Nhịp cầu nối những niềm vui
16:41', 1/10/ 2003 (GMT+7)

Cầu treo Xà Tang - ảnh: Cát Hùng

Từ trung tâm xã Vĩnh An (Tây Sơn), chúng tôi theo chân anh Đinh Kiêu, cán bộ văn phòng UBND xã, đến làng Xà Tang, làng nằm xa nhất xã miền núi này, qua chiếc cầu treo bắc qua suối Nước Gộp dẫn vào làng. Chiếc cầu không có gì đặc biệt, nhưng là ước mơ ngàn đời của người dân Xà Tang.

Từ trung tâm xã Vĩnh An đến làng Xà Tang không xa, nhưng cái thế 3 mặt là suối, mặt còn lại là núi rừng làm cho Xà Tang hầu như tách biệt với xung quanh. Để vào làng, phải qua con suối Nước Gộp. Mùa nắng thì chuyện lội suối là bình thường, nhưng mùa mưa con suối này trở nên "hung dữ" không thể đi lại được. Điều kiện giao thông trắc trở như vậy nên việc giao lưu với bên ngoài rất khó khăn, dân trí ở đây rất thấp, phong tục tập quán và phương thức canh tác còn lạc hậu, đời sống vật chất luôn thiếu thốn, quanh năm thường phải lo cái đói vào mỗi vụ giáp hạt. Ông Đinh Đen, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh An cho chúng tôi biết những thông số về diện tích đất nông nghiệp, diện tích đất đồi gò chưa sử dụng ở Xà Tang để chứng minh đây không phải là vùng đất chết. Sở dĩ người Bana ở Xà Tang lâu nay đói nghèo là bởi giao thông không thuận tiện, cản trở việc giao thương với các vùng khác, khó tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật để khai thác thế mạnh và tiềm năng sẵn có của vùng. Lợi dụng sự trở ngại của giao thông, nhiều tư thương khi mua nông sản của bà con đã ép giá, nên sản phẩm bà con làm ra bán chẳng được bao nhiêu tiền cả. Do đó, người ở đây trồng cây ăn trái để ăn chứ không ai trồng để bán, nên đời sống bà con chủ yếu là tự cấp tự túc với bao thiếu thốn.

Mặc dù đã hình dung trước, nhưng chúng tôi cũng không khỏi ngạc nhiên trước con số mà ông Đinh Đen cung cấp: Xà Tang có 36 hộ đồng bào Bana với 167 nhân khẩu sinh sống, nhưng có đến 20 hộ thuộc diện đói nghèo. Giao thông trắc trở, người dân Xà Tang không những chỉ gặp khó khăn về kinh tế mà còn phải đối mặt với bao nỗi lo khác nữa. Ông Đinh Đí, một người dân làng Xà Tang đã 68 tuổi, kể với chúng tôi bao câu chuyện đau lòng xảy ra với người dân làng mình: Bá Gia bị thổ tả nhưng bởi nước suối quá lớn không chuyển đến trạm xá được đành phải trút hơi cuối cùng sau 2 ngày vật vã với bệnh tật, bỏ lại 2 đứa con thơ dại. Hay như Bá Gút, Đinh Đan cũng bị chết oan bởi bệnh chưa đến nỗi nào, nhưng vào mùa mưa nước suối quá lớn không thể chuyển đi bệnh viện được… Còn nhiều, nhiều câu chuyện đau lòng khác xảy ra với người dân Xà Tang mà nguyên nhân chính là do giao thông trắc trở.

Vì vậy, người dân Xà Tang luôn mong ước có được chiếc cầu bắc qua suối để cuộc sống của mình đỡ bớt lo toan. Và rồi, bằng nguồn vốn của Chương trình 135, huyện Tây Sơn đầu tư 500 triệu đồng xây dựng chiếc cầu treo bắc qua suối Nước Gộp, phục vụ việc đi lại của người dân ở đây. Chiếc cầu dài 51 mét, rộng 3 mét, trọng tải 2,5 tấn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhân dịp kỷ niệm 58 năm Quốc khánh 2-9 đã thỏa lòng mong đợi lâu nay của người dân Xà Tang. Ngày cầu đưa vào sử dụng, cả làng vui như hội. Già trẻ, trai gái đều đổ ra xem, nhiều người mải miết ngắm nhìn, không muốn về. Vậy là ước mơ ngàn đời của người dân Xà Tang đã trở thành hiện thực. Có cầu, bà con không còn lo sợ về sự hung dữ của con suối Nước Gộp vào mùa mưa lũ nữa. Rồi sẽ không còn cảnh con heo, con gà "hết lớn" vẫn cứ ở trong chuồng; nải chuối, trái đu đủ... chín rũ trên cành vì cái đường đến chợ khó khăn quá.

Bên ngôi nhà sàn chênh vênh bên sườn núi, Mí Săm, một người dân ở đây tươi cười khoe với chúng tôi: "Tôi vừa bán 4 buồng chuối được 20 ngàn đồng, để dành hôm nào xuống chợ mua chiếc áo mới cho lũ nhỏ. Ngày trước chuối bán không ai mua hoặc mua giá rẻ nên tôi không trồng nhiều. Bây giờ đã có người mua, tôi sẽ trồng cả vườn để bán lấy tiền mua chiếc tivi về xem cho thỏa thích". Ông Đinh K’Rép, Bí thư Chi bộ làng Xà Tang, khẳng định: "Bây giờ có cầu, hàng hóa bán được giá hơn, chắc chắn bà con chúng tôi sẽ đầu tư cải tạo vườn trồng cây ăn trái để cải thiện cuộc sống gia đình".

Rảo bước khắp làng Xà Tang, nhìn những ngôi nhà sàn thấp lè tè tôi càng thấu hiểu sự nghèo khó và thiếu thốn mà bao đời nay người dân Xà Tang phải gánh chịu. Bây giờ có được cây cầu, người dân Xà Tang đã bớt đi nỗi lo về giao thông, thay vào đó là sự tính toán trồng cây gì, nuôi con gì để từng bước xóa được cái đói, giảm được cái nghèo và vươn lên làm giàu.

. Ngọc Thái

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Làm giàu trên diện tích 2.500 m­­2   (30/09/2003)
Tính thực tiễn của một dự án   (29/09/2003)
Hệ thống hồ chứa nước ở Hoài Ân trước mùa mưa bão: Nhiều điều đáng lo!   (28/09/2003)
Phát triển du lịch Bình Định: Những tín hiệu tích cực   (26/09/2003)
Khó khăn của một làng nghề thủ công mỹ nghệ   (25/09/2003)
Ghi nhận ở một HTX tiên tiến   (24/09/2003)
Phát triển kinh tế - xã hội Tuy Phước: Nhìn từ các cụm kinh tế - kỹ thuật   (23/09/2003)
Cuộc "hội ngộ" của những điển hình mới   (22/09/2003)
Duyên hải miền Trung: Làm gì để có những cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm?   (21/09/2003)
Đê Khu Đông trước mùa mưa bão: Vẫn chưa thật sự an toàn   (19/09/2003)
Có gì mới trong thị trường gạch ốp lát?   (18/09/2003)
Chủ động trong quá trình hội nhập  (17/09/2003)
Đường quê rộng mở   (16/09/2003)
Du lịch sinh thái trang trại - Một hướng đi mới   (15/09/2003)
Rau an toàn: Sốt vó nỗi lo đầu ra   (14/09/2003)