Bidiphar trên đôi hài bảy dặm
16:26', 25/11/ 2003 (GMT+7)

Soi cảm quang kiểm tra chất lượng dịch truyền tại Bidiphar (ảnh: Cát Hùng)

Khi thạc sĩ Lê Công Nhường – Phó giám đốc Công ty Dược và Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) nhắn tin "đã sản xuất thành công tân dược đông khô", tôi biết chân dung của người khổng lồ của ngành dược Việt Nam đã bước vào giai đoạn hoàn chỉnh. Gọi như thế có là khoa trương quá không? Chắc là không nếu biết rằng gần 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu thành phẩm tân dược của toàn ngành dược Việt Nam thuộc về Bidiphar (2 triệu USD). Bidiphar cũng là công ty đầu tiên và duy nhất hiện nay ở Việt Nam sản xuất được tân dược đông khô dành cho người... Với nhiều điểm đầu tiên và duy nhất như vậy, Bidiphar, thậm chí là dân Bình Định nói chung hoàn toàn có quyền tự hào với slogan (khẩu hiệu) - "Bidiphar - nhà sản xuất thuốc tiêm hàng đầu Việt Nam".

* Những dặm đầu tiên...

Nhiều năm trước ngành Dược Bình Định nổi tiếng với thuốc trị bệnh đau bụng nổi tiếng chất lượng cao - berberin. Khi tách độc lập bộ phận sản xuất ra khỏi Công ty Dược phẩm dược liệu Bình Định (1988) không bao lâu sau đó, Xí nghiệp dược phẩm Bình Định sản xuất thành công loại vitammin C tương tự như Laroscorbine của Pháp nhưng rẻ hơn nhiều. Nhưng sản phẩm đưa cái tên Bidiphar vào hàng ngũ các nhà sản xuất - cung cấp dược phẩm hàng đầu là Gentamicine (1992). Bidiphar ra khỏi cơn vật vã tìm hướng đi và đến được với đường lớn.

Khoảng năm 1990-1995, Gentamicine là loại kháng sinh thế hệ mới được tín nhiệm cao. Khi ấy Gentamicine của Pháp, Đức, Ấn Độ... chi phối thị trường Việt Nam. Giá một ống Gentamicine hàng châu Âu khoảng 4.000 đồng/ống, của Ấn Độ có rẻ cũng đến 2.500 đồng/ống. Sau một thời gian mày mò, Bidiphar sản xuất thành công loại kháng sinh này trước sự ngỡ ngàng của nhiều xí nghiệp, công ty dược "đàn anh". Khi ấy chính Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng không có điều kiện xác nhận đó có phải là Gentamicine thật không vì không có... mẫu thử để so sánh đối chứng. Người ta bán tín bán nghi vì một đơn vị hàng đầu của ngành dược đã đốt của ngân sách đến hơn 5 tỉ bạc vẫn chưa biết Gentamicine nó như thế nào. Bởi thế khi một xí nghiệp cấp tỉnh, lại là một tỉnh nhỏ như Bình Định làm được, người ta lại hồ nghi, thậm chí có quan chức lại còn bảo... phét lác. Cuối cùng chính Bidiphar đã cùng Cục Quản lý dược hợp tác sản xuất được mẫu thử.

Gentamicine của Bidiphar được đem sang châu Âu giám định và các labo hàng đầu ở đây đã xác nhận chất lượng của Gentamicine do Bidiphar sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn của các dược điển hàng đầu trên thế giới như USP (Mỹ), BP (Anh)... Có thể hình dung sức đóng góp của Gentamicine của Bidiphar bằng thông tin sau: Trước khi có sản phẩm của Bidiphar, giá một ống Gentamicine là 4.000 đồng (hàng châu Âu) và 3.000 đồng (hàng châu Á); khi Bidiphar tuyên bố đã sản xuất thành công, mức giá này bắt đầu hạ. Đến khi sản phẩm hàng hóa ra đến thị trường, mức giá ấy rớt xuống chỉ còn hơn nửa. Và nay, giá một ống Gentamicine 80 của Bidiphar chỉ là 550 đồng (hàng Italia - 1.350 đồng, hàng Đài Loan 850 đồng). Nhắc lại sự kiện "găng ta" nhiều người còn chắp hít - Không có hàng của "công ty" chắc giá kháng sinh vẫn còn ở trên trời. Gọi chung là kháng sinh vì sau Gentamicine, dải sản phẩm kháng sinh của Bidiphar được nối dài ra nhanh chóng, đầy ấn tượng.

* Nhà sản xuất thuốc tiêm hàng đầu VN

Trong một lần đến làm việc với Bidiphar, Bác sĩ Nguyễn Phát Tường, khi ấy là giám đốc Sở Y tế Bình Định nói đùa: "Này, anh Tấn (giám đốc Bidiphar), anh có "chết" thì cũng từ từ mà chết nhé, anh mà chết bất tử là tôi cũng chết theo...". Đấy là vào khoảng năm 1992, 1993. Nhoáng một cái mà đã mười năm có lẻ trôi qua, xí nghiệp chẳng những không chết mà còn lớn lên, trưởng thành, vạm vỡ và với hàng loạt xí nghiệp, công ty thành phần.

Danh mục sản phẩm của Bidiphar cứ dài ra mỗi ngày và thỉnh thoảng công ty lại làm một cú đột phá ngoạn mục không kém sự kiện "găng ta". Nhưng giờ đây với uy tín đã có, những sự kiện ấy không làm người ta ngạc nhiên nữa. Bidiphar sản xuất dịch truyền... Thì cũng là chuyện phải đến ở một công ty sản xuất theo định hướng chuyên về dòng tân dược cao cấp. Rồi công ty sản xuất đến 96% loại dịch truyền, nhu cầu dịch truyền đang được sử dụng ở Việt Nam cũng vậy. Chuyện Bidiphar sản xuất thành công tân dược đông khô có gây cho ngành dược một chút ồn ào. Người ta lại hồ nghi, nhưng sản phẩm tân dược đông khô của Bidiphar thì được Bộ Y tế chứng nhận. Chẳng những thế mà nhờ thành công này, một số nhà sản xuất dược phẩm hàng đầu của châu Âu và Canada đã chấp nhận nhượng quyền sản xuất cho Bidiphar, mới đây còn cho Bidiphar ghi rõ tên nhà sản xuất trên sản phẩm của mình. Nên nhớ rằng chưa nhà sản xuất dược phẩm nào ở nước ta tạo được uy tín cỡ đó.

Ông Lê Công Nhường - Phó giám đốc Bidiphar cho biết: "Một trong những động lực thành công của Bidiphar là xây dựng được nguồn nhân lực và động viên họ sáng tạo, làm việc tốt. Nếu năm 1995 Bidiphar chỉ có 10 dược sĩ thì nay đã có tới 42 dược sĩ đại học và sau đại học. Cuối năm 2002, Bộ Y tế đồng ý cho chúng tôi mở một lớp chuyên khoa cấp I (2002-2006) tại công ty do Đại học Y Dược TPHCM đào tạo, tổng chi phí đầu tư khoảng 600 triệu đồng. Lớp có 32 người (riêng công ty có 17 người) còn lại là của các tỉnh Quảng Ngãi, Gia Lai, Phú Yên, Kon Tum và các đơn vị trong tỉnh gởi đào tạo. Về cơ sở hạ tầng, những nhà xưởng có từ trước năm 1995 nay đã được phá bỏ để xây dựng theo quy chuẩn mới (Khu văn phòng, Phân xưởng dịch truyền, thuốc tiêm, Phân xưởng bê ta lắc tam, thuốc tiêm ở dạng đông khô, kho GMP, nhà sản xuất thuốc đông khô...). Dự án xây dựng nhà máy sản xuất dịch truyền y tế trong khuôn viên 3 ha, trị giá đầu tư khoảng 50 tỉ đồng, công suất 12 triệu lít/năm đã được phê duyệt, chúng tôi chỉ còn chờ mặt bằng để thi công thôi. Nhà máy này sẽ sản xuất từ 12-16 loại dịch truyền trong đó có cả những loại dịch truyền cao cấp như axit amin truyền, mỡ truyền. Phân xưởng tân dược đông khô 600.000 lọ/tháng đầu tư 30 tỉ đồng cũng đang trong giai đoạn hoàn chỉnh."

* Trên đôi hài bảy dặm

Quy mô sản xuất của Bidiphar đã phình ra nhanh chóng ngay cả khi đã được tái cơ cấu thành những công ty cổ phần, xí nghiệp trực thuộc. Để đáp ứng một trong giải pháp kỹ thuật là tự động hóa sản xuất. Ở phân xưởng thuốc tiêm việc đưa nguyên liệu, đóng ống đã được tự động, khép kín từ đầu vào cho đến đầu ra thành phẩm Quy trình này cũng đang làm hoàn chỉnh ở xưởng sản xuất thuốc đông khô, dịch truyền (thổi chai, nạp dịch, đóng gói thành phẩm). Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Bidiphar cho biết: "Danh mục tân dược đông khô đang dài ra khá nhanh, đã có Bidicozan, Tenoxicam (thuốc trị bệnh khớp), Bidiplex, Alpha chymotrypsin 5000 IU (tan máu bầm, sưng viêm), Neutrovit (thuốc bổ thần kinh, tương tự Terneurine H5000), Artesunat (sốt rét)... Riêng món Artesunat thì ngay cả Trung Quốc – nước sản xuất thuốc sốt rét lớn nhất thế giới cũng chưa sản xuất được. Còn cạnh tranh ư? Cuộc cạnh tranh nào cũng dựa trên các yếu tố: chất lượng - dịch vụ - giá cả. Chất lượng của Bidiphar theo tiêu chuẩn Việt Nam, các dược điển quốc tế, sản xuất ổn định phù hợp với GMP, ISO 9001-2000. Chất lượng, xét theo hiệu quả điều trị, thuốc an toàn không gây tai biến, đảm bảo không gây tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Giá cả phù hợp với thu nhập của người Việt Nam, hàng của Bidiphar chỉ bằng 1/4 đến 1/2 thuốc ngoại nhập có chất lượng tương đương. Hàng của Bidiphar tiêu thụ khá mạnh ở thị trường Lào, Campuchia. Chúng tôi đang tìm cơ hội mở rộng kinh doanh ở Myanmar sau một hội chợ hàng công nghiệp ở đây".

Qua rồi cái thời công nhân phải nhận lương chậm, một phần lương được trả bằng... nước khoáng. Qua rồi những năm mà người ta đồn thổi, Bidiphar chuẩn bị "sụp tiệm" nay mai... Cái thời mà cán bộ, công nhân của doanh nghiệp này cắn răng chung lưng đấu cật để chia sẻ gánh nặng sản xuất kinh doanh đã qua rồi. Nhưng khi phía trước là bầu trời thênh thang, người ta không khỏi bị ngợp. Tôi hỏi ông Tấn, ông mỉm cười bí mật - À... à... mình sẽ lại làm một cú "găng ta" nữa. Để thiên hạ biết rằng dân Bình Định mình làm cũng ngon lành chớ.

Tôi tin ông.

BÁ PHÙNG

 

Gửi tin này qua E-mail In thông tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC >>
Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp: Đừng để mất bò mới làm chuồng   (20/11/2003)
Mô hình phát triển kinh tế trang trại: Hướng đi và kết quả bước đầu   (19/11/2003)
Phát triển CN-TTCN ở Bình Định qua nửa nhiệm kỳ đại hội Đảng   (18/11/2003)
Xây dựng vùng nguyên liệu dứa: Còn đó những khó khăn   (17/11/2003)
Trăn trở với nghề câu cá ngừ đại dương   (16/11/2003)
Những người "thầy" Internet   (14/11/2003)
Bình Định lũ chồng lên lũ  (13/11/2003)
An Nhơn năm thứ hai vượt qua ngưỡng 100 ngàn tấn lương thực  (12/11/2003)
Suối Mây xây dựng cuộc sống mới   (11/11/2003)
Phù Cát thấp thỏm đê sông   (10/11/2003)
Nghề trồng dâu nuôi tằm ở Hoài Ân: Cơn bĩ cực chưa qua  (09/11/2003)
Nuôi tôm he chân trắng: Cơ hội mới cho người nuôi tôm   (07/11/2003)
Doanh nghiệp và nông dân chưa có tiếng nói chung   (06/11/2003)
Hiệu quả từ chiếc máy cắt lúa cải tiến   (05/11/2003)
Làng mới ở Đồng Binh   (04/11/2003)