|
Công nhân Chi nhánh Công ty Lâm nghiệp 19 tại An Nhơn đang làm việc. |
"Nếu không có các xí nghiệp, công ty đóng trên địa bàn giải quyết việc làm cho lao động thừa của địa phương, chắc ở địa phương tôi nhà nhà, người người phải kéo nhau ra thành phố lớn để kiếm sống". Đây là lời bộc bạch rất chân tình của ông Hà Trọng Gia, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa (An Nhơn) khi nói về việc làm tại xã mình.
* Nỗi niềm người ly hương
Nói về chuyện ly hương kiếm việc làm trước đây, anh Đặng Văn Lộc, một người dân ở xã Nhơn Hòa (An Nhơn) bộc bạch: "Sống ở quê, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, nhưng mỗi nhân khẩu chỉ được cấp 450m2 ruộng thì thử hỏi làm sao đủ sống. Do đó, ngày trước chưa có việc làm ở quê tôi phải đi làm thuê ở tận Đắc Lắc, Hà Nội... mỗi tháng chỉ dư khoảng 300 ngàn đồng, nhưng cũng phải đi chứ ở nhà thì biết làm gì". Chẳng riêng anh Lộc, ở Nhơn Hòa ngày trước số người ly hương mưu sinh nơi đất khách cũng rất nhiều. Nhơn Hòa là xã đất chật, người đông nhất huyện, đất canh tác thì ít, trong khi đó các ngành nghề khác ở địa phương chưa phát triển, nên trong suốt một thời gian khá dài, người lao động ở đây - đặc biệt là thanh niên - cứ nối tiếp nhau bỏ quê đi làm ăn xa. Ông Hà Trọng Gia thổ lộ: "Chúng tôi cũng rất đau đầu bởi tình trạng bỏ quê đi làm thuê, làm mướn nơi khác của người dân trong xã. Thế nhưng dân thì thất nghiệp mà nhu cầu công việc của địa phương không đáp ứng được, đành chịu chứ biết làm sao". Theo thống kê của xã, những năm 2000-2001, trung bình mỗi năm ở xã có 500-600 người phải đi kiếm việc làm nơi khác.
Mưu sinh nơi đất khách thì muôn điều vất vả. Còn nhớ, cách đây nửa năm tôi có tìm hiểu về chuyện mưu sinh của những người Bình Định phải xa quê vào ở thành phố Hồ Chí Minh. Anh Bình, một nông dân ở Nhơn Hạnh (An Nhơn) tạm xa ruộng đồng vào đây bán trái cây, đã tâm sự rằng: "Buôn bán nơi đây vất vả lắm, phải thức khuya, dậy sớm và rong ruổi suốt ngày trên đường, có ngày phải đi 30-40 cây số. Thường thì hơn 22 giờ đêm mới quay trở về phòng trọ và 4 giờ sáng đã phải thức dậy đi mua hàng". Cực nhọc là vậy, nhưng mỗi ngày thu nhập của anh chỉ khoảng 25-30 ngàn đồng. Còn chị Trần Thị Hồng Hạnh, ở Mỹ Châu (Phù Mỹ) cũng vào bán hàng rong ở đây, bộc bạch: "Biết rằng cực khổ, nhưng chúng tôi phải tha phương cầu thực là bởi cơm áo gạo tiền. Ở quê thì anh đã biết, bám vào hạt lúa không đủ ăn mà kiếm việc làm thì không có. Với sự vất vả và cực khổ như vậy, nên những đồng tiền họ làm ra nơi đất khách không chỉ có mồ hôi mà còn có cả nước mắt. Điều họ mong muốn nhất là có một việc làm ổn định trên chính quê hương mình, chứ không phải tha phương cầu thực như lâu nay."
Theo số liệu thống kê, hiện nay lực lượng lao động ở khu vực nông thôn của Bình Định có đến hơn 600 ngàn người, chiếm khoảng 80% số lao động của tỉnh và mỗi năm con số này còn được bổ sung thêm. Trong khi đó, diện tích đất canh tác ngày càng thu hẹp lại, nên tình trạng thất nghiệp ở nông thôn mỗi năm mỗi tăng. Bởi vậy, nếu địa phương không có chương trình, kế hoạch tạo việc làm cho họ thì tình trạng tha phương mưu sinh nơi đất khách của nông dân Bình Định là điều không tránh khỏi.
* Niềm vui khi làm việc tại quê hương
Ngoài nỗi xót xa vì cảnh ly hương, hiện tượng "tán lực" ấy cũng là một trong những nguyên nhân làm cho việc khai thác các tiềm năng sẵn có của địa phương không thực hiện được. Bởi vậy, ngành Công nghiệp Bình Định đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) ở khu vực nông thôn để góp phần giải quyết lao động thừa và khai thác tiềm năng sẵn có. Từ năm 1995 đến nay, toàn ngành đã đầu tư mới các cơ sở sản xuất CN-TTCN ở khu vực nông thôn trong tỉnh với tổng mức vốn hơn 500 tỉ đồng. Nhờ đó, các cơ sở sản xuất công nghiệp như: chế biến đường, chế biến khoáng sản, chế biến nông-lâm-thủy sản, may xuất khẩu… đã mọc lên trên những vùng nông thôn của tỉnh. Qua khảo sát của chúng tôi tại những nơi này, vấn đề giải quyết lao động dư thừa ở địa phương khá hiệu quả. Chẳng hạn ở Nhơn Hòa, khi các xí nghiệp, công ty đóng trên địa bàn xã phát triển, thu hút nhiều lao động thì tình trạng ly hương kiếm việc làm nơi khác đã giảm đi đáng kể. Theo ông Hà Trọng Gia, từ năm 2000 đến nay, Nhơn Hòa có gần 1.500 nông dân đã trở thành công nhân trong các cơ sở CN-TTCN đóng trên địa bàn. Nói về việc "qui cố hương", chị Nguyễn Thị Bích Hạnh, công nhân Chi nhánh Công ty Lâm nghiệp 19 tại An Nhơn, tâm sự: Ngày trước tôi đi làm công nhân may ở Sài Gòn, lương mỗi tháng hơn 700 ngàn đồng, nhưng phải chi phí tiền ăn tiền ở nên không còn bao nhiêu. Khi về quê, tôi thấy các bạn của mình đi làm công nhân cho các xí nghiệp, nhà máy ở địa phương, lương khá cao và lại gần nhà, tôi quyết định ở lại quê để xin việc làm và làm việc ở đây được gần 2 năm. Công việc cũng bình thường không có gì nặng nhọc. Lương trung bình 800 ngàn đồng/tháng, cao hơn lương may ngày trước mà lại ít chi phí nên có dư nhiều hơn mà còn được gần gia đình nữa.
Ngoài ra, khi công nghiệp phát triển, các lĩnh vực thương mại, dịch vụ cũng phát triển theo và cũng đã giải quyết được một lực lượng lao động lớn của địa phương.
Các địa phương cũng không ngừng đẩy mạnh việc phát triển các cơ sở sản xuất CN-TTCN để tạo thêm việc làm cho lao động thừa ở đây. Hiện nay tổng số cơ sở sản xuất CN-TTCN trên địa bàn tỉnh là hơn 16.000 cơ sở, tăng gần 3.000 cơ sở so với năm 1995. Số lao động trong lĩnh vực này ở khu vực nông thôn cũng không ngừng tăng lên, từ 29.154 người năm 1995 lên 38.526 người hiện nay. Với sự gia tăng như vậy, số lao động thừa ở nông thôn phần nào đã được giải quyết và tình trạng ly hương kiếm việc làm nơi khác đã giảm đáng kể.
Điều đáng nói hơn, hiện nay những con số này không hề đóng băng mà đã và đang có những chuyển dịch theo chiều hướng tích cực. Hy vọng trong thời gian đến, với sự phát triển của các cụm CN-TTCN ở các vùng nông thôn trong tỉnh, nhiều cơ hội việc làm nữa lại được mở ra cho người lao động ở nông thôn, và tình trạng ly hương kiếm việc làm nơi đất khách của nông dân Bình Định sẽ không còn.
. Ngọc Thái |