Nghề lái taxi
16:28', 30/1/ 2005 (GMT+7)

. Phóng sự của Anh Tú

Không giống như nhiều nghề khác, lái taxi có những đặc thù riêng. Người hành nghề lái taxi dường như chỉ hoạt động ở phạm vi rất nhỏ trong chiếc xe ôtô nhưng cũng lắm chuyện bi, hài…

* Tài xế taxi - anh là ai?

Nhân viên điều hành taxi của hãng Resort Hoàng Anh Taxi - ảnh: Văn Lưu

Ở Quy Nhơn hiện có khoảng 60 chiếc taxi của 6 hãng gồm: Quý Taxi, Hương Trà Taxi, Davi Taxi, Quy Nhơn Taxi, Thuận Thảo Taxi và Resort Hoàng Anh Taxi với gần 100 tài xế. Những năm trước, người ta vẫn còn thấy một vài bóng dáng kiều nữ ôm vô lăng xe taxi đưa đón khách ở Quy Nhơn nhưng nay thì 100% người hành nghề lái taxi là nam giới, chủ yếu trong độ tuổi từ 20 đến 35 tuổi.

Để có được một chân lái taxi ở Quy Nhơn, người tài xế chỉ cần có giấy phép lái xe hạng B2, hộ khẩu trong tỉnh và đóng tiền thế chân 5 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhiều hãng taxi có có thêm nhiều tiêu chí khác để tuyển tài xế như ngoại hình, kinh nghiệm và độ "tin cậy"… Anh Tùng - Giám đốc điều hành hãng Taxi Resort Hoàng Anh, cho biết: "Là một hãng taxi mới ra đời nên chúng tôi coi trọng chất lượng phục vụ để tạo uy tín nhằm thu hút cũng như giữ mối khách hàng. Vì vậy, ngoài việc đầu tư dàn xe chất lượng cao hơn các hãng khác, chúng tôi còn đặt ra yêu cầu cao đối với tài xế taxi như kinh nghiệm lái xe, tuổi đời và đặc biệt phải biết tuân thủ theo nhiều quy định của hãng là hòa nhã, lịch sự với khách hàng dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào…". Bên cạnh đó, ngoài những quy định hãng đặt ra, nhiều tài xế taxi phải tự tạo cho mình một thói quen làm việc tốt bằng những kinh nghiệm có được để giữ uy tín với khách hàng. Tâm - một tài xế taxi của Taxi Resort Hoàng Anh, cho biết: "Cứ ngồi mà chờ hãng điều hành thì chỉ có mà đói. Tụi tui còn phải tự biết cách giữ mối khách hàng cho riêng mình nữa chứ. Nhưng để làm được như vậy, ngoài việc phải học cách ứng xử với khách hàng, chúng tôi còn phải biết làm sao cho khách hàng cảm thấy "khoái" khi ngồi trên xe mình. Ví dụ như khi chạy hợp đồng đường xa, đầu tiên chúng tôi phải chạy chầm chậm và mở nhạc êm dịu để ru ngủ cho khách. Sau đó, khi khách đã chìm vào giấc ngủ thì lúc ấy chúng tôi mới tăng tốc. Như vậy thì những người say xe cũng cảm thấy dễ chịu hơn".

Một ngày làm việc của tài xế taxi bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc vào lúc 21 giờ đêm. Trong khoảng thời gian trên, tài xế taxi buộc phải trực chiến luôn với chiếc taxi để chịu sự điều hành từ hãng qua bộ đàm, ngoại trừ hai buổi cơm trưa và chiều. Thường thì các hãng taxi chia 3 tài xế làm một nhóm phụ trách 2 chiếc xe. Vì vậy, mỗi tài xế hoạt động liên tiếp 2 ngày liền và nghỉ một ngày. Tùy theo hãng taxi, tài xế taxi được ăn chia theo tỉ lệ từ 32-35% doanh thu trong quá trình đưa đón khách, trong đó tiền xăng và toàn bộ các chuyện hư hỏng xe hoặc chi phí khác tài xế chịu. Tỉ lệ ăn chia của tài xế trong những ngày Tết được cộng thêm 15%. Theo nhiều tài xế taxi, tỉ lệ ăn chia như trên là thấp khi hiện nay giá xăng khá cao so với trước đây. Vì vậy, để sống được với nghề thì hầu hết các tài xế taxi đều phải sử dụng những... "mánh khóe" riêng.

* Sống nhờ "mánh khóe"

"Mánh khóe" là nguồn thu nhập chính của tất cả các tài xế taxi ở Quy Nhơn. Qua tìm hiểu của chúng tôi, hầu như tài xế taxi nào cũng có những "mánh khóe" riêng. Từ "mánh khóe" ở đây được hiểu theo 2 nghĩa: kỹ thuật, kinh nghiệm chạy xe và những mánh lới để "móc" tiền khách cũng như lừa người điều hành của hãng taxi. Anh Hùng - người có kinh nghiệm với gần 7 năm làm tài xế taxi, cho biết: "Hầu như các tài xế taxi mới vào nghề, ít nhất trong 10 ngày đầu tiên đều phải âm tiền túi. Do thời gian đầu, nhiều tài xế mới chưa quen với cách chạy xe cho tiết kiệm xăng, băng đường tắt và tìm nguồn khách hàng nên lỗ chỏng vó… ". Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, những tài xế này cũng bắt đầu "hái" được tiền nhờ kinh nghiệm và những mánh lới của các bậc đàn anh đi trước chỉ cho.

Một tài xế taxi chuẩn bị đưa khách đi - ảnh: Văn Lưu

Tháo dây công tơ mét là việc thường làm của nhiều tài xế lái taxi khi gặp khách quen hoặc bắt được khách đứng đón xe ngoài đường. Nói một cách dễ hiểu, những người khách này trực tiếp hợp đồng với tài xế mà không qua người điều hành của hãng. Trong những trường hợp này, tài xế muốn kiếm thêm tiền thì phải tính toán thời gian đi - về, báo địa điểm đưa - đón khách với hãng cho hợp lý. Ví dụ như khi khách đi Hoài Nhơn, với những tài xế có ý định này thì họ chỉ báo đi Phù Cát hoặc Phù Mỹ. Để hợp lý thời gian, thì tài xế phải chạy xe thật nhanh. Anh Khanh - một người bạn ở Phù Mỹ, kể: "Cách đây không lâu, mình thuê một chiếc taxi về Phù Mỹ. Sau khi ngoắc một chiếc taxi dọc đường, tài xế đồng ý chở từ Quy Nhơn về đến thị trấn Phù Mỹ với giá 200.000 đồng. Chẳng cần trả treo gì, tôi đồng ý đi ngay. Vừa ngồi lên xe, tài xế móc túi lấy chiếc điện thoại di động ra tắt nguồn. Khi xe chúng tôi ra đến thị trấn An Nhơn, tài xế mở điện thoại lên gọi về báo với hãng là đưa khách đi An Nhơn. Mình chẳng hiểu vì sao tài xế phải hành động như vậy…". Thắc mắc của anh bạn tôi được nguyên một tài xế xe của hãng Taxi Quy Nhơn giải thích: "Dễ hiểu thôi, anh ta muốn báo với hãng như vậy là để giảm bớt doanh thu để tỉ lệ chia ít đi. Ví dụ, nếu hợp đồng với khách đi An Nhơn thì độ 100.000 đồng, theo tỉ lệ ăn chia tiền tài xế phải trả lại cho hãng khoảng 65.000 đồng thôi. Còn nếu như báo với hãng chạy Phù Mỹ thì phải trả lại cho hãng 130.000 đồng". Giới taxi gọi đó là hình thức "chẻ cò".

Tuy nhiên hình thức trên ít gặp hơn so với việc "chẻ cò" khi chạy trên những đoạn đường ngắn hoặc trong nội thành Quy Nhơn. Nhưng nếu tính tất cả các khoản kể cả tiền "chẻ cò", mỗi tài xế taxi ở Quy Nhơn cũng chỉ thu nhập bình quân khoảng trên dưới 2 triệu đồng/tháng.

* Buồn vui nghề lái taxi

Và cũng chính vì "chẻ cò" mà nhiều tài xế đã dở khóc dở cười khi bị người điều hành của hãng taxi phát hiện và không ít đã phải "đội nón ra đi". Cách đây không lâu, một tân tài xế của hãng Taxi Resort Hoàng Anh đã bị đuổi việc vì tội quá tham. Theo một người điều hành của hãng, vị tân tài xế này đã hợp đồng đưa một người khách nước ngoài từ Quy Nhơn về Phù Cát với giá 700.000 đồng, gấp 6-7 lần so với giá bình thường. Chỉ sau vài phút sau khi biết được việc làm này, thay mặt hãng, giám đốc hãng đã trực tiếp gọi điện thoại xin lỗi và yêu cầu tài xế hoàn trả ngay toàn bộ số tiền trên cho người khách nước ngoài ấy. Qua ngày hôm sau, vị tài xế taxi kia đã bị hãng cắt hợp đồng. Và chỉ sau một lần như vậy thì anh ta không thể nào hành nghề lái taxi ở Quy Nhơn được nữa.

Theo một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Trung Quốc, phần lớn các người hành nghề lái taxi lâu năm đều bị mắc bệnh tim mạch, trên 60 % có nồng độ cholesterol trong máu, 40% cân nặng quá mức bình thường và 30% cân nặng quá mức. Cũng theo các nhà khoa học này, tài xế taxi làm việc khoảng 10 giờ/ngày trong phạm vi nhỏ hẹp (yên xe) có thể làm tăng sự tụ mở ở eo và bụng một cách nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, nghề lái taxi cũng rất dễ tan gia bại sản. Anh Nhật, ở đường Nguyễn Thái Học (Quy Nhơn), cho biết: "Mình đã chạy xe taxi trong 5 năm liền và hầu như không gặp tai nạn gì đáng kể. Tuy nhiên qua đến năm thứ 6, năm 2004, mình đã suýt tan gia bại sản. Trong 2 tháng liền mình dính 3 vụ tai nạn tốn mất hơn 20 triệu đồng đền bù cho khách hàng và hãng để sửa chữa xe.". Nhưng với Nhật, dù sao cũng còn may mắn hơn T. một người vừa hành nghề lái taxi chưa được một ngày đã phải... vĩnh biệt với nghề. Ngay trong lần đầu tiên nhận xe của một hãng taxi ở Quy Nhơn, chưa thu được một xu nào của khách hàng, T. đã bị tai nạn và phải bồi thường 5 triệu đồng, sau đó bị "nghỉ chơi" luôn.

Một tài xế taxi cho biết, chưa có một tài xế nào vào nghề taxi trên 3 năm mà không một lần đổi chủ, và cực chẳng đã mới phải dứt áo ra đi. Có quá nhiều lý do để cánh tài xế taxi phải "đổi chủ". Ngoài việc bị hãng bắt được do "chẻ cò", vi phạm quy định…, nhiều tài xế đã ra đi vì không chịu được những lời nhục mạ của các ông chủ hãng. H. - một tài xế taxi, cho biết: "Nhiều ông chủ oái oăm lắm, họ chửi mình như chửi con họ. Nhiều việc không đáng vào đâu nhưng họ chửi mình không ra gì hết. Mình không làm gì sai nhưng đã phải đổi chủ taxi một lần vì không chịu nổi ông chủ hãng đối xử nhân viên rất tồi tệ".

Rồi trong quá trình vận chuyển khách, các tài xế taxi gặp không ít trường hợp cười ra nước mắt. Đó là những trường hợp bị người "rững mở" trêu đùa thông báo địa điểm giả hoặc đưa đón khách là những người say rượu, chuyển dạ… Không ít tài xế đã phải cực chẳng làm bà đỡ vì nhiều phụ nữ đã sinh ngay trên xe khi chưa đến bệnh viện.

Thanh - một tài xế taxi - tỏ ra mệt mỏi sau khi trải qua một đêm trực chạy xe cho hãng. Một đêm "cày" trên vô-lăng đã vắt kiệt sức lực của bất kỳ một người nào, dù là một thanh niên mới 25 tuổi như anh. Sau khi giao ca lúc 6 giờ sáng, anh chạy một mạch về nhà lăn ra ngủ. "Trước đây 3 năm, nghề taxi còn được chuộng vì kiếm được tiền, lại lịch sự, sạch sẽ. Còn bây giờ...", Thanh bỏ lửng. Hơn 2 năm cầm lái, 3 lần đổi chủ, anh giờ chỉ mơ ước tìm được một chân lái xe tải nhỏ ăn lương. Mong ước của Thanh cũng là giấc mơ của những người lái taxi hiện nay cho các hãng taxi ở Quy Nhơn.

. A.T

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Để trẻ khó khăn cùng vui Tết  (28/01/2005)
Chuyện về những tổ "tiết kiệm mùa xuân"  (28/01/2005)
Những bước tiến dài trong phong trào tự quản ở cơ sở  (27/01/2005)
Mạng lưới y tế trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất: Thiếu trầm trọng  (27/01/2005)
Cải cách lương sẽ giải quyết dần những bất hợp lý trong chế độ cho người có công  (26/01/2005)
Một cuộc sinh hoạt chính trị sâu rộng và bổ ích  (26/01/2005)
Lạc vào vườn cổ tích   (25/01/2005)
Mái ấm của người tàn tật và trẻ mồ côi  (25/01/2005)
Làng đại học   (24/01/2005)
Tổ chức triển khai thực hiện chế độ lương mới nhanh, đúng, chính xác  (24/01/2005)
Nhơn Châu những ngày giáp Tết   (23/01/2005)
Rượu ngoại - thật giả khó phân  (21/01/2005)
Ở đâu cũng đi đầu, làm trước   (20/01/2005)
"Chảo lậu"- vừa cần vừa... cấn !  (20/01/2005)
Đồng chí Lê Xuân Trứ - Bí thư chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh  (19/01/2005)