Phát triển CN-TTCN ở Bình Định qua nửa nhiệm kỳ đại hội Đảng
16:37', 18/11/ 2003 (GMT+7)

Chế biến thủy sản xuất khẩu

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, trong gần 3 năm qua, tỉnh Bình Định tiếp tục bổ sung các chủ trương, giải pháp nhằm tạo môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) và làng nghề. Các KCN tập trung, các cụm CN huyện, thành phố được quy hoạch và phát triển đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư mới; mở rộng quy mô, tăng năng lực sản xuất.

CN-TTCN tiếp tục phát triển, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người lao động; các làng nghề truyền thống từng bước được khôi phục thu hút trên 13.000 lao động, chiếm 23% lao động CN ngoài quốc doanh. Giá trị sản xuất CN bình quân trong 3 năm (2001-2003) tăng 11,3% (mục tiêu Đại hội XVI là 16-18%), 9 tháng đầu năm 2003 tăng 19,4%. Một số sản phẩm CN chủ yếu của địa phương mở rộng qui mô sản xuất, sản lượng tăng khá và duy trì khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên, sản xuất CN của tỉnh sau thời gian tăng trưởng cao (2 năm 2001-2002), tốc độ tăng trưởng chững lại. Cơ chế chính sách và điều kiện thu hút đầu tư tuy có thuận lợi hơn trước nhưng chỉ đạo thiếu tập trung, đồng bộ, thủ tục hành chính còn trì trệ; công tác qui hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, đền bù giải tỏa các khu CN-TTCN chậm. Trang bị kỹ thuật và trình độ công nghệ các cơ sở CN nhìn chung còn lạc hậu. Sản phẩm CN ít đa dạng. Sản lượng chế biến thủy sản chưa tương xứng với tiềm năng; CN chế biến gỗ thiếu ổn định về nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ. Chưa có biện pháp đầu tư phát triển những ngành hàng có tính đột phá nhằm nâng cao năng lực sản xuất và tăng giá trị của ngành CN. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu CN, tiểu thủ CN, làng nghề còn chậm, chưa đồng bộ; chỉ đạo xử lý môi trường ở một số cơ sở sản xuất và KCN Phú Tài chưa tốt.

Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã đề ra nhiệm vụ phải tạo bước đột phá trong phát triển CN để tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực phát triển. Theo đó phải tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển CN-TTCN và làng nghề giai đoạn 2001- 2005, phấn đấu đạt mức tăng trưởng CN bình quân 23-24%/năm (2004-2005).

Các giải pháp được đặt ra là: Tập trung chỉ đạo công tác quy hoạch các khu, các cụm CN-TTCN và làng nghề. Mở rộng KCN Phú Tài; khẩn trương triển khai xây dựng KCN Long Mỹ; KCN sạch Nhơn Bình (Quy Nhơn) và các cụm CN ở các huyện. Trên cơ sở quy hoạch, tập trung ưu tiên vốn để đầu tư xây dựng các khu tái định cư, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, khu xử lý nước thải tập trung, xúc tiến nhanh việc giao mặt bằng cho doanh nghiệp có điều kiện và năng lực sản xuất. Có chính sách ưu đãi để kêu gọi các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm CN. Tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương, các tổng công ty, liên doanh, hợp tác với các tỉnh và thành phố lớn trong nước để thu hút đầu tư trong lĩnh vực CN. Chú trọng thu hút đầu tư phát triển những ngành hàng có tính đột phá, nâng cao năng lực sản xuất làm tăng nhanh giá trị sản xuất của ngành CN; đồng thời tiếp tục đầu tư phát triển các cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với vùng nguyên liệu.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách thu hút, khuyến khích đầu tư phát triển CN của tỉnh cho phù hợp với yêu cầu mới. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa" ở các cấp chính quyền. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nhất là những sản phẩm thế mạnh của tỉnh như chế biến gỗ, chế biến hải sản xuất khẩu, sản xuất hàng tiêu dùng và khoáng sản. Chuyển một số doanh nghiệp Nhà nước địa phương làm đơn vị thành viên Tổng công ty nhà nước, để tranh thủ sự đầu tư mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm, đăng ký thương hiệu hàng hóa. Đổi mới và đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư thương mại, tìm kiếm đối tác đầu tư mới, thị trường mới; cung cấp thông tin thị trường trong và ngoài nước; thành lập các hội, hiệp hội ngành nghề, tăng cường hợp tác, hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh. Coi trọng công tác đào tạo cán bộ quản lý sản xuất kinh doanh; đào tạo công nhân có tay nghề cao đáp ứng nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp.

Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết XVI Đảng bộ tỉnh về chương trình phát triển CN-TTCN và làng nghề giai đoạn 2001- 2005 đã đặt ra mục tiêu đưa giá trị sản xuất CN lên 4.000 tỉ đồng (giá cố định 1994) vào năm 2005, tăng tỷ trọng CN và xây dựng trong GDP lên 27 –28% năm; tổng kim ngạch xuất khẩu từ sản xuất CN-TTCN trong 5 năm phải đạt 850 –900 triệu USD…

Thời gian không còn nhiều nên sự nỗ lực vượt bậc của các ngành, các cấp phải đặt ra ngay từ bây giờ.

. TRẦN NGỌC

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Xây dựng vùng nguyên liệu dứa: Còn đó những khó khăn   (17/11/2003)
Trăn trở với nghề câu cá ngừ đại dương   (16/11/2003)
Những người "thầy" Internet   (14/11/2003)
Bình Định lũ chồng lên lũ  (13/11/2003)
An Nhơn năm thứ hai vượt qua ngưỡng 100 ngàn tấn lương thực  (12/11/2003)
Suối Mây xây dựng cuộc sống mới   (11/11/2003)
Phù Cát thấp thỏm đê sông   (10/11/2003)
Nghề trồng dâu nuôi tằm ở Hoài Ân: Cơn bĩ cực chưa qua  (09/11/2003)
Nuôi tôm he chân trắng: Cơ hội mới cho người nuôi tôm   (07/11/2003)
Doanh nghiệp và nông dân chưa có tiếng nói chung   (06/11/2003)
Hiệu quả từ chiếc máy cắt lúa cải tiến   (05/11/2003)
Làng mới ở Đồng Binh   (04/11/2003)
Điện thoại di động - đã không còn là mặt hàng xa xỉ   (03/11/2003)
Tiềm năng Bình Định   (06/11/2003)
Kinh tế Bình Định sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh   (02/11/2003)