An Lão mùa cau
15:52', 22/10/ 2003 (GMT+7)

Vào cuối tháng 6 âm lịch, khi trái cau được thu hoạch cũng là lúc các cơ sở chế biến, sấy cau ở An Lão bắt đầu hoạt động và kéo dài cho đến đầu tháng chạp.

Chúng tôi có mặt tại cơ sở sấy cau của anh Từ Ngọc Tâm, thôn Tân An, xã An Tân, trong lúc hoạt động sấy cau của cơ sở đang vào lúc cao điểm. Hơn 30 lao động làm thuê đang khẩn trương làm việc. Cánh đàn ông luộc cau và vớt đem sấy, còn phụ nữ đảm nhận việc phân loại cau sau khi được sấy khô. Với 3 nồi luộc, hơn 130 lò sấy, một ngày cơ sở sấy cau của anh Từ Ngọc Tâm mua vào 4 tấn cau tươi để sấy khô. Anh Tâm cho biết: Quy trình sấy cau đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những quả cau khô vừa ý khách hàng, đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm trong việc canh lửa khi sấy. Nếu lửa lớn quá dẫn tới quả cau bị phồng; lửa nhỏ thì trái cau dễ bị mốc. Trong quá trình sấy phải đảo liên tục để cho cau khô đều mới đạt chất lượng, và phải trải qua thời gian 6 ngày 6 đêm, công đoạn sấy mới hoàn thành. Sau khi sấy, tổ phụ trách phân loại cau thành 3 loại, loại 1 được giá nhất. Trung bình một mẻ cau sau khi sấy khô, tỷ lệ cau loại 1 chiếm khoảng 80%. Cứ 4,5kg cau tươi sau khi sấy sẽ thu được 1kg cau khô.

Anh Tâm học được nghề sấy cau khô từ các cơ sở sấy cau ở Hải Phòng, rồi mở ra cơ sở sấy cau đầu tiên tại huyện An Lão. Theo anh Tâm, hiện nay sản lượng cau ở An Lão có thể cung cấp cho các cơ sở sấy trên địa bàn huyện khoảng 500 tấn cau. Nhưng với số lượng cau tươi này, không đủ cung cấp cho các cơ sở hoạt động trong thời gian gần 6 tháng. Do đó, hầu hết các cơ sở đều phải thu mua thêm cau tươi từ các huyện lân cận như Hoài Ân, Hoài Nhơn... Đôi lúc, do nhu cầu của thị trường tăng, các cơ sở phải ra tới tỉnh Thừa Thiên - Huế mua cau đưa về chế biến.

Hiện nay, giá cau tươi trên địa bàn huyện An Lão dao động từ 1.800-2.000 đồng/kg. Sau khi chế biến, các cơ sở chuyên chở ra đến cửa khẩu Lạng Sơn bán cho khách hàng Trung Quốc với giá hơn 13.000 đồng/kg cau khô. Tuy nhiên, mặt hàng này giá cả cũng lên xuống thất thường, không ổn định, nên phải nắm bắt được thị trường để tính toán được đầu vào, đầu ra...

Do giá cả không ổn định, các chủ cơ sở sấy cau tại huyện An Lão sau khi chế biến được khoảng 5-7 tấn cau khô là phải cùng nhau thuê xe vận chuyển đi bán ngay để tránh thua lỗ. Hiện nay, với 7 cơ sở thu mua, chế biến cau trên địa bàn huyện, tính trung bình một ngày, các cơ sở này thu mua hơn 10 tấn cau tươi để chế biến, giải quyết việc làm cho khoảng 100 lao động tại địa phương. Trung bình, một lao động nam được trả công 600 ngàn đồng/tháng và cơm ăn ngày ba bữa ở nhà chủ cơ sở. Lao động nữ thì được trả công từ 300-360 ngàn đồng/tháng tùy theo kinh nghiệm làm việc.

Với sự xuất hiện của các cơ sở sấy cau khô, cây cau đã có đóng góp nhất định vào thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số huyện An Lão, nhất là ở hai xã An Vinh và An Dũng, nơi có số lượng cau rất nhiều; và một số địa phương lân cận. Một buồng cau trung bình nặng hơn 5kg, tính ra người dân có được khoảng 10.000 đồng, số tiền này không lớn nhưng cũng là một nguồn thu giúp đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện đời sống.

. Nguyễn Minh

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Dịch vụ xe buýt qua 6 tháng hoạt động: Mừng và lo!   (21/10/2003)
Giúp nông dân "ly nông bất ly hương"  (20/10/2003)
Bình Định đối mặt cùng lũ dữ   (19/10/2003)
Chăn nuôi bò sữa ở Bình Định: Những dấu hiệu bất ổn   (19/10/2003)
Bình Định đương đầu với lũ lớn  (18/10/2003)
Đồng Quy: Niềm vui khi dòng điện đã về  (17/10/2003)
Cứu nạn tàu nghiên cứu hải sản Biển Đông: Chiến công đầu mùa  (16/10/2003)
Ngày đầu tiên phát hành trái phiếu Chính phủ đợt 1-2003: Nhộn nhịp ngay từ giờ đầu   (15/10/2003)
Nghề lưới trên hồ Núi Một   (14/10/2003)
Tiếp thị du lịch: Lắm "chiêu", nhiều cách   (13/10/2003)
Tạo điều kiện tốt hơn cho nông dân phát triển kinh tế  (12/10/2003)
Chuyện của một người trồng xoài trên đất cát   (10/10/2003)
Chuyện vui ở xã Vĩnh Hiệp   (09/10/2003)
Có một vùng nuôi tôm chưa bao giờ lỗ   (08/10/2003)
Hồ chứa nước Đá Vàng kêu cứu   (07/10/2003)