Làng đại học
15:18', 24/1/ 2005 (GMT+7)

Ông Nguyễn Văn Huệ, Chi hội trưởng Chi hội khuyến học thôn Hội Khánh, xã Mỹ Hòa (Phù Mỹ) nói: "Cái chòm chút xíu, có 19 nóc nhà thì hầu như nhà nào cũng có con học đại học, cả thảy 27 đứa. Sở dĩ chúng học được là nhờ dông đất…" - ông Huệ có vẻ tự hào.

Khu đất này đang được bà con Hội Khánh đề nghị dành cho việc xây dựng trường tiểu học của xã

Và câu chuyện huyền thoại về cái dông đất có con rồng nằm ở dưới đã được mở ra sau những tấm lưng còng của người cha, đôi bàn tay chai sần của người mẹ và nụ cười rạng rỡ của chàng tân khoa vừa được trở về nhà sum họp…

* Đầu xuôi, đuôi lọt

Từ hôm đi dự "Đại hội biểu dương gia đình hiếu học toàn quốc lần thứ nhất" về tới giờ ông Võ Văn Bảy vẫn còn lơ lửng... Ông vui quá, người như khỏe ra. Mà không vui, không tự hào sao được khi lần đầu tiên ông được ra thủ đô để nói chuyện nuôi con ăn học, cái chuyện đã làm ông nhọc nhằn cả đời. Một nông dân chân lấm, tay bùn ở một vùng quê nghèo khó như ông, để nuôi được cả 5 đứa con học đại học thì đúng là trên cả sự nỗ lực! Ông Bảy tiết lộ: "Phương châm của gia đình tôi là ăn vừa đủ no, mặc vừa đủ ấm, tất cả tập trung cho việc học".

Hội Khánh là một thôn nhỏ nằm ở đầu xã Mỹ Hòa và cũng là đầu huyện Phù Mỹ. Đất đai ở đây chủ yếu là ruộng bậc thang, bạc màu. Người dân Hội Khánh bao đời nay chỉ biết thò tay xuống đất… lấy hạt gạo, củ khoai đắp đổi qua ngày. Cũng bởi quá nghèo, quá khổ nên ước mơ đổi đời cho con cái cứ đeo bám từng người dân ở đây. Để có tiền nuôi con ăn học, không việc gì mà vợ chồng ông Bảy không làm. Những năm sau giải phóng, việc làm ruộng còn khó khăn bởi thiếu nước tưới; cơ chế "khoán" của HTX lại chưa thông thoáng, hạt thóc, hạt gạo làm ra đã lấy đi quá nhiều mồ hôi của nông dân. Nhiều gia đình không có lao động phải bỏ ruộng tìm kế sinh nhai khác. "Thấy ai bỏ ruộng là tôi xin nhận. Xã giao 1,2 mẫu (0,6 ha) vợ chồng tôi làm 1,2 ha" - ông Bảy kể. Chưa đủ, ông bà còn lên truông Gia Vấn phát rẫy trồng mì, lấy củi. Bà Trương Thị Hường - vợ ông Bảy cho biết: "12 giờ trưa quảy gánh vô rẫy cách nhà khoảng 4 cây số đường đèo dốc để cắt rau cho heo, 1-2 giờ chiều lại quày quả trở về tiếp tục xuống làm cỏ ruộng. Hồi ấy, chúng tôi chỉ biết nghỉ mệt chứ làm gì có nghỉ trưa".

Ông Bảy tự hào treo bằng khen của Hội Khuyến học Việt Nam tặng cho "gia đình hiếu học" lên chỗ trang trọng nhất trong nhà

Nhắc về chuyện lao động của vợ chồng ông Bảy Tấn, xóm này ai cũng còn "mất hồn". Ông Huệ kể: "Hồi ấy, ổng gánh phân chuồng bán cho HTX, đám thanh niên trong xóm theo không lại. Gốc tre già, ổng chẻ hai làm đòn gánh, gánh cho khỏi gãy, mỗi lần trên 120 ký…". Tôi nhìn thật lâu khuôn mặt ông Bảy. Người đàn ông chưa bước qua tuổi 60 nhưng tóc đã bạc, lưng đã còng - di chứng của một thời "phá sức". Nuôi cùng một lúc 5 con, không phân biệt là trai hay gái, ăn học, có những lúc tưởng chừng "đứt gánh" nhưng ông bà vẫn động viên nhau: "Ông với tôi hồi giờ đã khổ, khổ thêm một chút cũng chẳng sao...".

Sức chịu đựng của con người còn hơn sự đàn hồi của sợi dây thun. Đến nay, các con ông Bảy đều học hành giỏi giang và thành đạt. Hai con đầu đã tốt nghiệp đại học y khoa, hiện là bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện trong tỉnh. Hai con trai tiếp sau đều thi đậu một lúc 3 trường đại học, hiện đang là kỹ sư công tác tại TP Hồ Chí Minh. Cô con gái út, đang học Đại học Sư phạm kỹ thuật Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Ông Bảy kể: "Cái thằng Duy (thứ 4) trước từng đỗ thủ khoa Đại học Hàng hải, vậy mà hồi nhỏ nó đâu đã biết tự giác, ngồi học cứ hay ngủ gục. Vậy nên khi nó học, tôi bắt một tay bưng đèn dầu, một tay cầm vở học bài. Đi làm cả ngày, mình mẩy mỏi nhừ nhưng tôi đâu dám đi ngủ trước mà cố nán chờ con học bài xong để "dò" rồi mới cho đi ngủ". Quan điểm của ông Bảy "đầu có xuôi thì đuôi mới lọt", do đó trong giáo dục con, từ thái độ học hành, quan niệm sống đến chuyện lễ nghĩa, gia phong…, ông đều tập trung từ anh Tấn - người con trai trưởng. Hiện nay anh Tấn đang là Trưởng phòng tổ chức hành chính của Trung tâm Y tế Phù Mỹ, anh kể: "Được cha đặt trọn niềm tin nên tôi cũng phải ráng làm gương cho các em…".

Cũng bởi chuyện cho con đi học không mấy dễ dàng nên "đầu xuôi, đuôi lọt" cũng là cách đầu tư cho con ăn học của nhiều gia đình nông dân ở đây. Ông Châu Sum, 68 tuổi, có 7 người con thì hiện nay 4 người con của ông đã tốt nghiệp đại học và thành đạt. Ông kể: "Gia đình nghèo quá, tôi chỉ đủ sức nuôi được thằng hai học hành tử tế. Thế rồi, hắn ra trường, có nghề nghiệp lại hỗ trợ cha nuôi thêm 3 đứa em và 1 đứa cháu học đại học…". Hiện nay, các con ông Sum đã cùng nhau mở một công ty riêng chuyên sản xuất, kinh doanh giấy và bao bì các loại tại TP Hồ Chí Minh.

Em noi gương anh, cháu noi gương cậu, nhà này học tập nhà kia như những móc xích nối kết với nhau thành sợi dây xích hiếu học, học giỏi tạo thành một "dông đất".

* Và chuyện của "dông" đất hiếu học

Tuy con cái đã phương trưởng nhưng thói quen lao động chưa cho phép vợ chồng ông Bảy được nghỉ ngơi

Cho con học hành thành đạt bắt đầu từ nhận thức của các bậc làm cha, làm mẹ. Tôi đã được gặp bà Lê Thị Để - bà nội của anh Tấn. Năm nay bà đã 93 tuổi nhưng đầu óc vẫn còn khá tinh tường. Bà kể cho tôi nghe, đã có 25 đứa cháu học trung cấp và đại học. Cháu nào bà cũng quý, mỗi lần nghe các cháu báo tin vui là bà lại chảy nước mắt… Người đàn bà thôn quê thất học "người ta nói gì mình nghe cũng không thủng" nên phải cho con cháu học để nó được hơn mình. Anh Tấn kể: "Tôi là cháu đích tôn của cả họ. Năm đó, tôi 30 tuổi, theo tư tưởng của những người già ở quê là đã phải "con đàn, cháu đống", thế nhưng bà nội vẫn động viên "học đi con, có vợ lúc nào cũng được". Sự động viên của bà nội, của gia đình đã là một động lực giúp anh tiếp tục khắc phục những khó khăn hồi bấy giờ để thi vào Trường Đại học Y Huế và trở thành bác sĩ.

Ở cái dông đất học này, hầu hết các ông bố, bà mẹ đều quay về cảnh vợ chồng "son". Buổi trưa, ghé qua nhà bên cạnh, tôi thấy ông bà Tám vẫn còn lui cui làm việc. Mùi kiệu nồng nàn sộc vào mũi tôi ngay từ bước chân ngoài đầu ngõ. Ông Tám có 3 người con thì cả 3 đều đã vào đại học. Hiện giờ, ông bà còn "nặng gánh" bởi cùng lúc phải nuôi hai đứa đang học trong thành phố Hồ Chí Minh. Ngồi bó kiệu, bà Châu Thị Hồng, vợ ông Tám kể cho tôi nghe: "Cứ vào dịp giáp hè, giáp Tết vợ chồng tôi phải ráng trồng thêm sào kiệu, nuôi thêm con heo để có được 6 triệu đồng cho con vào trường nạp học phí". Đó là chưa kể, mỗi tháng vợ chồng ông còn phải chu cấp cho mỗi đứa 900.000 đồng để ăn, học. Để có tiền nuôi con học đại học, vợ chồng ông Tám phải làm cả mẫu ruộng. Đám trũng làm lúa, đám chân cao làm màu, chắt bóp từng đồng tiền một chờ ngày con về lấy đem đi.

Con cái phương trưởng muôn nơi nhưng đối với gia đình ông Bảy, đêm giao thừa vẫn luôn là thời khắc sum họp của đại gia đình. Ông kể: "Sau khi thắp nén nhang cúng tổ tiên, từng người con một đứng lên tự kiểm điểm những gì mình đã làm được, chưa làm được…".

Ông Nguyễn Văn Huệ không nhớ rõ Chi hội khuyến học thôn Hội Khánh được thành lập từ bao giờ, nhưng từ khi thấy mấy cậu sinh viên cứ mồng 1, mồng 2 Tết lại kéo đến nhà ông chơi ngày một đông, ý tưởng tổ chức một buổi gặp mặt đầu năm cho các cháu đã nảy sinh trước khi ra đời một tổ chức khuyến học bài bản. Trong câu chuyện bên chén trà, ly rượu, các bậc lão cả ở làng vẫn thường nhắc đến dông đất có con rồng nằm ở dưới. Ông Châu Sum cho biết: "Chúng tôi đang kiến nghị lên xã lấy lô đất dự phòng 6.000m2 vừa cao ráo, thoáng mát lại nằm ở giữa thôn, vị thế rất đẹp để cất trường tiểu học cho con cháu. Quan điểm của người làng, trường học của các cháu là phải ưu tiên số 1...". Rồi câu chuyện của những người già lại sôi nổi, râm ran xoay quanh việc đầu tư một phòng vi tính, phòng LAB tại ngôi trường còn nằm trong mơ ước đó để học sinh Hội Khánh được tiếp cận với nền học vấn hiện đại ngay bậc tiểu học...

Những bậc làm cha, làm mẹ ở Hội Khánh đã nghĩ và biết đi trên con đường dài hơn con đường làng của mình. Tôi nhớ lại chuyện, những năm về trước, mấy người bạn rủ ông Bảy lên Tây Nguyên mua đất làm cà phê. Ông không đi. Làm cà phê muốn thu hoạch được phải mất ba năm, còn ông thì cần phải có tiền… liền để nuôi con ăn học. "Người ta đi trồng cây còn tôi trồng người", và những gì ông Bảy gặt hái được hôm nay, đối với ông còn to hơn "trúng" bạc tỉ!

Đúng vậy! Người nông dân Hội Khánh đã biết đổi mùa bội thu của lúa, của khoai để lấy mùa vàng học hành, thành đạt cho con cháu.

. Quỳnh Hoa

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tổ chức triển khai thực hiện chế độ lương mới nhanh, đúng, chính xác  (24/01/2005)
Nhơn Châu những ngày giáp Tết   (23/01/2005)
Rượu ngoại - thật giả khó phân  (21/01/2005)
Ở đâu cũng đi đầu, làm trước   (20/01/2005)
"Chảo lậu"- vừa cần vừa... cấn !  (20/01/2005)
Đồng chí Lê Xuân Trứ - Bí thư chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh  (19/01/2005)
Cần lắm những tấm lòng nhân ái   (19/01/2005)
Bí thư chi bộ làm kinh tế giỏi  (19/01/2005)
Kiếm sống nơi phố phường  (18/01/2005)
Phát triển nguồn nhân lực cho CNTT: Đa dạng hóa các loại hình đào tạo  (17/01/2005)
Phụ nữ Canh Liên đã tiến bộ rồi  (17/01/2005)
"Miệt vườn" trong thành phố  (16/01/2005)
Công an tỉnh: Tăng cường công tác đảm bảo ATGT trong dịp Tết  (14/01/2005)
An Lão: Trạm y tế thiếu thốn, người được BHYT thiệt thòi   (14/01/2005)
Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi: Năm đầu đáng khích lệ  (13/01/2005)