Chăn nuôi bò sữa ở Bình Định: Những dấu hiệu bất ổn
17:12', 19/10/ 2003 (GMT+7)

Trang trại bò sữa của một hộ nông dân ở Nhơn An, An Nhơn (ảnh: T.S)

Con bò sữa bắt đầu "bén duyên" trên đất Bình Định, nhiều hộ gia đình đã bước đầu có thu nhập khá cao từ bò sữa. Tuy nhiên, nghề chăn nuôi bò sữa cũng đã xuất hiện nhiều dấu hiệu bất ổn.

Phát triển chăn nuôi bò sữa đã trở thành một trong những chương trình trọng điểm thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả cây trồng, vật nuôi trong thời kỳ 2001-2005 đến 2010 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh. Bình Định đã đề ra mục tiêu đến năm 2005 phấn đấu nâng tổng đàn lên 5.000 con, sản lượng sữa 3.500 tấn và năm 2010 đạt trên 23.000 con bò sữa với sản lượng sữa trên 16.000 tấn/năm. Để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh Bình Định ban hành nhiều chính sách khuyến khích nông dân chăn nuôi bò sữa. Xây dựng khu trang trại tập trung 200 ha tại xã Nhơn Tân - An Nhơn và hoàn thành quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung trong tỉnh. Đồng thời, quy hoạch phát triển chăn nuôi bò sữa ở các vùng trọng điểm ở Quy Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước và các vùng bổ sung kết hợp chăn nuôi sản xuất giống bò sữa ở các huyện Phù Mỹ, Tuy Phước, Phù Cát, Vân Canh; vùng chuyên lai tạo giống bò sữa tại Hoài Nhơn, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh. Tỉnh cũng đã và đang xây dựng hệ thống dịch vụ chăn nuôi bò sữa như: dịch vụ thụ tinh nhân tạo, thức ăn, thú y, kỹ thuật vắt sữa, dịch vụ thu mua sữa. Chỉ đạo cho các địa phương trong tỉnh tăng cường đào tạo tập huấn khuyến nông, thực hiện tốt các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi bò sữa mà tỉnh đã ban hành.

Nhờ đó, nhiều nông dân đã mạnh dạn vay vốn đầu tư chăn nuôi bò sữa, xem nghề này là hướng làm giàu. Sau 3 năm phát triển, toàn tỉnh đã có trên 1.000 hộ nông dân chăn nuôi 1.910 con bò sữa. Chẳng hạn, ông Bùi Xuân Dương ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An (An Nhơn) đã mạnh dạn vay 240 triệu đồng mua 24 con bò sữa về nuôi. Đến nay, đàn bò sữa của ông đã có 12 con sinh sản và cho thu hoạch sữa với sản lượng 120 lít sữa/ngày. Với giá bán sữa 3.200 đồng/lít, ông Dương đã có thu nhập 380.000 đồng/ngày. Ngoài ra, ông còn có thu từ 5-6 triệu đồng/con bê cái sau 2 tháng tuổi. Hay ông Nguyễn Văn Ba ở thị trấn Ngô Mây (Phù Cát), năm 2002 ông Ba vay 75 triệu đồng từ Quỹ Đầu tư - Phát triển của tỉnh mua 5 con bò sữa. Đến nay, 5 con bò sữa của gia đình ông đã sinh sản được 5 con bê con và bắt đầu cho khai thác sữa với sản lượng sữa mỗi ngày 80 lít, thu nhập 240.000 đồng/ngày...

Có thể nói, con bò sữa đã bắt đầu "bén duyên" trên đất đất Bình Định. Sự đầu tư mang tính lâu dài của tỉnh đã tạo điều kiện tốt hơn cho nông dân làm giàu, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển đàn bò sữa của tỉnh. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng nhiều nông dân mua phải bò kém chất lượng, hiện tượng bò sữa đột nhiên... lăn đùng ra chết đã xảy ra ở một số địa phương đang trở thành nỗi lo của nông dân. Trường hợp ở HTXNN Nhơn Thành I (An Nhơn) là một ví dụ. Sau khi tham quan những mô hình chăn nuôi ở thành phố Hồ Chí Minh, Ban quản trị HTX đã mạnh dạn đứng ra vay 300 triệu đồng mua 22 con bò sữa F2 (giống Hà Lan) về nuôi. Nhưng oái ăm thay, sau 3 năm đàn bò sữa của HTX chỉ phát triển thêm được 7 con bê con, số còn lại con thì bị "điếc", có con có chửa sắp đẻ thì bị sẩy thai, có con khi đẻ bê ra thì bị chết yểu. Sau 3 năm phát triển đàn bò sữa, lợi nhuận mang lại không thấy đâu mà nguồn vốn đầu tư của HTX cho đàn bò thì ngày càng cạn kiệt. Tương tự là chuyện xảy ra ở xã Nhơn Khánh (An Nhơn). Tháng 1-2002, 4 nông dân ở địa phương này đã mua phải những con bò kém chất lượng từ thành phố Hồ Chí Minh về nuôi. Chỉ sau một đêm, một con... ngã đùng ra chết không rõ nguyên nhân. Sau đó bảy tháng, 2 con bò sữa của hai ông Trần Đình Thiện và Trương Văn Giáp cũng đột nhiên chết "bất đắc kỳ tử". Và mới đây, 13 con bò sữa đang trong kỳ mang thai của xã Nhơn Khánh (An Nhơn) đồng loạt bị sẩy thai, nguyên nhân được xác định là mắc phải bệnh xoắn khuẩn mà không được phát hiện, điều trị kịp thời.

Theo bà Trần Thị Minh Hòa, Trưởng Trạm thú y huyện An Nhơn, số bò sữa mà nông dân mua về hầu như không có lý lịch rõ ràng, có trường hợp bò bị mắc các loại bệnh truyền nhiễm. Vừa qua, Trạm đã tiến hành kiểm tra sức khỏe đàn bò sữa. Trong tổng số 119 mẫu máu bò sữa được xét nghiệm, Trạm đã phát hiện có tới 53 mẫu bị dương tính bệnh xoắn khuẩn, chiếm đến 45%.

Tình trạng nông dân mua phải giống bò sữa kém chất lượng, bò sữa bỗng nhiên chết đã xảy ra ở một số địa phương đã bộc lộ sự bất ổn trong nghề chăn nuôi bò sữa, mà nguyên nhân chính vẫn là sự thiếu hiểu biết của nông dân trong vấn đề chọn giống cũng như kỹ thuật chăm sóc bò sữa. Mục đích cuối cùng của chương trình phát triển đàn bò sữa của tỉnh là làm giàu cho nông dân. Theo chúng tôi, để thực hiện được mục đích này, các cấp ngành có liên quan cần hỗ trợ cho nông dân trong việc chọn mua giống bò sữa, đồng thời kiểm tra chất lượng đàn bò sữa trong tỉnh, tăng cường công tác tập huấn nghề chăn nuôi bò sữa cho nông dân. Có thế mới mong nghề chăn nuôi bò sữa của tỉnh phát triển được bền vững.

. Giang Lam

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định đương đầu với lũ lớn  (18/10/2003)
Đồng Quy: Niềm vui khi dòng điện đã về  (17/10/2003)
Cứu nạn tàu nghiên cứu hải sản Biển Đông: Chiến công đầu mùa  (16/10/2003)
Ngày đầu tiên phát hành trái phiếu Chính phủ đợt 1-2003: Nhộn nhịp ngay từ giờ đầu   (15/10/2003)
Nghề lưới trên hồ Núi Một   (14/10/2003)
Tiếp thị du lịch: Lắm "chiêu", nhiều cách   (13/10/2003)
Tạo điều kiện tốt hơn cho nông dân phát triển kinh tế  (12/10/2003)
Chuyện của một người trồng xoài trên đất cát   (10/10/2003)
Chuyện vui ở xã Vĩnh Hiệp   (09/10/2003)
Có một vùng nuôi tôm chưa bao giờ lỗ   (08/10/2003)
Hồ chứa nước Đá Vàng kêu cứu   (07/10/2003)
Bình Định bán gì, mua gì?   (06/10/2003)
Bình Định trong cơn lũ đầu mùa   (05/10/2003)
Chuyển động mới ở Khu công nghiệp Phú Tài   (03/10/2003)
"Giang sơn cẩm tú" đã thật sự thu hút tôi   (02/10/2003)