Trong nhiều năm qua, nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện Hoài Ân gặp nhiều khó khăn do giá kén trên thị trường rớt thảm, nhiều hộ gia đình đã phá bỏ cây dâu để chuyển sang trồng các loại cây khác…
* LONG ĐONG PHẬN DÂU TẰM
Huyện Hoài Ân có nhiều lợi thế để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Ngoài kinh nghiệm và sự cần cù chịu khó của người dân, huyện Hoài Ân còn có hàng trăm ha đất bồi ven sông An Lão rất phù hợp cho việc trồng dâu nuôi tằm. Trong đề án quy hoạch nâng cao năng suất chất lượng cây trồng từ năm 2001-2005, Hoài Ân phấn đấu đưa diện tích dâu từ 600 ha năm 2001 lên 800 ha năm 2005. Để đạt được mục tiêu trên, huyện Hoài Ân đã vận động nông dân chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả kinh tế sang trồng dâu; đưa giống dâu Trung Quốc vào sản xuất đại trà. Cũng vào thời điểm này, giá kén trên thị trường là 28.000 đồng/kg, bình quân một hộp kén (40 kg) nông dân có lãi ròng gần 500.000 đồng sau 28 ngày nuôi nên nhiều hộ gia đình có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm nhờ trồng dâu nuôi tằm. Nhờ đó, phong trào trồng dâu nuôi tằm ở Hoài Ân phát triển mạnh mẽ. Năm 2001 nông dân trong huyện đã trồng được 650 ha dâu lai Trung Quốc chiếm gần 80% diện tích dâu trên toàn huyện.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2002 đến nay, giá kén trên thị trường rớt thảm, từ 28.000 đồng/kg xuống còn 20.000 đồng/kg, có thời điểm giá kén chỉ còn 18.000 đồng/kg. Trồng dâu nuôi tằm không có lãi, nhiều hộ gia đình đã phải nói lời từ biệt với cây dâu. Ông Huỳnh Văn Nhung, ở thôn Bình Hòa xã Ân Hảo than vãn: "Bà con chúng tôi vất vả lắm mới làm được 1kg kén, nhưng giá kén lại quá thấp, thu không bù nổi chi, nên bà con trong thôn đành phải phá bỏ cây dâu chuyển sang trồng các loại cây khác. Riêng gia đình tôi phá hơn 4 sào dâu chuyển sang trồng bắp, đậu phụng…". Theo ông Trần Tiến Dũng - Chủ tịch UBND xã Ân Hảo: "Nghề trồng dâu nuôi tằm đã gắn bó với nông dân từ bao đời nay; mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con và giải quyết được hàng trăm lao động nông nhàn trong xã. Nhưng với giá kén quá thấp như hiện nay thì khó mà duy trì được nghề".
Ngoài ra, nông dân còn gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý sâu bệnh cho cây dâu, con tằm. Ông Lương Minh Mai ở thôn Năng An xã Ân Tín cho biết: "Thời gian gần đây, bệnh đốm trắng xuất hiện và gây hại cây dâu, con tằm thường bị bệnh tằm mủ (trên đầu con tằm gây mủ) rất khó điều trị, không ít hộ gia đình đã mất công tốn của...".
Ông Hồ Công Hậu - Phó phòng Nông nghiệp huyện Hoài Ân - cho biết: Trong những năm qua, huyện đã có nhiều nỗ lực để duy trì và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, nhưng tình hình giá kén hạ thấp như hiện nay thì rất khó vận động được nông dân duy trì được nghề. Đến nay, toàn huyện chỉ còn 550 ha dâu, giảm 100 ha so với cùng kỳ năm 2001. Nếu trong thời gian tới, giá kén tằm không được cải thiện thì diện tích dâu của huyện sẽ còn giảm xuống nữa, kế hoạch phát triển 800 ha dâu đến năm 2005 của huyện khó mà thực hiện được".
Những nông dân mà chúng tôi đã gặp, mỗi người có cách nói khác nhau nhưng họ đều biểu lộ nỗi buồn và sự luyến tiếc khi phải phá bỏ cây dâu. Vì theo họ, nghề trồng dâu nuôi tằm là nghề cha ông đã truyền lại, và đã từng giúp họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Phá bỏ cây dâu là việc làm bất đắc dĩ!
* CUNG - CẦU BẤT CẬP
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó giám đốc Công ty Dâu tằm tơ II cho biết: "Bình quân mỗi năm, nông dân trong tỉnh sản xuất được khoảng từ 400-500 tấn kén. Số lượng kén tằm sản xuất ra chưa đáp ứng được nhu cầu thu mua của công ty và các đơn vị thu mua kén tằm trong và ngoài tỉnh". Vì sao cung chưa đáp ứng được cầu nhưng nông dân lại bán sản phẩm của mình làm ra với giá thấp? Ông Tâm giải thích: "Kén tằm mà công ty thu mua của bà con chủ yếu là để xuất khẩu, nên phải chọn mua kén có chất lượng cao. Còn việc công ty ký hợp đồng thu mua nông sản của bà con nông dân với giá sàn không dưới 20.000 đồng/kg kén (đối với loại kén tốt), thấp hơn giá kén thị trường 1-2 giá là do giá kén trên thị trường hạ thấp. Hơn nữa, mỗi năm công ty còn phải nộp 10% thuế giá trị gia tăng tương đương 500 triệu đồng, nếu thu mua ngang bằng giá thị trường thì công ty sẽ gặp khó khăn về tài chính".
Dâu là cây trồng xóa đói giảm nghèo của huyện Hoài Ân và cũng là một trong các loại cây trồng được tỉnh khuyến khích phát triển. Theo chúng tôi, để giúp huyện Hoài Ân duy trì và phát triển được nghề trồng dâu nuôi tằm, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền địa phương, các cấp các ngành có liên quan cần giúp đỡ cho bà con nông dân về nhiều mặt, nhất là vấn đề đầu ra nông sản. Có thế nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện Hoài Ân mới mong vượt qua được cơn bĩ cực như hiện nay.
. PHẠM TIẾN SỸ |