Ghi chép của Ngọc Thái
|
Một góc làng Hà Ri xã Vĩnh Hiệp |
Lần lữa mãi tôi mới có dịp trở lại xã vùng cao Vĩnh Hiệp (Vĩnh Thạnh) anh hùng. Từ Quy Nhơn đến Vĩnh Hiệp hơn 100 cây số luôn làm tôi ái ngại. Nhớ chuyến đi Vĩnh Hiệp lần trước cách đây 3 năm, tôi phải vất vả mãi mới đến được đây bởi đường khó đi quá: nhỏ, lầy lội, dốc thăm thẳm... Lần này đến Vĩnh Hiệp, đường rộng thênh thang, nhiều đoạn đã bê tông hóa. Vừa gặp tôi ở xã, ông Nguyễn Văn Bảy, Chủ tịch UBND xã, hồ hởi khoe: Vĩnh Hiệp bây giờ đổi thay nhiều rồi.
Những người dân Vĩnh Hiệp hôm nay kể lại: Sau ngày giải phóng, Vĩnh Hiệp gặp bao khó khăn, hầu như tất cả dân trong xã đều vất vả với cái ăn, cái mặc, thậm chí phải "giật gấu vá vai". Đặc biệt vào những năm thiên tai, cảnh đói nghèo lại tìm đến trăm nhà gọi cửa. Không đâu xa, chỉ cách đây chừng năm năm, dù đi khắp xã cũng không tìm được một ngôi nhà tường xây mái ngói. Đường đi lối lại quanh co, khúc khuỷu, đầy đèo dốc, cùng "ổ trâu, ổ gà", khiến cho việc giao thương kinh tế với bên ngoài gặp nhiều trắc trở. Thêm vào đó, 122 hộ đồng bào Bana ở đây vẫn chưa bỏ được lối sống tự cấp tự túc cố hữu lâu nay, khiến cho xã vùng cao này đã khó khăn lại càng khó khăn thêm. Ông Đinh K’răng, Bí thư Chi bộ làng Hà Ri (Vĩnh Hiệp), nhớ lại: "Trong chiến tranh, Vĩnh Hiệp là căn cứ địa cách mạng, đồng bào ở đây không tiếc xương máu và của cải để đấu tranh giành độc lập. Sau ngày giải phóng, cái đói nghèo tiếp tục bấu víu nên họ phải bước tiếp vào cuộc chiến chống lại cái đói, cái nghèo".
Muốn đuổi được đói nghèo, xã xác định: phải xây dựng hệ thống giao thông và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thay đổi dần tập quán sản xuất. Để làm được điều này không thể ngày một ngày hai mà phải trường kỳ. Đồng thời, hàng năm xã huy động sức dân và tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên sửa sang đường sá, cầu cống. Đến nay hệ thống giao thông trong xã được cải thiện một cách đáng kể, đã nâng cấp được 22 km đường liên thôn, liên xóm và bê tông hóa 3,5 km những đoạn lầy lội khó đi. Nhờ đó, giao thông ở đây bây giờ không còn là nỗi ám ảnh của dân làng và khách ở nơi khác đến.
Khi giao thông thuận tiện, xã quyết tâm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thay đổi tập quán sản xuất của bà con. Ông Nguyễn Văn Bảy cho biết: "Lối sống chặt, đốt, cốt, trỉa đã ăn sâu vào tiềm thức đồng bào dân tộc thiểu số ở đây nên khó mà xóa được. Nhưng bằng sự thuyết phục và cầm tay chỉ việc của cán bộ, bà con đã dần quen với cách làm ăn mới. Bây giờ không cần vận động, chuyện gì bà con thấy lợi là xung phong đăng ký làm ngay". Như để chứng minh cho những điều mình nói, ông đưa chúng tôi đi một vòng quanh xã để được mắt thấy, tai nghe. Suốt dọc đường đi tôi cứ ngẩn ngơ mãi bởi hình ảnh người dân vùng cao cặm cụi nhổ từng cọng cỏ trên ruộng lúa nước, chăm sóc vườn cây ăn quả, cho cá ăn… Tất cả đều là chuyện mới, là những minh chứng cụ thể nhất cho sự thay da đổi thịt ở xã Vĩnh Hiệp anh hùng. Anh Đinh Đen, một người Bana ở đây, tâm sự: "Ngày trước giao thông trắc trở, bà con chúng tôi làm ra cái gì cũng chỉ để ăn. Còn bây giờ có đường giao thông, xe ô tô chạy đến tận xã nên nông sản chúng tôi làm ra đã thành tiền, thành gạch, thành cát, thành xi măng… để xây nhà, mua xe…". Nói xong anh chỉ tay về đống hạt đào ở góc nhà và khoe: "Bao nhiêu đào này đủ đổi cái ti vi đa hệ rồi đấy! ".
Chuyện vui nữa ở Vĩnh Hiệp là bà con đồng bào dân tộc thiểu số đã biết nuôi cá nước ngọt để cải thiện bữa ăn và tăng thu nhập cho gia đình. Đinh H’Lók, một hộ nuôi cá nước ngọt khá nhiều ở đây, tâm sự: "Khi thấy điều kiện tự nhiên của địa phương phù hợp để nuôi cá, tôi mạnh dạn đầu tư nuôi thử. Kết quả mang lại rất khả quan, vừa có nguồn thực phẩm tươi để ăn, vừa có thêm thu nhập". Với hiệu quả như vậy, nhiều người đã đầu tư cải tạo ao hồ đưa vào nuôi cá. Hiện nay toàn xã đã có 86 ao hoang được bà con cải tạo nuôi cá, sản lượng cá thu hoạch một năm hơn 10 tấn; Vĩnh Hiệp trở thành điểm cung cấp cá nước ngọt cho các địa phương khác trong huyện. Với những thay đổi như vậy, kinh tế Vĩnh Hiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện thu nhập bình quân đầu người đã đạt 2.650.000 đồng/người/năm, tăng gần gấp đôi so với trước năm 2000.
Khi đã không còn lo cái ăn mỗi độ giáp hạt, đời sống văn hóa tinh thần được người dân chú ý hơn. Vĩnh Hiệp đã có 85% số hộ thực hiện 3 công trình vệ sinh, 90% số hộ có phương tiện nghe nhìn. Những năm qua tỉ lệ tăng dân số của xã cũng giảm mạnh, phụ nữ dân tộc thiểu số đã biết áp dụng các biện pháp tránh thai, nhiều hộ gia đình chỉ có từ 1-2 con. Các tệ nạn như cúng bái khi đau ốm, tảo hôn... đã giảm mạnh. Trong làng có người ốm đau không còn để ở nhà cúng nữa mà đưa đến trạm y tế để khám và điều trị. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học mà không đến trường cũng giảm đáng kể. Toàn xã có 391 học sinh tiểu học, 243 học sinh trung học cơ sở và 100 trẻ mẫu giáo. Đặc biệt hơn, trong những năm qua tình trạng nghi kỵ cầm đồ thuốc độc đã được đẩy lùi vào quá khứ. Vai trò của già làng trưởng bản được đề cao, góp phần rất lớn trong việc đoàn kết dân tộc, xây dựng làng bản văn hóa.
Về Vĩnh Hiệp hôm nay, cảm giác về một xã vùng cao heo hút, đói nghèo, lạc hậu không còn ám ảnh tôi như lần trước nữa. Dọc theo con đường bê tông, những ngôi nhà mái ngói khang trang, những cần ăng ten xen giữa vườn cây trĩu quả đã thu hút tầm mắt chúng tôi. Trên những con đường liên thôn, liên xã, chúng tôi bắt gặp không ít xe máy phân khối lớn ngược xuôi đi về mà chủ nhân nó không ai khác người dân ở xã vùng cao này. Những hình ảnh ấy, làm tôi liên tưởng đến một tương lai gần đầy hứa hẹn về sự đổi thay của một xã vùng cao, khi người dân biết phát huy thế mạnh của địa phương để vươn lên thoát khỏi đói nghèo.
. N.T
|