Xây dựng vùng nguyên liệu dứa: Còn đó những khó khăn
16:26', 17/11/ 2003 (GMT+7)

Nông dân xã Hoài Tân nhận chồi dứa giống để trồng

Theo dự kiến ban đầu, tháng 4-2004 tới đây, Nhà máy chế biến nước dứa và rau quả xuất khẩu (NMCBND-RQXK) Bình Định sẽ đưa dây chuyền nước rau quả đóng hộp có công suất 5.000 tấn sản phẩm/năm vào hoạt động, nhưng do thiếu nguyên liệu nên Nhà máy đành phải giãn tiến độ xây dựng.

* Diện tích dứa mới đạt 20% công suất nhà máy

Để xây dựng được vùng nguyên liệu dứa phục vụ cho NMCBND-RQXK của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lâm trường An Sơn và 4 huyện nằm trong vùng nguyên liệu dứa của tỉnh (Hoài Ân, Phù Mỹ, An Lão, Hoài Nhơn) đã có nhiều nỗ lực để quy hoạch đất; chuyển giao các quy trình kỹ thuật và vận động nông dân trồng dứa. Riêng Lâm trường An Sơn và Công ty cổ phần chế biến dứa và rau quả xuất khẩu Bình Định đã tăng cường công tác chuẩn bị và cung ứng chồi dứa giống, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Nhờ đó, 4 huyện nằm trong vùng nguyên liệu dứa đã hoàn thành việc quy hoạch 3.300 ha đất trồng dứa. Trong đó, huyện Hoài Ân 800 ha, Phù Mỹ 1.000 ha, An Lão 700 ha, Hoài Nhơn 800 ha, đáp ứng được nhu cầu đất cho vùng nguyên liệu dứa của tỉnh, giải quyết được nỗi lo thiếu đất trồng dứa trong thời gian qua. Tuy nhiên, diện tích dứa đã trồng được vẫn còn quá ít so với tiềm năng đất hiện có. Đến nay, toàn tỉnh mới chỉ trồng được 316 ha dứa, trong đó huyện Hoài Ân 156 ha, Hoài Nhơn 28 ha, Phù Mỹ 100 ha, An Lão 32 ha. Trong số 316 ha dứa này thì có đến 2/3 diện tích là của Lâm trường An Sơn trồng tập trung ở các huyện, còn diện tích dứa trồng phân tán của dân không đáng kể. Điều đó cho thấy việc phát triển cây dứa trong dân ở các địa phương còn nhiều hạn chế.

Theo ông Phạm Trương, Giám đốc Công ty cổ phần chế biến dứa và rau quả xuất khẩu Bình Định: "Để  đưa vào hoạt động dây chuyền rau quả đóng hộp 5.000 tấn sản phẩm/năm cần có 1.000 ha dứa. Song với diện tích dứa hiện có thì mới chỉ đáp ứng được 20% công suất của nhà máy". Chính vì chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu nên UBND tỉnh đã có văn bản số 1967/UB-NN ngày 24-7-2003 quyết định giãn tiến độ xây dựng NMCBND-RQXK để phù hợp với việc phát triển vùng nguyên liệu".

* Thiếu dứa giống và vốn

* Ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định:

Phần lớn dứa giống đều phải nhập khẩu từ Trung Quốc và Thái Lan, chi phí đầu tư cho sản xuất dứa khá lớn, vượt quá khả năng tài chính của nông dân. Hơn nữa hiện nay nhiều tỉnh cũng đang phát triển vùng nguyên liệu dứa nên dứa giống là rất khan hiếm. Sở đã và đang chỉ đạo Lâm trường An Sơn, Công ty cổ phần chế biến dứa và rau quả xuất khẩu Bình Định và các địa phương nằm trong vùng nguyên liệu tăng cường công tác nhân giống dứa tại chỗ, chú trọng trồng dứa trong dân để vừa lấy nguyên liệu vừa lấy chồi giống cung ứng cho nông dân sản xuất. Còn vấn đề vốn vay thì hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do phần lớn nông dân chưa có sổ đỏ để thế chấp vay vốn nên ngân hàng không giải quyết vốn vay. Sở sẽ có giải pháp để khắc phục khó khăn này trong thời gian sớm nhất để nông dân có vốn đầu tư  sản xuất.

* Ông Phạm Trương, Giám đốc Công ty cổ phần chế biến dứa và rau quả xuất khẩu Bình Định:

UBND tỉnh đã đồng ý cho Công ty làm chủ đầu tư Dự án xây dựng NMCBND-RQXK thay cho Lâm trường An Sơn. Mặc dù diện tích dứa hiện nay chưa đáp ứng đủ nguyên liệu cho dây chuyền nước rau quả đóng hộp 5.000 tấn sản phẩm/năm hoạt động theo đúng công suất thiết kế, nhưng khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6-2004 Công ty sẽ lắp đặt và đưa dây chuyền này vào hoạt động; nguyên liệu đáp ứng được bao nhiêu thì sản xuất bấy nhiêu. Để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân sản xuất, Công ty cho nông dân vay một phần tiền làm đất (500.000 đồng/ha) và cho mượn chồi dứa giống; cam kết thu mua nông sản với giá có lợi cho nông dân; thưởng tiền cho những hộ trồng dứa với diện tích lớn, trồng đúng lịch thời vụ và cho năng suất cao….

Theo các cán bộ phòng Nông nghiệp của các huyện nằm trong vùng nguyên liệu dứa, nếu như trước đây, việc vận động nông dân ở các địa phương trong vùng nguyên liệu đưa cây dứa vào trồng là việc làm hết sức khó khăn, thì nay nhiều nông dân đã bắt đầu chịu đưa cây dứa vào trồng, nhưng lại thiếu giống và vốn. Ông Phạm Văn Thể – nông dân ở thôn Giao Hội II, xã Hoài Tân (Hoài Nhơn) cho biết: "Chính sách khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu dứa của tỉnh rất phù hợp với nguyện vọng của bà con chúng tôi. Hơn nữa, nhà máy đã có thông báo bao tiêu sản phẩm, nên chúng tôi rất yên tâm đầu tư trồng dứa. Nhưng hiện nay, chúng tôi đang thiếu giống dứa và vốn. Riêng tôi đã cải tạo 1 ha đất và đã nhận 16.900 chồi giống của Lâm trường An Sơn, còn thiếu 23.100 chồi dứa giống nữa mới đủ để trồng được 1ha dứa". Còn ở huyện Hoài Ân, chỉ tiêu trồng 100 ha dứa trong năm 2003 này, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được, diện tích dứa đã trồng phần lớn là của Lâm trường An Sơn. Ông Hồ Công Hậu, Phó phòng Kinh tế huyện Hoài Ân cho biết: "Huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng dứa với trên 2.000 lượt hộ tham gia, nhưng do thiếu giống và vốn nên nông dân chưa triển khai được. Từ nay đến năm 2005, chỉ tiêu của huyện Hoài Ân là trồng 1.000 ha dứa phân tán trong dân, nhưng với tiến độ thực hiện như hiện nay thì khó có thể thực hiện được".

Các huyện An Lão, Phù Mỹ cũng đã có kế hoạch trồng dứa nhưng do thiếu giống và vốn nên kế hoạch vẫn còn nằm trên giấy. Ông Phạm Minh Dựng - Chủ tịch UBND huyện An Lão - cho biết: "Tuy đời sống của nông dân trong huyện còn nhiều khó khăn, nhưng nông dân tin tưởng vào chính sách khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu của tỉnh và chính sách thu mua nguyên liệu của nhà máy nên đã cải tạo đất vườn nhà, đất đồi để trồng dứa nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy giống, và cũng chưa được vay vốn…". Được biết, năm nay huyện An Lão phấn đấu trồng 100 ha dứa. Diện tích đất này đã được nông dân cải tạo và đăng ký với UBND huyện để trồng dứa, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được, vì thiếu… giống và vốn!

Phát triển vùng nguyên liệu là việc làm hết sức cần thiết, quyết định sự sống còn của nhà máy. Song để làm được điều đó thì Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và các ngành có liên quan cần nỗ lực giải quyết nhanh nguồn dứa giống và vốn cho nông dân đầu tư sản xuất.

. PHẠM TIẾN SỸ

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Trăn trở với nghề câu cá ngừ đại dương   (16/11/2003)
Những người "thầy" Internet   (14/11/2003)
Bình Định lũ chồng lên lũ  (13/11/2003)
An Nhơn năm thứ hai vượt qua ngưỡng 100 ngàn tấn lương thực  (12/11/2003)
Suối Mây xây dựng cuộc sống mới   (11/11/2003)
Phù Cát thấp thỏm đê sông   (10/11/2003)
Nghề trồng dâu nuôi tằm ở Hoài Ân: Cơn bĩ cực chưa qua  (09/11/2003)
Nuôi tôm he chân trắng: Cơ hội mới cho người nuôi tôm   (07/11/2003)
Doanh nghiệp và nông dân chưa có tiếng nói chung   (06/11/2003)
Hiệu quả từ chiếc máy cắt lúa cải tiến   (05/11/2003)
Làng mới ở Đồng Binh   (04/11/2003)
Điện thoại di động - đã không còn là mặt hàng xa xỉ   (03/11/2003)
Tiềm năng Bình Định   (06/11/2003)
Kinh tế Bình Định sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh   (02/11/2003)
Mùa của gạch ốp lát, sơn nước và tấm lợp   (31/10/2003)