Bình Định lũ chồng lên lũ
17:27', 13/11/ 2003 (GMT+7)

. Ghi nhanh của TRẦN ĐĂNG

Xuồng máy-phương tiện duy nhất về vùng đông Tuy Phước

Tống tiễn trận lũ lớn vừa qua chưa được bao lâu, Bình Định lại phải "đón" một cơn lũ khác, cũng không kém phần dữ dằn như trận lũ trước. Báo cáo nhanh của Ban phòng chống lụt bão Bình Định cho biết, đến 16 giờ ngày 13.11, toàn tỉnh có 3 người chết, 74 ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Vậy là, lũ đã chồng lên lũ, đau thương, tang tóc cũng đã chồng lên nhau.

* Đến "túi nước"

Tuy Phước được xem như "túi nước" phía nam tỉnh Bình Định. Nắng ráo liên tục suốt 20 ngày qua chưa đủ để "túi nước" này có thể vơi đi. 360 ngôi nhà ở Tuy Phước bị sập trong đợt lũ trước chưa kịp dựng xong, giờ lại  tiếp tục ngập lụt. Phó Chủ tịch huyện Tuy Phước Nguyễn Đình Huệ chẳng cần vòng vo gì trước các nhà báo. Ông chỉ về phía cầu Trường Úc: "Đến Phước Sơn sẽ rõ hơn về chuyện lũ. Các anh ra ngay cầu Trường Úc, có chiếc ca nô đang đợi ở đó".

Ca nô chạy chừng 40 phút, chúng tôi đặt chân đến đất Phước Sơn. Nước lũ trắng đồng, không chừa lấy một chỗ cho thân cò trú mưa! Anh Bùi Quang Huy, Trưởng phòng Lao động TB-XH Tuy Phước thuyết minh : "Phước Sơn là vùng trũng, nằm cạnh đầm Thị Nại nên vùng đất này chịu sức ép của nước từ hai phía: một ở thượng nguồn đổ về, hai là triều cường từ phía biển. Đợt lũ mới đây, Phước Sơn có 26 nhà bị sập. Chưa một nhà nào dựng xong, giờ lại lũ tiếp! Cho đến sáng nay 13.11, nước lũ đã chia cắt hoàn toàn vùng đông Tuy Phước". Anh Huỳnh Văn Bốn, trưởng thôn Dương Thiện dẫn chúng tôi quanh một vòng trong thôn để chứng kiến những ngôi nhà, mà theo Bốn thì "không lụt cũng sập". Anh Nguyễn Chung cùng vợ Nguyễn Thị Loan đang tát nước từ trong túp lều bạt, thấy chúng tôi, anh chị chui ra, lắc đầu: "Tối nay thế nào cũng chết!". Tôi hỏi vì sao? Anh Chung chỉ vào lều bạt: "Bảy người mà chỉ một túp lều như thế, không chết là gì?". Trưởng thôn Dương Thiện phụ họa: "Bạt này là nhà nước cho mượn tạm sau đợt lũ vừa rồi, làm nhà xong phải trả lại, mà nhà thì biết bao giờ cho xong nếu như trời tiếp tục trút nước như thế này".

1.       Nhà bị ngập nước ở vùng đông Tuy Phước

Tôi chui vào túp lều của anh Chung và mở tất cả các nắp xoong nhưng chẳng thấy có dấu hiệu gì của cơm nước, dù lúc ấy đã gần 12 giờ trưa. Lại hỏi: "Tối ngủ thế nào?". Chị vợ đỡ lời : "Ngủ ngồi hai đêm rồi. Có mỗi cái chõng tre nên "ưu tiên" cho 5 đứa con!". Đứng một lúc, nước đã lên vài phân. Cụ bà Nguyễn Thị Tuyến, một trong 26 nạn nhân có nhà sập trong trận lụt trước, nói : "Nước ở thượng nguồn đang đổ về. Các cháu nhanh chân chứ không thì bị kẹt lũ đấy!".

Một biển nước trắng xóa đang nhấn chìm những ngọn cây còn sót lại trên cánh đồng Dương Thiện. Đêm nay, nước sẽ tràn vào làng. 26 tấm lều bạt của 26 gia đình vùng quê này sẽ bị ngập trước tiên.

* Phản ứng chậm

Tôi cứ ngỡ sau hơn 20 ngày kể từ trận lụt trước, mọi chuyện nhà cửa và đói no coi như đã giải quyết xong rồi. Nào ngờ, chuyện nhà cửa và đói no từ trận lụt trước vẫn còn "nóng" cho đến trận lụt sau! Cụ bà Nguyễn Thị Gẫm nói: "Suốt mấy đêm liền, tui nghe tivi họ nói nhà nước sẽ cho 3 triệu cho mỗi căn nhà sập. Giờ tivi hết nói rồi mà tiền thì chẳng thấy đâu cả". Anh Bùi Quang Huy giải thích cho cái sự "phản ứng chậm" này như sau: "Tiền thì không thiếu nhưng còn phải qua nhiều nấc. Riêng phần gạo hỗ trợ cho mỗi khẩu 3 tháng ăn thì huyện đã cấp rồi". Cái ăn, tuy có khó nhưng có thể vay tạm hàng xóm ít gạo qua bữa, riêng chỗ ở thì biết "vay" ai?

Túp lều của anh Chung chị Loan-Phước Sơn-Tuy Phước

Cùng đi với chúng tôi về Phước Sơn còn có ông Hồ Văn Ngô, Phó Giám đốc Chi cục Dự trữ Nghĩa Bình. Ông Ngô về kiểm tra xem thử số lều bạt đã đến với dân chưa? Hóa ra vẫn có nhiều gia đình có nhà bị sập vẫn không có bạt. Giải thích cho cái sự "không có" này, một cán bộ xã Phước Sơn, nói: "Mỗi tấm bạt có diện tích từ 16 đến 24 mét vuông, song có những cái nền nhà, diện tích dưới 16 mét vuông nên không biết "che" vào đâu cho hết bạt!". Ở quê hiện nay mà có những căn nhà rộng dưới 16 mét vuông, mới nghe thật khó tin nhưng là sự thật ở vùng đông Tuy Phước. "Nhà bé hơn bạt thì thay bạt khác cho dân, hứa cho 3 triệu thì cấp ngay cho dân để họ kịp dựng lại nhà…". Tôi nghe một cụ ông đang càm ràm và đưa ra "giải pháp" ấy cho… cấp trên. Không biết "cấp trên" có nghe không? Nhưng dẫu có nghe ngay giờ đây thì cũng không kịp nữa rồi. Nước lũ đã bắt đầu tràn vào làng. Những cánh cò vẫn chao lượn giữa biển nước mênh mông để tìm nơi trú ngụ. Đêm nay, những người dân nghèo ở vùng đông Tuy Phước sẽ sống như thế nào khi nước lũ lại tràn về?

. T.Đ

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
An Nhơn năm thứ hai vượt qua ngưỡng 100 ngàn tấn lương thực  (12/11/2003)
Suối Mây xây dựng cuộc sống mới   (11/11/2003)
Phù Cát thấp thỏm đê sông   (10/11/2003)
Nghề trồng dâu nuôi tằm ở Hoài Ân: Cơn bĩ cực chưa qua  (09/11/2003)
Nuôi tôm he chân trắng: Cơ hội mới cho người nuôi tôm   (07/11/2003)
Doanh nghiệp và nông dân chưa có tiếng nói chung   (06/11/2003)
Hiệu quả từ chiếc máy cắt lúa cải tiến   (05/11/2003)
Làng mới ở Đồng Binh   (04/11/2003)
Điện thoại di động - đã không còn là mặt hàng xa xỉ   (03/11/2003)
Tiềm năng Bình Định   (06/11/2003)
Kinh tế Bình Định sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh   (02/11/2003)
Mùa của gạch ốp lát, sơn nước và tấm lợp   (31/10/2003)
Từ Techmart Việt Nam 2003: Đánh thức tiềm lực   (30/10/2003)
Làng vỗ béo bò   (29/10/2003)
Khởi sắc vùng cao   (28/10/2003)