Thực hiện Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ:
Doanh nghiệp và nông dân chưa có tiếng nói chung
16:13', 6/11/ 2003 (GMT+7)

Thu mua nguyên liệu mía

Qua hơn 1 năm triển khai Quyết định 80/2002/QĐ-TTCP ngày 24-6-2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, giữa doanh nghiệp và nông dân trong tỉnh vẫn chưa có tiếng nói chung...

* Từ chủ trương

Theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), có 12 mặt hàng nông sản sẽ được thực hiện đầu tư sản xuất, mua bán qua hợp đồng giữa các doanh nghiệp với nông dân, đó là: đầu tư sản xuất giống lúa nguyên chủng - cấp I, mua bán mì, thu mua mía cây, bông vải, kén tằm, dứa, dừa nguyên liệu, hạt điều, cây nguyên liệu giấy, nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, bò sữa và muối. Trong kế hoạch này đã xác định rõ các công ty, đơn vị sản xuất kinh doanh (chủ yếu là DNNN) sẽ hợp đồng đầu tư sản xuất, thu mua sản phẩm của nông dân.

Để thực hiện kế hoạch này, Sở NN-PTNT đã đề ra 7 giải pháp chủ yếu để thực hiện có hiệu quả chính sách tiêu thụ nông sản hàng hóa bao gồm: giải pháp quy hoạch, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu; chính sách phát triển và vốn; nâng cao tính pháp lý trong ký kết, thực hiện, xử lý các vi phạm hợp đồng; thông tin-xúc tiến thị trường; chuyển giao tiến bộ KHKT và xây dựng HTXNN đủ sức làm dịch vụ tiêu thụ nông sản. Kế hoạch thì như vậy, song khi tiến hành vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn.

* Đến thực tế

Theo chủ trương, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia ký hợp đồng thu mua nông sản cho nông dân được tỉnh hỗ trợ về nhiều mặt, và tạo điều kiện thuận lợi để làm ăn chặt chẽ, lâu dài với nông dân. Thế nhưng, đến nay mới chỉ có một vài doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Đường Bình Định, Trung tâm giống cây trồng Bình Định, Công ty Dâu tằm tơ II ký hợp đồng tiêu thụ kén tằm, mía cây, bông vải và lúa cấp I với nông dân trong tỉnh. Lượng nông sản được các doanh nghiệp thu mua thông qua hợp đồng đạt tỷ lệ thấp, khoảng 40-50%, số còn lại nông dân tự tiêu thụ. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, giữa các doanh nghiệp và nông dân đã nảy sinh vấn đề tranh chấp, hiện tượng phá vỡ hợp đồng đã diễn ra phố biến ở nhiều nơi, nhiều lúc.

Ngành chức năng và các DN nói gì ?

* Ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh: Hiện nay, việc xử lý các trường hợp vi phạm hợp đồng rất khó khăn vì chưa có chế tài phù hợp để ràng buộc các đối tác tham gia hợp đồng; doanh nghiệp và nông dân cần phải thực sự hiểu nhau, vì lợi ích chung của đôi bên. Riêng đối với các doanh nghiệp, cần điều chỉnh giá cả nông sản kịp thời và hợp lý hơn. Về phía ngành sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, làm chuyển biến nhận thức trong nông dân về nội dung hợp đồng kinh tế, từng bước thay đổi tập quán sản xuất cũ, chuyển nhanh sang sản xuất hàng hóa theo quy hoạch của tỉnh; củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ của các HTX hiện có, nhất là dịch vụ huy động sản phẩm bán cho doanh nghiệp theo hợp đồng.

* Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó giám đốc Công ty Dâu tằm tơ II: Ký hợp đồng tiêu thụ dâu tằm theo Quyết định 80 đối với công ty là rất khó, vì phần lớn kén tằm do công ty thu mua đều dùng cho xuất khẩu, đòi hỏi chất lượng cao. Trong khi đó, nông dân chưa thực sự chú trọng đến việc đầu tư thâm canh nên chất lượng kén không cao. Nông dân cần phải chú trọng đến chất lượng hàng nông sản, công ty sẽ tăng cường công tác khuyến nông và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và tiếp tục thu mua kén tằm cho nông dân thông qua hợp đồng.

* Ông Võ Khái, Phó Giám đốc Công ty Đường Bình Định: Công ty sẽ tiếp tục ký hợp đồng tiêu thụ nông sản với giá có lợi cho nông dân, điều chỉnh một số điều khoản chưa hợp lý, tăng cường công tác thu mua nguyên liệu mía cho nông dân và thực hiện đúng tinh thần của QĐ 80.

Đối với nông dân, mặc dù đã ký hợp đồng, nhận vật tư, giống... do các doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ, nhưng khi giá nông sản trên thị trường lên cao, họ sẵn sàng bán nông sản cho các tư thương hoặc các đơn vị kinh doanh khác, khi giá nông sản hạ mới bán cho đơn vị đã nhận ký hợp đồng. Trường hợp này đã xẩy ra ở vụ mía đường 2002-2003, nhiều hộ nông dân nằm trong vùng nguyên liệu mía của tỉnh đã thỏa thuận ký hợp đồng bán mía cây cho Công ty cổ phần Đường Bình Định với giá sàn 200.000đồng/tấn mía, nhưng khi thu hoạch, nhiều nông dân đã bán nguyên liệu cho các công ty ngoài tỉnh. Hay một số hộ nông dân đã ký hợp đồng với Công ty Dâu tằm tơ II, nhưng vẫn bán sản phẩm cho các thương lái một cách tùy ý.

Về phía DN, khi tham gia ký hợp đồng tiêu thụ nông sản với nông dân đã đưa ra nhiều tiêu chuẩn khá ngặt nghèo để phân loại sản phẩm trong khi giá mua thấp, đã gây không ít khó khăn cho nông dân. Trong khi giá kén tằm trên thị trường từ 25-27.000 đồng/kg, nhưng Công ty Dâu tằm tơ II chỉ ký hợp đồng thu mua kén giá sàn chỉ trên 20.000 đồng/kg hoặc thấp hơn giá thị trường từ 1-2 giá. Công ty còn phân chia thành 3 loại kén, và mua với giá khác nhau. Cách phân loại và quy định của công ty đã gây khó khăn cho nông dân nên số lượng nông dân ký hợp đồng với công ty ngày càng giảm. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 3.500 hộ nông dân trồng dâu nuôi tằm, nhưng chỉ có 60 hộ ký hợp đồng với Công ty Dâu tằm.

Công ty cổ phần Đường Bình Định là đơn vị đã ký được nhiều hợp đồng tiêu thụ nông sản cho nông dân. Riêng vụ mía 2002-2003, công ty đã ký hợp đồng tiêu thụ 242.712 tấn mía cây cho 6.000 hộ dân trong vùng nguyên liệu. Thế nhưng, do không đủ năng lực và thiếu phương tiện vận chuyển nên công ty đã không thu mua mía kịp thời, gây thiệt hại cho nông dân. Bên cạnh đó, một số điều khoản trong bản hợp đồng chưa được cụ thể, chẳng hạn trong bản hợp đồng của công ty có ghi trách nhiệm bên B phải đảm bảo mía sạch, không có tạp chất, không lẫn ngọn, lá xanh, nhưng không ghi rõ thế nào là mía sạch, tỷ lệ trừ tạp chất là bao nhiêu %/ tấn mía...

Chi nhánh bông Nha Trang cũng đã ký hợp đồng tiêu thụ bông vải cho nông dân, nhưng đến vụ thu hoạch, công ty bông không thu mua kịp thời nên đã gây thiệt hại và làm giảm lòng tin của nông dân.

Về lý thuyết, các doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ nông sản cho nông dân sẽ chủ động được kế hoạch sản xuất. Còn người nông dân sẽ yên tâm về đầu ra, có điều kiện đầu tư sản xuất, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích. Song, qua một số dẫn chứng nói trên, cho thấy việc ký kết và thực hiện hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn còn nhiều vướng mắc, cần sớm được tháo gỡ.

. PHẠM TIẾN SĨ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Hiệu quả từ chiếc máy cắt lúa cải tiến   (05/11/2003)
Làng mới ở Đồng Binh   (04/11/2003)
Điện thoại di động - đã không còn là mặt hàng xa xỉ   (03/11/2003)
Tiềm năng Bình Định   (06/11/2003)
Kinh tế Bình Định sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh   (02/11/2003)
Mùa của gạch ốp lát, sơn nước và tấm lợp   (31/10/2003)
Từ Techmart Việt Nam 2003: Đánh thức tiềm lực   (30/10/2003)
Làng vỗ béo bò   (29/10/2003)
Khởi sắc vùng cao   (28/10/2003)
"Cái chân đèn" Vĩnh Thịnh sáng rồi!   (27/10/2003)
Đào tạo nghề tại KCN Phú Tài chậm, do đâu?   (26/10/2003)
Ngành chế biến lâm sản trước xu thế hội nhập   (24/10/2003)
Máy rút tiền tự động: "ví tiền" an toàn cho mọi người   (23/10/2003)
An Lão mùa cau   (22/10/2003)
Dịch vụ xe buýt qua 6 tháng hoạt động: Mừng và lo!   (21/10/2003)