Chuyện về những tổ "tiết kiệm mùa xuân"
9:10', 28/1/ 2005 (GMT+7)

Xuân về, có một món tiền kha khá để lo cho cái Tết đầy đủ là niềm mong mỏi không của riêng ai. Đối với người nghèo, nỗi niềm đó càng đau đáu hơn... Những tổ "tiết kiệm mùa xuân" của phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn đã ra đời từ bức xúc đó...

* Cuối năm "trút hũ"

Một buổi sinh hoạt của tổ tiết kiệm mùa xuân phường Hải Cảng

Căn nhà rầm nhỏ bé của chị Nguyễn Thị Phấn ở KV 7 phường Hải Cảng, vốn đã chật giờ lại càng chật thêm khi hôm nay có hàng mấy chục vị khách, kẻ ngồi, người đứng cười nói rổn rảng. Chả là hôm nay là ngày "giũ sổ", tổng kết các tổ "tiết kiệm mùa xuân" của cả khu vực. Anh Bảy, đạp xích lô đến, từ sớm bỏ nhỏ với mấy ông bạn: "Tui dành gần một triệu, Tết này có mồi rồi". Lát sau, chị Bảy cũng xách giỏ ghé vào, vừa thấy chồng, chị la lớn: "Trời đất, ông cũng chơi cái này nữa hả. Hèn gì, chiều nào cũng lén tui cất tiền riêng". La thì la vậy nhưng chị lại thì thào với mấy bà bạn cùng xóm: "Vậy còn hơn là ổng đi nhậu". Bữa tổng kết đó, chị Bảy được gần 1,8 triệu đồng- kết quả tiết kiệm 5.000 đồng/ngày cả năm của chị. Đó là chưa kể thêm số quà tặng của hai vợ chồng mang về là dầu, bột ngọt và đường.

Không chỉ vợ chồng chị Bảy hể hả vì đã có gần 3 triệu đồng lo trả nợ, sắm Tết, mà hàng trăm hộ khác có chân trong tổ tiết kiệm trong khu vực cũng mừng không kém. Cầm tiền trong tay, một phụ nữ trung niên nói với tôi: "Năm nay, tôi sắm chắc 2 chỉ rồi". Chị Nguyễn Thị Phấn, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ kiêm tổ trưởng tổ "Tiết kiệm mùa xuân" của khu vực 7 giở sổ tính: năm 2004 toàn khu vực có 119 người tham gia với tổng số tiền tiết kiệm đến cuối năm gần đến 145 triệu đồng. Trong số 119 người này già có, trẻ có, người chơi nhiều thì góp ngày 10.000-20.000 đồng, ít thì 500-1.000 đồng, tùy theo khả năng của từng người. Ai cũng có một cuốn sổ tiết kiệm nho nhỏ, ngày nào góp ngày nấy, cuối tháng kết lại. Hết năm khi cái Tết đã cận kề thì tổng kết. Nhớ lại những ngày đầu mới thực hiện mô hình này cách đây bốn năm, chị Phấn kể: "Hồi vận đầu tiên chỉ có 17 người tham gia, tổng số tiền tiết kiệm chưa được 10 triệu. Năm thứ hai có trên 50 người chơi... đến cuối năm 2004, tiền đã lên gần 145 triệu!".

Những ngày cuối năm này, các khu vực khác của phường Hải Cảng đều đã bắt đầu tổng kết, giũ sổ tiết kiệm mùa xuân. Chị Phạm Thị Giàu, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Hải Cảng cho biết: "Hôm nào tổng kết cũng có mấy chục người đến tham gia, vui lắm. Ngoài tiền tiết kiệm cả năm, họ còn nhận được quà tặng nữa. Số tiền tiết kiệm này được đem gởi vào ngân hàng nhà nước hoặc cho các cá nhân khác vay lại. Tuy nhiên, phần đông người dân chỉ muốn có người giữ giùm tiền để đến cuối năm, họ rút ra một cục, không đặt vấn đề lãi suất nên chúng tôi thường đem gởi tiết kiệm. Tiền lãi cuối năm rút ra mua dầu, đường, bột ngọt tặng mọi người. Người nào gửi nhiều thì nhận quà nhiều".

* Cách tiết kiệm của người nghèo

Năm 2004 là năm thứ năm liên tiếp phường Hải Cảng triển khai mô hình tiết kiệm mùa xuân do Tổ chức Dự phòng phát triển cộng đồng VIE97-08 (nay gọi là NDA Việt Nam) khởi xướng. Với người nghèo lo chạy ăn từng bữa đã khó, nói gì đến chuyện để dành, nhất là đối với người lao động, thu nhập thấp. Mỗi ngày, họ chỉ cần dành ra một số tiền nào đó gởi cho tổ trưởng tổ tiết kiệm. "Góp gió thành bão", số tiền gởi tuy ít nhưng đến cuối năm rút ra cũng có được gần triệu bạc. Nếu như góp nhiều, số tiền cuối năm lãnh ra đến gần chục triệu, đủ để có thể sắm được một vật dụng đáng giá.

"Bà con ở KV 9 là những người tham gia đầu tiên mô hình này. Khi nghe vận động không ít người bĩu môi "tiền mình giữ còn chưa tin được, huống gì đưa cho người khác giữ". Nhưng đến cuối năm thấy người khác lãnh tiền sắm Tết, nhiều người tiếc sao hồi đó không vô"- chị Giàu kể lại. Cho đến nay, tại 11 KV của phường Hải Cảng đều có 34 tổ tiết kiệm mùa xuân, mỗi tổ 7-20 người, thu hút 556 người tham gia với tổng số tiền gởi năm 2004 lên đến trên 250 triệu đồng.

. Thu Hà

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Những bước tiến dài trong phong trào tự quản ở cơ sở  (27/01/2005)
Mạng lưới y tế trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất: Thiếu trầm trọng  (27/01/2005)
Cải cách lương sẽ giải quyết dần những bất hợp lý trong chế độ cho người có công  (26/01/2005)
Một cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng và bổ ích  (26/01/2005)
Lạc vào vườn cổ tích   (25/01/2005)
Mái ấm của người tàn tật và trẻ mồ côi  (25/01/2005)
Làng đại học   (24/01/2005)
Tổ chức triển khai thực hiện chế độ lương mới nhanh, đúng, chính xác  (24/01/2005)
Nhơn Châu những ngày giáp Tết   (23/01/2005)
Rượu ngoại - thật giả khó phân  (21/01/2005)
Ở đâu cũng đi đầu, làm trước   (20/01/2005)
"Chảo lậu"- vừa cần vừa... cấn !  (20/01/2005)
Đồng chí Lê Xuân Trứ - Bí thư chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh  (19/01/2005)
Cần lắm những tấm lòng nhân ái   (19/01/2005)
Bí thư chi bộ làm kinh tế giỏi  (19/01/2005)