Việc giải quyết vốn vay cho nông dân theo Nghị quyết liên tịch (NQLT) 2308 giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NHNN0) Việt Nam được Hội Nông dân và NHNN0 tỉnh triển khai từ năm 2000 đến nay, đã có 23.768 lượt nông dân được vay vốn với số tiền 152.050 triệu đồng. Nguồn vốn 2308 đã tạo điều kiện tốt hơn cho nông dân trong tỉnh phát triển sản xuất, kinh doanh.
|
Một nông hộ ở thị trấn Vân Canh (Vân Canh) phát triển kinh tế trang trại từ nguồn vốn vay 2308. (ảnh: T.S) |
Từ năm 2000 đến nay, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tham mưu cho chính quyền địa phương trong việc tổ chức, triển khai và thực hiện NQLT 2308, vận động hội viên, nông dân gia nhập tổ vay vốn để được vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, và trợ giúp pháp lý, kỹ thuật trong quá trình sản xuất. Hội Nông dân các cấp cũng đã phối hợp với các Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên nông dân. Thực hiện NQLT 2308, NHNN0 đã hướng dẫn các quy trình, nghiệp vụ cho vay đối với từng tổ vay vốn cụ thể, giảm bớt tình trạng sai sót trong khâu lập hồ sơ thành lập tổ và lập hồ sơ vay vốn. Thông qua tổ vay vốn, cán bộ tín dụng có điều kiện nắm bắt thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh cũng như việc sử dụng vốn của hộ vay nhanh hơn, giảm bớt thời gian trong khâu điều tra, thẩm định trước khi cho vay. Ngân hàng đã kịp thời cung cấp các số liệu cụ thể liên quan đến tổ vay vốn, tạo điều kiện cho Hội Nông dân các cấp có biện pháp đôn đốc các thành viên vay vốn thực hiện tốt trách nhiệm của mình.
Hàng năm, NHNN0 tỉnh cùng với Hội Nông dân tỉnh khảo sát tình hình triển khai thực hiện, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình cho vay theo NQLT 2308 tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Mỗi bên theo trách nhiệm của mình, có giải pháp hướng dẫn cụ thể để việc cho vay được tốt hơn. Nhờ đó, ngày càng có nhiều hộ nông dân gia nhập tổ vay vốn và được vay vốn để sản xuất kinh doanh.
Anh Nguyễn Đình Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Nhơn Phú - TP Quy Nhơn, thổ lộ: "Trước đây gia đình tôi thuộc diện nghèo đói, năm 2000 tôi được vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn NQLT 2308 để mua 2 con heo nái về thả nuôi và phát triển dần. Đến nay, trong chuồng heo của tôi luôn có 4 heo nái, 6 con heo lứa, bình quân mỗi năm tôi xuất chuồng khoảng 1,6 tấn heo thịt và 8 tạ heo con, thu nhập khoảng 20 triệu đồng". Từ chăn nuôi heo, anh Hồng đã mua được nhà, sắm sửa được nhiều tiện nghi sinh hoạt và lo cho các con ăn học chu đáo. Và còn rất nhiều hộ nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh đã nhờ vào nguồn vốn NQLT 2308 để có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, xóa được đói, giảm được nghèo.
Theo số liệu thống kê của NHNN0 tỉnh, từ năm 2000 đến nay, có 155 phường, xã đã triển khai NQLT 2308, thành lập được 1.747 tổ vay vốn, với 23.768 thành viên vay với số tiền 152.050 triệu đồng để sản xuất, kinh doanh. Phần lớn, các thành viên được vay vốn đều đã sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích. Nhiều hộ gia đình đã năng động hơn, biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm ở nông thôn. Qua tìm hiểu, hầu hết nông dân đều cho rằng, nguồn vốn vay theo NQLT 2308 đã tạo điều kiện tốt hơn cho bà con sản xuất, kinh doanh; giảm được nạn cho vay nặng lãi, hoặc phải bán sản phẩm với giá rẻ cho tư thương...
Ông Nguyễn Công Tánh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: "Sau khi được vay vốn sản xuất, kinh doanh, đời sống của hội viên, nông dân ngày càng được nâng cao, hội viên gắn bó tốt hơn với tổ chức Hội. Từ đó hoạt động của Hội Nông dân ở cơ sở từng bước được đổi mới về nội dung và hình thức, số lượng hội viên ngày càng tăng cả số lượng và chất lượng".
. P.V |