Bình Định đương đầu với lũ lớn
20:19', 18/10/ 2003 (GMT+7)

Nước lũ đã tràn qua đập dâng Thạnh Hòa, vượt mức báo động 3

. Ghi nhanh của Quang Khanh

Ngày 18-10, chúng tôi về một số huyện trong tỉnh dưới bầu trời mưa không ngớt. Dù là ngày nghỉ nhưng tại hầu hết các huyện, lãnh đạo và Trưởng phòng Nông nghiệp huyện đã phân nhau về chỉ đạo phòng chống lũ tại các xã.

Ở Tuy Phước, anh Nguyễn Xuân Minh, cán bộ của phòng Nông nghiệp huyện cho biết, đã có 2 người chết là anh Nguyễn Văn Mạnh và Võ Văn Kiên. Anh Mạnh 25 tuổi, trú ở thôn Quy Hội, xã Phước An dắt bò đi ăn, chiều đưa bò về ngang suối đã bị lũ cuốn. Còn Võ Văn Kiên, 22 tuổi, tối 17-10, trong lúc đưa bạn gái ở xã Phước Hòa băng qua một tràn nước trên đường đi ở xã Phước Quang thì bị nước cuối trôi, cô bạn gái lao theo cứu và cả 2 cùng bị dòng nước xoáy kéo ra xa. Võ Văn Kiên bị trôi mất xác còn cô bạn gái thì thoát chết nhờ bơi giỏi. Anh Minh xác nhận, cơn lũ kép lần này đã lớn vượt so với cơn lũ năm 1999 (sáng ngày 18-10, mực nước sông Tân An tại đập Thạnh Hòa đã lên 8,03m, vượt báo động 3). Dù vượt không nhiều nhưng do những ngày qua triều cường nên lũ rút chậm, cứ ào hết lên đồng. Hệ thống đê bao quanh các đầm nước mặn bị ngập hầu hết. Đê đông thuộc các xã Phước Thắng, Phước Hòa... nhiều chỗ ngập đến 1,3m. Tại Phước Sơn đã có hơn 200 ngôi nhà ngập trong nước.

Ở huyện Phù Cát, nước lũ cũng đã làm chết ông Bùi Phước 52 tuổi, ở xã Cát Tài. Anh Phan Văn Sơn ở xã Cát Hiệp là thanh niên trong đội xung kích phòng chống lũ lụt. Trong lúc tham gia xử lý kè chắn một đập tràn ở địa phương đã bị ngã vào dòng lũ, bị va đập và chấn thương sọ não khá nặng phải đi cấp cứu ở bệnh viện. Tuy nhiên, điều đáng lo nhất ở Phù Cát cho đến trưa ngày 18-10 vẫn là việc một số đoạn đê bao phía tây đê Văn Trí và đập Lão Tâm đã ngập sâu 0,5m – 1m, đe dọa vỡ đê gây nguy hiểm tính mạng của hàng chục hộ dân tại thôn Mỹ Bình xã Cát Thắng. Ngay buổi trưa ngày 18-10, anh Nguyễn Hữu Miên, Chánh văn phòng UBND huyện đã gọi điện thúc giục xã Cát Thắng huy động dân dùng các loại bao tải có được để cơi nới mặt đê. Anh Miên "lệnh": "Bằng mọi giá, các anh phải giữ, không được để vỡ một đoạn đê nào. Nếu sự cố xảy ra thì tôi và các anh cũng "đi" theo lũ."

Ở huyện An Nhơn tình hình có vẻ bình yên hơn. Ông Lê Minh Toán, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết, huyện chỉ mới tính được một số đoạn đường giao thông nông thôn bị hư hỏng; nhiều đoạn đường bê tông bị "moi hàm ếch"; xã Nhơn Khánh, và các xã khu đông muốn đi đến phải trung chuyển. Huyện cũng đã phát hiện khá nhiều bờ ngự thủy bị sạt lở, khoảng 130 ha lúa bị giảm năng suất hoặc mất trắng. Ông Toán nói thêm: "Nỗi lo nhất của chúng tôi là chết người tại các bến đò ngang. Huyện đã chỉ đạo các xã lưu ý vấn đề này, cử cán bộ trực tại các bến đò và sẵn sàng phương tiện để cứu nạn tránh để xảy ra trường hợp đáng tiếc như nhiều năm trước đã từng xảy ra."

Đến 16 giờ chiều 18-10 mưa vẫn không ngớt, theo tin từ Ban chỉ huy PCLB tỉnh, toàn bộ vùng đồng bằng và thung lũng thuộc các huyện Hoài Ân, An Lão, Hoài Nhơn, các xã phía đông của huyện Phù Mỹ, An Nhơn, phía đông nam huyện Phù Cát, huyện Tuy Phước đều bị ngập trong biển nước. Các tuyến đường từ huyện đi các xã và liên xã trong vùng lũ cũng bị ngập sâu, không đi lại được..

Cả tỉnh đã thống kê được có 8 người chết; gần 5.500 nhà bị ngập, có 59 nhà bị sập đổ; hơn 6.000 ha lúa vụ ba, 1.498 ha màu, cây công nghiệp bị ngập nặng; hơn 800 ha hồ nuôi tôm bị phá hỏng; hơn 124 ha ruộng đất bị sa bồi thủy phá. Nhiều đoạn đê đã bị vỡ, hàng chục ngàn mét đường giao thông, kênh mương đê điều bị sạt lở, nhiều chiếc cầu bị cuốn trôi... mà thiệt hại chi tiết vẫn chưa thống kê được vì tất cả còn ngập trong lũ. Ước tính tổng thiệt hại đã lên đến gần 70 tỉ đồng.

Tối 18-10, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Bình Định lại thông báo trong 24 giờ tới khu vực tỉnh Bình Định còn có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Khả năng mực nước ở vùng thượng lưu các sông đạt báo động cấp II, cấp III. Mực nước ở vùng hạ lưu các sông vượt báo động cấp III.

Và như vậy, công cuộc chống lũ ở Bình Định vẫn đang còn và quyết liệt hơn những ngày qua.

. Q.K

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đồng Quy: Niềm vui khi dòng điện đã về  (17/10/2003)
Cứu nạn tàu nghiên cứu hải sản Biển Đông: Chiến công đầu mùa  (16/10/2003)
Ngày đầu tiên phát hành trái phiếu Chính phủ đợt 1-2003: Nhộn nhịp ngay từ giờ đầu   (15/10/2003)
Nghề lưới trên hồ Núi Một   (14/10/2003)
Tiếp thị du lịch: Lắm "chiêu", nhiều cách   (13/10/2003)
Tạo điều kiện tốt hơn cho nông dân phát triển kinh tế  (12/10/2003)
Chuyện của một người trồng xoài trên đất cát   (10/10/2003)
Chuyện vui ở xã Vĩnh Hiệp   (09/10/2003)
Có một vùng nuôi tôm chưa bao giờ lỗ   (08/10/2003)
Hồ chứa nước Đá Vàng kêu cứu   (07/10/2003)
Bình Định bán gì, mua gì?   (06/10/2003)
Bình Định trong cơn lũ đầu mùa   (05/10/2003)
Chuyển động mới ở Khu công nghiệp Phú Tài   (03/10/2003)
"Giang sơn cẩm tú" đã thật sự thu hút tôi   (02/10/2003)
Nhịp cầu nối những niềm vui   (01/10/2003)