|
Ngư dân xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) vận chuyển cá ngừ đại dương vào bờ để tiêu thụ |
Nghề câu cá ngừ đại dương ở Bình Định tuy mới phát triển trong khoảng 10 năm gần đây, nhưng do phù hợp với truyền thống đánh bắt của ngư dân và hiệu quả kinh tế cao nên đã thu hút nhiều tàu thuyền, mở ra triển vọng mới cho nghề đánh bắt xa bờ và tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, để đưa nghề này phát triển mạnh hơn trong tương lai, tương xứng với tiềm năng sẵn có thì vẫn còn không ít cản ngại…
* Tiềm năng lớn
Nghề câu cá ngừ đại dương xuất hiện ở tỉnh Bình Định vào năm 1993 bằng cách kết hợp với nghề lưới chuồn lộng, bằng phương tiện tàu thuyền công suất nhỏ. Ban đầu chỉ xuất hiện ở Quy Nhơn với 5-7 chiếc nhưng do đánh bắt có hiệu quả nên phát triển dần, đến nay đã có 420 tàu ở tất cả các địa phương ven biển trong tỉnh. Cùng với sự phát triển của tàu thuyền, vàng câu cũng ngày càng hoàn thiện. Lúc mới hình thành, kết hợp với vàng câu lưới chuồn, chỉ từ 20-50 lưỡi câu, sau phát triển thành vàng câu riêng, lượng lưỡi câu lên đến 600-800 lưỡi. Hiện nay đã có một số tàu cải tiến, trang bị vàng câu dài 60 km, với số lưỡi câu từ 1.000-1.200 lưỡi. Bên sự phát triển tàu thuyền và vàng câu, ngư trường và mùa vụ đánh bắt cũng được mở rộng. Lúc đầu chỉ đánh bắt ở vùng biển từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa. Nhưng từ năm 1997 đến nay đã mở rộng ra đến vùng khơi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và mùa vụ đánh bắt quanh năm. Với sự phát triển như vậy, sản lượng đánh bắt hàng năm luôn tăng trưởng. Năm 1995, năng suất của mỗi tàu chỉ từ 0,2-0,3 tấn/chuyến, đến năm 1997 tăng lên 0,7-0,8 tấn/chuyến và hiện nay từ 1-1,2 tấn/chuyến; tổng sản lượng từ 300 tấn năm 1996 lên 1.800 tấn năm 2000 và 2.600 tấn năm 2003. Những con số này sẽ tiếp tục tăng trong tương lai, khi ngày càng có nhiều tàu thuyền chuyển qua hoạt động nghề này và đầu tư nâng cao công suất cũng như trang thiết bị hiện đại, phục vụ đánh bắt.
* Những lực cản
Tuy tiềm năng và năng lực khai thác cá ngừ đại dương hiện nay là khả quan, nhưng những năm qua nhìn chung đời sống của ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương ở tỉnh Bình Định vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Hiện vẫn còn một số chủ tàu đánh bắt cá ngừ đại dương bị thua lỗ, nợ ngân hàng không trả được. Nguyên nhân, bởi nghề câu cá ngừ đại dương ở tỉnh Bình Định trong thời gian qua vẫn còn nhiều lực cản.
Chẳng hạn, việc gắn kết giữa các đơn vị thu mua, chế biến xuất khẩu và người sản xuất để khuyến khích ngư dân nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm vẫn chưa được chú trọng. Hiện ở tỉnh Bình Định có 13 cơ sở thu mua cá ngừ đại dương với sản lượng thu mua hàng năm từ 1.500-2.000 tấn. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở thu mua đều là trạm trung chuyển, trang thiết bị thiếu thốn, chưa đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.
Ngoài ra, tình trạng tranh mua, tranh bán, ép cấp, ép giá vẫn còn xảy ra. Điều này đã khiến cho giá cả thu mua bấp bênh và thấp, ngư dân bị thua thiệt. Tình trạng "mua xô" khá phổ biến hiện nay đã làm cho các chủ tàu không quan tâm đến việc bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, chất lượng nguyên liệu kém, giảm giá trị xuất khẩu và hiệu quả sản xuất. Việc chế biến cá ngừ đại dương để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa cũng chưa được quan tâm đúng mức. Toàn tỉnh hiện có 4 cơ sở chế biến cá ngừ đại dương với một vài mặt hàng như phi lê, xông khói, sản lượng chế biến chỉ 300-400 tấn/năm.
Về xuất khẩu, cá ngừ đại dương chủ yếu là xuất tươi sống, các cơ sở thu mua trong tỉnh đều không xuất khẩu trực tiếp mà chỉ bán sản phẩm hoặc làm đại lý cho các đơn vị xuất khẩu ở ngoài tỉnh nên rất hạn chế trong việc cạnh tranh về giá cả và chất lượng. Ở Bình Định hiện chưa có một doanh nghiệp nào đủ mạnh đứng ra tổ chức thu mua, chế biến và trực tiếp xuất khẩu để thu mua với giá cả ổn định cho ngư dân yên tâm đầu tư sản xuất… Đây chính là những cản ngại làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của nghề câu cá ngừ đại dương ở tỉnh Bình Định trong những năm qua.
* Giải pháp để phát triển
Năm 2004, kế hoạch của ngành Thủy sản là phấn đấu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đại dương lên đến 12 triệu USD. Tại Hội nghị phát triển đánh bắt, thu mua, chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương do Sở Thủy sản vừa tổ chức, có nhiều ý kiến cho rằng: để thực hiện được mục tiêu này phải sớm giải quyết những khó khăn hiện tại, trong đó vấn đề quan trọng nhất là khâu thu mua nguyên liệu. Giải quyết được khâu này, không cách nào khác hơn là phải nhanh chóng sắp xếp lại hệ thống thu mua, chế biến xuất khẩu cá ngừ đại dương với nòng cốt các doanh nghiệp chế biến thủy sản của tỉnh, được Nhà nước hỗ trợ, để thu hút lực lượng tàu thuyền đánh bắt cá ngừ đại dương về Bình Định bán sản phẩm. Ngoài ra, cần phải có các chính sách khuyến khích ngư dân tổ chức sản xuất theo các hình thức thích hợp, như liên doanh liên kết giữa ngư dân với cơ sở thu mua, chế biến xuất khẩu…
Một đòi hỏi nữa là các cơ quan chức năng nên sớm có kế hoạch thành lập Ban chỉ đạo sản xuất hoặc Hội đánh bắt tiêu thụ cá ngừ đại dương nhằm liên kết các nhà sản xuất với các đơn vị thu mua, chế biến, xuất khẩu nhằm tổ chức sản xuất, xuất khẩu cá ngừ đại dương có hiệu quả. Bên cạnh đó, để đảm bảo sản lượng và chất lượng, các cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương trong tỉnh cần giữ vững thị trường tiêu thụ hiện có, đồng thời chủ động tìm kiếm, phát triển thị trường mới một cách vững chắc… Giải quyết tốt được những vấn đề này, sẽ tạo ra động lực lớn để nghề câu cá ngừ đại dương ở tỉnh Bình Định phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có.
. NGỌC THÁI
|