|
Ông Phạm Phước Long tại một quán trà ở Quy Nhơn |
Cuối tháng 9-2003 vừa qua, ông Phạm Phước Long - Giám đốc CTDL Atlas TP Hồ Chí Minh - đã có dịp ghé lại Bình Định, tham quan một số tuyến, điểm du lịch, nhằm khảo sát tiềm năng, nghiên cứu thị trường du lịch Bình Định. PV Báo Bình Định đã có cuộc trò chuyện cởi mở và thú vị với ông Phạm Phước Long chung quanh vấn đề này.
- Thưa ông, là một người kinh doanh du lịch, ông có cái nhìn như thế nào khi đến Bình Định?
+ Theo tôi thì Bình Định có đến 7 thế mạnh để phát triển du lịch: Về giao thông, rất thuận lợi, bởi nơi đây hội đủ các điều kiện: đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không với những đầu mối giao thông lớn, và có hệ thống đường giao thông đang phát triển rất nhanh, đây chính là điều kiện hàng đầu. Cơ sở hạ tầng cũng đã khá hơn trước rất nhiều, khi có một số khách sạn 2 sao, 3 sao, và đang xây dựng thêm các khách sạn cao cấp nữa. Yếu tố thứ ba, tôi thích gọi Quy Nhơn - Bình Định là "giang sơn cẩm tú", vì không gian: đồng bằng, rừng núi, sông, suối, biển, hồ gồm thâu ở nơi đây với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hài hòa; nhiều di tích văn hóa - lịch sử gắn với những tên tuổi lớn của đất nước: Quang Trung - Nguyễn Huệ, Đào Tấn, Mai Xuân Thưởng, Tăng Bạt Hổ, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu...; cùng với các bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo: võ thuật, nghệ thuật tuồng. Về trật tự, an toàn xã hội cũng rất tốt; đây là yếu tố mà du khách rất thích. Chủ trương tập trung người ăn xin đang được thực hiện cũng góp phần làm cho Quy Nhơn đẹp hơn lên trong mắt du khách. Đồng thời, con người ở "miền đất võ" rất cởi mở, hiền lành, thân thiện và hiếu khách. Yếu tố thứ năm là Quy Nhơn có các tiết mục ban đêm khá hấp dẫn: đêm trên đầm Thị Nại, đêm tuồng Đào Tấn, đêm võ thuật, đêm thơ trên đồi Thi Nhân... Giá dịch vụ ở Quy Nhơn cũng rẻ hơn nhiều nơi trong nước. Yếu tố thứ bảy, rất quan trọng, như tôi được biết, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã có nhiều cố gắng và quyết tâm đưa hoạt động du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, bằng các chính sách mời gọi đầu tư thông thoáng, ưu đãi... Thử nghĩ xem, khi khách du lịch đến nhiều, sẽ góp phần làm cho thu nhập của người dân khá hơn; mức sống tăng lên, nhu cầu mua sắm sẽ tăng, sẽ thúc đẩy công-thương nghiệp của địa phương phát triển. Vì vậy, đưa hoạt động du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là hoàn toàn xác đáng.
- Liệu có phải là ông không "tiết kiệm" lời khen; du lịch Bình Định cũng còn nhiều hạn chế nữa chứ?
|
Làng chài ven đường Quy Nhơn - Sông Cầu (ảnh Đào Tiến Đạt) |
+ Tôi là người kinh doanh du lịch, chứ không phải khách du lịch chỉ ghé lại một lần rồi đi, nên tôi không nói kiểu "đãi bôi". Những gì tôi nhìn nhận, đánh giá, tôi đã nghiên cứu kỹ và cũng đã trải nghiệm. Xin nói thật là trước đây, trong 10 tour xuyên Việt của Atlas bằng đường bộ, thì có 7 tour ghé lại Quy Nhơn, nhưng chỉ để nghỉ đêm. Bây giờ thì Quy Nhơn đã khác, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ du lịch đã khá hơn. Vừa qua, Atlas đã thiết kế và tổ chức tour "Giang sơn cẩm tú", đưa khách tham quan một số di tích, danh thắng ở Quy Nhơn và tham dự một số tiết mục ban đêm ở đây. Cùng với tour "Sông Côn huyền thoại" thời gian 4 ngày 3 đêm, tham quan các di tích, các làng nghề ở dọc sông Côn; gồm khách Mỹ và châu Âu; chúng tôi đánh giá đây là những tour thắng lợi của Atlas. Tôi đang tính đến việc các tour xuyên Việt của Atlas thay vì chỉ ghé Quy Nhơn để nghỉ qua đêm, thời gian ở lại sẽ là 3 ngày 2 đêm.
Còn những hạn chế thì nơi nào chẳng có! Với du lịch Bình Định, việc quảng bá, tiếp thị nói chung và ở các dịch vụ du lịch như khách sạn, nhà hàng, điểm du lịch... còn thiếu bài bản và còn quá ít. Các đầu mối du lịch chưa được đầu tư nâng cấp cho xứng tầm, như cảnh quan ở nhà ga sân bay Phù Cát, đường giao thông ở khu vực ga Diêu Trì... Về các mặt hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN) là hàng lưu niệm còn kém so với nhiều nơi trong nước. Tôi có cảm giác là người thợ thủ công ở đây nghĩ rằng làm hàng TCMN đẹp và tốt, bán với giá cao thì khách sẽ không mua. Theo kinh nghiệm của tôi, nếu hàng TCMN của ta vừa đẹp, vừa tinh xảo thì sẽ có khách hàng. Về giao thông, Quy Nhơn có một số con đường mà có thể nói rằng Vũng Tàu, Nha Trang không bằng; nhưng cũng có nhiều con đường còn hạn chế về mặt mỹ quan. Quy Nhơn có bãi biển đẹp, nhưng không gian mặt tiền biển bị chia cắt nhiều quá bởi các công trình xây dựng...
Công ty Du lịch Atlas là một doanh nghiệp kinh doanh du lịch có trụ sở chính tại TP Hồ Chí Minh; là thành viên của nhiều hiệp hội du lịch trong khu vực và thế giới; chuyên hoạt động lữ hành, đưa khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam. Nét riêng của Atlas là thường thiết kế và tổ chức tour cho các ngành, giới: phụ nữ, thanh niên, người cao tuổi, doanh nghiệp, sinh viên - học sinh, và các tour chuyên đề: công tác xã hội, về nguồn, kiến trúc, sinh thái... Vừa qua, Atlas đã được phép tổ chức tour cho người Việt Nam đi du lịch nước ngoài; hiện đang thực hiện các tour du lịch Ấn Độ. |
Theo tôi, thế mạnh hoàn toàn có thể phát huy. Một số điểm hạn chế cũng dễ khắc phục. Với riêng tôi, tôi không muốn thành phố Quy Nhơn đô thị hóa nhiều, mà muốn Quy Nhơn giữ được dáng vẻ hiền hòa, thanh bình vốn có, như hiện nay.
- Được biết, ông đã dành gần 3 ngày để đi thăm một số nơi ở Bình Định; có điều gì để ông tâm đắc?
+ Tôi tâm đắc với tất cả 7 thế mạnh của du lịch Bình Định, như tôi đã trình bày. Vừa qua, tôi đã đến một số địa phương và một số điểm như Hoài Nhơn, suối khoáng Hội Vân, đường Quy Nhơn - Sông Cầu, vùng biển Cát Hải, Cát Tiến... Tôi nghĩ, mình đã không dùng sai nghĩa của cụm từ "giang sơn cẩm tú". Là người làm du lịch, tôi đã có dịp đến một số vùng biển trên thế giới. Trong mắt tôi, thú thật là chưa có nơi nào có được vẻ đẹp riêng như vùng biển Cát Hải, Cát Tiến; dáng vẻ thanh bình, hồn hậu, đầy thơ mộng của nó đã thu hút tôi một cách mãnh liệt. Nhưng tôi cũng rất băn khoăn, liệu 5-10 năm nữa, khi vùng đất này phát triển, thì nét yên bình ấy có còn giữ lại được không? Vì vậy, ngay từ bây giờ, phải tính đến việc bảo vệ môi trường sinh thái. Về ẩm thực, tôi rất thích các nhà hàng bình dân ở Quy Nhơn. Các món ăn tuy chế biến đơn giản, không cầu kỳ, nhưng rất ngon. Nhất là các món hải sản, vừa tươi ngon, vừa giữ được nguyên vị của từng loại, phù hợp với khẩu vị của nhiều người; nói ngắn gọn là: ngon-bổ-rẻ!
- Atlas có dự tính gì về việc đầu tư du lịch ở Bình Định?
+ Qua chuyến đi này, "giang sơn cẩm tú" đã thật sự thu hút tôi. Nhưng, xin thông cảm là tôi không thể nói gì nhiều về vấn đề này. Chúng tôi đã làm việc sơ bộ với Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và đối ngoại tỉnh Bình Định; cũng chỉ là bước đầu tìm hiểu chứ chưa tìm đến các cơ quan chức năng khác; có nghĩa là tất cả đều còn nằm trong ý tưởng của công ty chúng tôi. Trước hết, Atlas sẽ quan tâm hơn với các tour đưa khách du lịch đến Bình Định. Sau mấy ngày lưu lại Quy Nhơn, tôi có điều kiện để khẳng định những suy nghĩ của mình về việc thực hiện một điều gì đó mang tính chất lâu dài hơn ở Bình Định là hoàn toàn đúng đắn.
Cũng xin được nói thêm rằng, tôi có một số bạn bè là người Bình Định, đang sống tại TP. Hồ Chí Minh. Họ cũng có nỗi niềm khi Bình Định có nhiều tiềm năng về du lịch nhưng chưa được quy hoạch vào bản đồ du lịch quốc gia; rằng du lịch Bình Định phát triển chậm... Quan điểm của tôi là: Nếu được quy hoạch mà không phát triển thì quy hoạch cũng chỉ nằm trên giấy. Vấn đề là "hữu xạ tự nhiên hương"; khi đã "dậy hương" thì các đơn vị du lịch sẽ tự động... quy hoạch bằng cách đưa khách đến nhiều hơn, và ngành Du lịch sẽ quan tâm đầu tư xứng đáng hơn. Tôi nhìn thấy tương lai của du lịch Bình Định là rất lớn. Tuy việc phát triển có chậm, nhưng chậm mà chắc, rút được kinh nghiệm của các nơi để làm tốt hơn thì đáng quý vô cùng.
- Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này.
. Bùi Lợi (thực hiện)
|