Tiếp thị du lịch: Lắm "chiêu", nhiều cách
16:17', 13/10/ 2003 (GMT+7)

Hải đăng Cù Lao Xanh, một điểm có thể hút khách du lịch đến tham quan  - (ảnh: Cát Hùng)

1- Theo các nhà kinh doanh du lịch, để du lịch trở thành một ngành kinh tế chính, cần phải có kế hoạch đưa các hoạt động du lịch trở thành một công nghệ hẳn hoi. So với các địa phương đã phát triển về du lịch như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Quảng Ninh... thì du lịch Bình Định chỉ mới ở bước khởi động. Chính vì vậy, việc dựa vào các đặc điểm và tiềm năng để xây dựng công nghệ du lịch Bình Định là điều rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Nếu như công nghệ du lịch với các chương trình, kế hoạch lớn, là phần việc của Nhà nước, thì các đơn vị, doanh nghiệp du lịch cũng rất cần có những công nghệ để thu hút, "lôi kéo" du khách đến với mình. Đó chính là việc quảng bá du lịch chẳng những thông qua các hội chợ, hội thảo về du lịch trong và ngoài nước, mà còn dựa vào các cơ hội như: lễ hội truyền thống, các dịp kỷ niệm lớn... cùng với việc sử dụng những chiêu tiếp thị độc đáo, đầy tính sáng tạo để "đánh" vào thị hiếu của khách du lịch.

Trò chuyện với chúng tôi, một số người làm công tác du lịch ở Bình Định lấy làm tiếc rằng sao không tổ chức "Ngày du lịch Bình Định" ngay trong dịp kỷ niệm 215 năm chiến thắng Đống Đa với các hoạt động văn hóa nghệ thuật hoành tráng, sôi nổi ở 2 điểm: Quy Nhơn, Tây Sơn... như Quảng Nam đã làm "Hành trình di sản"; các tỉnh miền Tây Nam bộ với "Lễ hội du lịch đồng bằng sông Cửu Long"; Lào Cai với "100 năm Sapa"... Họ cũng cho rằng nếu như các tỉnh Nam bộ khai thác triệt để khía cạnh lịch sử thời khẩn hoang mở đất để tổ chức các khu du lịch sinh thái miệt vườn, các chương trình ẩm thực đất phương Nam... thu hút đông đảo du khách; thì ở Bình Định, với đầy ắp chất văn hóa truyền thống cùng với những "âm vang" của lịch sử, kết hợp với đặc điểm sinh thái của vùng đất duyên hải Nam Trung bộ, cũng sẽ "bày" ra được "lắm trò" để mời gọi du khách. Nhiều du khách nước ngoài sau khi thưởng thức đêm Tuồng Đào Tấn đã mong muốn mua được những mặt hàng lưu niệm có liên quan đến bộ môn sân khấu truyền thống này, như: râu, hia, mão, các loại binh khí bằng gỗ được thu nhỏ, hoặc nguyên cả chiếc áo bào lấp lánh kim sa, kim tuyến với những nét hoa văn được thêu một cách tinh xảo... Nhưng, biết tìm đâu cho ra? Nắm được yếu tố đó, năm ngoái, khi đi biểu diễn ở nước ngoài, một diễn viên Tuồng đã "tranh thủ" mang theo một bộ phục trang "phụ" và đã bán được ngay với giá hời.

2- Một hướng dẫn viên du lịch sau khi đưa khách đi tour Vũng Tàu về, đã kể với chúng tôi rằng: Ở thành phố Vũng Tàu, bên cạnh các tour du lịch biển, để "thay đổi không khí" cho du khách, các dịch vụ du lịch đã "bung" lên núi. Một doanh nghiệp tư nhân đã xây dựng nhà hàng Thiên Ân với hình thức giống như một "tịnh cốc" trên ngọn núi bên cạnh tháp Hải Đăng. Ngoài thưởng thức các món đặc sản biển ở... trên núi, du khách có dịp ngắm toàn cảnh thành phố dầu khí Vũng Tàu. Đặc biệt, ở "hậu liêu" của "tịnh cốc" còn có một sạp báo với khá nhiều các loại báo chí trong và ngoài nước. "Chiêu thức" đọc báo miễn phí này tưởng như rất bình thường nhưng lại có tác dụng, vì chính cái không khí đọc báo mang tính chất rất "chiêm nghiệm" ở đây!

Ông Phạm Phước Long - Giám đốc Công ty lữ hành Atlas cho biết, trong các tour chuyên đề của Atlas đều có các chiêu tiếp thị riêng. Chẳng hạn với tour bảo vệ môi sinh, du khách được tự tay thả chim vào rừng, thả cá xuống sông. Tuy du khách phải trả tiền mua chim mua cá nhưng họ rất thích thú. Sắp tới, ông sẽ "xuất chiêu" trồng cây. Đến một địa phương nào đó, du khách sẽ được trồng cây (dĩ nhiên là phải trả tiền) và được ngành chức năng ở địa phương cấp giấy chứng nhận bảo vệ môi sinh. Dù bị "móc túi", nhưng du khách rất phấn khởi vì đã có công góp phần bảo vệ môi trường sinh thái ở Việt Nam.

Trên tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Đà Lạt, gần đến Bảo Lộc có quán cà phê Trâm Anh vốn rất quen thuộc với nhiều du khách. Chủ quán đã xây dựng 20 phòng vệ sinh đẹp và sạch sẽ; du khách chẳng những được miễn phí dịch vụ vệ sinh mà còn được mời uống trà, cà phê, thưởng thức kẹo gương Quảng Ngãi, cũng... miễn phí luôn. Với cách phục vụ vui vẻ, chu đáo, tận tình của chủ quán, hầu như mọi du khách ghé lại đây đều mua trà, cà phê, dâu tươi... mang về làm quà. Cũng xin nói thêm là quán chỉ tiếp xe du lịch, chứ nếu tiếp xe khách thì có mà... cụt vốn!

3- Trong kinh tế du lịch, nếu có sự kết hợp đồng bộ, hài hòa giữa các chương trình phát triển lớn của Nhà nước, các hoạt động phong phú, đa dạng của doanh nghiệp và những người làm dịch vụ, cùng với ý thức của người dân thì sẽ trở thành một công nghệ hoàn chỉnh. Bình Định đã rất quan tâm và có những động thái tích cực trong công cuộc phát triển du lịch để đưa hoạt động du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh cũng đã dựa vào đặc điểm và tiềm năng du lịch Bình Định để có những kế hoạch phát triển của riêng mình với đầy ắp các ý tưởng... Như vậy, gió đã thổi, sao thuyền còn chưa dong buồm ra khơi?

. Thúy Vi

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Tạo điều kiện tốt hơn cho nông dân phát triển kinh tế  (12/10/2003)
Chuyện của một người trồng xoài trên đất cát   (10/10/2003)
Chuyện vui ở xã Vĩnh Hiệp   (09/10/2003)
Có một vùng nuôi tôm chưa bao giờ lỗ   (08/10/2003)
Hồ chứa nước Đá Vàng kêu cứu   (07/10/2003)
Bình Định bán gì, mua gì?   (06/10/2003)
Bình Định trong cơn lũ đầu mùa   (05/10/2003)
Chuyển động mới ở Khu công nghiệp Phú Tài   (03/10/2003)
"Giang sơn cẩm tú" đã thật sự thu hút tôi   (02/10/2003)
Nhịp cầu nối những niềm vui   (01/10/2003)
Làm giàu trên diện tích 2.500 m­­2   (30/09/2003)
Tính thực tiễn của một dự án   (29/09/2003)
Hệ thống hồ chứa nước ở Hoài Ân trước mùa mưa bão: Nhiều điều đáng lo!   (28/09/2003)
Phát triển du lịch Bình Định: Những tín hiệu tích cực   (26/09/2003)
Khó khăn của một làng nghề thủ công mỹ nghệ   (25/09/2003)