|
Áp dụng công nghệ vào nuôi tôm công nghiệp (ảnh: Ngọc Tuấn) |
Trong lúc ở nhiều vùng nuôi tôm có tiếng của tỉnh Bình Định, tôm sú bị dịch bệnh và chết hàng loạt, người nuôi tôm thua lỗ nặng, thì ngược lại tại thôn Đông Điền, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước, có 11 hộ nuôi tôm chưa bao giờ bị lỗ trong hơn 3 năm qua. Năng suất tôm bình quân đạt từ 3,5 - 4 tấn/ha/năm; trung bình một hộ thu lãi không dưới 50 triệu đồng. Đây là một điểm sáng trong lúc nghề nuôi tôm đang gặp "hạn".
Chỉ tay về phía hồ tôm hơn 1,3ha của mình, ông Đặng Văn Luyện (ở thôn Đông Điền) nói với chúng tôi: "Nhờ vào hồ tôm này mà gia đình tôi hết khổ và cuộc sống ngày càng khấm khá". Năm 1997, ông bước vào nghề nuôi tôm khi UBND xã Phước Thắng thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích lúa ven đầm Thị Nại sang nuôi tôm. Lúc đó trong tay của gia đình ông chỉ có số vốn đầu tư hơn 10 triệu đồng. Qua 2 năm nuôi tôm đầu tiên, do thiếu kinh nghiệm sản xuất, ông không thu được lãi hoặc thu lãi thấp. Trong 3 năm, từ 2000-2003, mức lãi thu được từ hồ tôm của gia đình ông ngày càng tăng. Năm 2002 lãi 120 triệu đồng và năm nay lãi 150 triệu đồng. Bây giờ, ngoài việc xây dựng ngôi nhà hai tầng với đầy đủ phương tiện sinh hoạt hiện đại, gia đình ông còn gởi tiền tiết kiệm ngân hàng hơn 50 triệu đồng - một sự đổi đời mà cách đây vài năm ông không bao giờ dám nghĩ tới.
Tổng diện tích mặt nước nuôi tôm ở thôn Đông Điền chỉ có 9,3ha với 11 hộ nuôi. Năng suất tôm bình quân đạt 3,5-4 tấn/ha/năm; với giá bán trung bình trên dưới 100.000 đồng/kg, có hộ thu lãi tới 160 triệu đồng/năm, hộ thấp nhất cũng có lãi hơn 50 triệu đồng. Những hộ nuôi tôm ở thôn Đông Điền đều có đời sống kinh tế khấm khá.
Hiện nay, ở nhiều vùng nuôi tôm sú có tiếng của Bình Định, tôm bị dịch bệnh, một số người nuôi tôm bị thua lỗ nặng. Nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng tôm bị dịch bệnh được ngành chức năng và người nuôi tôm chỉ ra rằng: chủ yếu là nguồn tôm giống mang mầm bệnh, người nuôi tôm chưa nắm bắt được kỹ thuật, dẫn đến việc nuôi tôm không hiệu quả. Tuy nhiên, tất cả những vấn đề trên lại trái ngược hoàn toàn đối với công việc nuôi tôm của các hộ dân ở Đông Điền. Ở đây, người nuôi tôm lấy tôm giống ở các trại tôm giống từ Phù Cát, Tuy Phước cho đến Quy Nhơn và nuôi theo phương thức bán thâm canh với mật độ thả tôm giống khoảng 25 con/m2 vào vụ 1, và khoảng 15 con/m2 vào vụ 2. Thức ăn cho tôm, họ mua từ thị trường, như của công ty Hải Long hoặc Winter của Đài Loan. Nhưng hễ tôm giống đã thả xuống ao là tôm lớn nhanh, lớn đều, đến khi thu hoạch là có lãi ăn chắc.
Ông Đặng Văn Luyện cho biết: Bí quyết nuôi tôm đạt năng suất của 11 hộ dân ở thôn Đông Điền là nhờ có được nguồn nước ngọt không bị ô nhiễm, và có đủ nước để xử lý khi vào mùa nắng, khi độ mặn của nước trong hồ tăng lên. Khi dịch bệnh xuất hiện, chủ hồ tôm đóng kín các cổng lấy nước rồi xả nước trong hồ ra một đường riêng biệt, không ảnh hưởng đến hồ khác, sau đó xử lý theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật là diệt được dịch bệnh. Ông Luyện "bật mí" thêm với chúng tôi: "Đối với tôm sú, nếu chuyển từ trạng thái nước lợ rồi giảm dần bằng cách cho nước ngọt vào thì con tôm lớn rất nhanh, năng suất tôm đạt khá". Anh Đặng Văn Thành - một người nuôi tôm ở Đông Điền - khẳng định: Quy hoạch được vùng nuôi tôm bền vững, có hệ thống xử lý nước ổn định để khi có xảy ra dịch bệnh, người nuôi tôm dễ xử lý thì việc nuôi tôm mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Qua việc nuôi tôm được và mất ở nhiều vùng trong tỉnh cho thấy, những vùng có môi trường sạch khuẩn, tảo và không có các loại hóa chất độc hại, nhất là nguồn nước trong ao phải tuyệt đối sạch là nuôi tôm có kết quả cao. Khu vực nuôi tôm Đông Điền, xã Phước Thắng là một minh chứng cụ thể. Khu vực này có môi trường nước ven đầm Thị Nại khá sạch, hệ thống lấy và xả nước dễ dàng, phù hợp với sự phát triển của con tôm sú. Đặc biệt, nơi đây có nguồn nước ngọt được dẫn từ sông về ao nuôi tôm. Nhờ nguồn nước khá tốt này, trong 5 năm qua, sản lượng tôm Đông Điền rất ổn định, người nuôi tôm có lãi khá.
. Nguyễn Minh
|