Hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2):
Đồng chí Lê Xuân Trứ - Bí thư chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh
14:49', 19/1/ 2005 (GMT+7)

Đồng chí Lê Xuân Trứ (Trữ) sinh năm 1899 tại làng Thọ Lộc, xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình nông dân nghèo.

Di ảnh đồng chí Lê Xuân Trứ

Sinh ra và lớn lên trên quê hương có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng. Sau thời gian ở quê nhà, đồng chí thoát ly vào học ở Trường Kỹ nghệ thực hành Huế (Lecolepratique), đến năm 1928 gia nhập tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng. Đến năm 1930, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và hoạt động ở cơ quan Xứ ủy Trung Kỳ, lúc bấy giờ đóng ở Hội An (Quảng Nam), sau đó ông chuyển vào làm công nhân Nhà máy Đèn Quy Nhơn (Bình Định). Năm 1930, chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bình Định được thành lập ở Nhà máy Đèn, lúc đầu có 5 đảng viên do đồng chí Lê Xuân Trứ làm Bí thư. Trong thời gian đầu, chi bộ Nhà máy Đèn móc nối liên lạc với Xứ ủy Trung Kỳ, tăng cường mở rộng và phát triển đảng viên, thành lập chi bộ mới.

Năm 1931-1933, đồng chí Lê Xuân Trứ bị bọn mật thám Pháp bắt giam ở nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị). Một số người bạn tù cùng bị giam với đồng chí kể lại rằng, ông là người tầm thước, nước da bánh mật, tính tình hiền lành, ít nói; đối xử với bạn bè và đồng chí rất tốt nhưng rất kiên quyết và bất khuất với kẻ thù. Mặc dù bị tù đày, bị tra tấn dã man nhưng chúng không thể khuất phục được ý chí sắt đá của một chiến sĩ cách mạng kiên trung. Ông là một tấm gương sáng về ý chí kiên cường và tinh thần cách mạng tuyệt vời đối với các chiến sĩ cách mạng bị tù đày.

Vào khoảng năm 1934-1935, sau khi ra tù, ông cùng với một số người lập xưởng cơ khí ở Vinh (Atelier Mecano) để chiêu mộ anh em tù chính trị và công nhân thất nghiệp vào làm. Trong khoảng thời gian năm 1935-1936, ông tham gia Mặt trận Bình Dân ở Vinh và các cuộc đình công của công nhân xe lửa ở Trường Thi. Năm 1935, ông xây dựng gia đình với bà Trần Thị Kim (tức Tiêu), quê ở xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình bần nông. Bà cũng tham gia cách mạng từ rất sớm, vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930, là Huyện ủy viên huyện Nghi Xuân năm 1930-1931. Bà tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, cầm cờ đỏ búa liềm dẫn đầu đoàn biểu tình kéo sang Vinh năm 1930-1931, sau đó hoạt động trong phong trào Bình Dân ở Vinh. Bà đã từng bị bắt ba lần: ở nhà giam Nghi Xuân, ở nhà lao thị xã Hà Tĩnh vào năm 1940, bị đày đi Nha Trang (Khánh Hòa) đến tháng 3-1945 được tha về. Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bà tiếp tục tham gia cách mạng và giữ những trọng trách quan trọng của tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An. Bà mất năm 1982 tại Hà Nội.

Ông, bà có một người con trai. Sau một thời gian chung sống ngắn ngủi, năm 1937, đồng chí Lê Xuân Trứ vào Nam hoạt động cách mạng, tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ. Cuộc khởi nghĩa thất bại, đồng chí bị kết án 10 năm tù và bị đày đi Côn Đảo. Ở Côn Đảo, đồng chí bị giam cùng khám với các đồng chí Nguyễn Côn, Nguyễn Văn Linh và Lê Duẩn. Năm 1941, đồng chí Lê Xuân Trứ hy sinh tại đây.

Ngày 8-5-1970, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký quyết định cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình đồng chí Lê Xuân Trứ để ghi nhận những cống hiến to lớn của đồng chí và gia đình cho phong trào cách mạng Việt Nam.

. Phan Thanh Nhất

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cần lắm những tấm lòng nhân ái   (19/01/2005)
Bí thư chi bộ làm kinh tế giỏi  (19/01/2005)
Kiếm sống nơi phố phường  (18/01/2005)
Phát triển nguồn nhân lực cho CNTT: Đa dạng hóa các loại hình đào tạo  (17/01/2005)
Phụ nữ Canh Liên đã tiến bộ rồi  (17/01/2005)
"Miệt vườn" trong thành phố  (16/01/2005)
Công an tỉnh: Tăng cường công tác đảm bảo ATGT trong dịp Tết  (14/01/2005)
An Lão: Trạm y tế thiếu thốn, người được BHYT thiệt thòi   (14/01/2005)
Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi: Năm đầu đáng khích lệ  (13/01/2005)
An toàn bức xạ X-quang: Nỗi lo từ những phòng chụp X-quang không đủ tiêu chuẩn   (13/01/2005)
2005 - năm hội tụ những ngày lịch sử vẻ vang của dân tộc ta  (12/01/2005)
Những tổ chức cộng sản đầu tiên ở Bình Định  (12/01/2005)
Nỗi lo về mũ bảo hiểm  (12/01/2005)
Chuyển trường mầm non công lập sang bán công: Khó khăn vẫn còn nhiều  (11/01/2005)
Những lối thoát của nghề tiện   (10/01/2005)