Từ Techmart Việt Nam 2003: Đánh thức tiềm lực
17:1', 30/10/ 2003 (GMT+7)

Khách hàng tấp nập đến với gian hàng Bình Định - ảnh Hoàng Lân

Như tin đã đưa, Chợ Công nghệ Thiết bị Việt Nam 2003 (Techmart Việt Nam 2003, tổ chức từ ngày 13 đến 15-10) tại Hà Nội đã thu hút 319 đơn vị trong và ngoài nước tham gia với trên 2.000 công nghệ thiết bị (CNTB) và 196 dịch vụ chào bán. BTC Chợ đã trao 140 huy chương cho các CNTB xuất sắc. Bình Định có 6/25 CNTB (của 6 đơn vị tham gia) được tặng huy chương. Đây là kết quả vượt trên sự mong đợi của tỉnh.

* Thu hút khách hàng bằng CNTB gọn, nhẹ, giá rẻ

Do có sự chuẩn bị kỹ, trưng bày đẹp, nên 4 gian hàng của Bình Định thu hút rất nhiều khách hàng đến tham quan, tìm hiểu. Thiết bị Máy hàn bấm cầm tay của cơ sở cơ khí Đông Hải là một trong số những sản phẩm "đắt hàng" nhất. Còn nhớ trong lần gặp trước ngày tham dự Chợ, anh Đinh Thanh Hải, chủ cơ sở cơ khí Đông Hải, cho biết: "Loại này tôi mới sản xuất thử một cái để dùng ở xưởng nhưng thấy rất hiệu quả vì giúp tiết kiệm được nguyên liệu và công lao động. Tôi tin dụng cụ này sẽ có chỗ đứng trên thị trường bởi nó gọn, nhẹ và giá chỉ bằng 1/3 so với hàng Đài Loan cùng loại, chất lượng cũng không thua". Và quả thật, niềm tin của anh Hải đã được khẳng định tại Chợ CNTB, khi mỗi ngày có gần 10 hợp đồng ghi nhớ, đặt mua Máy hàn bấm cầm tay được ký kết. Kỹ sư Nguyễn Đăng Khoa Thuyết – chủ cơ sở cơ khí Ngọc Trung (Hà Nội) – sau khi xem hàng, dùng thử, liền đặt mua ngay. Ông Thuyết nhận xét: "Máy này phù hợp với công việc của tôi, thao tác thuận tiện, giá cả lại hợp lý".

Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham gia quá trình đổi mới, chuyển giao CNTB có thể tham gia Chợ CNTB ảo trên mạng Internet tại địa chỉ http://www.techmartvietnam.com.vn

4 thiết bị mà Bidiphar mang đến Chợ đều do Công ty tự nghiên cứu chế tạo, đã được áp dụng vào hoạt động sản xuất của Công ty và một số cơ sở y tế trong tỉnh. Ngoài các thỏa thuận, hợp đồng cung cấp Nồi hấp tiệt trùng tự động 250 lít và Hệ thống rửa tay tự động cho các cơ sở y tế khác tại Chợ, Bidiphar còn được chọn là một trong 7 đơn vị cung cấp trang thiết bị y tế cho một dự án của Bộ Y tế. Thiết bị Tuyển titan sa khoáng di động của Công ty Bimal cũng được nhiều chuyên gia, nhà quản lý đánh giá cao vì giá rẻ, phù hợp với đặc điểm các mỏ titan ven biển miền Trung.

Với các tổ chức nghiên cứu như Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHKT Bình Định, Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, mặc dù trước đó chỉ xác định mang sản phẩm đi Chợ với tính chất tham quan, trao đổi nhưng cũng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHKT Bình Định đã ký tắt được một hợp đồng chuyển giao công nghệ nuôi cấy mô phong lan với ông Lã Duy Hùng (khu tập thể Nam Thành Công, Đống Đa – Hà Nội). Ông Hùng đang chuẩn bị cho việc phát triển vườn lan kinh tế khoảng 5.000 m2 và đã chọn Trung tâm làm đối tác vì theo ông, công nghệ này rẻ hơn các nơi khác.

Kết thúc Chợ, theo thống kê, các đơn vị của Bình Định đã ký được khoảng 240 biên bản ghi nhớ, hợp đồng mua bán, chuyển giao các CNTB cho các nhà khoa học của các viện, trung tâm nghiên cứu, chủ doanh nghiệp, cá nhân… Đây là kết quả vượt trên sự mong đợi.

* Cơ hội để nhìn lại mình

Tuy nhiên, phiên chợ này cũng cho thấy rằng, để các CNTB của Bình Định được nhiều người biết đến thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Các CNTB của Bình Định tham dự Chợ chưa nói lên được tiềm năng về sự đa dạng của CNTB của tỉnh. Các CNTB làm đồ gỗ, chế tác đá, cơ khí, làm dầu dừa chưa được nhiều người biết đến. Mặt khác, do quy mô sản xuất nhỏ, năng lực hạn chế nên một số doanh nghiệp "ngại" các đơn đặt hàng với quy mô lớn. Chính GS-TS Phan Trường Thị - chuyên ngành Mỏ địa chất đã về hưu (ông vốn người Bình Định) - cũng cho rằng: "Bình Định mình nhiều người giỏi, khéo tay, làm ra thiết bị đẹp, giá rẻ nhưng còn bó hẹp trong phạm vi của tỉnh chứ chưa mở rộng quy mô làm ăn với bên ngoài. Mà làm ăn lớn thì mới thoát nghèo được".

Và, một yêu cầu cấp thiết mà các doanh nghiệp Bình Định cần xúc tiến ngay là đăng ký để được cấp quyền sở hữu công nghiệp, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, không chỉ với riêng các CNTB tham gia Chợ mà còn với các CNTB khác. Mặt khác, do mới tham gia chợ CNTB lần đầu nên chúng ta cũng chưa khai thác hết các cơ hội để giao lưu trao đổi, tìm kiếm các CNTB phù hợp với mình. Nhiều doanh nghiệp Bình Định đã rất tiếc khi biết ngoài việc tham gia gian hàng, tỉnh Quảng Bình còn tổ chức cho một đoàn gồm 26 doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới CNTB đến Chợ để tìm hiểu.

Tuy mới lần đầu tiên tham gia Chợ CNTB nhưng các CNTB Bình Định được đánh giá cao nhờ các ưu điểm: gọn, đẹp, giá rẻ. Và, không chỉ là các doanh nghiệp, cá nhân mà các viện, trung tâm nghiên cứu Trung ương cũng rất quan tâm đến CNTB của Bình Định. Vì thế, Chợ CNTB đã giúp các tổ chức, đơn vị của tỉnh định hướng lại trong công tác nghiên cứu khoa học. Đó là nghiên cứu gắn với thực tế sản xuất và phải tạo sự gắn kết giữa người làm khoa học với người sản xuất và nhà quản lý.

. NGUYÊN SƯƠNG

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Làng vỗ béo bò   (29/10/2003)
Khởi sắc vùng cao   (28/10/2003)
"Cái chân đèn" Vĩnh Thịnh sáng rồi!   (27/10/2003)
Đào tạo nghề tại KCN Phú Tài chậm, do đâu?   (26/10/2003)
Ngành chế biến lâm sản trước xu thế hội nhập   (24/10/2003)
Máy rút tiền tự động: "ví tiền" an toàn cho mọi người   (23/10/2003)
An Lão mùa cau   (22/10/2003)
Dịch vụ xe buýt qua 6 tháng hoạt động: Mừng và lo!   (21/10/2003)
Giúp nông dân "ly nông bất ly hương"  (20/10/2003)
Bình Định đối mặt cùng lũ dữ   (19/10/2003)
Chăn nuôi bò sữa ở Bình Định: Những dấu hiệu bất ổn   (19/10/2003)
Bình Định đương đầu với lũ lớn  (18/10/2003)
Đồng Quy: Niềm vui khi dòng điện đã về  (17/10/2003)
Cứu nạn tàu nghiên cứu hải sản Biển Đông: Chiến công đầu mùa  (16/10/2003)
Ngày đầu tiên phát hành trái phiếu Chính phủ đợt 1-2003: Nhộn nhịp ngay từ giờ đầu   (15/10/2003)