|
Nông dân huyện An Nhơn đang thu hoạch lúa (ảnh: H. Tuấn) |
Ở đợt lũ giữa tháng 10 vừa qua, trong khi lúa vụ ba ở các nơi bị thất thoát nhiều, thì huyện An Nhơn đã thu hoạch 6.273ha/6.313ha cả vụ, không phải chạy mưa, chạy lũ. Nhờ đó, năm nay An Nhơn được mùa cả 3 vụ lúa, là năm thứ hai vượt qua "ngưỡng" sản lượng 100 ngàn tấn lương thực.
Sản lượng thóc 2 vụ đông xuân và hè thu của An Nhơn đạt trên 73 ngàn tấn; cộng với gần 27 ngàn tấn của vụ 3, cả năm đạt gần 99 ngàn tấn, và khoảng 3 ngàn tấn bắp hạt. Con số xấp xỉ 102 ngàn tấn lương thực đạt được trong năm nay cho thấy là năm An Nhơn có mức sản xuất lương thực cao nhất từ trước đến nay, vượt 7% so với kế hoạch và tăng 15% so với năm 2002. Nhìn chung, thắng lợi vụ 3 năm nay ở An Nhơn đã góp phần quan trọng cho sản lượng lúa cả năm của toàn huyện. Các địa phương đạt thắng lợi lớn là thị trấn Bình Định đạt 48 tạ/ha, Nhơn An 46 tạ/ha, Nhơn Hưng 44 tạ/ha, Nhơn Hạnh, Nhơn Hậu, Nhơn Khánh đều đạt 43 tạ/ha, Nhơn Mỹ đạt trên 42 tạ/ha, Nhơn Thành 40,9 tạ/ha. Các xã hưởng nước hồ Núi Một tuy thu hoạch chậm hơn ít ngày nhưng năng suất xã nào cũng đạt khá cao so với vụ 3 năm trước như Nhơn Phúc 43,80 tạ/ha, Nhơn Hòa, Nhơn Lộc đều đạt trên 41 tạ/ha, Nhơn Thọ 40 tạ/ha, riêng Nhơn Tân là vùng đất bạc màu chưa có vụ ba năm nào vượt qua con số 32 tạ/ha, vậy mà vụ này đạt đến 35 tạ/ha.
Điều đáng lưu ý là trên 490 ha diện tích 3 vụ lúa chuyển sang làm 2 vụ lúa đông xuân và vụ thu, năng suất đạt khá cao. Nếu vụ đông xuân là 54,32 tạ/ha thì vụ thu đạt đến 60,92 tạ/ha, năng suất lúa vụ hè cũng đạt cao so với nhiều năm trước. Trong số 6 xã có diện tích chuyển làm 2 vụ lúa bằng các giống trung, dài ngày thì năng suất thấp nhất là 55 tạ/ha, nơi cao nhất là 65 tạ/ha. Riêng cánh đồng thị trấn Đập Đá, toàn bộ diện tích lúa 3 vụ chuyển sang làm 2 vụ lúa (hơn 5 năm nay) đã khẳng định là hiệu quả. Bởi vì năng suất 2 vụ cho thấy vụ nào cũng đạt cao nhất trong toàn huyện, vụ đông xuân đạt 66 tạ/ha, vụ thu 65 tạ/ha, cả 2 vụ đạt 13,3 tấn/ha. Hiệu quả lớn hơn của việc làm 2 vụ lúa là đất được nghỉ ngơi, tăng thêm độ phì cho vụ sau lại giảm chi phí sản xuất, nông dân dành thời gian để làm ngành nghề và dịch vụ buôn bán.
Sở dĩ năm nay An Nhơn được mùa lúa vì thời tiết tương đối thuận lợi, cuối năm ngoái không có lũ lớn nên ít ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất vụ đông xuân. Đến vụ hè thu, cái lo nhất là nắng hạn kéo dài gay gắt như năm 2002 thì năm nay đã không xảy ra, chỉ thiếu nước cục bộ ở một số nơi trong thời gian ngắn, sau tiết tiểu mãn thường có mưa nên cả hệ sông Côn và hồ Núi Một nước khá dồi dào, thuận lợi cho cả vụ ba, nên bà con nông dân tranh thủ làm đất gieo sạ sớm, rút ngắn thời vụ, né tránh được thời tiết mưa lũ, khi có lũ chính vụ thì lúa đã thu hoạch. Về yếu tố chủ quan, là nhờ kết quả của quá trình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, nhất là sử dụng giống mới cho năng suất cao.
Thời gian tới, nếu trình độ thâm canh được nâng lên đồng đều giữa các vùng, các xã có cùng điều kiện thổ nhưỡng, nước tưới... thì năng suất, sản lượng cây lương thực có hạt của An Nhơn sẽ còn cao hơn.
. TRẦN DUY ĐỨC