"Cái chân đèn" Vĩnh Thịnh sáng rồi!
16:20', 27/10/ 2003 (GMT+7)

. Ghi chép của VĂN THUẬN

Đưa điện về nông thôn, miền núi (ảnh: Văn Tây)

Tình cờ tôi gặp lại già làng Đinh Tuyên trong một chuyến công tác về Vĩnh Thịnh - một xã nghèo thuộc huyện Vĩnh Thạnh, vừa được đóng điện cách đây hơn một tháng theo Dự án "Điện khí hóa nông thôn, miền núi" trên địa bàn tỉnh Bình Định, từ nguồn vốn ADB, do Công ty Điện lực 3 làm chủ đầu tư. Công trình gồm 11km đường dây trung thế, 16km đường dây 0,4KV, xây lắp 5 trạm biến áp có tổng dung lượng 620KVA, 1.200 công tơ bắc vào từng nhà với tổng chiều dài hơn 22km đường dây, đã đem lại niềm vui lớn cho người dân Vĩnh Thịnh. Theo cách nói của già làng Đinh Tuyên thì đồng bào Ba na ở Vĩnh Thịnh có 2 ngày lịch sử trọng đại: ngày chiến thắng TơLok, TơLek vào cuối tháng 3-1959 và ngày 2-9 năm nay, điện sáng khắp 7 làng, từ làng M2, M3 đến An Nội, Vĩnh Trường, Vĩnh Thái, Vĩnh Hòa và Vĩnh Bình. Tiếng cồng chiêng của đêm hội đâm trâu năm nay ở Vĩnh Thịnh vang xa hơn mọi năm, ngoài ánh lửa bập bùng còn có ánh điện sáng trưng!

Chiếc xe của đoàn công tác vừa đậu trước sân nhà rông làng M3 thì già làng Đinh Tuyên xuất hiện. Nhận ra tôi, già làng mừng rơn, tay bắt mặt mừng. "Cái chân đèn của lũ làng sáng rồi! Cán bộ có nhớ không?". Bị "chất vấn" bất ngờ, tôi vừa lúng túng gật đầu "hoãn binh", vừa cố nhớ xem "cái chân đèn" nào mà già Tuyên vừa nhắc đến... Đúng rồi. Trên 10 năm rồi còn gì! Hồi khánh thành Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn, đồng bào Ba na ở các làng kéo nhau về dự đông như hội. Nhưng chờ mãi, chờ mãi, 3 năm, rồi 5 năm... không thấy buôn làng của mình có điện về, cả làng xôn xao. Họ nói với nhau rằng: "Thủy điện Vĩnh Sơn là cái đèn to nhưng dưới chân đèn thì tối om om!". Tôi còn nhớ rất rõ ánh mắt của già làng Đinh Tuyên hồi ấy như muốn gửi gắm điều gì. "Cái bụng đồng bào Ba na nghĩ sao nói vậy, cán bộ thấy có đúng không?" - Ông nói với tôi như vậy. Bây giờ, khi dự án điện khí hóa được nghiệm thu, đóng điện, thì "cái chân đèn" Vĩnh Thịnh đã sáng lên thật rồi. Tôi hiểu ý và vui cùng niềm vui của già làng Đinh Tuyên cùng bà con Vĩnh Thịnh.

Già làng Đinh Tuyên mời chúng tôi đến thăm nhà ông. Nếu nói Vĩnh Thịnh đã đổi thay sau khi được "điện khí hóa", thì gia đình Đinh Tuyên là tiêu biểu. Trong căn nhà ngói mới, ngoài chiếc ti vi còn kê trên hộp xốp, tôi còn thấy chiếc đầu đĩa, máy may điện, có cả máy vắt sổ, bàn là điện Đinh Tuyên vừa sắm cho con gái út. Những bao hạt điều, bắp, lúa chất cao nghệu ở góc nhà của ông cũng như nhiều hộ khác ở đây đã nói lên được cái no ấm của cả làng M3 này.

Đinh Tuyên say sưa kể với tôi cái quá khứ đầy gian khổ và đáng tự hào của quê mình: Đã qua rồi cái thời đốt rẫy làm nương cùng đồng bào các làng ven sông Kôn. Cuộc sống của người dân 7 làng của Vĩnh Thịnh đã khá dần lên, xóa được cái đói, cái dốt, cái bệnh sốt rét..., nhưng vẫn còn nghèo, nghèo lắm! Đất đồi, gò chỉ trồng được 1 mùa lúa với năm suất rất thấp, không đủ gạo ăn, may mà có bắp trên rẫy. Rồi chìa khóa để xóa nghèo được tập trung vào cây điều. Hạt điều được nhà nước thu mua với giá 8.000 đồng/kg. Điều đó giải thích vì sao đồng bào Ba na Vĩnh Thịnh sắm được đồ điện nhanh như vậy. Ngoài những hộ khá, lâu nay có thu nhập trên 10 triệu đồng/năm từ hạt điều như: Đinh Kiệu, Đinh Ru, Bá Tân, Y Ban, Đinh Tuyên... đã có gần trăm hộ sắm được tivi, xe máy, đóng được xe công nông chở hạt điều, hạt bắp xuống chợ huyện... Đường bê tông mới, trường học mới, nhà rông mới... tất cả đều nói lên rằng: Không chỉ làng M2, M3 mà rồi đây 5 làng còn lại của xã Vĩnh Thịnh sẽ phát triển mạnh mẽ hơn về nhiều mặt, để cũng được công nhận là làng văn hóa.

Câu chuyện đổi đời của làng M3 và xã Vĩnh Thịnh tưởng không bao giờ dứt. Già làng Đinh Tuyên bỗng vỗ đùi như nhớ ra chuyện quan trọng: "Cán bộ có đem cái áp phích về bày cách cho đồng bào dùng điện không?". Tôi thật sự bất ngờ trước câu hỏi đầy trách nhiệm của ông. Đinh Tuyên cho biết: "Sáng nay vừa họp Hội Cựu chiến binh của làng, ai cũng bảo phải họp cả làng để thông báo cho dân biết, cái điện nó hiền như con nai, nhưng nó cũng nguy hiểm lắm. Lũ làng có điện rồi mà không biết dùng là... nó bắt chết. Phải báo cho cả làng biết, không để trẻ con đút ngón tay vào ổ cắm điện; không cột trâu, bò gần trạm điện, nhất thiết lũ làng không được kéo điện ra rẫy, ra đồng để bẫy con chuột, con chồn... Đã có người bị điện bắt chết rồi đó!".

Xe qua cầu Định Bình bắc qua sông Kôn, tôi ngoái đầu nhìn lại bên kia sông. Trong sương chiều lãng đãng, Vĩnh Thịnh đẹp và thanh bình biết chừng nào! Những hàng cột điện thẳng tắp, rẽ nhánh đi thẳng vào từng làng, những trạm điện bề thế... nói với tôi rằng: Vĩnh Thịnh đang chuyển mình sau "điện khí hóa", tiếp sức cho những cuộc đời lam lũ của bà con dân tộc Ba na ở đây thoát khỏi cái đói, cái nghèo; để tiếng chiêng, tiếng cồng của bà con vang mãi trên khắp núi rừng TơLok, TơLek...

V.T

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Đào tạo nghề tại KCN Phú Tài chậm, do đâu?   (26/10/2003)
Ngành chế biến lâm sản trước xu thế hội nhập   (24/10/2003)
Máy rút tiền tự động: "ví tiền" an toàn cho mọi người   (23/10/2003)
An Lão mùa cau   (22/10/2003)
Dịch vụ xe buýt qua 6 tháng hoạt động: Mừng và lo!   (21/10/2003)
Giúp nông dân "ly nông bất ly hương"  (20/10/2003)
Bình Định đối mặt cùng lũ dữ   (19/10/2003)
Chăn nuôi bò sữa ở Bình Định: Những dấu hiệu bất ổn   (19/10/2003)
Bình Định đương đầu với lũ lớn  (18/10/2003)
Đồng Quy: Niềm vui khi dòng điện đã về  (17/10/2003)
Cứu nạn tàu nghiên cứu hải sản Biển Đông: Chiến công đầu mùa  (16/10/2003)
Ngày đầu tiên phát hành trái phiếu Chính phủ đợt 1-2003: Nhộn nhịp ngay từ giờ đầu   (15/10/2003)
Nghề lưới trên hồ Núi Một   (14/10/2003)
Tiếp thị du lịch: Lắm "chiêu", nhiều cách   (13/10/2003)
Tạo điều kiện tốt hơn cho nông dân phát triển kinh tế  (12/10/2003)