Hồ chứa nước Đá Vàng kêu cứu
16:23', 7/10/ 2003 (GMT+7)

Đập đất mái hạ lưu hồ chứa nước Đá Vàng bị sạt lở nghiêm trọng

Từ hơn mười năm nay, cứ đến mùa mưa bão, hồ chứa nước Đá Vàng - xã Phước Thành (Tuy Phước) - luôn trở thành mối đe dọa và là nỗi sợ hãi của nhiều người dân sống vùng hạ lưu của hồ. Một trong những hiểm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào là hệ thống đập chính hồ Đá Vàng bị xuống cấp nghiêm trọng, rất dễ bị vỡ đập khi có lũ lớn. Hơn hai trăm hộ dân sống ở hai xóm 6 và 7 thuộc thôn Bình An cùng hàng trăm ha đất canh tác của HTX nông nghiệp Phước Thành 2 có nguy cơ bị xóa sổ khi gặp sự cố vỡ đập.

* Hiểm họa vỡ đập

Chúng tôi đến xã Phước Thành vào những ngày đầu tháng 10 để "mắt thấy tai nghe" những báo động "nóng" từ hồ chứa nước Đá Vàng. Hồ nước nằm cheo leo giữa một bên là đồi núi trùng điệp, một bên là thung lũng ruộng đồng thuộc HTX NN Phước Thành 2 và hơn 200 hộ dân của xóm 6-7 thôn Bình An đang sinh sống. Đứng trên con đập chính dài gần 100 mét nối 2 chân núi với nhau tạo nên lòng hồ Đá Vàng, nhìn về phía hạ lưu, tôi có cảm giác đây là một túi nước khổng lồ đang treo lơ lửng giữa không trung. Mặc dù những cơn mưa đầu mùa chưa đủ lượng nước để tích trữ đầy hồ, nhưng những điều đáng ngại từ mái hạ lưu đập đất thì ai thấy cũng phải ngán ngẩm (!). Mái đập bị sụt xuống với nhiều nơi bị khoét rỗng tạo nên những khe suối có chiều sâu từ 30-40 cm, có nơi sâu tới 0,5 mét. Thân đập đất mái hạ lưu bị nước thẩm thấu tạo nên những đường lồi lõm đáng sợ. Phía mái thượng lưu đã bị nước lũ hàng năm cuốn phăng hết các thảm cỏ bảo vệ, chỉ còn trơ lại sỏi đá và những khe suối sâu ăn vào thân đập. Theo kinh nghiệm của ngành thủy nông, đây là những dấu hiệu xuống cấp ẩn chứa phía bên trong lòng đập rất đáng ngại.

Ý kiến người trong cuộc:

* Ông Nguyễn Bay, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Tuy Phước:

Kinh phí để tu sửa hồ chứa nước Đá Vàng là vượt quá tầm tay của huyện

Chúng tôi biết sự xuống cấp của hồ chứa nước Đá Vàng hiện nay là rất nghiêm trọng, thế nhưng để gia cố, tu sửa lại hồ chứa nước này cần đến số vốn hơn 1 tỉ đồng. Số kinh phí này là quá lớn đối với khả năng của huyện, trong khi đó, mùa mưa bão năm nay, trên địa bàn huyện có đến hàng chục công trình thủy lợi xung yếu khác bị xuống cấp cần phải được tu sửa, gia cố ngay. Chúng tôi đã nhiều lần làm tờ trình xin kinh phí từ UBND tỉnh để tu sửa hồ Đá Vàng nhưng mãi đến hôm nay vẫn chưa có nguồn kinh phí.

* Ông Nguyễn Hữu Vui, Trưởng Phòng thủy lợi (Sở NN và PTNT):

Ngành Nông nghiệp chưa nghe phản ánh từ địa phương

Với chức năng là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ kinh phí sửa chữa các công trình thủy lợi, hồ chứa nước bị xuống cấp hàng năm nhưng lâu nay chúng tôi chưa nghe kiến nghị gì từ huyện Tuy Phước về sự xuống cấp của hồ chứa nước Đá Vàng. Nếu có phản ảnh từ phía địa phương chúng tôi sẽ tìm mọi cách để tìm kinh phí để tu bổ, gia cố vượt lũ an toàn cho hồ chứa này. Chúng tôi sẽ tiến hành cho kiểm tra lại hồ chứa nước này để có kế hoạch phân bổ kinh phí cho năm tới.

* Ông Đàm Văn Lợi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống lụt bão và Quản lý đê điều tỉnh:

Cần chuẩn bị các điều kiện thiết yếu để bảo vệ hồ chứa nước Đá Vàng trước mùa bão lụt!

Theo tôi ngay từ bây giờ, huyện Tuy Phước cần phải có những biện pháp khẩn cấp phối hợp cùng UBND xã Phước Thành và HTX NN Phước Thành 2 tìm mọi biện pháp bảo vệ hồ chứa trong mùa mưa bão năm nay. Phải tiến hành ngay việc kiểm tra lại hệ thống đập đất và bờ tràn xả lũ. Nếu thấy thật sự nguy hiểm phải hạn chế việc tích trữ nước, hạ thấp bờ tràn xả lũ, đồng thời giải tỏa mọi chướng ngại vật khu vực bờ tràn để giảm áp lực lũ. Cần thành lập ngay Đội phòng chống bão lụt cho công trình và thường xuyên ứng trực tại hồ khi có mưa bão xảy ra.

Ông Trần Loan, Chủ nhiệm HTX NN Phước Thành 2 - đơn vị đang trực tiếp quản lý hồ chứa nước Đá Vàng, nói với chúng tôi với vẻ mặt đầy âu lo: "Đã mười năm rồi, cứ đến mùa mưa bão là chúng tôi phải sống trong cảnh lo sợ vì nguy cơ vỡ hồ. Nếu không may đập đất bị vỡ thì tính mạng của 200 hộ dân và hàng trăm ha đất canh tác ở vùng chân hồ không biết sẽ ra sao (!)". Ông Loan cho biết thêm: Hồ chứa nước Đá Vàng được khởi công xây dựng từ năm 1988, với số vốn đầu tư trên 700 triệu đồng. Tuy nhiên, do phương pháp thi công còn lạc hậu nên ngay khi công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 1993 thì đã có biểu hiện xuống cấp. Theo thiết kế, hồ có dung tích chứa 450.000 m3 nước, tưới cho 50 ha lúa, hoa màu hàng năm của HTX. Thế nhưng, khi đưa vào sử dụng, hồ chỉ chứa được 250.000 m3 và tưới cho khoảng 20 ha lúa vụ đông-xuân, số diện tích còn lại đành phải bỏ hoang vì thiếu nước (!).

Không những hệ thống đập đất bị xuống cấp nghiêm trọng, kênh lấy nước của hồ chứa cũng đang đặt trong tình trạng báo động. Ông Trần Hữu Hải, cán bộ theo dõi thủy lợi của HTX - người nhiều năm gắn bó với hồ chứa nước Đá Vàng, nói: "Chúng tôi không hiểu đơn vị thiết kế tính toán như thế nào mà lại cho xây dựng hệ thống kênh lấy nước vượt qua đồi núi cách trở, có nơi chiều cao từ đỉnh kênh xuống đáy sâu tới 10 mét. Do có chiều cao quá lớn nhưng lại không được bê tông kiên cố nên cứ sau mỗi mùa mưa bão đất đá bồi lấp không thể nhận ra dòng kênh". Chính vì thế mà nhiều năm liền số tiền thu thủy lợi phí từ hồ Đá Vàng đã không bù đắp nổi số tiền để tu bổ, gia cố dòng kênh dẫn nước.

* Biết nguy hiểm nhưng đành "bó tay"

Vì sao hồ Đá Vàng bị xuống cấp từ nhiều năm nay nhưng không được tu sửa? Chúng tôi đã đem vấn đề này trao đổi với ông Nguyễn Trung Hòa, cán bộ phụ trách giao thông - thủy lợi (UBND xã Phước Thành), được ông cho hay: "Biết là sự xuống cấp của hồ chứa hiện nay là đáng ngại, nhưng địa phương đành bó tay vì không có... kinh phí". Theo ông Hòa, để tu sửa, gia cố lại hồ Đá Vàng phải mất ít nhất 1 tỉ đồng, nhưng với một xã miền núi khó khăn như Phước Thành thì lấy đâu ra số tiền lớn như vậy. Chúng tôi đặt câu hỏi: Vì sao xã không kiến nghị lên huyện, tỉnh để xin kinh phí? Ông Hòa cho biết: "Cách đây mấy năm chúng tôi đã nhiều lần kêu cứu lên huyện, tỉnh nhờ giúp đỡ, các anh lãnh đạo ở huyện cũng đã về đây kiểm tra thực tế xuống cấp của hồ chứa, nhưng không hiểu sao cuối cùng không thấy ai rục rịch gì cả (?)". 

. Nguyễn Hân

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định bán gì, mua gì?   (06/10/2003)
Bình Định trong cơn lũ đầu mùa   (05/10/2003)
Chuyển động mới ở Khu công nghiệp Phú Tài   (03/10/2003)
"Giang sơn cẩm tú" đã thật sự thu hút tôi   (02/10/2003)
Nhịp cầu nối những niềm vui   (01/10/2003)
Làm giàu trên diện tích 2.500 m­­2   (30/09/2003)
Tính thực tiễn của một dự án   (29/09/2003)
Hệ thống hồ chứa nước ở Hoài Ân trước mùa mưa bão: Nhiều điều đáng lo!   (28/09/2003)
Phát triển du lịch Bình Định: Những tín hiệu tích cực   (26/09/2003)
Khó khăn của một làng nghề thủ công mỹ nghệ   (25/09/2003)
Ghi nhận ở một HTX tiên tiến   (24/09/2003)
Phát triển kinh tế - xã hội Tuy Phước: Nhìn từ các cụm kinh tế - kỹ thuật   (23/09/2003)
Cuộc "hội ngộ" của những điển hình mới   (22/09/2003)
Duyên hải miền Trung: Làm gì để có những cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm?   (21/09/2003)
Đê Khu Đông trước mùa mưa bão: Vẫn chưa thật sự an toàn   (19/09/2003)