Đồng Quy: Niềm vui khi dòng điện đã về
15:57', 17/10/ 2003 (GMT+7)

Nhờ có điện, các vườn cây ở Đồng Quy đã xanh tốt hơn nhờ việc tưới nước được thuận lợi (ảnh: T.S)

Sau nhiều năm liền mong đợi, đầu năm 2003 hệ thống lưới điện đã về với 88 hộ dân thôn kinh tế mới Đồng Quy, xã Tây An - Tây Sơn. Điện về đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân nơi vùng đất mới này khai khoang vỡ hóa, hình thành những vườn cây, ao cá, phát triển chăn nuôi, từng bước ổn định và nâng cao đời sống.

Nằm cách trung tâm xã Tây An - Tây Sơn khoảng chừng 2km về phía bắc là thôn kinh tế mới Đồng Quy với 88 hộ dân của xã Tây An thực hiện Dự án 773 di dãn dân đến để sinh cơ lập nghiệp. Họ đều hy vọng rằng, cuộc sống gia  đình sẽ đổi thay nơi vùng đất mới này. Ngoài 6 sào đất được cấp để sản xuất lúa và rau màu, mỗi hộ được cấp thêm 1ha đất đồi để trồng cây công nghiệp ngắn và dài ngày. Tuy nhiên, do không có điện nên đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con nông dân gặp không ít khó khăn. Nhu cầu về điện dùng cho sinh hoạt và sản xuất ngày càng trở nên bức xúc đối với người dân nơi vùng kinh tế mới này.

Thế rồi đầu năm 2003, lưới điện đã vươn tới Đồng Quy. Có điện, cả thôn như tăng thêm sức sống mới. Ông Nguyễn Văn Lực, Trưởng thôn Đồng Quy nhớ lại: "Những ngày phải sống trong cảnh đèn dầu thật là khổ, trời yên gió lặng thì còn đỡ, chứ nghe đài báo có mưa gió là cả thôn lại lo. Tội nhất là lũ trẻ, ngày lo giúp đỡ gia đình việc đồng áng, tối về phải căng mắt ra mà học. Việc sản xuất cũng rất gian nan, trồng được cây bắp, cây mì phải ngày ngày gánh nước tưới, mùa mưa thì đỡ chứ nắng hạn kéo dài là cây trồng héo queo nên mất mùa luôn. Cũng chính vì thế mà khi điện về, bà con vui mừng khôn kể xiết, 100% số nhà đều mắc điện, phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Nhiều hộ gia đình tăng gia sản xuất các loại cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao như: bắp lai, mì, đậu, chăn nuôi bò lai, cho thu nhập khá. Nhờ vậy mà số hộ nghèo giảm xuống, 50 hộ gia đình đã sắm được xe máy, gần 90% số hộ có phương tiện nghe nhìn".

Ông Nguyễn Văn Nghiêm, một trong những người đầu tiên đến Đồng Quy cho biết: "Ngày mới đến lập nghiệp ở đây, nhìn thấy toàn là cây gai bụi rậm tôi thật sự e ngại. Đã thế, khu vực này lại không có điện đóm gì nên rất khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất. Nhiều lúc vợ con phàn nàn có nhà ở quê (thôn Mỹ An, xã Tây Bình) không ở, lên vùng "khỉ ho cò gáy" này mà làm gì. Nhưng tôi đã quyết thì khổ mấy cũng làm. Tôi nhận 2,7 ha đất trống đồi núi trọc để trồng đào, khai hoang đất vườn trồng rau màu, vay vốn xây dựng trang trại chăn nuôi heo giống cấp II. Mặc dù lao động vất vả, nhưng không có điện phục vụ cho việc sản xuất, chăn nuôi nên hiệu quả không cao. Đầu năm 2003, khi điện kéo về thôn, tôi đầu tư trên 3 triệu đồng mua dây điện mắc ngay, vừa phục vụ cho sinh hoạt vừa phục vụ cho sản xuất, chăn nuôi. Nhờ chủ động được nguồn nước tưới nên cây trồng luôn xanh tốt, vật nuôi chóng lớn. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập gần 80 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi 40 triệu đồng".

Có hệ thống điện lưới, giải quyết nỗi bức xúc lâu nay của bà con nông dân, không chỉ là niềm vui mà còn là động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội Đồng Quy phát triển.

. Phạm Tiến Sĩ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Cứu nạn tàu nghiên cứu hải sản Biển Đông: Chiến công đầu mùa  (16/10/2003)
Ngày đầu tiên phát hành trái phiếu Chính phủ đợt 1-2003: Nhộn nhịp ngay từ giờ đầu   (15/10/2003)
Nghề lưới trên hồ Núi Một   (14/10/2003)
Tiếp thị du lịch: Lắm "chiêu", nhiều cách   (13/10/2003)
Tạo điều kiện tốt hơn cho nông dân phát triển kinh tế  (12/10/2003)
Chuyện của một người trồng xoài trên đất cát   (10/10/2003)
Chuyện vui ở xã Vĩnh Hiệp   (09/10/2003)
Có một vùng nuôi tôm chưa bao giờ lỗ   (08/10/2003)
Hồ chứa nước Đá Vàng kêu cứu   (07/10/2003)
Bình Định bán gì, mua gì?   (06/10/2003)
Bình Định trong cơn lũ đầu mùa   (05/10/2003)
Chuyển động mới ở Khu công nghiệp Phú Tài   (03/10/2003)
"Giang sơn cẩm tú" đã thật sự thu hút tôi   (02/10/2003)
Nhịp cầu nối những niềm vui   (01/10/2003)
Làm giàu trên diện tích 2.500 m­­2   (30/09/2003)