Bình Định đối mặt cùng lũ dữ
23:22', 19/10/ 2003 (GMT+7)

Từ 14 đến 18-10, tại Bình Định đã xảy ra mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa đo được trong các ngày dao động từ 500 đến 888 mm (Hoài Ân: 885mm, An Lão, Vĩnh Thạnh: 689 mm…). Mưa lớn đúng vào lúc có triều cường đã làm mực nước các sông trong tỉnh dâng cao, sông Lại Giang (Hoài Nhơn) tại cầu Bồng Sơn lên trên mức báo động 3 từ 0,5m đến 1m. Mức lũ năm nay đã xấp xỉ cơn lũ lịch sử năm 1998-1999.

* Khi cơn lũ đến

Đoàn kiểm tra của Ban PCLB Trung ương và của tỉnh đang thị sát tình hình tại Tuy Phước.

Từ ngày 14 - 10, mưa lớn liên tục, nước dâng lên rất nhanh. Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão (PCLB) tỉnh đã chỉ đạo các Ban chỉ huy PCLB các huyện nhanh chóng có kế hoạch di dời và ứng cứu dân kịp thời.

Ngày 17-10 nước lũ đã dâng cao ở hầu hết các huyện Hoài Ân, An Lão, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, An Nhơn, Phù Cát và Tuy Phước. Các huyện miền núi, trung du: An Lão, Hoài Ân bị chia cắt hoàn toàn. Đường từ trung tâm huyện đi các xã và liên xã ở Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Nhơn… cũng bị tắc, nhiều nơi phải trung chuyển bằng thuyền. Hệ thống đê bao ở các đầm nước mặn trong tỉnh hầu hết bị ngập sâu trong nước. Đê Khu Đông thuộc các xã Phước Thắng, Phước Hòa (Tuy Phước), Cát Chánh (Phù Cát) ngập chìm trong lũ từ 0,5 – 1,3 mét. Hệ thống đê sông ở vùng hạ lưu sông Kôn, sông La Tinh, sông Lại Giang và các công trình nuôi trồng thủy sản cũng đang chịu sức ép của lũ, nhiều nơi nước lũ tràn qua, gây sạt lở nghiêm trọng.

Tỉnh lộ 640 đoạn từ cầu Ông Đô đi các xã Phước Hòa, Phước Thắng (Tuy Phước) dù được nâng lên rất cao nhưng vẫn bị nước lũ nhận chìm, nhiều đoạn nước ngập sâu hơn 1 mét. Trong 4 ngày liên tiếp, từ 15 đến 19-10, các xã khu đông Tuy Phước như Phước Thuận, Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Sơn bị chia cắt hoàn toàn với bên ngoài, người dân phải dùng ghe, sõng để đi lại. Ông Nguyễn Bay, Thường trực Ban Chỉ huy PCLB của huyện cho biết: "Đây là một trong những cơn lũ lớn nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Lũ lớn, kéo dài trong nhiều ngày, mưa lớn liên tiếp nên rất khó triển khai công tác khắc phục hậu quả".

Tính đến chiều tối ngày 19-10, mưa lũ đã làm 5.419 ngôi nhà bị ngập nước; 108 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn; hơn 6.000 ha lúa vụ 3 bị chìm sâu trong nước, 898 ha mì bị thiệt hại, 550 ha bắp bị mất trắng, hàng ngàn ha hồ nuôi tôm bị ngập nước và sạt lở nặng, trong đó 774 ha hồ nuôi chưa kịp thu hoạch đã bị nước lũ cuốn trôi. Mưa lũ cũng đã gây sa bồi thủy phá hơn 124 ha ruộng, đất nông nghiệp (chưa kể những vùng bị ngập sâu trong nước lũ chưa thống kê được); hàng chục hồ chứa nước nhỏ bị sạt lở, trượt mái hạ lưu đập đất, xói lở bể tiêu năng của các tràn xả lũ. Nhiều đoạn đê xung yếu bị vỡ; hàng chục ngàn mét đường giao thông, kênh mương, đê điều bị sạt lở. Hệ thống đê sông La Tinh qua các xã Mỹ Chánh, Mỹ Thành, Mỹ Cát (Phù Mỹ); đê sông Kôn tại các xã Cát Nhơn, Cát Thắng, Cát Chánh (Phù Cát) và các xã Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Thắng (Tuy Phước) bị hư hỏng rất nặng. Theo ước tính ban đầu, tổng thiệt hại do cơn lũ gây ra đến hết ngày 19-10 lên đến gần 100 tỉ đồng.

Mưa lũ cũng đã làm 13 người thiệt mạng do bị nước cuốn trôi. Cảm động nhất là trường hợp bạn trai của cô Đặng Thị Như Ý (Phước Thắng - Tuy Phước). Với vẻ mặt chưa hết kinh hoàng cô kể lại: "Tôi và bạn trai là anh Kiên (Cát Hanh - Phù Cát) đi dự đám cưới về, lúc đi qua bờ tràn thuộc thôn An Hòa, xã Phước Quang (Tuy Phước) thì bị nước lũ cuốn xuống sông Gò Bồi. Tôi biết bơi nên đã lao theo cứu ảnh nhưng nước chảy quá mạnh đã cuốn mất xác…".

* Khắc phục hậu quả
Kiểm tra tình hình thiệt hại tại Hoài Nhơn.

Từ sáng sớm 18-10, ông Vũ Hoàng Hà - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cùng các thành viên trong Ban Tìm kiếm cứu nạn đã có mặt tại Hoài Nhơn - một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nhất trong đợt lũ này. Chủ tịch tỉnh đã nhanh chóng ghi nhận tình hình, chỉ đạo các ban ngành ứng cứu kịp thời những hộ dân có nhà cửa đang bị ngập trong nước. 3 chiếc tàu cao tốc của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đã nhanh chóng được huy động để chuyển lương thực và các nhu yếu phẩm đến cho các hộ dân còn nằm trong vùng bị lũ chia cắt. Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng đã nhanh chóng chuyển 100 suất quà đến các hộ dân trong vùng ngập nước. Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có mặt kịp thời tại những nơi xung yếu, những vùng thiệt hại nặng để chỉ đạo chính quyền địa phương và cùng với nhân dân khắc phục hậu quả.

Đêm 18-10, trước tình hình nước lũ lên quá nhanh ở hệ thống sông Hà Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà đã ra lệnh tháo dỡ hai đầu cầu tạm phục vụ thi công cầu Diêu Trì trên sông Hà Thanh nhằm hạ thấp mực nước lũ để cứu hàng trăm hộ dân ở khu vực thị trấn Diêu Trì và khu công nghiệp Phú Tài. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng xung kích cùng thanh niên, nhân dân, xử lý kịp thời các vùng bị sạt lở ở các nơi xung yếu như đập Lại Giang, các hệ thống đê sông, đê biển ở An Nhơn, Phù Mỹ, Tuy Phước, Hoài Nhơn cũng như các hệ thống hồ chứa nước trong tỉnh; phân công các lực lượng xung kích, thanh niên, bộ đội tại địa phương giúp dân kịp thời khắc phục hậu quả do lũ gây ra. Bên cạnh đó, huy động lực lượng Quân sự, Công an, Biên phòng, Chữ thập đỏ tham gia trực tiếp cùng chính quyền địa phương các vùng bị thiệt hại nặng, khẩn trương cứu trợ các hộ dân bị nạn.

Sáng 19-10, Ban Chỉ huy PCLB Trung ương do ông Lê Huy Ngọ-Bộ trưởng Bộ NN-PTNT - dẫn đầu đã có mặt tại Bình Định. Ngay sau khi đặt chân xuống sân bay Phù Cát, đoàn đã tức tốc đến thị sát các vùng bị lũ lụt tàn phá nặng nề nhất. Trưa 19-10, đoàn đã đến tận các điểm ngập lụt ở vùng cửa biển Hoài Hương, Hoài Hải (Hoài Nhơn). Tại đây, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ đã nhiều lần ngợi khen tinh thần trách nhiệm cũng như các biện pháp ứng cứu kịp thời của Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Bình Định. Bộ trưởng đánh giá: "Việc UBND tỉnh Bình Định mở cửa biển An Dũ (Hoài Hương) là rất kịp thời và đúng đắn, tính mạng của đồng bào phải là yếu tố tiên quyết! Ngay bây giờ, lãnh đạo tỉnh cần chuẩn bị chu đáo để chăm sóc sức khỏe của bà con, tháo gỡ khó khăn trước mắt". Mặc dù thời gian rất ít ỏi, nhưng Bộ trưởng đã tranh thủ hỏi thăm và động viên những người dân vẫn còn trong vùng nước lũ ở đây. Sau khi thị sát các điểm ngập lụt ở Hoài Nhơn, đoàn đã đến các vùng bị lũ tàn phá ở vùng ven đầm, ven biển của huyện Tuy Phước.

Tính đến thời điểm tối 19-10, đã có trên 10 tấn mì tôm, 25 tấn gạo cùng một số lượng lớn nhu yếu phẩm đã được chuyển đến tay của các hộ dân cần được giúp đỡ. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã quyết định xuất ngân sách chi khẩn cấp để cứu trợ nhân dân khắc phục hậu quả bão lụt. Những gia đình có người chết do nước lũ được trợ cấp từ 1-2 triệu đồng để lo việc mai táng; các gia đình bị sập nhà hoàn toàn được trợ cấp 3 triệu đồng, nhà hư hỏng được cứu trợ từ 500.000 đồng - 2 triệu đồng. Riêng những hộ có nhà bị lũ cuốn trôi tài sản, lương thực được hỗ trợ mỗi nhân khẩu 3 tháng lương thực, mỗi khẩu 10kg gạo/tháng. Chủ tịch cũng kêu gọi đồng bào Bình Định nêu cao tinh thần tương thần tương ái, lá lành đùm lá rách, cùng nhau chia sẻ khó khăn để vượt qua hoạn nạn.". Các ngành Y tế, Nông nghiệp, Lao động - Thương binh - Xã hội và Hội Chữ thập đỏ… cũng đã triển khai kế hoạch giúp đỡ nhân dân khắc phục các thiệt hại, mau chóng ổn định đời sống.

. Ngọc Thái – Quý Hân

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Chăn nuôi bò sữa ở Bình Định: Những dấu hiệu bất ổn   (19/10/2003)
Bình Định đương đầu với lũ lớn  (18/10/2003)
Đồng Quy: Niềm vui khi dòng điện đã về  (17/10/2003)
Cứu nạn tàu nghiên cứu hải sản Biển Đông: Chiến công đầu mùa  (16/10/2003)
Ngày đầu tiên phát hành trái phiếu Chính phủ đợt 1-2003: Nhộn nhịp ngay từ giờ đầu   (15/10/2003)
Nghề lưới trên hồ Núi Một   (14/10/2003)
Tiếp thị du lịch: Lắm "chiêu", nhiều cách   (13/10/2003)
Tạo điều kiện tốt hơn cho nông dân phát triển kinh tế  (12/10/2003)
Chuyện của một người trồng xoài trên đất cát   (10/10/2003)
Chuyện vui ở xã Vĩnh Hiệp   (09/10/2003)
Có một vùng nuôi tôm chưa bao giờ lỗ   (08/10/2003)
Hồ chứa nước Đá Vàng kêu cứu   (07/10/2003)
Bình Định bán gì, mua gì?   (06/10/2003)
Bình Định trong cơn lũ đầu mùa   (05/10/2003)
Chuyển động mới ở Khu công nghiệp Phú Tài   (03/10/2003)