Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp: Đừng để mất bò mới làm chuồng
15:54', 20/11/ 2003 (GMT+7)

Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) là một biện pháp cần thiết nhằm tránh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. Nhưng lợi ích của việc này không chỉ dừng lại ở đó.

* Không chỉ là chống ăn cắp thương hiệu

Máy lọc sạn Tân Trung Thành đang làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa

SHCN đóng vai trò quan trọng trong sản xuất kinh doanh nhưng sản phẩm của Bình Định được bảo hộ quyền SHCN rất ít. Theo số liệu của Cục Sở hữu trí tuệ, hiện Bình Định chỉ có 69 nhãn hiệu (trong số 151 đơn đăng ký) được cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền nhãn hiệu hàng hóa và 8 sản phẩm (trong số 13 đơn đăng ký) được cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Còn giải pháp, sáng chế, tên gọi - xuất xứ hàng hóa thì chưa có sản phẩm nào được bảo hộ.

Trước đây một thời gian, một cơ sở in ấn ở Quy Nhơn bị phát giác về việc nhái nhãn hiệu vở Xích lô của một doanh nghiệp (DN) ở TP Hồ Chí Minh. Ngược lại, máy lọc sạn Tân Trung Thành, Đông Hải… của Quy Nhơn cũng bị các địa phương khác làm giả. Nếu không đăng ký bảo hộ quyền SHCN, chắc chắn các DN sẽ mất hẳn nhãn hiệu mà mình đã dày công đầu tư. Anh nông dân Nguyễn Kim Chính ở Cát Nhơn (Phù Cát) và chiếc máy cắt lúa cải tiến của mình xứng đáng được tôn vinh, ghi nhận bằng việc nhà nước bảo hộ quyền SHCN không chỉ vì những sáng kiến cải tiến hợp lý mà còn vì đó là những sáng kiến của một nông dân mới học hết lớp 7. Việc sản phẩm được bảo hộ quyền SHCN còn là một tiêu chí để đánh giá tiềm lực khoa học của một quốc gia, địa phương.

* Vì sao DN chưa mặn mà?

Có 3 kênh để các DN thực hiện việc đăng ký bảo hộ quyền SHCN:

- Liên hệ trực tiếp với Cục Sở hữu trí tuệ

- Thông qua Phòng quản lý công nghệ và SHCN (Sở KHCN Bình Định): các DN được tư vấn và hướng dẫn cách thức làm thủ tục đăng ký, Phòng sẽ làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ. DN chỉ phải trả một ít phí.

- Thông qua dịch vụ (Trung tâm tư vấn đầu tư và phát triển khoa học công nghệ – môi trường Bình Định): Trung tâm chịu trách nhiệm tư vấn, giúp các DN làm các thủ tục đăng ký, thiết kế nhãn hiệu và kiểu dáng… Lệ phí dịch vụ từ 1,5-5 triệu đồng/đơn, tùy theo mức độ công việc.

Ông Lê Minh Nghĩa – Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Bình Định - lý giải: "Theo tôi có 3 nguyên nhân: các DN ngại khâu giấy tờ, thủ tục đăng ký; DN chủ quan nghĩ rằng mình sẽ giữ được các bí quyết kỹ thuật; các DN sợ nếu đăng ký nhưng không được chứng nhận bảo hộ thì sẽ mất uy tín". Còn ông Võ Anh Dũng – Trưởng phòng quản lý công nghệ và SHCN (Sở KHCN Bình Định) nhận định: "Một số DN muốn quảng bá, khẳng định thương hiệu của mình bằng các chiêu thức quảng cáo, giới thiệu, trong đó có việc đăng ký bảo hộ quyền SHCN. Nhưng phần lớn lại không quan tâm đến SHCN vì nhận thấy môi trường pháp lý cũng như các biện pháp chế tài của luật pháp chưa bảo vệ được quyền lợi của họ". Quả thật, trừ một số DN lớn như Bidiphar (có trên 30 sản phẩm đã đăng ký bảo hộ), các công ty cổ phần thủy sản, cùng một số DN lớn khác, còn lại nhiều DN nhỏ vẫn chưa thấy hết tầm quan trọng của vấn đề này. Sau 10 năm có mặt trên thị trường, đến nay cơ sở cơ khí Tân Trung Thành mới tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Ông Diệp Hoài Tân – chủ cơ sở – phân bua: "Chỉ đến khi được tham gia một lớp tập huấn các kiến thức về SHCN hồi đầu năm nay tôi mới thấy được tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ quyền SHCN nên đang làm thủ tục để đăng ký nhãn hiệu hàng hóa".

Ngày 18-11, Sở Khoa học - Công nghệ Bình Định đã gửi công văn đăng ký làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) về 5 vấn đề liên quan đến SHTT. Đó là: Góp ý kiến về "Chính sách hỗ trợ xác lập quyền SHCN của tỉnh Bình Định"; Quy trình đăng ký và kinh nghiệm trong việc đánh giá tác dụng của "Nhãn hiệu hàng hóa tập thể"; Về đăng ký Giải pháp hữu ích và chính sách thưởng một lần đối với những Giải pháp hữu ích; Về trách nhiệm, quyền hạn của Sở KH-CN các tỉnh trong việc thẩm định, giám định chuyên môn đối với các sáng kiến của mọi thành phần kinh tế và chế độ đối với các hoạt động có tính chất "Tư vấn công" của các Sở KH-CN như: Giám định vị phạm hành chính về SHCN, phí tư vấn đối với những công việc tương tự tại các Công ty, tổ chức đại diện SHCN… Được biết, nếu không có gì thay đổi, buổi làm việc giữa Sở KH-CN Bình Định với Cục SHTT dự kiến sẽ diễn ra tại TP Quy Nhơn vào khoảng gần cuối tháng 11-2003. Hy vọng rằng những khúc mắc về lĩnh vực SHTT ở Bình Định sẽ sớm được tháo gỡ. (Viết Hiền)

Những bất cập từ môi trường pháp lý trong việc kiểm soát và chế tài các vi phạm về SHCN khiến các DN ít quan tâm đến đăng ký SHCN. Ông Đinh Thanh Hải - chủ cơ sở cơ khí Đông Hải - nói: "Đăng ký bảo hộ quyền SHCN là rất quan trọng, nhưng chỉ bấy nhiêu là chưa đủ. Để chống hàng giả, tôi còn phải dập nổi nhãn hiệu lên sản phẩm, đồng thời dán kèm tem phân biệt hàng thật. Kết quả là hàng giả đã giảm hẳn". Ở đây cũng cần phải thấy rằng, cơ quan quản lý nhà nước về SHCN của tỉnh vẫn còn thụ động trong việc bảo vệ sản phẩm của tỉnh, thiếu sự can thiệp hiệu quả, đủ mạnh. Lấy ví dụ từ trường hợp Đông Hải, lẽ ra cơ quan quản lý nhà nước về SHCN của tỉnh phải có vai trò tích cực trong việc phối hợp với đồng nghiệp ở tỉnh bạn để bảo vệ sản phẩm của tỉnh mình. Nhưng thực tế không được như vậy, dù đó chỉ là động tác tối thiểu.

Hiện nay Bình Định còn có nhiều sản phẩm đặc sắc như: bánh tráng nước dừa Hoài Nhơn, nem Chợ Huyện… nhưng chưa được đăng ký bảo hộ tên gọi xuất xứ hàng hóa. Nguyên nhân chính là các cơ sở sản xuất mặt hàng này có quy mô nhỏ, lại phân tán. Một vấn đề cần quan tâm khác là một số DN Bình Định có làm ăn ở nước ngoài nhưng vẫn chưa chú ý lắm đến việc bảo hộ quyền SHCN.

Một chuyên gia trong lĩnh vực SHCN của tỉnh phát biểu: "Cơ quan quản lý ngành phải tìm cách hút DN đến với mình, bằng cách nâng cao nhận thức cho họ về SHCN, chứ không phải có thì quản lý, không thì thôi". Thế nhưng thực tế thì từ trước đến nay Sở KHCN chỉ mới tổ chức được 2 đợt tập huấn về kiến thức SHCN (vào các năm 1998 và 2003) với khoảng 250 lượt DN trong tỉnh tham gia, và như thế là quá ít ỏi.

NGUYÊN SƯƠNG

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Mô hình phát triển kinh tế trang trại: Hướng đi và kết quả bước đầu   (19/11/2003)
Phát triển CN-TTCN ở Bình Định qua nửa nhiệm kỳ đại hội Đảng   (18/11/2003)
Xây dựng vùng nguyên liệu dứa: Còn đó những khó khăn   (17/11/2003)
Trăn trở với nghề câu cá ngừ đại dương   (16/11/2003)
Những người "thầy" Internet   (14/11/2003)
Bình Định lũ chồng lên lũ  (13/11/2003)
An Nhơn năm thứ hai vượt qua ngưỡng 100 ngàn tấn lương thực  (12/11/2003)
Suối Mây xây dựng cuộc sống mới   (11/11/2003)
Phù Cát thấp thỏm đê sông   (10/11/2003)
Nghề trồng dâu nuôi tằm ở Hoài Ân: Cơn bĩ cực chưa qua  (09/11/2003)
Nuôi tôm he chân trắng: Cơ hội mới cho người nuôi tôm   (07/11/2003)
Doanh nghiệp và nông dân chưa có tiếng nói chung   (06/11/2003)
Hiệu quả từ chiếc máy cắt lúa cải tiến   (05/11/2003)
Làng mới ở Đồng Binh   (04/11/2003)
Điện thoại di động - đã không còn là mặt hàng xa xỉ   (03/11/2003)