|
Thu hoạch tôm. |
Hiện Bình Định đã phát triển diện tích nuôi tôm sú lên đến trên 2 nghìn ha. Nhưng đến nay hiệu quả đem lại của nghề nuôi tôm chưa ổn định vì chưa có sự quản lý, quy hoạch chi tiết cho từng vùng nuôi, chưa tính đến sức tàn phá của môi trường, hiệu quả trong nuôi trồng... các vấn đề này nếu không được giải quyết sớm thì nghề nuôi tôm sẽ đi vào ngõ cụt.
* Vui - buồn từ con tôm
Khoảng 3 năm trở về trước, người nuôi tôm sú có nhiều cơ hội làm giàu từ con tôm, do giá tôm lúc bấy giờ rất cao, có lúc tôm loại 1 (khoảng 30 con/kg) lên đến 180 nghìn đồng, người nuôi tôm thu lãi vài trăm triệu, đôi khi có bạc tỉ trong tay. Song, 3 năm trở lại đây, nghề nuôi tôm sú gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh tôm xảy ra liên tiếp, nhiều người nuôi tôm thất bại, lâm cảnh nợ nần... Thế mới biết, nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) cũng lắm gian nan, giống như đánh bạc với trời vậy!
Kinh nghiệm từ nghề nuôi tôm sú đã được các nhà khoa học rút ra, đó là yếu tố môi trường có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả nuôi. Điều này đã được minh chứng ở Khánh Hòa, một tỉnh phát triển mạnh nghề NTTS, nhất là nghề nuôi tôm sú vào loại sớm nhất khu vực miền Trung. Diện tích nuôi tôm hiện nay của tỉnh này đã lên đến trên 5 nghìn ha. Ngoài yếu tố tự nhiên, Khánh Hòa còn có một ưu điểm lớn là có các cơ quan nghiên cứu khoa học của Trung ương về NTTS, môi trường biển đóng trên địa bàn. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, dịch bệnh tôm đã làm cho nhiều chủ đìa điêu đứng, không ít hộ tán gia bại sản cũng chỉ vì con tôm. Với những điều kiện tự nhiên, khoa học kỹ thuật như vậy, tại sao nghề nuôi tôm sú của Khánh Hòa lại lâm vào ngõ cụt như hiện nay? Đơn giản, việc phát triển nuôi tôm sú ở Khánh Hòa hoàn toàn là do tự phát, chưa có sự quản lý từ phía Nhà nước, rừng ngập mặn bị xâm hại, môi trường nuôi trồng bị tàn phá. Mỗi năm, Khánh Hòa có khoảng 1.000 ha đìa tôm bị dịch bệnh, ước thiệt hại lên đến hàng nghìn tỉ đồng.
Còn ở Bình Định, dịch bệnh tôm hiện đã lan rộng khắp nơi. Theo thống kê của ngành Thủy sản, năm 2000, toàn tỉnh có 200 ha đìa nuôi tôm sú bị dịch bệnh. Năm 2001, con số này lên đến 400 ha. Năm 2002, dịch bệnh 933 ha. Và, vụ tôm năm nay thiệt hại 1.300 ha.
Nguyên nhân chính của thực trạng này là nghề nuôi tôm ở tỉnh Bình Định vẫn còn mang tính tự phát, môi trường nuôi bị ô nhiễm nặng là do phần lớn người nuôi tôm dựa vào kinh nghiệm từ nuôi quảng canh, rồi áp dụng vào bán thâm canh, kỹ thuật nuôi còn nhiều hạn chế, chưa có khu vực xử lý nước thải sau nuôi trồng; chậm xử lý dịch bệnh; nguồn nước thải mang mầm bệnh chưa được xử lý xả ra tràn lan... Từ đó dịch bệnh lan ra toàn vùng, khó có thể chặn đứng. Hiện nay, các bệnh thường diễn ra đối với con tôm thân đỏ đốm trắng, đen mang, phân trắng... Trong đó, bệnh thân đỏ đốm trắng diễn ra khá phổ biến, nhất là trên địa bàn các huyện có phong trào nuôi tôm phát triển tương đối sớm: Tuy Phước, Phù Mỹ, Phù Cát,... Kinh nghiệm từ thực tế cho thấy, đối với căn bệnh này, biện pháp duy nhất là nhanh chóng thu hoạch tôm, phải xử lý chất thải sau nuôi trồng bằng hóa chất, không được xả chất thải ra môi trường nuôi làm ảnh hưởng cả vùng nuôi.
* Cần xem trọng quản lý, quy hoạch
Trong thời gian qua, việc quản lý từ phía Nhà nước đối với nghề nuôi tôm sú còn thiếu đồng bộ, cụ thể là để cho người dân phát triển ồ ạt, còn mang tính tự phát cao, chậm quy hoạch chi tiết cho từng vùng nuôi, đối tượng nuôi. Bên cạnh đó, việc kiểm dịch tôm, xử lý dịch bệnh tôm là vấn đề hết sức quan trọng, nhưng vẫn chưa được người nuôi tôm chú ý đúng mức.
Để nghề nuôi tôm sú phát triển bền vững, khi quy hoạch cần phải tính đến phát triển và khôi phục rừng ngập mặn trong vùng nuôi, bởi rừng ngập mặn luôn được các nhà khoa học ví như "lá phổi của biển khơi", có tác dụng chắn sóng, cải tạo môi trường biển, đa dạng sinh vật biển. Bên cạnh việc phổ biến kỹ, Trung tâm Khuyến ngư tỉnh cũng cần phổ biến, hướng dẫn cho người dân các đối tượng nuôi mới, vừa có giá trị kinh tế cao, vừa có tác dụng cải tạo môi trường biển: Rong sụn, vẹm xanh, hải sâm... Thiết nghĩ, khi có sự quản lý từ phía Nhà nước, có quy vùng nuôi một cách khoa học thì nghề nuôi tôm mới trút được rủi ro và mang lại hiệu quả mong muốn.
TRẦN MINH TUẤN |