Làng vỗ béo bò
17:9', 29/10/ 2003 (GMT+7)

Con bò của ông Phạm Văn Ánh sau 2 tháng vỗ béo có giá trên 9 triệu đồng

Tháng 7-2001, Trung tâm Khoa học kỹ thuật vật nuôi Bình Định bắt đầu thực hiện hợp phần khuyến nông chăn nuôi - với nội dung vỗ béo bò - ở nhiều địa phương trong tỉnh. Qua một thời gian đưa mô hình chăn nuôi này vào các hộ nông dân đạt hiệu quả cao, đã thu hút nhiều hộ nông dân tham gia, đặc biệt là ở xã Nhơn Lộc (An Nhơn). Chúng tôi gọi là "làng" vỗ béo bò chứ thực sự hầu như nghề này lan rộng ra cả xã Nhơn Lộc.

Một buổi sáng cuối tháng 10, chúng tôi đang làm việc ở trụ sở xã Nhơn Lộc, nhìn ra bên ngoài, trời đang mưa to, nhưng trên những cánh đồng làng vẫn còn nhiều người dân mang áo mưa cắt cỏ. Thấy tôi dõi mắt nhìn theo, ông Hồ Đình Long - Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc - mỉm cười đầy tâm đắc và nói: "Đó là công việc thường ngày của bà con nông dân. Hiện nay, phong trào nuôi bò vỗ béo phát triển mạnh, bà con phải tranh thủ dậy lúc sáng sớm đi cắt cỏ để rồi về còn làm chuyện khác". Rồi ông cho biết thêm: "Ngồi cạnh anh là anh Chung, người đi tiên phong trong nghề vỗ béo bò đấy". Nghe nhắc đến tên, anh Đoàn Thành Chung - Chủ tịch Hội Nông xã - lên tiếng: "Năm 2001, tôi và 2 hộ khác thực hiện mô hình vỗ béo bò do Trung tâm Khoa học kỹ thuật vật nuôi tỉnh chuyển giao kỹ thuật. Và kết quả ngoài sự mong đợi: bình quân mỗi hộ lãi ròng trên 1 triệu đồng/2 con/2 tháng vỗ béo. Ngày đó bà con trong xã đến tham quan, học tập đông lắm. Từ một vài hộ áp dụng có hiệu quả, đến nay đã có trên 400 hộ trong xã chuyên nuôi bò vỗ béo. Vừa qua, đã có nhiều đoàn cán bộ của Trung ương và tỉnh về thăm, đánh giá cao về hiệu quả của nghề này".

Chúng tôi đã theo anh Chung đi một vòng quanh xã để tìm hiểu thêm về cái nghề… đang lên này. Xã Nhơn Lộc trước đây vốn nổi tiếng với phong trào xây dựng đường bê tông nông thôn. Đi trên những con đường liên thôn đã được bê tông hóa, nhìn vào những khu vườn, chúng tôi thấy rất nhiều hộ đã xây dựng chuồng trại nuôi bò thật khang trang. Anh Chung đưa chúng tôi vào một ngôi nhà nằm ven đường, thuộc địa phận thôn Cù Lâm. Chủ nhà là ông Đinh Thành Mai vui vẻ rót trà mời khách. Khi biết chúng tôi đến tìm hiểu về nghề vỗ béo bò, ông Mai "nhập đề" ngay: "Ngày xưa ông cha ta thường nuôi bò để phục vụ cho cày kéo là chính, ít ai tính đến chuyện nuôi bò để bán. Còn bây giờ con bò lại trở thành vật nuôi hái ra tiền. Cỏ có sẵn ngoài đồng, thức ăn tinh thì chỉ cần ra khỏi cổng nhà là mua được ngay". Ông chỉ tay ra phía cổng nhà, nơi có 3 con bò đang đứng và nói tiếp: "3 con bò lai đó tôi mua với giá 20 triệu đồng, nuôi vỗ béo đã 50 ngày và vừa bán được 24 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi trên 2 triệu đồng. Ngày mai tôi phải đi mua 3 con khác về vỗ béo để bán nhân dịp SEA Games 22". Quả thật bà con nông dân mình bây giờ thật là nhanh nhạy với thị trường, sẵn sàng "chớp thời cơ" để tiêu thụ sản phẩm. Khi chúng tôi hỏi bà con trong thôn có gặp khó khăn về đầu ra, ông Mai cười: "Chuyện đó thì khỏi phải lo, nào là Công ty Nông Việt, rồi tư thương khắp nơi về đây lùng sục cả ngày, chỉ cần có bò bán là lập tức có người mua ngay. Nhiều tư thương mua bò nói rằng, bò ở đây có tỷ lệ nạc cao, thịt lại tươi ngon nên người tiêu dùng rất thích. Phần lớn bò sau khi mua đều được chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh. Chắc chắn trong dịp SEA Games sắp đến, nhiều người dân thành phố sẽ ăn mừng thắng lợi của đoàn vận động viên Việt Nam bằng... thịt bò Nhơn Lộc".

Chúng tôi tìm đến hộ gia đình ông Phạm Văn Ánh - một trong những hộ nuôi bò vỗ béo nổi tiếng ở làng Cù Lâm. Ông Ánh cho biết: "Tôi bắt đầu thực hiện nghề vỗ béo bò từ năm 2001, bình quân mỗi đợt vỗ béo 2 con, trong khoảng thời gian từ 2-3 tháng. Đợt đầu tiên, tôi bán được trên 11 triệu đồng/2 con, sau khi trừ chi phí lãi ròng 1,8 triệu đồng. Nhờ nuôi bò mà kinh tế gia đình đã khá hơn trước, các con có điều kiện ăn học. Hiện nay, tôi đã mua 2 con bò để tiếp tục vỗ béo, có người trả 9 triệu/ con nhưng tôi chưa bán". Rồi ông Ánh kể về "bí quyết" của ông: "Để việc vỗ béo bò mang lại hiệu quả kinh tế cao, trước nhất phải chọn mua được con bò lai, hơi gầy. Sau khi mua về thì phải tiêm vác xin phòng dịch bệnh cho bò và dứt khoát không được thả rông, chuồng trại phải được vệ sinh sạch sẽ. Bình quân mỗi ngày cho ăn 3 kg thức ăn tinh và 10 kg cỏ. Ngoài ra, phải thường xuyên theo dõi sức khỏe của bò hàng ngày để kịp thời điều trị bệnh, nếu có". Còn theo ông Tôn Thế Nhật ở thôn Đông Lâm, thì ngoài nắm vững kỹ thuật, còn phải thường xuyên theo dõi báo, đài để nắm bắt các thông tin về thị trường tiêu thụ, từ đó điều chỉnh khẩu phần ăn cho bò hợp lý, tính toán thời gian bán để thu được lợi nhuận cao hơn.

Nghề vỗ béo bò ở Nhơn Lộc hiện nay phát triển mạnh. Bên cạnh sự cần cù, óc sáng tạo của nông dân, còn có sự quan tâm rất lớn của chính quyền địa phương. Những hộ gia đình gặp khó khăn có nhu cầu vay vốn đều đã được địa phương tạo điều kiện vay vốn đầu tư chăn nuôi. UBND xã còn đầu tư hàng chục triệu đồng xây dựng chợ bò, mỗi phiên chợ mua bán khoảng vài chục con bò; đồng thời liên hệ với các công ty, các tư thương trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ bò cho bà con nông dân yên tâm hơn về đầu ra, để tăng cường đầu tư vào chăn nuôi. Nhờ đó, đời sống của bà con nông dân xã Nhơn Lộc đã được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7% theo tiêu chí mới. Năm 2002, tổng giá trị nông- lâm-ngư nghiệp của xã Nhơn Lộc đạt 22,44 tỉ đồng, tăng 1,16 tỉ so với năm 2001; riêng chăn nuôi chiếm 50,3% giá trị toàn ngành; năm 2003 con số này chắc chắn sẽ cao hơn.

"Đối với nông dân xã Nhơn Lộc thì nuôi con gì, trồng cây gì có hiệu quả kinh tế cao, đầu ra thuận lợi là bà con làm ngay, chính quyền địa phương sẽ luôn tạo điều kiện để nông dân đầu tư có hiệu quả hơn". Ông Hồ Đình Long cho chúng tôi biết thêm trước lúc chia tay. Trên đường về, chúng tôi luôn tâm đắc với câu chuyện bà con nông dân Nhơn Lộc trong thời gian này đang vỗ béo bò để phục vụ SEA Games 22!

. PHẠM TIẾN SỸ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Khởi sắc vùng cao   (28/10/2003)
"Cái chân đèn" Vĩnh Thịnh sáng rồi!   (27/10/2003)
Đào tạo nghề tại KCN Phú Tài chậm, do đâu?   (26/10/2003)
Ngành chế biến lâm sản trước xu thế hội nhập   (24/10/2003)
Máy rút tiền tự động: "ví tiền" an toàn cho mọi người   (23/10/2003)
An Lão mùa cau   (22/10/2003)
Dịch vụ xe buýt qua 6 tháng hoạt động: Mừng và lo!   (21/10/2003)
Giúp nông dân "ly nông bất ly hương"  (20/10/2003)
Bình Định đối mặt cùng lũ dữ   (19/10/2003)
Chăn nuôi bò sữa ở Bình Định: Những dấu hiệu bất ổn   (19/10/2003)
Bình Định đương đầu với lũ lớn  (18/10/2003)
Đồng Quy: Niềm vui khi dòng điện đã về  (17/10/2003)
Cứu nạn tàu nghiên cứu hải sản Biển Đông: Chiến công đầu mùa  (16/10/2003)
Ngày đầu tiên phát hành trái phiếu Chính phủ đợt 1-2003: Nhộn nhịp ngay từ giờ đầu   (15/10/2003)
Nghề lưới trên hồ Núi Một   (14/10/2003)