Những triệu phú vùng cao
4:17', 1/1/ 2002 (GMT+7)

Anh Đinh Văn Oi (An Trung, An Lão) đang chăm sóc ao cá (ảnh: Tiến Sĩ)

Những năm gần đây đời sống đồng bào thiểu số ở miền núi Bình Định ngày càng đổi thay. Nhiều hộ đã thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu nhờ biết cách làm ăn! Những ngày đầu xuân Giáp Thân này, chúng tôi có dịp gõ cửa những nhà triệu phú vùng cao ấy...

Ở làng Hà Văn Trên - xã Canh Thuận của huyện miền núi Vân Canh, anh Nguyễn Bum - người Bana là một điển hình về nỗ lực thoát nghèo. Ngày trước do không biết cách làm ăn nên cuộc sống gia đình anh liên tục thiếu trước hụt sau, dù rằng có đến 3ha đất. Sau những lần chịu khó lặn lội vượt đường sá xa xôi đi học hỏi các mô hình sản xuất giỏi trong tỉnh, anh quyết định chuyển cách làm ăn, cắt riêng 2 ha đất ra để bắt đầu trồng bắp và mì; tận dụng các sản phẩm hoa màu để chăn nuôi bò lai, heo hướng nạc, gà thả vườn... Bây giờ chẳng những anh đã thực sự thoát nghèo, các con của anh đều được đi học mà anh còn có tiền để cất nhà xây mái ngói, sắm xe máy đi lại, mua ti vi và có của ăn của để, đồng thời còn thường xuyên giải quyết việc làm cho từ 3-5 lao động nhàn rỗi ở làng...

Gặp ông Đinh Văn Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Canh Liên (vân Canh), chúng tôi cũng được biết rằng năm 1999, sau khi dời làng từ suối Kà Tơn về nơi ở mới, dân làng Cà Nâu của ông gặp không ít khó khăn về đời sống, và bản thân ông cũng không ngoại lệ. Để giúp bà con ổn định cuộc sống, ông đến từng hộ gia đình vận động họ trồng rau quả quanh nhà. Đồng thời ông cũng khuyến khích họ khai phá đất hoang thành ruộng canh tác... Còn ông, từ làm ruộng nước, chăn nuôi, trồng trọt, có máy xát gạo làm dịch vụ cho cả làng... hàng năm có nguồn thu nhập ổn định 30 triệu đồng...

Người giàu nhất làng Đắc Đâm - xã Canh Thuận là anh Mai Văn Yên - người dân tộc Chăm. Năm 1985 anh đã mạnh dạn khai hoang ruộng để trồng lúa nước, đủ gạo ăn quanh năm cho gia đình; chuyển 2 ha đất trồng lúa gieo khô sang trồng mì, thu lãi 2 triệu đồng. Từ đó anh "tậu" về 2 con bò cái mở hướng chăn nuôi. Sau 4 năm, anh đã có đàn bò gồm 10 con. Tận dụng đất vườn nhà lẫn vườn đồi, anh trồng mì, đu đủ, chuối thơm, đậu các loại... Đến nay gia đình anh có 4 ha mì, hơn 2 ha mía cao sản, gần 100 cây xoài cát Hòa Lộc, 8 sào ruộng nước, hàng trăm cây ăn quả ngắn ngày, 18 con bò và cả trăm con gà thả vườn, bình quân thu nhập mỗi năm trên 30 triệu đồng.

Lên Vĩnh Thạnh "tìm triệu phú", tôi được giới thiệu về Bá Lâm - dân tộc Bana, ở làng K6 xã Vĩnh Kim. Thực hiện phương châm "lấy ngắn nuôi dài", đồng thời lựa chọn cây trồng phù hợp theo mùa vụ, trên bãi đất soi thì trồng lúa, trồng bắp; đất gò đồi thì trồng đậu phụng, đậu xanh, chuối. Vụ thu hoạch đầu tiên, Bá Lâm đã có trong tay 3 tấn lúa, bắp, đậu xanh và đậu phụng. Tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp từ cây lúa, bắp, anh làm chuồng để nuôi bò với đàn bò 10 con, rồi hàng trăm con gà cũng được thả nuôi; trồng 1,7 ha mía cao sản, và 4.000 gốc chuối, mỗi năm có thu không dưới 10 triệu đồng... Ở Vĩnh Thạnh còn có nhiều "triệu phú" như Bá Lâm.

Ngược về vùng xa xôi nhất của tỉnh, chúng tôi ghé thăm ông Đinh Xuân Lực - 69 tuổi - dân tộc H’rê - hội viên nông dân xã An Quang huyện miền núi An Lão. Ông đã chọn cho mình một hướng thoát nghèo bằng mô hình nông lâm kết hợp với chăn nuôi. Hiện thời ông có gần 2 ha cây ăn quả, 5 ha rừng, 7 ha mì, dứa, tiêu, kết hợp chăn nuôi bò, heo, gà và gần 7.000 m2 ao nuôi cá nước ngọt, hàng năm thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Cùng xã với ông Lực còn có hộ ông Đinh Văn Triêm - người H’rê, ở thôn 2, nổi tiếng là người nuôi cá giỏi. Năm 1999, được Trung tâm Khuyến ngư tỉnh đầu tư cá giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá, ông đã thuê người san ủi đất ở gần con suối Lê cạnh nhà để làm ao nuôi cá với diện tích 400 m2. Thức ăn cho cá chủ yếu là cỏ và các chế phẩm nông nghiệp nên ít tốn vốn đầu tư và chăm sóc. Vụ thu hoạch đầu tiên ông thu được 1.500 kg, năm 2000 thu 1.700 kg... Năm nay ông thu hoạch từ ao cá với sản lượng đạt được 2.000 kg, thu lãi gần 20 triệu đồng.

Còn nhiều, rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi trong tỉnh đã nỗ lực vươn lên làm giàu nhờ áp dụng mô hình kinh tế VACR. Điều mong muốn nhất của những hộ đồng bào sản xuất giỏi nói riêng và bà con miền núi, vùng cao nói chung là sẽ được tiếp cận nhiều hơn với khoa học kỹ thuật mới, để làm ăn có hiệu quả cao hơn.

THU HIỀN

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Làng hoa Xuân Mỹ vào xuân   (27/01/2004)
Xuân này ở làng rau Thuận Nghĩa  (26/01/2004)
Giống mới nảy mầm xuân   (24/01/2004)
Đường ven biển - cung đường mùa xuân  (21/01/2004)
Chợ Tết ở quê…  (20/01/2004)
Cánh cửa mở vào tương lai cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở thành phố Quy Nhơn  (20/01/2004)
Bến xe Quy Nhơn những ngày cuối năm   (19/01/2004)
Nhộn nhịp kẻ bán, thưa thớt người mua   (19/01/2004)
"Vua gà" Tuy Phước   (18/01/2004)
Cổ phần hóa - Động lực cho các doanh nghiệp phát triển   (16/01/2004)
Những ngày cuối năm ở Khu công nghiệp Phú Tài   (15/01/2004)
Bia Quy Nhơn - Thương hiệu đã được khẳng định  (14/01/2004)
Thị trường phong bao lì xì ngày Tết: Phong phú và đa dạng   (13/01/2004)
Thị trường bánh mứt Tết: Hàng nội lên ngôi!  (12/01/2004)
Đào tạo lập trình viên quốc tế - Một năm nhìn lại  (11/01/2004)