Đào tạo nghề tại KCN Phú Tài chậm, do đâu?
16:3', 26/10/ 2003 (GMT+7)

Học nghề may công nghiệp (ảnh: Văn Tư)

Năm 2003, 7 doanh nghiệp (DN) tại KCN Phú Tài đăng ký đào tạo nghề cho trên 900 công nhân. Tuy nhiên, đến nay đã sang quí IV mà việc đào tạo nghề cho công nhân vẫn án binh bất động…

* 1001 lý do

7 DN xin đăng ký đào tạo nghề trong năm nay là các công ty TNHH Hoàng Phát, Trường Sơn, Phước Hưng, Thành Vy, Bình Phú, DNTN Văn Vinh và Chi nhánh XNK Lâm sản Quy Nhơn, trong đó có 6 DN đăng ký đào tạo nghề mộc dân dụng và 1 DN đăng ký đào tạo nghề gò hàn với số đăng ký trên 900 công nhân, thời gian đào tạo 3 tháng. Tháng 6-2003, UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ kinh phí trên 170 triệu đồng cho các DN này. Tuy nhiên, sau khi Ban quản lý các khu công nghiệp (QLCKCN) Bình Định làm việc với các DN và các trường dạy nghề trong tỉnh triển khai đào tạo nghề thì đã có 3 DN là Công ty TNHH Hoàng Phát, Công ty TNHH Trường Sơn và DNTN Văn Vinh xin hoãn đào tạo. Các DN còn lại mặc dù đã lập danh sách đào tạo công nhân và được Sở LĐ-TB&XH kiểm tra, thống nhất đến nay vẫn "án binh bất động".

Ý kiến của người trong cuộc

Ông Phạm Văn Thi, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH:

Việc đào tạo nghề tại KCN Phú Tài chậm trễ là do Ban QLCKCN triển khai chưa chặt chẽ và không tích cực bởi các chỉ tiêu đào tạo nghề cho DN ngoài KCN đến nay đã triển khai và có khả năng hoàn thành kế hoạch. Về việc Ban QLCKCN đề xuất giao hẳn trách nhiệm quản lý đào tạo nghề cho Ban QLCKCN phải tùy thuộc vào quyết định của UBND tỉnh. Tuy nhiên, thanh tra, kiểm tra sử dụng kinh phí đào tạo nghề là trách nhiệm của Sở LĐ-TB&XH nhằm giúp cho UBND tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về lĩnh vực đào tạo nghề tại địa phương, kể cả tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở dạy nghề thuộc địa phương quản lý. Qua đợt thanh tra vừa rồi Đoàn Thanh tra của Sở đã phát hiện nhiều sai sót trong quản lý sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề tại các DN.

Ông Hồ Văn Hòa, Phó trưởng Ban QLCKCN:

Với cách làm như hiện nay thì Ban QLCKCN không thể chủ động được trong công tác tổ chức đào tạo nghề cho các DN. Theo tôi, nên để Ban QLCKCN chịu trách nhiệm quản lý đào tạo nghề cho các DN thuộc KCN và BQL các KCN chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về sử dụng kinh phí, tổ chức hoạt động đào tạo. Ban QLCKCN chịu trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức đi kiểm tra, thanh tra đào tạo nghề tại các DN và dựa vào đó để quyết toán với các DN.

Ông Lê Duy Linh, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Tài:

Cách đào tạo nghề như hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu cụ thể của từng DN bởi mỗi DN đều có trình độ sản xuất và yêu cầu riêng. Công ty tôi vẫn phải thuê thầy chuyên ngành từ thành phố Hồ Chí Minh ra dạy thêm nghề cho công nhân. Chúng tôi đã đề nghị với BQL các KCN cho chúng tôi được tự đào tạo và đã được thông qua.

Trong cuộc họp mới đây về triển khai đào tạo nghề do Ban QLCKCN tổ chức, các DN đã phản ánh: việc tập trung đầy đủ các công nhân để tổ chức đào tạo nghề hầu như không thể thực hiện được, nhất là trong giai đoạn "làm mùa" như hiện nay, phải tăng ca liên tục, không có thời gian bố trí học tập. Tập trung được công nhân đã khó nhưng bảo đảm số công nhân học nghề theo đúng như danh sách đăng ký ban đầu lại càng khó hơn bởi số công nhân làm việc tại các xưởng gỗ liên tục biến động. Ông Mai Chí Quốc, Phó Giám đốc Chi nhánh XNK lâm sản Quy Nhơn phân trần: "Số công nhân liên tục biến động là do tự ý nghỉ việc hoặc chuyển sang làm các xưởng khác nên danh sách đăng ký học ban đầu so với thực tế rất khác nhau".

Theo chúng tôi được biết, nguyên nhân khác khiến các DN năm nay không "mặn mà" đào tạo nghề là, bên cạnh một số DN có nhu cầu đào tạo nghề thật sự, vẫn có một ít số DN khác tưởng rằng kinh phí đào tạo nghề sẽ cấp thẳng cho đơn vị nên mới đăng ký tham gia đào tạo nghề cho công nhân với số lượng khá đông. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, kinh phí lại được chuyển thẳng cho Ban QLCKCN thanh toán với các trường dạy nghề nên DN nản và... ngãng ra. Ngoài ra, một số công nhân rất ngại đi học bởi một phần do trình độ còn hạn chế và một phần sợ bị giảm thu nhập nên khi DN thông báo đưa vào danh sách đi học đã vội vàng xin nghỉ việc để đi làm cho các xưởng khác, trong khi đó khi vào mùa vụ DN lại rất cần người nên không thể làm căng, bắt công nhân đi học. "Nhiều khi phải xuống nước, thiếu điều phải năn nỉ họ đi học mặc dầu thời gian học nghề vẫn tính theo lương như là lúc đi làm", ông Phan Văn Phước, Giám đốc Công ty TNHH Tân Phước, đã đào tạo nghề cho công nhân năm 2002 cho biết.

* Giao hẳn trách nhiệm cho Ban QLCKCN ?

Hiện nay việc đăng ký đào tạo nghề tại KCN Phú Tài vẫn thực hiện theo trình tự: DN lập danh sách đăng ký đào tạo nghề cho công nhân với Ban QLCKCN, trên cơ sở đó Ban QLCKCN tổng hợp các DN có yêu cầu rồi mới đề nghị sang Sở LĐ-TB&XH. Sở LĐ-TB&XH tổng hợp nhu cầu đào tạo nghề chung trên toàn tỉnh rồi mới trình lên UBND tỉnh chờ phê duyệt và tổ chức đào tạo nghề. Từ khi các DN lập danh sách công nhân học nghề đến lúc được UBND tỉnh phê duyệt, phân bổ chỉ tiêu học nghề cho từng DN phải mất 1-2 tháng, đến khi triển khai thì người đăng ký trong danh sách đã thiếu vắng nhiều. Thậm chí trong quá trình đào tạo nghề, tình hình công nhân biến động có thể lên đến 40-50% nên khi cấp chứng chỉ nghề chỉ đạt 50-60% so với danh sách ban đầu. Tuy nhiên, hầu hết công nhân là lao động thời vụ, DN cũng không có quy định, ràng buộc cụ thể với người lao động. Ông Hồ Văn Hòa, Phó Trưởng Ban QLCKCN khẳng định: "Việc UBND tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo nghề cho DN được các DN ủng hộ. Nhưng phải đảm bảo danh sách đăng ký học nghề ban đầu đúng với danh sách khi công nhân tốt nghiệp, cấp chứng chỉ nghề theo quy định như hiện nay thì các DN không dám thực hiện". Ngoài ra, cũng theo ông Hòa phản ánh lại, một số DN cho rằng việc Đoàn Thanh tra của Sở LĐ-TB&XH đi kiểm tra, thanh tra công tác đào tạo nghề đã tạo tâm lý e ngại và làm mất thời gian của DN (?).

Mới đây, Ban QLCKCN đã đề nghị UBND tỉnh giao công tác đào tạo nghề tại KCN Phú Tài cho Ban QLCKCN chủ trì và phối hợp với các ngành liên quan thực hiện. Theo đề nghị, kinh phí đào tạo sẽ được cấp thẳng cho Ban QLCKCN. Ban QLCKCN sẽ chủ động, hợp đồng làm việc, hợp đồng với các trường hoặc các cơ sở đào tạo nghề và với các DN về phần đóng góp của mình. Căn cứ vào nhu cầu thực tế , Ban quản lý sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ cụ thể cho từng DN để làm cơ sở thanh quyết toán sau này và triển khai thực hiện. Ban QLKCN sẽ tiến hành phối hợp với các bên liên quan theo dõi kiểm tra việc học tập của công nhân. Theo ông Hòa, số lượng công nhân có thể giảm so với danh sách đăng ký ban đầu, nhưng nếu tỷ lệ đào tạo nghề đạt khoảng 60% thì cũng đã là thành công.

. Thu Hà

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Ngành chế biến lâm sản trước xu thế hội nhập   (24/10/2003)
Máy rút tiền tự động: "ví tiền" an toàn cho mọi người   (23/10/2003)
An Lão mùa cau   (22/10/2003)
Dịch vụ xe buýt qua 6 tháng hoạt động: Mừng và lo!   (21/10/2003)
Giúp nông dân "ly nông bất ly hương"  (20/10/2003)
Bình Định đối mặt cùng lũ dữ   (19/10/2003)
Chăn nuôi bò sữa ở Bình Định: Những dấu hiệu bất ổn   (19/10/2003)
Bình Định đương đầu với lũ lớn  (18/10/2003)
Đồng Quy: Niềm vui khi dòng điện đã về  (17/10/2003)
Cứu nạn tàu nghiên cứu hải sản Biển Đông: Chiến công đầu mùa  (16/10/2003)
Ngày đầu tiên phát hành trái phiếu Chính phủ đợt 1-2003: Nhộn nhịp ngay từ giờ đầu   (15/10/2003)
Nghề lưới trên hồ Núi Một   (14/10/2003)
Tiếp thị du lịch: Lắm "chiêu", nhiều cách   (13/10/2003)
Tạo điều kiện tốt hơn cho nông dân phát triển kinh tế  (12/10/2003)
Chuyện của một người trồng xoài trên đất cát   (10/10/2003)