|
Đê Chánh Mẫn đã bị lũ cuốn trôi mất một đoạn (ảnh: Nguyễn Hân) |
Trong đợt mưa lớn kéo dài vào giữa tháng 10 vừa qua, tại Bình Định đã có nhiều đê sông bị vỡ. Riêng huyện Phù Cát, hệ thống đê sông bị vỡ với chiều dài 763m, trong đó có 2 xã nặng nhất là Cát Nhơn và Cát Thắng.
Chúng tôi có mặt tại cống Ông Sư tại thôn Đại Hữu (Cát Nhơn) khi dòng nước vẫn cuồn cuộn chảy với độ sâu 10m. Đây là tuyến đê xung yếu của xã, là nơi 2 con sông Kôn và La Tinh hợp lưu. Đoạn đê tại cống này có nhiệm vụ tiêu úng cho toàn xã và năm nào cũng bị sạt lở, có đoạn lở 400-500m, đã 4-5 năm nay địa phương chưa khắc phục được tình trạng đê vỡ dù hàng năm vẫn phải tốn kinh phí gia cố cho đoạn đê này 50-70 triệu đồng. Ông Cao Văn Thương - ở thôn Chánh Mẫn (giáp cống Ông Sư), có nhà sát mép đê, cho biết: "Cứ đến mùa lụt là cả xóm tui đâu có ngủ được, nhà nào cũng nơm nớp lo đê vỡ. Lúc 1 giờ khuya đêm 17 rạng 18-10 tui thấy bờ tre bên đê bị sụt, mất hồn la lên, bà con vội đến giúp, xã hỗ trợ ngay 600 bao cát cùng 20 công lo đắp đê liền đêm ấy. Cũng may là kịp thời, nếu không cả mấy nhà sát đê bị nhấn chìm xuống sông rồi...". Ông Thương chỉ cho tôi nhìn thấy đất ở khu vực chuồng heo nhà ông kéo dài đến các ngôi nhà sát đê đã bị rạn nứt và những lùm tre to bên bờ đê đang ngã rạp theo dòng nước.
Hàng năm, nước ở sông La Tinh, sông Kôn tràn về đây gây sạt lở. Để hạn chế sự tàn phá của lũ, xã chỉ đạo thôn huy động toàn dân chặt tre kè bên cạnh tường rào của Trường Tiểu học Cát Nhơn, còn nơi bị sạt lở không ngăn chặn được vì nước quá sâu. Ngoài ra, các tuyến đê Chánh Mẫn, Chánh Nhơn, Trung Bình, Đại Hào của xã Cát Nhơn cũng bị sạt lở nhiều nơi. Ước tính tổng thiệt hại do sạt lở đê ở Cát Nhơn khoảng 700 triệu đồng, 20ha ruộng bị sa bồi thủy phá... Ông Nguyễn Văn Khải - Bí thư Đảng ủy xã Cát Nhơn cho biết: "Hiện thời, xã chúng tôi thật sự nan giải ở chỗ cống Ông Sư bị vỡ. Bởi lở bờ sẽ ảnh hưởng trên 400ha lúa của mảng nam xã, nếu không kè đắp thì không thể sản xuất được. Để thông đường cho dân đi lại, chúng tôi sẽ làm cầu khỉ tạm thời mà thôi. Bên cạnh đó, xã sẽ chuẩn bị thêm khoảng 10.000 bao cát để ứng cứu kịp thời trong những trận mưa sắp tới. Về lâu dài nếu không có giải pháp khắc phục thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến sản xuất...".
Những đoạn đê bị vỡ ở xã Cát Thắng ảnh hưởng đến hơn 200ha ruộng, nếu không khắc phục thì vụ đông xuân 2003-2004 sẽ không sạ được. Trận lụt vừa qua đã gây lở bờ lớn nhất ở xã. Ở đê Văn Trí có 20 hộ dân thì đã có 4 ngôi nhà cấp 4 bị cuốn trôi lúc đê vỡ. Ông Nguyễn Thanh Tùng - cán bộ thường trực văn phòng UBND xã Cát Thắng cho biết: "Hiện xã đã chuẩn bị 300 cây sầm dùng để làm hàng rào bờ chắn cùng hàng ngàn bao tải để độn cát. Đồng thời xin lực lượng bộ đội hỗ trợ cùng dân đắp 2 đoạn đê để kịp thời đưa vào sản xuất vụ đông xuân 2003-2004. Cát Thắng là miền quê chỉ độc canh cây lúa, do đó, dân nơi đây chỉ biết trông chờ vào lúa mà thôi. Chuyện đê vỡ đã thật sự gây thiệt hại lớn cho địa phương...".
Mùa mưa lũ còn tiếp tục, hy vọng các cấp chính quyền địa phương sẽ tìm ra những giải pháp thích hợp để bảo vệ đê, giảm bớt thiệt hại cho bà con và bảo đảm sản xuất.
. HẢI ÂU
|