Cần lắm những tấm lòng nhân ái
10:8', 19/1/ 2005 (GMT+7)

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Định (TTBTXH) đã là tổ ấm cho hàng trăm con người cơ nhỡ từ 10 năm qua. Ở đây họ còn thiếu thốn rất nhiều thứ, chỉ trừ một thứ vô cùng quý báu mà họ không thiếu đó là TÌNH THƯƠNG. Chỉ có tình thương mới giúp cho những người làm việc ở đây vượt qua tất cả khó khăn, đem hết tâm huyết để san sẻ với bao cảnh đời nghiệt ngã; và cũng chỉ có tình thương mới giúp cho bao phận người ở đây tìm thấy những tia hy vọng của cuộc sống. Họ cần lắm những tấm lòng nhân ái.

* Những phận người xót xa

Câu lạc bộ Nhà báo nữ Bình Định thăm và tặng quà cho các trại viên

Khi Trung tâm chính thức thành lập được 3 tháng (1994), vào một tối cuối đông trời se lạnh, nhân viên bảo vệ nghe tiếng khóc của trẻ thơ trước cổng và phát hiện một cháu bé độ 2 tuổi, quấn trong một bọc vải. Đứa bé tàn tật cả tứ chi, đang rét mướt, da thâm đen và nhăn nheo này đã được TTBTXH mang vào chăm sóc. Đó là cháu Nguyễn Văn Lượng, đã mười năm nay sống trong vòng tay bảo bọc của Trung tâm. Giống như cháu Lượng, cháu Hoàng nằm liệt trên giường, mắt ngờ nghệch nhìn một cách vô hồn, tay chân không động đậy; nhưng là một sự sống, một con người nên Trung tâm đã đưa vào diện chăm sóc đặc biệt. Cháu Hoàng bị bại não bẩm sinh, cha chết sớm, mẹ lấy chồng và giao đứa con tật nguyền cho ông nội già yếu, tuổi gần 80. Không nuôi được cháu, ông nội đành nhờ chính quyền xã Tây Giang (Tây Sơn) làm thủ tục xin vào TTBTXH. Một cháu khác khiếm khuyết các bàn tay, bàn chân bị cha mẹ bỏ rơi ở bệnh viện khi còn đỏ hỏn. Hành trang của cháu đến với Trung tâm là mấy bộ áo quần sơ sinh, một trăm nghìn đồng, một bức thư vắn tắt mong bệnh viện chuyển cháu đến trại trẻ mồ côi và đặt tên cho cháu là Trần Văn Lạc. Không hiểu người mẹ, người cha của cháu Lạc có biết rằng cháu đã phải vật lộn với những nỗi bất hạnh khủng khiếp để sống và để làm người!

Hiện TTBTXH đang có 20 cháu bé mồ côi bị khuyết tật bẩm sinh, đều là 20 cảnh đời nghiệt ngã. Trước khi vào Trung tâm các cháu thiếu gần như tất cả, ngay cái tên nhiều cháu cũng không có. Nhiều trường hợp tên của các cháu được Trung tâm đặt cho, dựa vào địa điểm nơi cháu bé bị bỏ rơi. Cháu Đặng Cát Tân (5 tuổi) là bé gái bị bại não, cha mẹ bỏ rơi ở xã Cát Tân, huyện Phù Cát từ lúc khoảng 2 tuổi. Hiện cháu Tân tập đi lại được, nhưng hai mắt bị mờ và trông cậy rất nhiều vào sự phục vụ của các cô bảo mẫu. Hoặc trường hợp của cháu Bùi Long Khánh (5 tuổi) bị bại não bẩm sinh, da tím tái và nhăn nhúm như người già. Cháu bị cha mẹ bỏ trước cổng chùa Long Khánh (Quy Nhơn), được Hội Tin học trẻ phát hiện, đưa vào Trung tâm. Dù được cứu chữa tận tình, nhưng cháu Khánh không qua khỏi sau 2 tháng chăm sóc ở bệnh viện. Còn lại 57 trẻ em mồ côi khác, tuy lành lặn, nhưng tâm, sinh lý các cháu không thể phát triển bình thường như bao đứa trẻ trong gia đình hạnh phúc. Sự khao khát được gọi hai tiếng "cha, mẹ" luôn thường trực trong lòng các cháu.

Các cô bảo mẫu chăm sóc trẻ mồ côi khuyết tật trong bữa ăn

Người tàn tật được đưa vào chăm sóc ở TTBTXH phần lớn là người neo đơn, không tự bươn chải sinh sống. Trong số 33 người tàn tật hiện có ở Trung tâm, có đến 1/3 không tự phục vụ được. Vợ chồng ông Nguyễn Văn Mỹ (62 tuổi, mù mắt, sức khỏe suy kiệt) và bà Nguyễn Thị Quý (62 tuổi, khuyết tật tay, chân) đang sống rất khó khăn trong sinh hoạt thường ngày, họ cố nương nhờ nhau, nhưng chủ yếu là nhờ sự giúp đỡ của các nhân viên y tế, hộ lý và giáo dưỡng. Các cụ già cô đơn đến với Trung tâm từ nhiều hoàn cảnh éo le. Phần lớn là do các cụ nghèo khổ và không có nơi nương tựa; một ít do bất đồng với con cái và con cái đang rất khó khăn về kinh tế... Do cuộc sống trước đây rất kham khổ, nên nhiều cụ suy dinh dưỡng, gầy da bọc xương, mang nhiều thứ bệnh và nhất là mang chứng lú lẫn của người già, không kiểm soát được hành vi. Tất cả 156 trại viên đang có mặt tại TTBTXH hiện nay, dù sơ sinh hay già yếu, dù mạnh khỏe hay tàn phế,… cũng đều là những số phận kém may mắn, họ cần có sự thông cảm và giúp đỡ.

* Một mái ấm tình thương

Khó có thể nói được mức sống của những trại viên ở TTBTXH bao nhiêu gọi là đủ, là tốt, bởi chế độ trợ cấp của Nhà nước nơi nào cũng như nhau. Tuy nhiên, để tạo được cuộc sống của trại viên ngày một bình ổn là việc làm đầy vất vả và trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ và nhân viên của Trung tâm. Theo tiêu chuẩn trợ cấp của Nhà nước thì mức sống và sinh hoạt phí của mỗi cháu dưới 18 tháng tuổi là 200.000 đồng/tháng, các đối tượng còn lại 150.000 đồng/tháng. Các trại viên được cấp phát quần áo, đồ dùng sinh hoạt; các cháu trong độ tuổi đi học được trang bị dụng cụ học tập như một học sinh ở cộng đồng. Để bù đắp thêm, Trung tâm huy động nguồn từ thiện ngày một tăng, năm 2003 giá trị quà và tiền mặt nguồn từ thiện là 67,9 triệu đồng, năm 2004 con số này là 116,4 triệu đồng.

Các trại viên học nghề may tại Trung tâm

Quan trọng hơn cả là Trung tâm đã có những hoạch định lâu dài cho từng đối tượng, nhất là các trẻ mồ côi. Ông Nguyễn Thanh Châu - Giám đốc TTBTXH cho biết: "Đối với trẻ mồ côi có thể chất phát triển bình thường thì nhiệm vụ của Trung tâm không phải chỉ là nuôi nấng các cháu đến tuổi trưởng thành, mà còn chuẩn bị cho các cháu vào đời như thế nào. Phải hướng nghiệp từ đầu  cho các cháu tùy theo năng lực và nguyện vọng của từng cháu". Đối với những cháu có khả năng học tập, Trung tâm lo cho ăn học đến nơi đến chốn. Ở Trung tâm có cháu Trương Hồng Sơn đang là sinh viên năm thứ tư Trường Đại học Thủy sản Nha Trang, được nhà doanh nghiệp Huỳnh Phi Dũng tài trợ chi phí học tập. Hoặc cháu Lê Ngọc Diệp (sinh 1984, Ân Tín, Hoài Ân), đang là sinh viên năm thứ ba Trường Cao đẳng sư phạm Quy Nhơn, suốt các năm học luôn đạt học lực tiên tiến. Dù hai cháu Sơn và Diệp đã trưởng thành, nhưng các cháu vẫn xem Trung tâm là nhà, hè và Tết các cháu lại trở về với Trung tâm. Đối với những cháu có học lực trung bình, Trung tâm khuyến khích các cháu học hết cấp 2; các cháu từ 17 tuổi trở lên cho theo học các nghề ngắn hạn, và dưới 17 tuổi thì tham gia học các lớp dài hạn. Các trường hợp cá biệt, các cháu không học nổi cấp 2 thì Trung tâm cho học các nghề phổ thông như may mặc, gò hàn, cắt tóc, sửa xe... Cốt yếu là Trung tâm muốn cho tất cả các cháu mồ côi như những đứa con của mình vào đời một cách có ích.

TTBTXH đã là một đại gia đình, trong đó đã có những gia đình thành viên. Vợ chồng cụ A Liễu (67 tuổi, bị cụt một chân) và Nguyễn Thị Hạnh (53 tuổi, khuyết tật tay, chân bẩm sinh); hoặc vợ chồng cụ Võ Gặp (66 tuổi, cụt hai chân) và Phan Thị Tập (62 tuổi, mù hai mắt)… họ đã nương tựa nhau trong cuộc sống và có sự giúp đỡ của các thành viên khác trong đại gia đình để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt hơn là vợ chồng người cao tuổi neo đơn, cụ ông Lê Thái đã 98 tuổi và cụ bà Lê Thị Lai 92 tuổi, quê ở Nhơn Khánh, An Nhơn sống được là nhờ Trung tâm nuôi dưỡng 8 năm nay bằng chế độ chăm sóc y tế đặc biệt.

* Có những tấm lòng nhân ái

Đến với TTBTXH chúng ta mới thấy hết tấm lòng nhân ái nó cao quý biết nhường nào. Với mức lương bình quân 700.000 đồng/tháng/người, 15 cán bộ viên chức của Trung tâm gặp nhiều khó khăn về kinh tế gia đình, nhưng chưa ai có ý định bỏ việc. Khó mà liệt kê hết những công việc vất vả thường ngày của các cán bộ quản lý và giáo dưỡng ở Trung tâm này. Đến khu nhà chăm sóc trẻ mồ côi khuyết tật, chúng ta mới tận mắt thấy được những cực nhọc của các cô bảo mẫu. Những trẻ em quặt quẹo, không nhận biết hành vi, tiêu tiểu tùy tiện... nên công việc dọn rửa là thường xuyên. Nhiều cháu không tự ăn được nên các bảo mẫu phải đút, có trường hợp kéo dài bữa ăn đến hàng giờ, có trường hợp cá biệt khi ăn không nuốt được (bại não), phải xông (bơm) thức ăn vào thực quản. Ban đêm những người trực, khó lòng chợp mắt được vì sự quấy nhiễu (bệnh lý) của các cháu. Khó khăn hơn cả là phải chăm sóc những người già đã lẫn và những người tàn tật ở mức không tự vận động được; các giáo dưỡng phục vụ tất tần tật các khâu, họ phải dọn dẹp những chất dơ bẩn, hôi thối và phải tắm giặt thường xuyên cho người bệnh. Chăm sóc cho những người thiểu năng trí tuệ, hoặc tâm thần dạng nhẹ là những việc làm đầy khó khăn, nếu không biết kiềm nén, thông cảm và lòng thương yêu thật sự thì không thể nào phục vụ được đối tượng này.

Nhờ sự chăm sóc tận tình và chu đáo của Trung tâm, nên nhiều trại viên khi có điều kiện sinh sống ở ngoài họ vẫn không muốn rời xa Trung tâm. Nhiều cháu bé kiên quyết không chịu làm con nuôi những gia đình giàu có. Có trường hợp cháu bé đã về sống với cha mẹ nuôi, nhưng được vài hôm lại trốn về với Trung tâm, vì: "Nhớ các cô chú ở đây quá!".

Tuy nhiên, hiện nay đang có nhiều ý kiến cho rằng cần nên vận động "Chăm sóc thay thế". Có nghĩa là các trại viên được các tổ chức, cá nhân nhận chăm sóc, có sự hỗ trợ của Nhà nước, tạo điều kiện để các trại viên tiếp xúc nhiều hơn với cộng đồng. Nhà nước cũng đã có chủ trương vận động những người thân thích nhận nuôi các trại viên (có sự hỗ trợ của Nhà nước). Tất cả những ý tưởng trên đều mong muốn đem lại cuộc sống tốt hơn cho các số phận kém may mắn; chỉ có điều sống ở môi trường nào họ cũng cần những tấm lòng nhân ái.

. Ngọc Diên

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bí thư chi bộ làm kinh tế giỏi  (18/01/2005)
Kiếm sống nơi phố phường  (18/01/2005)
Phát triển nguồn nhân lực cho CNTT: Đa dạng hóa các loại hình đào tạo  (17/01/2005)
Phụ nữ Canh Liên đã tiến bộ rồi  (17/01/2005)
"Miệt vườn" trong thành phố  (16/01/2005)
Công an tỉnh: Tăng cường công tác đảm bảo ATGT trong dịp Tết  (14/01/2005)
An Lão: Trạm y tế thiếu thốn, người được BHYT thiệt thòi   (14/01/2005)
Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi: Năm đầu đáng khích lệ  (13/01/2005)
An toàn bức xạ X-quang: Nỗi lo từ những phòng chụp X-quang không đủ tiêu chuẩn   (13/01/2005)
2005 - năm hội tụ những ngày lịch sử vẻ vang của dân tộc ta  (12/01/2005)
Những tổ chức cộng sản đầu tiên ở Bình Định  (12/01/2005)
Nỗi lo về mũ bảo hiểm  (12/01/2005)
Chuyển trường mầm non công lập sang bán công: Khó khăn vẫn còn nhiều  (11/01/2005)
Những lối thoát của nghề tiện   (10/01/2005)
Rau giữa dòng Kôn   (10/01/2005)