Kinh tế Bình Định sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh
16:45', 2/11/ 2003 (GMT+7)

Nhiều công trình mới đã mọc lên

Trong gần 3 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Bình Định triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội (NQĐH) IX của Đảng và NQĐH XVI Đảng bộ tỉnh trong bối cảnh có những thuận lợi cơ bản, nhưng cũng có nhiều khó khăn tác động. Mặc dù vậy, nhờ sự đoàn kết, phát huy nội lực và những thuận lợi, khắc phục khó khăn, Đảng bộ, dân và quân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu và đã đạt được những kết quả trên nhiều lĩnh vực.

Nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng và phát triển. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị tổng sản phẩm địa phương GDP trong 3 năm 2001-2003 ước đạt 7,6% (mục tiêu đề ra trong 5 năm từ 9-10%). GDP bình quân đầu người năm 2003 tăng 1,36 lần so với năm 2000 (mục tiêu đề ra đến năm 2005 gấp 1,5 lần). Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch theo hướng tích cực, lợi thế so sánh giữa các ngành được xác định rõ hơn. Tỷ trọng nông nghiệp trong GDP giảm từ 42,6% (năm 2000) xuống còn 39,8% (năm 2003); tỷ trọng công nghiệp-xây dựng tăng từ 22,6% lên 25,1%; dịch vụ giảm từ 35,2% xuống 35,1%.

Về nông nghiệp, cùng với công tác quy hoạch phát triển ngành và vùng, tỉnh đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chính sách khuyến khích đẩy mạnh sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, phát triển công nghiệp chế biến nhằm thực hiện chuyển đổi cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất của cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển tương đối toàn diện với giá trị sản xuất (tính theo giá cố định năm 1994), tăng bình quân trong 3 năm 2001-2003 là 5,6% (mục tiêu đề ra từ 5-5,5%). Sản lượng lương thực có hạt tăng bình quân 2,6%/năm, trong đó năm nay ước đạt hơn 574.700 tấn, tăng gần 8% so với năm 2000. Chăn nuôi phát triển khá cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả. Hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại bước đầu được hình thành. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân 8,9%/năm, thủy sản tăng bình quân trong 3 năm là 8,3%.

Các chủ trương, giải pháp nhằm tạo môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư phát triển CN-TTCN và làng nghề tiếp tục được bổ sung, sửa đổi. Các khu công nghiệp tập trung, các cụm công nghiệp huyện thành phố được quy hoạch và phát triển, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư mới, mở rộng quy mô, tăng năng lực sản xuất. CN-TTCN phát triển đã tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người lao động. Các làng nghề truyền thống từng bước được khôi phục. Trong 3 năm, giá trị sản xuất công nghiệp bình quân tăng 11,3% (mục tiêu ĐH XVI Đảng bộ tỉnh là 18%).

Tuy gặp nhiều khó khăn về thị trường, rào cản kỹ thuật và nguồn nguyên liệu, nhưng hoạt động xuất khẩu của tỉnh vẫn tiếp tục phát triển. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 9,1%/năm. Tính chung, trong 3 năm tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 325 triệu USD (NQĐH XVI là 1 tỷ USD trong 5 năm). Hoạt động du lịch bước đầu có chuyển biến. Đã quy hoạch một số điểm du lịch trọng điểm, việc đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch đã và đang xúc tiến. Doanh thu du lịch trong 3 năm tăng bình quân 7,2% (mục tiêu đề ra 25%/năm). Hoạt động nội thương phát triển mạnh và đa dạng. Tại thành phố Quy Nhơn và các thị trấn, các khu trung tâm thương mại từng bước được hình thành. Mạng lưới thương mại nông thôn, miền núi được mở rộng. Các dịch vụ vận tải hành khách và hàng hóa ngày càng phát triển. Lượng hàng hóa thông qua cảng biển trên địa bàn tỉnh năm nay ước gần 2,3 triệu tấn, tăng 56% so với năm 2000. Dịch vụ bưu chính viễn thông phát triển khá, chất lượng nâng lên. Bình quân 4,3 máy điện thoại/100 dân (mục tiêu đề ra từ 5-6 máy/100 dân); thuê bao Internet năm 2003 tăng 2,2 lần so với năm 2000.

Trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, tỉnh đã tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, đồng thời chỉ đạo tiết kiệm chi ngân sách, huy động nguồn lực trong nhân dân và các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội năm 2002 đạt 1.935 tỷ đồng, tăng 4,6% so với năm 2001 và bằng 33,9% GDP (mục tiêu ĐH XVI từ 28-30%). Với mức đầu tư này, hạ tầng thủy lợi của tỉnh được cải thiện đáng kể, diện tích tưới tăng thêm 5.300 ha, nâng tỷ lệ diện tích được tưới bằng các công trình thủy lợi kiên cố từ 51,5% (năm 2000) lên 55% (năm 2002). Về hạ tầng giao thông, đã hoàn thành cải tạo nâng cấp 228 km đường tỉnh lộ; bê tông hóa giao thông nông thôn 917 km, đạt 90% chiều dài đường liên xã, liên thôn trong tỉnh (hoàn thành sớm mục tiêu ĐH đề ra), đã và đang triển khai xây dựng nhiều công trình cầu đường trọng điểm của tỉnh, nâng cấp các cảng. Mạng lưới bưu chính viễn thông tiếp tục được đầu tư mở rộng quy mô. Thành phố Quy Nhơn và các thị trấn được đầu tư nâng cấp hạ tầng đô thị tốt hơn. Đến nay, 100% số thôn trong tỉnh có điện, 92,3% số hộ được dùng điện, 57% số hộ dân ở nông thôn được dùng nước sạch. Cơ sở hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, trạm xá, các công trình văn hóa được đầu tư đáng kể.

Thực hiện các Nghị quyết của Trung ương và các chính sách đã ban hành, trong những năm qua, tỉnh đã hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển. Các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được sắp xếp, đổi mới. Đến nay, đã có 24 DNNN được cổ phần hóa và chuyển đổi hình thức sở hữu, phần lớn đều hoạt động có hiệu quả. Các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế hỗn hợp phát triển với tốc độ khá nhanh, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực ngoài nhà nước trong giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng từ 39,5% (năm 2000) lên 43,2% (năm 2003). Có thể nói, quá trình chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế trong 3 năm qua ở Bình Định có ý nghĩa quan trọng trong việc huy động tiềm năng các thành phần kinh tế, khơi dậy tính tính cực và tạo động lực mới cho phát triển.

Trong khi đó, kinh tế xã hội miền núi cũng có bước tăng trưởng và phát triển, đời sống đồng bào miền núi được cải thiện, bộ mặt nhiều vùng được đổi mới. Trong gần 3 năm, kể từ năm 2001 đến nay, bằng các nguồn vốn của Trung ương và của tỉnh, tỉnh đã đầu tư cho miền núi 293 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với giai đoạn 1996-2000. Nguồn vốn đầu tư này tập trung cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế-văn hóa, phục vụ đời sống nhân dân, nhờ đó, đến nay, tất cả các xã miền núi trong tỉnh đều có đường ô tô đến trung tâm xã, các trạm y tế xã và các trường học đều được ngói hóa, tất cả các làng đều có điện. Trong 3 năm qua, tại các xã đặc biệt khó khăn, số hộ đói nghèo giảm bình quân 4% mỗi năm, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 24,4%.

Tuy vẫn còn một số mặt yếu kém, tồn tại, song có thể nói những kết quả đạt được trong gần 3 năm thực hiện NQĐH XVI Đảng bộ tỉnh trên lĩnh vực kinh tế là rất đáng phấn khởi, tạo đà để toàn tỉnh tiếp tục phấn đấu trong 2 năm còn lại, để đến năm 2005 hoàn thành các chỉ tiêu mà NQĐH XVI Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

. KHÁNH HOÀNG

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Mùa của gạch ốp lát, sơn nước và tấm lợp   (31/10/2003)
Từ Techmart Việt Nam 2003: Đánh thức tiềm lực   (30/10/2003)
Làng vỗ béo bò   (29/10/2003)
Khởi sắc vùng cao   (28/10/2003)
"Cái chân đèn" Vĩnh Thịnh sáng rồi!   (27/10/2003)
Đào tạo nghề tại KCN Phú Tài chậm, do đâu?   (26/10/2003)
Ngành chế biến lâm sản trước xu thế hội nhập   (24/10/2003)
Máy rút tiền tự động: "ví tiền" an toàn cho mọi người   (23/10/2003)
An Lão mùa cau   (22/10/2003)
Dịch vụ xe buýt qua 6 tháng hoạt động: Mừng và lo!   (21/10/2003)
Giúp nông dân "ly nông bất ly hương"  (20/10/2003)
Bình Định đối mặt cùng lũ dữ   (19/10/2003)
Chăn nuôi bò sữa ở Bình Định: Những dấu hiệu bất ổn   (19/10/2003)
Bình Định đương đầu với lũ lớn  (18/10/2003)
Đồng Quy: Niềm vui khi dòng điện đã về  (17/10/2003)