Cứu nạn tàu nghiên cứu hải sản Biển Đông: Chiến công đầu mùa
16:59', 16/10/ 2003 (GMT+7)

Tàu Biển Đông neo đậu tại vùng biển Hải Giang để sửa chữa (ảnh: B.L)

3 giờ sáng ngày 9-10-2003, bà Trần Thị Thu Hà - Giám đốc Sở Thủy sản Bình Định - bị "dựng" dậy bởi một cú điện thoại khẩn cấp được gọi từ tàu Biển Đông (thuộc Viện Nghiên cứu hải sản - Bộ Thủy sản) nhờ ứng cứu vì tàu gặp sự cố nguy hiểm trong khi đang làm nhiệm vụ ở ngoài khơi vùng biển Quy Nhơn. Ngay lập tức, bà chuyển điện thoại cho ông Nguyễn Hữu Hào - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (CCBVNLTS), Trưởng ban Tìm kiếm - cứu nạn (TKCN) hoạt động nghề cá trên biển Bình Định. Chưa đầy một tiếng đồng hồ chuẩn bị, ông Nguyễn Hữu Hào cùng 6 cán bộ của Ban TKCN đã mặt trên tàu kiểm ngư BĐ-0999KN. Đúng 4 giờ sáng, con tàu nổ máy xả hết tốc lực hướng về phía khơi xa, sẵn sàng làm nhiệm vụ TKCN.

 

1. Ông Nguyễn Hữu Hào kể lại: Chúng tôi khẩn trương cho tàu tiến đến tọa độ 13024’ bắc - 109030’ đông, cách bờ biển Quy Nhơn trên 20 hải lý, theo như thông báo của tàu Biển Đông. Nhưng hôm ấy sương mù dày đặc, rất khó định vị; còn cách Cù Lao Xanh 6,5 hải lý, nhìn lên màn ảnh rađa, chỉ thấy hòn đảo này bé tí xíu. Mãi cho đến gần 7 giờ sáng, bằng mắt thường, chúng tôi mới nhìn thấy tàu Biển Đông ở khoảng cách 2 hải lý, đang trôi về hướng nam, tốc độ trôi khoảng 3 hải lý/giờ, và cách Quy Nhơn 27 hải lý. Chúng tôi vừa mừng, và cũng vừa giật mình, vì con tàu to quá, bằng tàu vận tải cỡ 2.000 tấn, không biết con tàu nhỏ - chủ yếu làm nhiệm vụ kiểm ngư, kiêm nhiệm cứu nạn - của chúng tôi có giúp được gì không! Liên lạc với tàu Biển Đông, chúng tôi được biết tàu bị lưới quấn vào chân vịt nên máy tàu không hoạt động được, phải thả trôi tự do, rất dễ dẫn đến tai nạn nguy hiểm cho tàu. Tôi liền trao đổi với thuyền trưởng Đỗ Hồng Giác của tàu kiểm ngư và thuyền trưởng Nguyễn Như Lạc của tàu Biển Đông về các phương án cứu nạn. Quyết định cuối cùng là tàu kiểm ngư sẽ dùng dây cáp kéo tàu Biển Đông về Quy Nhơn, rồi mới tính tiếp cách khắc phục sự cố.

* Ông Nguyễn Viết Nghĩa: Thông qua báo Bình Định, thay mặt cho toàn thể Ban chỉ huy, sĩ quan, thủy thủ và đoàn cán bộ khoa học đang công tác trên tàu Biển Đông, chúng tôi xin tha thiết gửi lời cảm ơn đến Sở Thủy sản, CCBVNLTS tỉnh Bình Định, cùng các anh em trên tàu kiểm ngư BĐ-0999KN, với tinh thần trách nhiệm rất cao, đã không ngại nguy hiểm, gian khổ để nhanh chóng cứu hộ tàu Biển Đông, đưa về bến an toàn và giúp chúng tôi khắc phục sự cố đến nơi đến chốn. Chúng tôi đã báo cáo đầy đủ tình hình với Viện nghiên cứu hải sản; Viện cũng đã gửi công văn cảm ơn các cơ quan, đơn vị đã cứu hộ và giúp đỡ chúng tôi. Tình cảm này chúng tôi rất trân trọng và ghi nhớ mãi.

* Ông Nguyễn Hữu Hào: Không riêng gì tàu Biển Đông cùng ngành Thủy sản, với các trường hợp khác, nếu điều kiện cho phép, chúng tôi sẵn sàng làm hết sức mình. Nhờ sự chuẩn bị khá chu đáo cho công tác TKCN trên biển trong mùa mưa bão nên chúng tôi đã cứu hộ thành công tàu Biển Đông; anh em trong Ban TKCN rất phấn khởi và tự tin hơn. Song, qua thực tế chuyến công tác TKCN này, chúng tôi thấy rằng, nếu được trang bị các phương tiện chuyên dùng thì hoạt động TKCN sẽ tốt hơn. Hiện nay, tất cả nhân lực, vật lực TKCN của chúng tôi đều là kiêm nhiệm nên sẽ gặp khó khăn đối với các trường hợp TKCN khẩn trương hơn, trong mưa bão lớn...

 

Thuyền trưởng Đỗ Hồng Giác cho biết: Năm 1988, tàu cứu hộ Bạch Đằng - lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ - bị va vào đá ngầm và bị chìm tại vùng biển này. Nhìn tàu Biển Đông lớn "quá khổ", tôi cũng lo lắm, bởi tàu kiểm ngư tuy có công suất 550CV nhưng không được thiết kế như tàu cứu hộ. Tôi tìm cách cho tàu tiếp cận tàu bạn rồi móc 2 sợi cáp lớn có đường kính trên 30cm để có thể kéo được. Vì vùng biển miền Trung mùa này có dòng chảy theo hướng Bắc - Nam, tôi xác định nếu không kéo ngược nước được thì sẽ kéo xuôi và cập vào Phú Yên; còn nếu không kéo nổi thì chỉ còn cách báo cáo anh Hào điện về tỉnh xin ý kiến. May mà sau một hồi ì ạch thì tàu Biển Đông cũng "nhúc nhích" dần rồi "chịu đi theo" chúng tôi với tốc độ... rùa bò - 2 hải lý/giờ. Từ 7 giờ sáng đến 19 giờ tối, suốt 12 tiếng đồng hồ vất vả; với tinh thần trách nhiệm và được động viên bởi... những gói mì tôm dự trữ sẵn trên tàu, chúng tôi đã đưa được tàu Biển Đông về đến vị trí phao số 3-4 (dưới chân tượng đài Trần Hưng Đạo) và neo đậu an toàn. Lúc này, cả hai bên đều thở phào nhẹ nhõm; anh em nói đùa rằng: nhìn cảnh tàu kiểm ngư kéo tàu Biển Đông, giống như một chú cá nhỏ đang "lôi" một ông cá voi... tổ chảng!

 

2- Trong buổi sáng hôm sau, chúng tôi đã có mặt trên tàu Biển Đông. Lúc này tàu đang neo đậu trên vùng biển Hải Giang - Nhơn Hải, vì ở khu vực phao số 3-4 nước quá đục, không thể lặn để xử lý sự cố được nên Ban chỉ huy tàu đã thuê tàu kéo lùi ra ngoài. Đây là con tàu chuyên dùng nghiên cứu biển khá hiện đại, do Na Uy sản xuất, dài 47m, rộng 11m, mớm nước 5,8m. Trên tàu có đầy đủ phương tiện nghiên cứu, gồm thư viện, phòng nghiên cứu khoa học, phòng nghiên cứu môi trường, phòng nghiên cứu hải sản... được trang bị nhiều trang thiết bị công nghệ tiên tiến dùng cho công tác nghiên cứu biển, cùng hệ thống lưới đánh bắt có gắn nhiều máy móc hiện đại. Tàu Biển Đông rời cảng Hải Phòng ngày 1-10-2003 để tiến hành chương trình nghiên cứu, đánh giá trữ lượng các giống loài cá nổi nhỏ trên vùng biển Việt Nam; thủy thủ đoàn gồm 20 người và 12 cán bộ khoa học của Viện nghiên cứu hải sản, do thạc sĩ Nguyễn Viết Nghĩa, Chủ nhiệm đề tài, làm Trưởng đoàn kiêm Khoa học trưởng; đang làm nhiệm vụ trên vùng biển Quy Nhơn thì gặp sự cố.

 

Vào lúc sáng sớm, Trưởng ban TKCN Nguyễn Hữu Hào đã đưa ra một nhóm thợ lặn gồm 6 người, thay nhau lặn cắt gỡ lưới quấn vào chân vịt tàu. Nói về sự cố xảy ra, máy trưởng Đinh Ngọc Mạnh cho biết: 20 giờ ngày 8-10-2003, sau khi dò tìm được đàn cá, đánh giá được trữ lượng, anh em tiến hành thả lưới đánh bắt để xác định các loài cá nổi nhỏ có ở vùng biển này. 23 giờ, khi kéo lưới, do gió và các dòng hải lưu phức tạp ở các tầng nước nên tàu bị xoay ngang và lưới đã quấn vào chân vịt làm máy chính ngưng hoạt động. Chúng tôi tìm cách khắc phục suốt hơn 3 tiếng đồng hồ, nhưng "lực bất tòng tâm", phải chọn phương án cho tàu trôi tự do và gọi ứng cứu... Thật may mắn là Ban TKCN của tỉnh đã đến kịp thời, giúp chúng tôi "tai qua nạn khỏi".

 

Thạc sĩ Nguyễn Viết Nghĩa cho biết thêm: Tuy sự cố nhỏ nhưng có thể sẽ dẫn đến tác hại rất lớn. Tàu trôi tự do sẽ mắc cạn hoặc va vào đá ngầm. Trước đó, chúng tôi còn nhận được thông tin có cơn áp thấp nhiệt đới đang rập rình ngoài khơi xa, nên nỗi lo lắng càng tăng thêm. Giữa đêm đen, trong mênh mông biển cả, không thể nói trước được điều gì! Chúng tôi lo cho tính mạng của mấy chục con người và con tàu là tài sản lớn của Nhà nước, lo cho công trình nghiên cứu khoa học đang dở dang... Chúng tôi dự kiến rằng nếu không được ứng cứu thì tàu sẽ mắc cạn hoặc va vào đá ngầm ở vùng biển Phú Yên. Khi gọi được cho chị Hà, rồi khi liên lạc bộ đàm được với anh Hào, biết tàu kiểm ngư đã lên đường, nỗi lo lắng của chúng tôi vơi đi phân nửa. Trước sự nhiệt tình và đầy trách nhiệm cũng như sự giúp đỡ tận tình, đến nơi đến chốn của Ban TKCN thuộc CCBVNLTS tỉnh Bình Định, chúng tôi rất cảm động và cảm phục...

 

3- Đến 14 giờ chiều ngày 9-10-2003, việc khắc phục sự cố đã hoàn tất, mọi người trên tàu đều phấn khởi, tích cực chuẩn bị mọi việc để sẵn sàng tiếp tục chuyến công tác. Trưởng đoàn Nguyễn Viết Nghĩa đưa chúng tôi đi tham quan khắp tàu, giới thiệu chi tiết về rất nhiều loại máy móc mà cái nào cũng có giá từ 400-500 triệu đến trên 1 tỉ đồng, vừa mới được tăng cường; cùng với giới thiệu các quy trình nghiên cứu khoa học biển... Các thành viên trên tàu cũng rất tự hào về tàu Biển Đông và cho biết rằng nhiều tiến sĩ, giáo sư sinh học biển đã có bước xuất phát từ những chương trình nghiên cứu khoa học trên con tàu này.

 

Chia tay tàu Biển Đông, chúng tôi không quên chúc các nhà khoa học trên tàu thực hiện thành công chương trình nghiên cứu, đánh giá trữ lượng cá nổi nhỏ (chiếm 60% tổng sản lượng các giống loài thủy sản, là nguồn lợi rất lớn) để Nhà nước có điều kiện hoạch định các chiến lược phát triển nghề cá, làm giàu cho đất nước.

 

. Bùi Lợi – Ngọc Thái

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ngày đầu tiên phát hành trái phiếu Chính phủ đợt 1-2003: Nhộn nhịp ngay từ giờ đầu   (15/10/2003)
Nghề lưới trên hồ Núi Một   (14/10/2003)
Tiếp thị du lịch: Lắm "chiêu", nhiều cách   (13/10/2003)
Tạo điều kiện tốt hơn cho nông dân phát triển kinh tế  (12/10/2003)
Chuyện của một người trồng xoài trên đất cát   (10/10/2003)
Chuyện vui ở xã Vĩnh Hiệp   (09/10/2003)
Có một vùng nuôi tôm chưa bao giờ lỗ   (08/10/2003)
Hồ chứa nước Đá Vàng kêu cứu   (07/10/2003)
Bình Định bán gì, mua gì?   (06/10/2003)
Bình Định trong cơn lũ đầu mùa   (05/10/2003)
Chuyển động mới ở Khu công nghiệp Phú Tài   (03/10/2003)
"Giang sơn cẩm tú" đã thật sự thu hút tôi   (02/10/2003)
Nhịp cầu nối những niềm vui   (01/10/2003)
Làm giàu trên diện tích 2.500 m­­2   (30/09/2003)
Tính thực tiễn của một dự án   (29/09/2003)