Khởi sắc vùng cao
16:27', 28/10/ 2003 (GMT+7)

Hội làng vui mùa lúa mới

Từ khi có hệ thống khuyến nông - khuyến ngư, tỉnh Bình Định đã chú trọng đến việc chuyển giao kỹ thuật cho bà con người dân tộc thiểu số ở các xã miền núi, vùng cao trong tỉnh. Chương trình khuyến nông sản xuất cây lúa nước, canh tác bền vững trên đất sau nương rẫy; chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá nước ngọt; chương trình khuyến lâm... hàng năm được thực hiện với lượng kinh phí lớn và có quy mô đáng kể. Sự tiếp sức của chương trình 135 sau 5 năm thực hiện có hiệu quả đã thực sự là động lực phát triển cho các địa phương miền núi, vùng cao. Với 152 danh mục đã thực hiện gồm 81 công trình giao thông, 32 công trình thủy lợi, 21 công trình thủy điện, 3 công trình trường học, 13 chương trình nước sạch và 2 công trình khai hoang... đã đáp ứng được lòng mong mỏi lâu nay của bà con miền núi, vùng cao. Ngày nay, việc giao thông thông suốt giữa các thôn bản với trung tâm xã, huyện và các xã đồng bằng đã tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu hàng hóa, xóa bỏ dần tập quán sản xuất tự cấp, tự túc, tiến đến sản xuất hàng hóa. Tại các xã miền núi và vùng cao đã xuất hiện nhiều điển hình sản xuất, tận dụng được ưu thế phát triển kinh tế VAC, kinh tế vườn rừng, kinh tế trang trại... góp phần giải quyết việc làm và cải thiện cuộc sống cho nhiều hộ, nhiều vùng, tạo thế phát triển bước đầu, tích cực xóa đói giảm nghèo và từng bước tích lũy để vươn lên làm giàu.

Nếu ở Vĩnh Thạnh có các hộ Đinh Zôn (Bá Điêu), Bá Nhơn, Bá Kiêu, Đinh Văn Lanh... có thu nhập trên 20 triệu đồng hàng năm, thì ở Vân Canh có các hộ Đinh Văn Tân, Đinh Văn Trung, Tô Văn Cán; ở An Lão có các hộ Trần Văn Chỉnh, Đinh Văn Chê, Đinh Văn Oai, Đinh Văn Bê, Đinh Văn Vớ... và hàng chục hộ ở Bók Tới, Đắk Mang (Hoài Ân), làng Hà Ri (Vĩnh Hiệp - Vĩnh Thạnh), làng Cam (Vĩnh An, Tây Sơn)... cũng có thu nhập chẳng kém. Trong ba huyện miền núi của tỉnh Bình Định, An Lão là huyện có nhiều khó khăn đặc biệt, nhưng hiện nay cũng là địa phương có sự chuyển biến rõ nét. Từ khi có chương trình 135 và tiếp nhận các chương trình chuyển giao kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi... đã tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế về nhiều mặt. Sự chịu khó làm ăn của một số hộ đã làm gương cho nhiều hộ khác noi theo. Theo thống kê, hiện nay toàn địa bàn huyện có trên 2.500 vườn nhà được phát triển theo hướng vườn - chuồng; có 410 ao nuôi cá nước ngọt, 60 vườn cây ăn quả kinh tế theo xu hướng phát triển trang trại. Nhờ vậy, các hộ đói nghèo ngày càng giảm (trung bình hàng năm giảm 6%).

Ngoài sự thuận lợi của giao thông, việc đưa điện về các xã vùng cao (đã có 70% số hộ sử dụng điện) cũng có thể ví như đem thông tin, văn hóa đến với núi rừng. Bởi lẽ điện đem lại nguồn sáng cho bản làng, giúp cho đồng bào nghe radio và xem truyền hình (với chương trình mục tiêu đã tăng cường phát thanh và phát hình tiếng dân tộc thiểu số), cập nhật được thông tin và tiếp nhận nhiều kỹ thuật mới để áp dụng trong sản xuất. Một số nơi đã có trạm bơm thủy lợi, đem điện bơm nước tưới cây, sử dụng máy tuốt lúa... Các công trình cung cấp nước sinh hoạt cũng góp phần tích cực cho việc đổi mới ở vùng cao. Việc vận động con em đến trường được thực hiện khắp các thôn bản. Một số trạm y tế đã chữa trị được nhiều bệnh hiểm nghèo, và là nơi sơ cứu tốt trước khi chuyển lên tuyến trên.

Kết quả công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống no đủ cho đồng bào miền núi ở Bình Định đã có những khởi sắc bước đầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức, tỷ lệ hộ đói nghèo có giảm, không còn hộ đói hàng năm, nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn nhiều. Bên cạnh sự hỗ trợ về nhiều mặt của Nhà nước, điều quan trọng nhất để miền núi và vùng cao phát triển phải là sự nỗ lực vươn lên một cách tự giác của mỗi cá nhân, mỗi hộ đồng bào miền núi.

. NGUYỄN ĐÌNH THỤY

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
"Cái chân đèn" Vĩnh Thịnh sáng rồi!   (27/10/2003)
Đào tạo nghề tại KCN Phú Tài chậm, do đâu?   (26/10/2003)
Ngành chế biến lâm sản trước xu thế hội nhập   (24/10/2003)
Máy rút tiền tự động: "ví tiền" an toàn cho mọi người   (23/10/2003)
An Lão mùa cau   (22/10/2003)
Dịch vụ xe buýt qua 6 tháng hoạt động: Mừng và lo!   (21/10/2003)
Giúp nông dân "ly nông bất ly hương"  (20/10/2003)
Bình Định đối mặt cùng lũ dữ   (19/10/2003)
Chăn nuôi bò sữa ở Bình Định: Những dấu hiệu bất ổn   (19/10/2003)
Bình Định đương đầu với lũ lớn  (18/10/2003)
Đồng Quy: Niềm vui khi dòng điện đã về  (17/10/2003)
Cứu nạn tàu nghiên cứu hải sản Biển Đông: Chiến công đầu mùa  (16/10/2003)
Ngày đầu tiên phát hành trái phiếu Chính phủ đợt 1-2003: Nhộn nhịp ngay từ giờ đầu   (15/10/2003)
Nghề lưới trên hồ Núi Một   (14/10/2003)
Tiếp thị du lịch: Lắm "chiêu", nhiều cách   (13/10/2003)