Mình cố làm để cho con đi học đại học, nay mai nó có công việc làm khá hơn. Mỗi tháng chị dành dụm gởi về nhà chừng 500.000 đồng để nuôi bốn đứa con. Có hôm đang đi, chị bị bọn trẻ giật mất mấy bật lửa đắt tiền, coi như cả tuần đi làm không công. Còn Hằng, 15 tuổi, ở khu vực 6 phường Lê Hồng Phong (Quy Nhơn), kinh nghiệm từ những lần bị giật mất vé số đã dạy cô bé rằng: đừng bao giờ rời tay khỏi tập vé số.

Gia đình chị Hoàng Thị N. (nhà ở trong hẻm đường Diên Hồng, Quy Nhơn) khá lên bắt đầu từ gánh ve chai của chị. Mới đầu vợ chồng chị ở nhà thuê, rồi mua được căn nhà khá rộng trong hẻm, xây nhà cho sinh viên thuê, tháng kiếm gần triệu bạc. Còn mới đây, trong giới trẻ đánh giày, giấc mơ được tiếp tục học của cô bé Đari đã trở thành hiện thực khi được một Việt kiều tài trợ tiền và hứa giúp đỡ cho đến khi cô bé học xong đại học. Đari đã nghỉ đánh giày để tập trung vào việc học hơn.

Những ngày giáp Tết này, dường như số người bán hàng trên phố đã có phần biến động. Một số đã nghỉ làm, về quê lo công việc trong nhà nhưng cũng có người kiên trì "bám trụ" đến ngày cuối cùng của năm, thậm chí qua cả năm mới. Với họ, gia đình đón Tết có "xôm" hay không là nhờ vào những ngày làm ăn được vào dịp cuối năm.

. Thu Hà

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Phát triển nguồn nhân lực cho CNTT: Đa dạng hóa các loại hình đào tạo  (17/01/2005)
Phụ nữ Canh Liên đã tiến bộ rồi  (17/01/2005)
"Miệt vườn" trong thành phố  (16/01/2005)
Công an tỉnh: Tăng cường công tác đảm bảo ATGT trong dịp Tết  (14/01/2005)
An Lão: Trạm y tế thiếu thốn, người được BHYT thiệt thòi   (14/01/2005)
Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi: Năm đầu đáng khích lệ  (13/01/2005)
An toàn bức xạ X-quang: Nỗi lo từ những phòng chụp X-quang không đủ tiêu chuẩn   (13/01/2005)
2005 - năm hội tụ những ngày lịch sử vẻ vang của dân tộc ta  (12/01/2005)
Những tổ chức cộng sản đầu tiên ở Bình Định  (12/01/2005)
Nỗi lo về mũ bảo hiểm  (12/01/2005)
Chuyển trường mầm non công lập sang bán công: Khó khăn vẫn còn nhiều  (11/01/2005)
Những lối thoát của nghề tiện   (10/01/2005)
Rau giữa dòng Kôn   (10/01/2005)
Sinh viên Đại học Quy Nhơn với các phong trào học tập, rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp   (10/01/2005)
Đồng hành cùng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn   (07/01/2005)