|
Công nhân công ty TNHH Quốc Thắng (KCN Phú Tài) đang đánh bóng sản phẩm ghế xuất khẩu (ảnh: Đào Tiến Đạt) |
Trong những năm gần đây, ngành chế biến lâm sản của Bình Định đã phát triển mạnh, năng lực chế biến của các doanh nghiệp (DN) không ngừng gia tăng; đóng góp tích cực vào việc tăng trưởng kinh tế của địa phương, đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu và giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, để ngành sản xuất này hội nhập với khu vực và thế giới, vẫn còn không ít những cản ngại.
* Những tín hiệu vui
Theo báo cáo của ngành chủ quản, đến nay trên địa bàn Bình Định đã có 50 DN chế biến lâm sản, trong đó có đến 40 DN làm hàng xuất khẩu. Hàng lâm sản của Bình Định đã có mặt nhiều nơi trên thế giới, kể cả thị trường khó tính là Mỹ và châu Âu. Nhờ đó giá trị kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này không ngừng tăng lên qua hàng năm. Từ đầu năm đến nay, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng lâm sản của Bình Định là 55 triệu USD, đạt 97,14% kế hoạch năm 2003 và tăng 65,2% so với cùng kỳ năm 2002. Nếu so với thời điểm năm 2001, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng lâm sản của Bình Định đã có một bước phát triển không nhỏ, tăng gần gấp đôi.
Những người trong cuộc nói gì ?
Bà Nguyễn Thị Việt Hoa, Phó Giám đốc Sở Công nghiệp: Hoạt động của các DN chế biến lâm sản đã làm tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Bình Định, đóng góp rõ nhất là tăng nhanh giá trị kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay ngành công nghiệp này gặp phải không ít khó khăn bởi lao động có tay nghề còn thiếu, trang thiết bị cũ kỹ và lạc hậu do việc cung ứng lao động và đổi mới trang thiết bị của các DN không tương ứng với tốc độ phát triển quá nhanh của ngành. Nếu những mặt hạn chế này không sớm được khắc phục thì các DN sẽ gặp phải khó khăn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Với chức năng của ngành, chúng tôi sẽ có những đề xuất để khuyến khích ngành chế lâm sản của tỉnh Bình Định phát triển bền vững trong thời gian đến.
Ông Lê Văn Lương, Giám đốc Công ty TNHH Đại Thành: Đối với ngành chế biến lâm sản của Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng, trên con đường phát triển và hội nhập thì điều kiện tiên quyết là phải đổi mới trang thiết bị, công nghệ và nguồn nhân lực. Thế nhưng hiện nay chúng tôi cũng như nhiều DN cùng ngành khác trong tỉnh Bình Định đang gặp phải khó khăn về vấn đề này. Hiện máy móc, trang thiết bị của chúng tôi phần lớn đều ở dạng trung bình, có cái phải nói là lạc hậu. Nhưng để đổi mới thì cần phải có các chính sách hỗ trợ của tỉnh Bình Định chứ DN thì không đủ vốn để thực hiện. Về nguồn nhân lực, phần lớn lao động trong ngành chế biến lâm sản là không có tay nghề, trình độ thấp, nên trong sản xuất gặp nhiều khó khăn. Nếu có sự cung ứng đầy đủ lao động có tay nghề từ các đơn vị chức năng thì DN bớt bận tâm hơn, có điều kiện tập trung cho sản xuất và xuất khẩu. |
Bên cạnh đó, hiện nay một số mặt hạn chế của ngành chế biến lâm sản của Bình Định cũng đã phần nào được khắc phục. Các DN đã chủ động trong việc đi tìm nguồn nguyên liệu từ các nước Indonesia, Malaysia, Braxin, Nam Phi… và hình thành được đầu mối nhập khẩu nguyên liệu. Nhờ vậy hạn chế được tình trạng nhiều DN chế biến lâm sản của tỉnh ra thị trường nước ngoài mua gỗ, gây tình trạng tranh mua, phá giá thị trường. Ngoài ra, các DN cũng còn chủ động trồng rừng nguyên liệu phục vụ cho việc sản xuất, chế biến của mình. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 40.339 ha rừng trồng sản xuất, với sản lượng khai thác khoảng 68.900 m3 gỗ/năm. Các DN cũng đã từng bước thay thế nguyên vật liệu gỗ rừng tự nhiên bằng gỗ rừng trồng, nên phần nào chủ động và sử dụng được nguồn nguyên liệu giá rẻ, góp phần làm hạ giá thành sản phẩm, tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Ngoài sự nỗ lực của các DN, trong những năm qua Nhà nước đã có nhiều sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích tạo điều kiện cho ngành chế biến lâm sản xuất khẩu của tỉnh phát triển như: chấp nhận làm thủ tục cấp C/O (chứng nhận xuất xứ hàng hóa) đối với hàng hóa xuất khẩu tại Quy Nhơn; các cơ quan Hải quan, Kiểm lâm đã có nhiều đổi mới trong công tác, giảm bớt phiền hà, sách nhiễu, gây khó khăn cho các DN. Đây là những điều kiện thuận lợi để ngành sản xuất lâm sản của tỉnh Bình Định phát triển, hội nhập được với kinh tế quốc tế.
* Vẫn còn những cản ngại
Với sự chuẩn bị và điều kiện thuận lợi như vậy, các DN chế biến hàng lâm sản của Bình Định có thêm cơ hội mới trong kinh doanh, tự mình vượt ra khỏi những khó khăn, thách thức để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, để đưa ngành chế biến lâm sản của tỉnh phát triển bền vững, hội nhập được với kinh tế quốc tế, vẫn còn không ít những khó khăn cần sớm khắc phục. Nhìn chung, các DN chế biến hàng lâm sản của tỉnh Bình Định có quy trình sản xuất thủ công là chủ yếu, trang thiết bị đơn giản và lạc hậu. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ sử dụng thiết bị, công nghệ hiện đại, tiên tiến vào sản xuất của các DN chế biến lâm sản của tỉnh Bình Định chỉ có 5%. Qua tìm hiểu của chúng tôi, các DN đều thừa nhận rằng thiết bị, công nghệ sản xuất của họ phần lớn còn lạc hậu so với các nước trong khu vực. Thế nhưng để thay đổi thiết bị, công nghệ mới là một việc không dễ dàng. Muốn có một dây chuyền sản xuất hiện đại, các DN cần phải đầu tư hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng, đây là một số vốn khá lớn mà DN rất khó có thể tự xoay xở được. Ngoài thiết bị công nghệ, cơ cấu mặt hàng của các DN cũng khá đơn điệu, tập trung chủ yếu vào hàng ngoài trời, dễ làm, tốn nhiều lao động, nhưng giá trị và hiệu quả kinh tế không cao. Hầu hết các khâu sản xuất đều có sự tham gia bằng thủ công của công nhân, nên chất lượng không ổn định, giá thành thành phẩm rất cao.
Về năng lực quản lý và nghiên cứu phát triển thị trường của các DN cũng còn nhiều hạn chế. Hiện nay, số DN chế biến lâm sản ở tỉnh Bình Định có xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc tế ISO 9000: 2000 chỉ chiếm tỷ lệ 9,5%, số DN sử dụng Website riêng phục vụ cho việc quảng bá, tiếp thị... cũng chỉ chiếm tỷ lệ 9,5% so với số DN chế biến lâm sản hiện có của tỉnh Bình Định. Với một ngành chế biến hàng xuất khẩu là chủ yếu, mà việc quan tâm đến chất lượng sản phẩm và ứng dụng công nghệ thông tin như vậy thì làm sao phát triển bền vững được trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, trình độ tay nghề của công nhân cũng còn rất hạn chế, việc tiếp cận với công nghệ mới còn gặp nhiều khó khăn. Theo nhận xét của nhiều DN, hiện nay nhân lực của họ còn nhiều bất cập, cán bộ kỹ thuật chuyên ngành còn thiếu, hầu hết đều phải đào tạo lại thì mới bắt kịp với quá trình đổi mới công nghệ, trang thiết bị. Đây là yếu tố không thuận lợi cho các DN, bởi trong quá trình sản xuất kinh doanh, ai tận dụng sớm được cơ hội thì người đó sẽ thành công.
* Làm gì để phát triển ?
Hàng lâm sản của tỉnh Bình Định được sản xuất trong tình hình như đã nói trên, trong khi đó các mặt hàng lâm sản cùng chủng loại hiện có trên thị trường thế giới lại được sản xuất bởi các tập đoàn lớn, trên dây chuyền công nghệ hiện đại, các khâu trong suốt quá trình sản xuất đều được tự động hóa, đã tạo ra một khối lượng hàng hóa lớn và giá thành sản phẩm giảm. Trước các lợi thế so sánh như vậy, các DN chế biến hàng lâm sản của tỉnh Bình Định không kịp thời chủ động tìm giải pháp thích hợp để khắc phục thì khó mà tồn tại và phát triển. Các DN cần phải nhanh chóng hoàn tất các yêu cầu về phát triển hạ tầng cơ sở với những giải pháp cần thiết. Đó là không ngừng đầu tư, đổi mới trang thiết bị và áp dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước nâng cao chất lượng hàng lâm sản lên bằng với các nước trên thế giới. Đồng thời cần phải nhanh chóng đầu tư phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, công nhân phải được đào tạo cơ bản, thường xuyên được bồi dưỡng và cập nhật các công nghệ mới, để có đủ trình độ, kinh nghiệm nhằm khai thác có hiệu quả các trang thiết bị và công nghệ hiện đại. Các nhà quản lý DN cũng cần nâng cao năng lực trong việc tổ chức sản xuất và kỹ năng kinh doanh trong điều kiện kinh tế hội nhập.
Nếu giải quyết tốt được các vấn đề trên, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chế biến lâm sản của Bình Định phát triển mạnh hơn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
. Ngọc Thái
|