Hội thi đồ dùng đồ chơi bậc học mầm non toàn tỉnh lần thứ nhất:
Lạc vào vườn cổ tích
17:3', 25/1/ 2005 (GMT+7)

Lần đầu tiên, Sở GD-ĐT tổ chức Hội thi làm đồ dùng, đồ chơi (ĐDĐC) bậc học mầm non để phục vụ chuyên đề "làm quen với văn học". Có thể nói, đây là điểm hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, lòng yêu nghề của các cô giáo nhằm tạo nên những ĐDĐC mang tính sư phạm, mỹ thuật và rẻ tiền nhưng rất hấp dẫn, lôi cuốn trẻ.

        Lạc vào vườn cổ tích

83 bộ ĐDĐC được trưng bày trong hội thi này đã đưa người xem lạc vào thế giới cổ tích của bé. Nào là những cô, cậu búp bê với đủ hình dáng, điệu bộ, nét mặt và màu sắc, những giỏ trái cây nhồi bông, những ngôi nhà, con đường, hàng cây… Ấn tượng nhất đối với tôi là bộ đồ chơi "vườn cổ tích của bé" của Phòng GD-ĐT huyện Phù Mỹ được tạo nên từ chất liệu là những hạt bắp, vỏ bắp. Đó là những cụ già râu tóc bạc phơ, mặc áo nâu sồng, những em bé nhí nhảnh, tinh nghịch, rồi những cây cối, những con đường, cái cổng làng cao cao cổ kính… tất cả đều làm từ… bắp - những vật liệu bỏ đi nhưng có rất nhiều ở nông thôn, dễ tìm và gần gũi với bé. Chỉ cần thêm một chút phẩm màu, keo dán hay vài cọng kẽm là cô và cháu đã có được một món đồ chơi phù hợp để thả hồn vào thế giới của sự mơ ước và tưởng tượng.

Các bộ ĐDĐC của Phòng GD-ĐT Quy Nhơn thể hiện sự đầu tư công phu và "chuyên nghiệp" hơn tuy hầu hết vẫn sử dụng những vật liệu phế thải và rẻ tiền. Chỉ bằng mấy miếng xốp, các cô giáo Trường Mầm non tư thục Sao Mai đã cắt, dán thành những cây chuối, cây đu đủ với hoa, lá, quả trông cứ như thật. Rồi bộ tranh kể chuyện, một bên là những hàng chữ thật to, một bên là hình ảnh minh họa, tất cả đều làm bằng lông gà và cọng rơm. Chuyện cô kể đến đâu cháu được "tận mục sở thị" đến đó. Bộ rối hoa, củ, quả của Trường Mầm non tư thục Hoa Lợi tuy chỉ là củ cải, củ cà rốt, quả cà chua nhồi bông bình thường nhưng trông thật lạ mắt và hấp dẫn bởi màu sắc tươi sáng. Chị Đinh Thị Lợi, Hiệu trưởng Trường Hoa Lợi lấy một quả cà chua xỏ vào ngón tay vừa lắc vừa hát: Tôi là quả cà. Da tôi bóng láng. Bạn nên nhớ rằng. Màu đỏ của tôi. Nhiều vitamin A. Giúp cho sáng mắt… Rồi cho biết: "Đặc điểm của bộ rối này là màu sắc đẹp, các con rối được cột dây phía sau nên rất cơ động, cô giáo có thể cho rối cử động, lắc, gật theo nội dung, thái độ của các nhân vật trong câu chuyện mà mình muốn chuyển tải nên gây được hứng thú quan sát cho các cháu. Ngoài ra, rối còn có ưu điểm là kích cỡ vừa tầm, cả cô và cháu đều sử dụng được và có thể sử dụng cho nhiều môn học như làm quen với môi trường xung quanh, làm quen với toán hay hoạt động của góc bé tập làm nội trợ…".

Chị Lợi còn cho biết: "Các sản phẩm này được thực hiện từ những mảnh vải vụn nên giá thành rất rẻ. Vào những dịp tổng kết năm học hay các hội thi của trường, chúng tôi có thể làm hàng loạt để tặng cho học sinh, các cháu rất thích!".

Phong phú về chủng loại, mẫu mã nhưng rất đơn giản, gần gũi với cuộc sống của trẻ. Đó là những điều tôi cảm nhận được qua những ĐDĐC cho trẻ mầm non trong hội thi này.

Chị Phan Thị Thiện, Hiệu trưởng Trường Mầm non bán công Hoa Hồng cho biết: "Qua phong trào thi làm ĐDĐC cho cháu tại trường, cả cô và cháu cùng được tham gia. Cô vừa làm vừa giới thiệu cho cháu. Do đó, không chỉ cô giáo phát huy được tính khéo léo, cẩn thận, sáng tạo mà cháu cũng học được nhiều điều hay". Quả thật, khi nhìn thấy những cái muỗng nhựa bé dùng để ăn sữa chua hàng ngày được làm thành cánh tay búp bê, thấy vỏ bọc viên thuốc đắng bé phải uống khi bị ốm trở thành mắt của búp bê… không ít bé đã ngạc nhiên vì những đồ vật tưởng như bỏ đi cũng đều có ích, từ đó thêm yêu quý những đồ vật quanh mình.

Chị Thu Lương, chuyên viên mầm non Sở GD-ĐT nhận xét: "Phần lớn ĐDĐC đã thể hiện được yêu cầu của chương trình, nội dung chăm sóc, giáo dục trẻ. ĐDĐC được thiết kế một cách khoa học, có cấu tạo gọn nhẹ, thao tác sử dụng đơn giản, gây được hứng thú tham gia học tập và vui chơi cho trẻ".

Vai trò của ĐDĐC trong hoạt động "học mà chơi, chơi mà học" của trẻ mầm non đã được khẳng định. Việc làm ĐDĐC cho trẻ được phát động trong các trường và giáo viên mầm non đã thực sự góp phần khắc phục tình trạng thiếu trang thiết bị, ĐDĐC hiện nay. Mặt khác, những ĐDĐC tự làm được cải tiến đơn giản hơn, hợp lý hơn, gần gũi với đời sống hàng ngày của trẻ hơn so với ĐDĐC sản xuất hàng loạt theo phương thức công nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những ĐDĐC đảm bảo được tính sư phạm, mỹ thuật, sáng tạo và thực tiễn, chúng tôi còn nhận thấy rằng, ở hội thi vẫn còn một số ĐDĐC hiệu quả sử dụng thấp, có tác dụng trưng bày hơn là sử dụng thường xuyên; một số ĐDĐC chưa chú ý đến tính sáng tạo, màu sắc tối chưa phù hợp với trẻ.

. Quỳnh Hoa

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Mái ấm của người tàn tật và trẻ mồ côi  (25/01/2005)
Làng đại học   (24/01/2005)
Tổ chức triển khai thực hiện chế độ lương mới nhanh, đúng, chính xác  (24/01/2005)
Nhơn Châu những ngày giáp Tết   (23/01/2005)
Rượu ngoại - thật giả khó phân  (21/01/2005)
Ở đâu cũng đi đầu, làm trước   (20/01/2005)
"Chảo lậu"- vừa cần vừa... cấn !  (20/01/2005)
Đồng chí Lê Xuân Trứ - Bí thư chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh  (19/01/2005)
Cần lắm những tấm lòng nhân ái   (19/01/2005)
Bí thư chi bộ làm kinh tế giỏi  (19/01/2005)
Kiếm sống nơi phố phường  (18/01/2005)
Phát triển nguồn nhân lực cho CNTT: Đa dạng hóa các loại hình đào tạo  (17/01/2005)
Phụ nữ Canh Liên đã tiến bộ rồi  (17/01/2005)
"Miệt vườn" trong thành phố  (16/01/2005)
Công an tỉnh: Tăng cường công tác đảm bảo ATGT trong dịp Tết  (14/01/2005)