Tiềm năng Bình Định
14:56', 6/11/ 2003 (GMT+7)

Mô hình cầu Quy Nhơn - Nhơn Hội vượt đầm Thị Nại

Là người quê ở Bình Định nhưng lần đầu tiên tôi mới được đến thăm bán đảo Phương Mai là khu kinh tế Nhơn Hội do Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hoàng Hà trực tiếp hướng dẫn. Đi cùng tôi có TS Đinh Đức Hữu, Chủ tịch Tập đoàn Công ty Công nghệ Việt Mỹ - người vốn rất ngưỡng mộ anh hùng dân tộc Quang Trung nên tự nguyện xin gia nhập vào Hội đồng hương Bình Định ở Hà Nội và tự nguyện tham gia đầu tư vào Bình Định với các dự án lớn về nuôi tôm và du lịch.

Là một "thổ công" và cũng là người đứng đầu tỉnh Bình Định, nên Chủ tịch Vũ Hoàng Hà thuộc lòng từng con đường to, nhỏ, thuộc từng xã, từng thôn, thuộc cả truyền thống văn hóa và lịch sử đấu tranh của nhân dân ven biển Bình Định. Ông vừa chỉ tay vừa nói rành rọt:

- Kia là núi Mai, đó là mộ của danh nhân Đào Tấn: "Núi Mai rồi gửi xương Mai đấy"(1) và kia là nhà tưởng niệm của thi sĩ lừng danh Xuân Diệu, nơi ông sinh ra và lớn lên trong chiếc nôi của người mẹ ở thôn Gò Bồi, mà ông đã viết: Đêm Tuy Phước ngủ mà không ngủ...

Xe chạy qua khỏi xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) thì quay đầu về hướng Phương Mai - Nhơn Hội. Tới đây, đường bê tông đã hết và bắt đầu đi vào con đường đất dài hơn 7km đang nằm trong dự án mở rộng do Tổng cục Du lịch Việt Nam đầu tư.

Chủ tịch Vũ Hoàng Hà cho biết: từ nay đến năm 2010 con đường này sẽ được kéo dài theo ven biển chạy tới Tam Quan cuối tỉnh, nối QL 1. Đây là con đường của du lịch biển tiếp nối tỉnh Quảng Ngãi và thẳng ra Quảng Nam - Đà Nẵng và TP. Huế...

Một viễn cảnh thật đẹp nhưng dường như cũng không ít khó khăn trong quá trình thực hiện, nếu Nhà nước không hỗ trợ lớn về kinh phí. Đó là băn khoăn của những người ngoài cuộc như chúng tôi. Còn lãnh đạo tỉnh Bình Định thì rất tự tin bởi chính sách mới về kêu gọi đầu tư, cùng với chính sách chiêu hiền đãi sĩ của tỉnh đang được trong nước và nước ngoài quan tâm, ủng hộ. Đặc biệt Thủ tướng Phan Văn Khải trong chuyến thăm và làm việc ở Bình Định mới đây đã gợi mở và định hướng cho Bình Định nhiều vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Riêng chính sách đầu tư thì Thủ tướng cho Bình Định tự chọn cơ chế hợp lý rồi trình lên Chính phủ duyệt. Chúng tôi đứng trên lưng chừng dãy núi Phương Mai nhìn xuống đầm Thị Nại rộng 5.060 ha, hai bờ nối liền TP Quy Nhơn với khu kinh tế Nhơn Hội - Phương Mai. Nếu đứng về góc độ văn hóa mà nhìn thì, đầm Thị Nại là một di tích lịch sử vì nơi đây đã từng là bãi chiến trường ác liệt giữa nghĩa quân Tây Sơn và đội quân của Nguyễn Ánh. Hàng trăm chiến thuyền và hàng ngàn quân giặc đã chôn vùi dưới đầm Thị Nại cách đây hơn 200 năm.

Để tiện lưu thông, tỉnh Bình Định đã quyết định bắc cây cầu hình cánh cung dài 2.477m vượt Đầm Thị Nại nối liền bán đảo Phương Mai. Cây cầu này như một "Kỳ quan" đầu thế kỷ 21 ở Bình Định, sẽ được khánh thành trong năm 2005, và chắc chắn sẽ thu hút hàng vạn người làm kinh tế và du lịch đi trên chiếc cầu này, và lúc đó cái đầm khổng lồ này không chỉ có ngư dân làm thủy sản mà sẽ có tấp nập thuyền bè trong nước và ngoài nước đến du ngoạn và làm ăn. Cảng Tiên Sơn (Phương Mai) dưới thủy (đầm Thị Nại) đêm đêm rực sáng ánh đèn nối liền với TP Quy Nhơn xinh đẹp, hấp dẫn. Lúc ấy ta có quyền so sánh với Hồng Kông hoặc Singapore trong khu vực Đông Nam Á phồn vinh.

Càng đi sâu về hướng nam của bán đảo Phương Mai thiên nhiên càng mở ra thật kỳ thú. Những bãi biển trải dài cát trắng phau và nước xanh như ngọc, cho ta thấy đó là những khu du lịch tắm biển và nghỉ mát tuyệt vời, lại có những bãi cỏ phẳng lỳ rất thích hợp cho những sân gôn. Những bãi đá đẹp đến kỳ lạ, giống như có bàn tay ai sắp đặt để con người có thể leo trèo, nằm, ngồi thỏa thích...

Đặc biệt ở khu quy hoạch du lịch nào cũng có những dãy núi làm phên dậu che chắn gió to, sóng dữ.

Chủ tịch Vũ Hoàng Hà chỉ trên bản đồ đã quy hoạch và thuyết minh: nơi đây đang hình thành dự án nhà máy phong điện với công suất 15MW. Còn đây là định hướng phát triển khu kinh tế Nhơn Hội - Bán đảo Phương Mai gồm 4 cụm: Khu Công nghiệp (500 - 1.000ha) khu chế biến nông lâm hải sản, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp cơ khí sửa chữa, đóng tàu, công nghiệp hóa dầu, công nghiệp cơ khí điện tử, vật liệu điện, công nghiệp may mặc; giầy dép và hàng gia dụng.

Khu đô thị mới (500ha) chủ yếu xây nhà biệt thự và chung cư cao tầng cấp cao, trung tâm thương mại, dịch vụ tài chính, ngân hàng.

Khu biển nước sâu và dịch vụ cảng (450ha). Cảng Contenner, cảng thương mại, cảng công nghiệp, cảng sửa chữa và đóng tàu...

Khu du lịch vui chơi giải trí (500ha) gắn liền với tuyến du lịch Phương Mai - Núi Bà.

Nói tới Núi Bà, tôi thật sự xúc động vì đây là một địa danh, một di tích lịch sử là căn cứ cách mạng của tỉnh Bình Định.

Trong chuyến đi khảo sát này, Chủ tịch Vũ Hoàng Hà còn mời cả họa sĩ, nhà điêu khắc Vương Duy Biên (tác giả của tượng đài Trần Hưng Đạo tại Nam Định) đi theo để suy nghĩ về một tượng đài hoành tráng đặt trên Núi Bà như một biểu tượng của quân dân Bình Định anh hùng không những giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau mà còn làm cho khách du lịch hiểu về đất và người Bình Định anh hùng tiếp nối mấy trăm năm từ Tây Sơn - Nguyễn Huệ đến thời đại Hồ Chí Minh.

Xe chúng tôi quay đầu chạy về hướng Bắc rồi dừng lại ở khu du lịch Tân Thanh (xã Cát Hải huyện Phù Cát) rộng 55 ha. Ở đây có bãi biển nước trong, lặng sóng, đồi cát thoải, rừng cây xanh, nhiều chim chóc. Khi khu du lịch hình thành, khách du lịch có thể nghỉ dài ngày, tham quan, nghỉ phục hồi sức khỏe, ngắm cảnh, tắm biển và leo núi.

Gần với khu Tân Thanh lại có Khu du lịch Trung Lương - Vĩnh Hội cũng nằm trong xã Cát Hải rộng chừng 100 ha đã quy hoạch có khu nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe, khu tắm biển, thể thao dưới nước, lướt ván, công viên nước và có sân gôn 18 lỗ.

Càng ra hướng bắc Bình Định thì bờ biển dường như hẹp lại bởi người dân đã lấn dần ra biển, tuy vậy vẫn có những địa thế du lịch biển rất tốt, như Vịnh nước ngọt, Cửa Đề Gi (ở Phù Cát) hoặc đầm Trà Ổ, hồ Thạch Khê (ở Phù Mỹ) mà các vị lãnh đạo của huyện này đang quyết tâm phát triển du lịch và nuôi thủy sản. Bữa cơm trưa mà lãnh đạo huyện tiếp chúng tôi là đồ biển. Đồng chí Trần Thái Nga, Chủ tịch huyện Phù Mỹ, nói rất thật thà: nếu tính theo giá ở nhà hàng, khách sạn trong thành phố lớn nào đó thì mỗi xuất ăn hôm nay phải tới 100 ngàn đồng, nhưng ở đây chỉ hơn vài chục… Mong sao các nhà đầu tư hãy đến với huyện Phù Mỹ chúng tôi để được hưởng chính sách ưu đãi và được hưởng giá sinh hoạt rẻ như các vị đã thấy…

Rời Phù Mỹ, Chủ tịch Vũ Hoàng Hà đưa chúng tôi băng qua Sân bay Phù Cát để kịp đến Bảo tàng Quang Trung, một điểm tham quan không thể thiếu trên đất Bình Định.

Khi biết tỉnh Bình Định đang chuẩn bị dựng lại tượng Quang Trung bằng đồng cao tới 10 thước, đặt trước Bảo tàng Quang Trung nhân dịp kỷ niệm 215 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2004) Tiến sĩ Đinh Đức Hữu đã xin Chủ tịch Vũ Hoàng Hà cho phép được tài trợ toàn bộ công trình này và ông cũng mời đội nhạc võ Tây Sơn đến biểu diễn ở các chi nhánh của Công ty Công nghệ Việt Mỹ làm cho hàng trăm chuyên gia và công nhân ở đó biết được một nét văn hóa đặc sắc trên quê hương của người anh hùng áo vải Quang Trung.

Cuộc tham quan khảo sát của chúng tôi trên đất Bình Định dù là "thần tốc" nhưng cũng không sao đến được tất cả những khu danh lam thắng cảnh của miền đất có hai nền văn hóa Việt - Chăm đan xen từ  nhiều thế kỷ trước với những tháp Chàm cổ kính, với kinh đô Chăm Pa (thành Đồ Bàn) có tuổi đời 1000 năm và hàng chục địa danh du lịch khác như hồ Phú Hòa (ở ngoại thành Quy Nhơn), khu du lịch Hầm Hô (ở huyện Tây Sơn), khu du lịch Hải Giang - Đảo Yến - Hòn Khô (ở ven biển Quy Nhơn); khu du lịch Trung Lương - Vĩnh Hội và khu nước nóng Hội Vân (ở huyện Phù Cát)…

Tiềm năng Bình Định thì nhiều nhưng khai thác chưa được bao nhiêu, nếu không nói là đã hàng chục năm đất đai trù phú ở miền duyên hải vẫn còn "nằm ngủ" cho đến bây giờ mới được đánh thức dậy. Những người lãnh đạo tỉnh Bình Định đang quyết tâm đổi mới, quyết tâm mở cửa và đang hoạch định nhiều chính sách mới để khích lệ nội lực và thu hút đầu tư, thu hút nhân tài để khai thác tiềm năng sẵn có. Cử chỉ và việc làm của Chủ tịch Vũ Hoàng Hà đối với chúng tôi trong suốt gần 2 ngày đêm cuối tuần cũng nói lên được cái mới, cái hấp dẫn của Bình Định hôm nay. Chúng tôi hy vọng tư tưởng thần tốc, tư tưởng trọng nhân tài của Quang Trung hơn hai trăm năm trước vẫn được vận dụng trong cuộc chiến kinh tế và văn hóa ở Bình Định hôm nay và như vậy nhất định Bình Định sẽ cất cánh…

. GS. HOÀNG CHƯƠNG

(Bài đăng trong tạp chí Toàn cảnh Sự kiện - Dư luận số tháng 10-2003)

 

(1) Đào Tấn hiệu Mai Tăng - Câu thơ trên là của Đào Tấn lúc sinh thời và khi mất, mộ ông cũng xây trên đỉnh núi Mai.

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Kinh tế Bình Định sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh   (02/11/2003)
Mùa của gạch ốp lát, sơn nước và tấm lợp   (31/10/2003)
Từ Techmart Việt Nam 2003: Đánh thức tiềm lực   (30/10/2003)
Làng vỗ béo bò   (29/10/2003)
Khởi sắc vùng cao   (28/10/2003)
"Cái chân đèn" Vĩnh Thịnh sáng rồi!   (27/10/2003)
Đào tạo nghề tại KCN Phú Tài chậm, do đâu?   (26/10/2003)
Ngành chế biến lâm sản trước xu thế hội nhập   (24/10/2003)
Máy rút tiền tự động: "ví tiền" an toàn cho mọi người   (23/10/2003)
An Lão mùa cau   (22/10/2003)
Dịch vụ xe buýt qua 6 tháng hoạt động: Mừng và lo!   (21/10/2003)
Giúp nông dân "ly nông bất ly hương"  (20/10/2003)
Bình Định đối mặt cùng lũ dữ   (19/10/2003)
Chăn nuôi bò sữa ở Bình Định: Những dấu hiệu bất ổn   (19/10/2003)
Bình Định đương đầu với lũ lớn  (18/10/2003)