"Chảo lậu"- vừa cần vừa... cấn !
16:3', 20/1/ 2005 (GMT+7)

Cuối năm 2004, Sở VHTT kết hợp với các đơn vị liên quan đã tiến hành kiểm tra và phát hiện có 822 trường hợp người dân tự ý lắp đặt và sử dụng thiết bị thu chương trình truyền hình từ vệ tinh (TVRO). Hầu hết những đối tượng này đều không ý thức được rằng việc làm đó là vi phạm pháp luật.

* "Chảo lậu" tràn lan

Chảo thu của VTV được khuyến khích sử dụng

Hiện nay, một số vùng trên địa bàn Bình Định không thu được tín hiệu của Đài Truyền hình Bình Định, Truyền hình Việt Nam bằng ăng-ten thông thường. Để có thể xem được truyền hình, nhiều hộ dân đã tự mua, lắp đặt và sử dụng thiết bị TVRO vì "vừa rẻ, vừa rõ". Địa bàn sử dụng nhiều nhất là các xã ven biển thuộc 2 huyện Phù Mỹ (514 trường hợp), Phù Cát (274 trường hợp), các huyện Hoài Ân, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn, An Nhơn... ít nhiều đều có lắp đặt, sử dụng. Tuy nhiên so với con số đã phát hiện, con số thực tế chắc chắn sẽ cao hơn nhiều vì các thiết bị này khá nhỏ gọn, lại thường được đặt trên nóc nhà nên các cơ quan chức năng rất khó phát hiện.

TVRO là loại chảo thu đường kính 0,6m, chủ yếu do Trung Quốc sản xuất và nhập lậu vào Việt Nam có giá khoảng trên dưới 1 triệu đồng. TVRO có thể thu được một số kênh của Truyền hình Việt Nam và nước ngoài thuộc gói kênh chương trình Dream TV của Philippines phát trên vệ tinh Agila2.

Ông Đỗ Nhật Tân, Trưởng phòng Quản lý nghiệp vụ, Sở VHTT cho biết: "Có thể do phía Philippines quay hướng phát sóng về phía bắc nhiều hơn nên ở các tỉnh phía bắc có thể thu được 60-120 kênh, trong đó có một số kênh phát các hình ảnh khiêu dâm 24/24 giờ/ngày, còn ở Bình Định thì chỉ thu được vài kênh trong nước. Tuy nhiên, vấn đề sẽ phức tạp hơn nếu họ gắn thêm các thiết bị khác để dò sóng hoặc phía Philippines chuyển hướng phát sóng".

Trong đợt kiểm tra này, các cơ quan chức năng chỉ dừng lại ở mức thống kê số lượng các vi phạm đồng thời tuyên truyền, vận động người dân tự tháo dỡ thiết bị chưa đăng ký sử dụng chứ chưa áp dụng các hình thức xử phạt. Ông Hoàng May, Phó chánh thanh tra Sở VHTT cho biết: "Người dân không biết làm như vậy là vi phạm pháp luật đã đành, đằng này cán bộ ở một số xã, phường còn cho rằng việc làm vậy là tốt để giải quyết khó khăn trong việc tiếp cận phương tiện thông tin mà không chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Cuối tháng 1-2005, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra và xử phạt những đơn vị, cá nhân vi phạm theo đúng quy định".

* Xử lý thế nào ?

Ngày 21-12-2004, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra các loại thiết bị thu tín hiệu truyền hình nước ngoài từ vệ tinh. Chỉ thị này nhằm chấn chỉnh tình trạng nhiều gia đình ở Bình Định nằm trong khu vực không thu được tín hiệu truyền hình trong nước bằng ăng-ten thông thường tự mua các loại "chảo" về lắp đặt để sử dụng.

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các hành vi: thực hiện không đúng nội dung ghi trong giấy phép lắp đặt và sử dụng thiết bị TVRO; sửa chữa, tẩy xóa giấy phép lắp đặt và sử dụng thiết bị TVRO.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: chuyển nhượng giấy phép cho tổ chức, cá nhân khác để lắp đặt và sử dụng thiết bị TVRO; lắp đặt và sử dụng thiết bị TVRO mà không có giấy phép; cho người khác sử dụng thiết bị TVRO.

(Điều 16, Nghị định 31/2001/NĐ-CP về xử lý vi phạm các quy định về lắp đặt và sử dụng thiết bị thu chương trình truyền hình nước ngoài)

Chỉ thị đã yêu cầu Đài Phát thanh-Truyền hình Bình Định chủ trì phối hợp với Sở VHTT và UBND các huyện, thành phố xác định các vùng không thu được tín hiệu của Truyền hình Bình Định, Truyền hình Việt Nam bằng ăng-ten thông thường; trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp thích hợp để cấp có thẩm quyền xem xét việc cho phép sử dụng thiết bị TVRO. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân cư trú tại các vùng đã được UBND tỉnh xác định thuộc vùng không thu được tín hiệu truyền hình có nhu cầu sử dụng thiết bị TVRO được phép đăng ký tại Sở VHTT và Sở có trách nhiệm thực hiện việc cấp phép theo đúng quy định của pháp luật.

Thiết bị TVRO cần thiết đối với các đơn vị và người dân cư trú trong những vùng bị "lõm sóng". Nó giúp họ nắm bắt các thông tin, tiếp cận các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta đồng thời giải quyết nhu cầu giải trí của nhân dân. Tuy nhiên, biện pháp quan trọng nhất là phải tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu rằng sử dụng những thiết bị đó mà không xin phép là vi phạm pháp luật; việc xem các chương trình truyền hình nước ngoài có nội dung không lành mạnh sẽ ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các đối tượng thanh, thiếu niên.

. Lê Cường

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đồng chí Lê Xuân Trứ - Bí thư chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh  (19/01/2005)
Cần lắm những tấm lòng nhân ái   (19/01/2005)
Bí thư chi bộ làm kinh tế giỏi  (19/01/2005)
Kiếm sống nơi phố phường  (18/01/2005)
Phát triển nguồn nhân lực cho CNTT: Đa dạng hóa các loại hình đào tạo  (17/01/2005)
Phụ nữ Canh Liên đã tiến bộ rồi  (17/01/2005)
"Miệt vườn" trong thành phố  (16/01/2005)
Công an tỉnh: Tăng cường công tác đảm bảo ATGT trong dịp Tết  (14/01/2005)
An Lão: Trạm y tế thiếu thốn, người được BHYT thiệt thòi   (14/01/2005)
Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi: Năm đầu đáng khích lệ  (13/01/2005)
An toàn bức xạ X-quang: Nỗi lo từ những phòng chụp X-quang không đủ tiêu chuẩn   (13/01/2005)
2005 - năm hội tụ những ngày lịch sử vẻ vang của dân tộc ta  (12/01/2005)
Những tổ chức cộng sản đầu tiên ở Bình Định  (12/01/2005)
Nỗi lo về mũ bảo hiểm  (12/01/2005)
Chuyển trường mầm non công lập sang bán công: Khó khăn vẫn còn nhiều  (11/01/2005)