Nuôi tôm he chân trắng: Cơ hội mới cho người nuôi tôm
16:24', 7/11/ 2003 (GMT+7)

Nuôi tôm trên cát

Hiện nay ở Bình Định mới xuất hiện thêm một đối tượng tôm nuôi mới: tôm he chân trắng. Qua vụ nuôi khảo nghiệm đầu tiên, kết quả thu được rất khả quan: tất cả các mô hình đều không bị dịch bệnh, tôm lớn nhanh và thu được lãi cao.

Ông Phạm Văn Trà - Phó phòng Nông nghiệp huyện Phù Mỹ - cho biết: "Hiện nay các mô hình nuôi khảo nghiệm tôm he chân trắng tại xã Mỹ Thắng đã tiến hành thu hoạch, hiệu quả đem lại khả quan lắm. Bởi vậy đối tượng nuôi này đang được người nuôi trồng thủy sản ở địa phương chú ý. Cụ thể như, với diện tích nuôi 2.200 m2, ông Nguyễn Văn An thu lãi hơn 20 triệu đồng...". Theo ông An thì còn có thể lãi cao hơn nữa nhưng do nuôi lần đầu chưa có kinh nghiệm và áp dụng quy trình kỹ thuật chưa chặt chẽ nên chi phí hơi cao.

Không riêng gì ông Nguyễn Văn An, các mô hình nuôi tôm he chân trắng khảo nghiệm ở đây cũng đều có kết quả tốt. Như mô hình của Công ty ASIA Hawaii (Mỹ), vụ nuôi khảo nghiệm này, Công ty đã đưa vào nuôi 9 ao, với diện tích hơn 2,5 ha. Hiện nay đã thu hoạch 2 ao với diện tích 0,86 ha, năng suất đạt 11 tấn/ha, lãi hơn 200 triệu đồng. Với kết quả bước đầu như vậy, theo so sánh của những người nuôi tôm, thì nuôi tôm he chân trắng hiệu quả kinh tế hơn nuôi tôm sú. Để có 1 tấn tôm sú thương phẩm, người nuôi phải mất 1,5 đến 1,8 tấn thức ăn tinh, trong khi đó đối với tôm he chân trắng thì chỉ cần từ 1,3 đến 1,5 tấn. Ngoài thức ăn, các loại hóa chất và thuốc thú y thủy sản dùng cho loại tôm này cũng ít hơn so với tôm sú, bởi tôm he chân trắng được đánh giá là sạch bệnh, không tốn tiền thuốc để xử lý dịch bệnh. Tôm he chân trắng có thời gian nuôi ngắn hơn so với tôm sú nhưng năng suất đạt cao hơn. Tại các ao nuôi khảo nghiệm, thời gian nuôi chỉ từ 80 đến 90 ngày, thấp hơn tôm sú 20-30 ngày. Năng suất bình quân của tôm sú nuôi công nghiệp hiện nay ở Bình Định chỉ từ 3-3,5 tấn/ha, trong khi đó tôm he chân trắng lên đến 11 tấn/ha, tại mô hình của Công ty ASIA HAWAII.

Bởi vậy, mặc dù giá tôm giống có cao hơn giống tôm sú khoảng gấp 3 lần và giá tôm thương phẩm thấp hơn từ 10-20 ngàn đồng/kg nhưng hiệu quả kinh tế cuối cùng vẫn cao hơn gấp đôi. Ông Phan Thanh Việt - Trưởng phòng Kỹ thuật Trung tâm Khuyến ngư - cho biết: "Tôm he chân trắng có thể nuôi ở 3 môi trường: nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Nên những người có kiến thức và kinh nghiệm nuôi tôm sú đều có thể nuôi thành công tôm he chân trắng. Đây là yếu tố thuận lợi trong điều kiện trình độ kỹ thuật của người nuôi tôm ở Bình Định còn hạn chế như hiện nay".

Ngoài những hiệu quả mang lại như trên, việc phát triển thêm đối tượng nuôi tôm he chân trắng còn góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy nghề chế biến thủy sản xuất khẩu ở Bình Định phát triển. Hiện nay, tôm he chân trắng được các nước nhập khẩu như Mỹ, EU đánh giá là sạch bệnh, nên thị trường các nơi này rất ưa chuộng. Vì thế, khi đối tượng nuôi mới này phát triển ra diện rộng, các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu của Bình Định sẽ có thêm nguồn nguyên liệu mới cho sản xuất, giải quyết được vấn đề thiếu nguyên liệu.

Với hiệu quả và lợi thế như vậy, có thể đánh giá bước đầu mô hình nuôi tôm he chân trắng là cơ hội mới cho người nuôi tôm ở Bình Định. Tuy nhiên, để phát triển mạnh mô hình này một cách bền vững thì còn nhiều việc phải làm. Chẳng hạn, phải giải quyết tốt được vấn đề tôm giống. Bởi hiện nay giá giống tôm he chân trắng còn quá cao và rất khan hiếm, chỉ có một mình Công ty ASIA HAWAII sản xuất và cung ứng. Đồng thời, cần sớm quy hoạch lại vùng nuôi và có kế hoạch kiểm soát, tránh nuôi tràn lan, ồ ạt, gây ô nhiễm môi trường nuôi, để rồi nhận lấy hậu quả đáng tiếc.

. NGỌC THÁI

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Doanh nghiệp và nông dân chưa có tiếng nói chung   (06/11/2003)
Hiệu quả từ chiếc máy cắt lúa cải tiến   (05/11/2003)
Làng mới ở Đồng Binh   (04/11/2003)
Điện thoại di động - đã không còn là mặt hàng xa xỉ   (03/11/2003)
Tiềm năng Bình Định   (06/11/2003)
Kinh tế Bình Định sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh   (02/11/2003)
Mùa của gạch ốp lát, sơn nước và tấm lợp   (31/10/2003)
Từ Techmart Việt Nam 2003: Đánh thức tiềm lực   (30/10/2003)
Làng vỗ béo bò   (29/10/2003)
Khởi sắc vùng cao   (28/10/2003)
"Cái chân đèn" Vĩnh Thịnh sáng rồi!   (27/10/2003)
Đào tạo nghề tại KCN Phú Tài chậm, do đâu?   (26/10/2003)
Ngành chế biến lâm sản trước xu thế hội nhập   (24/10/2003)
Máy rút tiền tự động: "ví tiền" an toàn cho mọi người   (23/10/2003)
An Lão mùa cau   (22/10/2003)