|
Chiếc máy cắt đã qua cải tiến của anh Chính |
Năm 1998, anh Nguyễn Kim Chính (năm nay 46 tuổi, ở thôn Đại Ân, xã Cát Nhơn - Phù Cát) mua một chiếc máy cắt lúa hiệu FuTu1 (do Công ty Phụ tùng máy số 1, thị xã Sông Công tỉnh Thái Nguyên sản xuất) để làm dịch vụ cắt thuê. Nhận thấy tính năng của máy còn nhiều hạn chế, anh đã mày mò nghiên cứu, từng bước cải tiến nhằm tăng năng lực hoạt động của máy. Qua thực tế sử dụng trên đồng ruộng, chiếc máy cắt lúa cải tiến của anh Chính đã có nhiều tính năng vượt trội so với máy chưa cải tiến...
* Từ sáng kiến của một nông dân
Theo anh Nguyễn Kim Chính, hạn chế lớn nhất của máy FuTu1 (và một số máy cắt lúa có cùng tính năng) là chỉ hoạt động được ở chân ruộng tương đối ít nước; và khi cắt, lúa thường bị kẹt trong máy, phải có người phụ rút ra... nên ảnh hưởng đến năng suất và công sức lao động. Xuất phát từ thực tế công việc của mình là làm dịch vụ cắt thuê, để lao động thuận lợi hơn, anh đã bắt tay vào việc nghiên cứu, cải tiến chiếc máy. Sau một thời gian khó khăn, vất vả, anh mới nghĩ ra được cách lắp thêm hệ thống xích (anh gọi là hệ thống rút nhau) để sau khi cắt thì cây lúa được đưa hẳn ra bên ngoài, không còn bị kẹt. Đồng thời anh còn có những cải tiến để máy có thể hoạt động trên bất kỳ chân ruộng nào, dù mưa hay nắng...
Năm 1999, nghe tin anh Chính đã có những cải tiến hữu ích trên chiếc máy FuTu1, nhà máy sản xuất ra chiếc máy này đã cử một phó giám đốc cùng 2 cán bộ kỹ thuật tìm vào tận nơi xem xét và công nhận anh Chính đã có những sáng kiến hợp lý. Họ mời anh ra làm công nhân cho nhà máy. Anh sắp sửa nhận lời thì nhà máy gọi điện vào nhờ anh làm đại lý bảo hành ở khu vực miền Trung. Nhưng rồi quan hệ giữa anh Chính và nhà máy đã dừng lại sau những lời mời chào như vậy.
Cũng theo anh Chính, một thời gian sau, máy cắt lúa FuTu1 trên thị trường đã có bước cải tiến đáng kể, nhưng vẫn còn một số điểm hạn chế. Riêng anh Chính đã có những cải tiến kỹ thuật (bằng thủ công) cụ thể như sau: Nhờ hệ thống rút nhau mà lúa không còn bị kẹt. Động cơ nổ được chuyển lên phía trên hộp chuyển tốc để máy có thể di chuyển qua sông suối, đồng ruộng dễ dàng, tránh bùn đất dính vào làm giảm độ bền; tránh hơi nóng của máy tỏa ra làm ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng. Lắp thêm một bánh xe phía sau để có thể ngồi điều khiển khi di chuyển như xe gắn máy; khi hoạt động thì bánh xe được gập lại, không ảnh hưởng đến việc cắt lúa. Lắp đặt thêm hệ thống đèn (lấy điện từ động cơ máy) để có thể làm việc ban đêm; cùng những cải tiến kỹ thuật về nguyên lý truyền động, hàn bù... làm cho máy hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn. Nếu như máy cũ chỉ hoạt động trên chân ruộng khô hoặc ít nước, một giờ cắt được 4 sào, tiêu tốn 1 lít xăng, thì máy cải tiến hoạt động được ở mọi chân ruộng, một giờ cắt được 6 sào, tiêu tốn 1 lít xăng. Với máy cũ, 2 người cắt một mùa được khoảng 50ha thì máy cải tiến chỉ cần một người sử dụng, một mùa cắt được khoảng 70-80ha...
Anh Chính học đến lớp 7, trước đây làm nghề sửa xe đạp, sau anh mua máy cày làm dịch vụ làm đất, rồi chuyển sang mua máy cắt lúa, làm dịch vụ cắt thuê cho đến nay. 5 năm qua anh đã bán gần 10 máy cắt lúa cải tiến (mua máy FuTu1 giá 12.700.000đ về cải tiến và bán với giá 15.500.000đ) và cải tiến trên 20 chiếc máy cho các hộ nông dân ở Phù Cát, Tuy Phước, Phù Mỹ, Tây Sơn, An Nhơn (kể cả tiền công và phụ tùng là 2.500.000 đồng/máy) được bà con đánh giá cao về hiệu quả sử dụng của máy.
* Đến vấn đề sở hữu công nghiệp
Thời gian qua, nhiều người ở các công ty, xí nghiệp cơ khí nông nghiệp đã đến tận nhà anh Chính để tìm hiểu. Gần đây nhất, ngày 12-10-2003 có 6 cán bộ kỹ thuật của một đơn vị cơ khí ở An Giang đến xem xét và ghi nhận những tính năng hữu ích của chiếc máy cắt cải tiến của anh Chính. Ông Trần Văn Trường - cán bộ phòng công nghiệp Phù Cát - cho biết: "Vừa qua, phòng đã cử cán bộ về tận nơi, xem xét qua hoạt động trên đồng ruộng và thấy được hiệu quả của chiếc máy cải tiến; bà con nông dân ở địa phương cũng đánh giá cao trí tuệ và công sức của anh Chính...".
Với một người nông dân, qua thực tế trên đồng ruộng, đã có những suy nghĩ, sáng tạo trong việc cải tiến kỹ thuật đạt được hiệu quả cao trong lao động sản xuất thật là điều đáng quý. Qua những thông tin bước đầu mong rằng ngành chức năng sẽ tổ chức xem xét cụ thể để có sự đánh giá, thẩm định về hiệu quả của việc cải tiến kỹ thuật trên chiếc máy cắt lúa; về tác giả bản quyền... nếu đúng sự thật thì tích cực hỗ trợ giúp đỡ anh Chính trong việc đăng ký xác nhận sở hữu công nghiệp để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho một nông dân đã có những sáng kiến đáng ghi nhận.
. BÙI LỢI
|