Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà:
Tổ chức triển khai thực hiện chế độ lương mới nhanh, đúng, chính xác
9:32', 24/1/ 2005 (GMT+7)

Chế độ lương mới ở Bình Định sẽ được triển khai ra sao, khung thời gian để thực hiện chế độ lương mới và đến thời điểm nào ngân sách tỉnh sẽ tự cân đối đủ để trả lương cho cán bộ viên chức? Ông Vũ Hoàng Hà - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã trả lời phỏng vấn của Báo Bình Định xung quanh vấn đề này.

* Thưa Chủ tịch, những người hưởng lương, hưởng trợ cấp từ ngân sách đang phấn khởi và hy vọng nhiều vào việc thực hiện chế độ lương mới (được áp dụng kể từ ngày 1-10- 2004), xin ông cho biết ý nghĩa của đợt cải tiến chế độ lương mới này?

       Chủ tịch Vũ Hoàng Hà

- Những năm gần đây cùng với việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đến vấn đề tiền lương của người lao động nói chung, của những người hưởng lương và trợ cấp do ngân sách chi trả nói riêng. Đề án cải cách tiền lương lần này gồm: cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và các chế độ trợ cấp ưu đãi người có công với nước. Gần đây kinh tế nước ta liên tục có những bước phát triển khả quan, trong khi đó mức thu nhập của cán bộ công chức, của người làm công ăn lương, và các đối tượng chính sách còn ở mức thấp. Bên cạnh đó bảng lương, ngạch lương, mức phân biệt giữa các bậc lương trong từng ngạch theo chuyên môn và phụ cấp chức vụ cũng chưa thật hợp lý… Việc phải cải thiện thu nhập và mức sống cho người lao động trở thành yêu cầu bức thiết, có ý nghĩa và sức tác động to lớn đến toàn xã hội.

Tuy các mức tăng lương và trợ cấp trong năm 2004 đối với từng người còn chưa cao, nhưng tổng quỹ lương và trợ cấp tăng thêm chi từ ngân sách Nhà nước đã tăng rất lớn. Tôi tin, việc triển khai đề án cải cách tiền lương sẽ giải phóng một "năng lượng" lao động xã hội rất lớn, kích thích người lao động tích cực làm việc, tạo nhiều sản phẩm xã hội.

* Thưa ông, lương mới chưa được nhận nhưng giá cả trên thị trường đã tăng vọt, người lao động e rằng lương tăng không kịp tốc độ tăng giá ?

- Lương là một chính sách rất lớn và cần phải được triển khai nghiêm túc, chặt chẽ, nên các ngành có liên quan phải thận trọng. Tuy có chậm nhưng thời điểm áp dụng vẫn tính từ ngày 1-10-2004. Có cảm giác lương tăng không kịp giá là bởi trong thời gian gần đây thế giới xảy ra quá nhiều biến động bất thường: giá vàng tăng, sốt giá dầu mỏ, sự lên xuống bất thường của các nền kinh tế có đồng tiền mạnh (Mỹ, EU, Nhật Bản…) tác động không ít đến thị trường trong nước…

* Ở Bình Định việc triển khai thực hiện chế độ tiền lương mới sẽ diễn ra như thế nào, thưa ông?

Lương cơ bản qua các thời điểm

Năm 1993 lương tối thiểu là 120.000 đồng

Năm 1997 mức cơ bản được điều chỉnh là 144.000 đồng

Năm 2000 được điều chỉnh lên 180.000 đồng. Chỉ một năm sau (2001) mức lương cơ bản lại được nâng lên 210.000 đồng.

Năm 2003 lương cơ bản là 290.000 đồng.

So với năm 2000, hiện nay lương tối thiểu đã tăng thêm 61,1%.

Theo Tổng cục Thống kê, so với năm 2000, năm 2004 chỉ số giá tăng 19%.

 

- UBND tỉnh đã Quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công tỉnh Bình Định và ban hành kế hoạch triển khai, trong đó quy định trong quý I-2005 giải quyết dứt điểm việc thực hiện chế độ lương mới. Việc triển khai phải kịp thời, thống nhất, đảm bảo mục tiêu giữ vững ổn định chính trị - xã hội, động viên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao hiệu quả công tác. UBND tỉnh đã tổ chức quán triệt và triển khai tổ chức thực hiện chế độ tiền lương mới cho lãnh đạo và cán bộ chuyên môn của các sở, ban, đơn vị, các doanh nghiệp Nhà nước và UBND huyện, thành phố trong toàn tỉnh. Riêng các cán bộ nghỉ hưu, hưởng trợ cấp chính sách được ứng đủ trước Tết toàn bộ số lương Nhà nước còn nợ từ tháng 10-2004 đến trước Tết Nguyên đán (tháng 2-2005).

Đi đôi thực hiện chế độ tiền lương mới, từng ngành, từng địa phương tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, xác định rõ chức năng nhiệm vụ, khối lượng công việc của từng bộ phận, từng cán bộ, công chức, viên chức; từng bước thực hiện việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ và tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ. Tiếp tục thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính; thực hiện cơ chế tự chủ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, về quản lý và sử dụng lao động và tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp.

* Thưa ông, nghe nói ngân sách Bình Định không đảm bảo tự chi đủ lương cho cán bộ, viên chức trong tỉnh?

- Bình Định chưa thể ngay lập tức làm được điều này đâu. Theo quyết định của Trung ương, khoản chênh lệch giữa nguồn chi lương cũ và mới được lấy từ các nguồn sau:

Từ tiết kiệm chi thường xuyên của các cơ quan trong tỉnh là 10%. Trích 40% từ nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp có thu sau khi trừ chi phí cho con người, chi cho công việc (riêng ngành Y tế chỉ trích 35% từ viện phí sau khi đã trừ khoản chi cho các thủ thuật y khoa, chi cho việc vận hành máy móc…). Đối với ngân sách tỉnh, được trích 50% từ thu ngân sách tăng thêm so sánh chỉ tiêu giao thu của từng năm do Chính phủ giao chỉ tiêu; trích 50% khoản thu tăng thêm so với chỉ tiêu mà Nghị quyết HĐND tỉnh giao. Sau khi thu được những khoản này, phần thiếu còn lại sẽ được ngân sách Trung ương hỗ trợ. Với mức tăng trưởng kinh tế của Bình Định, theo kế hoạch đến năm 2007 ngân sách Bình Định sẽ có khả năng tự chi lương.

. Bá Phùng (thực hiện)

 

6 nội dung cơ bản của việc cải cách tiền lương

Chế độ tiền lương mới mà Chính phủ vừa ban hành là một phần của lộ trình cải cách tiền lương nhằm mục đích cải thiện đời sống của người hưởng lương, hưởng các chế độ trợ cấp của Nhà nước. Chương trình cải cách này hướng tới mục tiêu đảm bảo đời sống của người lao động, tạo tích lũy và đủ khả năng tái đầu tư sức lao động. Đề án cải cách tiền lương lần này cập nhật, cải cách chủ yếu tập trung trên 6 điểm:

1- Về tiền lương tối thiểu:

Nhà nước tiếp tục thực hiện cơ chế mức lương tối thiểu chung là mức sàn thấp nhất để làm căn cứ điều chỉnh các quan hệ lao động trong xã hội theo Bộ luật Lao động và làm căn cứ quy định đóng, hưởng bảo hiểm xã hội. Trong từng khu vực (hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước) cho phép áp dụng mức lương tối thiểu khác nhau bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu chung tùy thuộc vào nguồn trả lương của từng khu vực. Sau năm 2004 mức lương tối thiểu chung sẽ tiếp tục được điều chỉnh phù hợp với mặt bằng tiền lương, tiền công trên thị trường lao động và mức tăng thu nhập chung xã hội. Đồng thời căn cứ khả năng ngân sách và nguồn trả lương, mục tiêu mà cải cách tiền lương hướng tới là từng bước điều chỉnh tiền lương tối thiểu áp dụng đối với cán bộ, công chức để tiến tới đảm bảo để những đối tượng này có mức thu nhập ở mức trung bình khá trong xã hội.

2- Về quan hệ tiền lương, bảng lương và phụ cấp:

Mở rộng dãn cách quan hệ mức lương tối thiểu - trung bình (tốt nghiệp đại học qua tập sự) - tối đa (chuyên gia cao cấp) từ: 1 - 1,78 - 8,5  lên: 1 - 2,34- 10, trong đó chú trọng nâng thêm mức lương trung bình và mức lương thấp có lợi cho số đông cán bộ, công chức và người lao động. Thu gọn hệ thống thang lương, bảng lương; yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường và trách nhiệm theo nghề hoặc công việc thực hiện bằng các chế độ phụ cấp. Phân biệt bảng lương công chức với bảng lương viên chức, lực lượng vũ trang và trong các công ty nhà nước. Rút bớt số bậc trong ngạch. Thực hiện nguyên tắc xếp lương chuyên môn và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với cán bộ lãnh đạo bầu cử và bổ nhiệm để thuận lợi cho điều động, luân chuyển cán bộ. Thực hiện một số chế độ phụ cấp mới như: phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, phụ cấp trách nhiệm theo nghề hoặc công việc; phụ cấp quân binh chủng đặc biệt.

3- Về cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập trong khu vực hành chính sự nghiệp:

Mở rộng thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính; thực hiện tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp theo hướng các đơn vị sự nghiệp thực hiện hạch toán thu, chi (không vì mục tiêu lợi nhuận), tự chủ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, về quản lý và sử dụng lao động, quản lý các nguồn lực tài chính và tự chủ về trả lương cho người lao động.

Thực hiện phân cấp gắn với thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc xếp lương và nâng bậc lương; quy định chế độ nâng bậc lương sớm khi đạt thành tích xuất sắc đối với cán bộ, công chức, viên chức và kéo dài thời gian nâng bậc đối với những người không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị kỷ luật.

4- Về tiền lương của doanh nghiệp Nhà nước:

Doanh nghiệp Nhà nước được điều chỉnh mức lương tối thiểu cao hơn mức lương tối thiểu chung trên cơ sở năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong hệ thống bảng lương sản xuất kinh doanh có bảng lương chuyên gia cao cấp và nghệ nhân; quy định bảng lương chức vụ đối với các thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị. Tiền lương và tiền thưởng đối với Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc, Kế toán trưởng trả theo phụ thuộc vào hiệu quả và tăng năng suất lao động.

5- Về chính sách bảo hiểm xã hội:

Tiếp tục điều chỉnh lương hưu để giải quyết chênh lệch bất hợp lý về lương hưu giữa các thời kỳ (tháng 9 năm 1985, tháng 4 năm 1993 và tháng 10 năm 2004) cụ thể là: năm 2003 khi điều chỉnh lương tối thiểu từ 210.000 đồng lên 290.000 đồng (tăng thêm 38,1%) thì lương hưu của người về hưu trước tháng 9-1985 tăng thêm 46%, trước tháng 4-1993 tăng thêm 42%. Tiếp đó đến tháng 1-2004 tăng thêm lương hưu từ 7% đến 9%.

Tháng 10-2004, khi điều chỉnh quan hệ tiền lương mới, tiếp tục điều chỉnh lương hưu 10%. Sau đó hàng năm đều điều chỉnh tăng lương hưu bảo đảm không chênh lệch bất hợp lý giữa người nghỉ hưu trước và sau tháng 10-2004. Khi Nhà nước tăng lương tối thiểu chung thì sẽ tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội.

6- Về trợ cấp ưu đãi người có công:

Điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công tương ứng với mức sống trung bình của xã hội. Tiếp tục thực hiện trợ cấp một lần đối với người được tặng thưởng huân chương, huy chương kháng chiến.

Sáu nội dung cơ bản nêu trên được thực hiện từng bước, bắt đầu từ năm 2003 (khi nâng lương tối thiểu từ 210.000 đồng lên 290.000 đồng/tháng) và dự kiến hoàn thành trong năm 2007. Tuy nhiên nếu tình hình kinh tế phát triển khá hơn dự kiến thì sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Ngược lại, nếu có khó khăn đột xuất thì tùy tình hình cụ thể có thể xem xét kéo dài thêm thời gian thực hiện Đề án cho phù hợp.                                   

. Đông A

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Nhơn Châu những ngày giáp Tết   (23/01/2005)
Rượu ngoại - thật giả khó phân  (21/01/2005)
Ở đâu cũng đi đầu, làm trước   (20/01/2005)
"Chảo lậu"- vừa cần vừa... cấn !  (20/01/2005)
Đồng chí Lê Xuân Trứ - Bí thư chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh  (19/01/2005)
Cần lắm những tấm lòng nhân ái   (19/01/2005)
Bí thư chi bộ làm kinh tế giỏi  (19/01/2005)
Kiếm sống nơi phố phường  (18/01/2005)
Phát triển nguồn nhân lực cho CNTT: Đa dạng hóa các loại hình đào tạo  (17/01/2005)
Phụ nữ Canh Liên đã tiến bộ rồi  (17/01/2005)
"Miệt vườn" trong thành phố  (16/01/2005)
Công an tỉnh: Tăng cường công tác đảm bảo ATGT trong dịp Tết  (14/01/2005)
An Lão: Trạm y tế thiếu thốn, người được BHYT thiệt thòi   (14/01/2005)
Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi: Năm đầu đáng khích lệ  (13/01/2005)
An toàn bức xạ X-quang: Nỗi lo từ những phòng chụp X-quang không đủ tiêu chuẩn   (13/01/2005)