|
Một buổi nói chuyện về vệ sinh môi trường |
PEEP là tên viết tắt của Chương trình Giáo dục môi trường cộng đồng thuộc Dự án Cấp nước - Vệ sinh thành phố Quy Nhơn, được triển khai gần cuối năm 2000, nhằm giáo dục cho người dân có ý thức về sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường. Sau hơn 3 năm hoạt động, chương trình đã đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân...
Năm 2001, hai phường nội thành được chọn thí điểm thực hiện chương trình PEEP là Lê Hồng Phong và Đống Đa. Ông Trần Ngọc Thảo, Phó chủ tịch UBND phường Lê Hồng Phong, đồng thời là Đội trưởng đội PEEP phường kể lại: "Tháng 11-2001, mới triển khai làm thí điểm 5 hộ đầu tiên ở tổ 39, khu vực 6, ven chân núi Bà Hỏa. Đây là khu vực có nhiều hộ nghèo và hầu hết chưa có hố xí tự hoại. Khi nghe làm bể tự hoại được mượn vốn không trả lãi, không hộ nào dám nhận. Ba đêm liền làm công tác dân vận, các hộ mới nhận làm. Nhưng làm thế nào để trả được gần hai triệu bạc trong khi nhà còn chạy ăn từng bữa? Có hộ thắc mắc. Thì mỗi ngày để dành 3 ngàn đồng. Một tháng dư được chín chục ngàn, trả nợ chỉ có 76 ngàn, vậy là dư sức".
5 nhà đầu tiên xây bể tự hoại, tự cung ứng nguyên liệu, nhân công. Làm xong, có đội PEEP phường và đại diện Ban quản lý dự án cấp nước và vệ sinh thành phố Quy Nhơn (BQLDA) xuống kiểm tra. Đạt chất lượng, BQLDA mới thanh toán tiền. Sau hai năm thực hiện, đến nay đã có 84 hộ xây dựng bể tự hoại, 210 hộ dân bắt nước máy, trong đó có nhiều hộ đã tự bỏ tiền ra xây. Tỷ lệ dân cư sử dụng nước sạch trong vùng 85-90%, và 80% dân trong vùng đã có bể xí tự hoại.
Từ hai phường đầu tiên, mô hình thực hiện chương trình PEEP đã nhân rộng ra 7 phường nữa, đó là: Hải Cảng, Trần Phú, Nhơn Phú, Ghềnh Ráng, Ngô Mây, Thị Nại, Quang Trung. Phường Ngô Mây tuy thực hiện sau nhưng chỉ trong 15 tháng thực hiện đã vận động 400 hộ bắt nước máy, 112 hộ dân vay vốn của dự án để xây bể tự hoại, 252 hộ có điều kiện xây bể tự hoại không cần vay vốn. Ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường Nhơn Phú nhận xét: "Ý thức vệ sinh môi trường, nước sạch của bà con được nâng lên rõ rệt. Thấy nhà người ta làm bể sạch sẽ, nhiều người khác trong xóm cùng hưởng ứng tham gia. 2.009/3.600 hộ trong phường đã có bể xí tự hoại, 4.191 hộ có giếng khoan. So với nhiều nơi kết quả này có thể chưa cao nhưng ở địa phương chúng tôi thì đã có sự chuyển biến rõ rệt".
Anh Nguyên, nhà ở ven núi Bà Hỏa thuộc khu vực 6, phường Lê Hồng Phong nói: "Trước đây để làm "chuyện đó" bà con trong khu vực đều ra phía sau núi nhà tôi. Từ khi có chương trình PEEP, cách sinh hoạt ở gia đình tôi đã có sự thay đổi".
Vốn vay của dự án cứ quay vòng, hết nhà nọ đến nhà kia. Đến nay đã có thêm 940 bể tự hoại được xây dựng ở nội thành nhờ chương trình PEEP. Đó là chưa kể đến hàng ngàn hộ đã tự bỏ tiền ra xây bể và bắt nước máy sử dụng. Tỷ lệ người sử dụng nước sạch đã tăng đáng kể. Năm 2002 có thêm 3.041 hộ bắt nước máy, 10 tháng đầu năm nay đã có thêm 4.126 hộ.
Để vận động được người dân ý thức được chuyện ở sạch, uống sạch và dần thay đổi những thói quen lạc hậu trước đây, không thể không nhắc đến vai trò của các đội PEEP phường. Mỗi đội gồm 15 thành viên, do Phó Chủ tịch UBND phường làm đội trưởng, có trách nhiệm đi tuyên truyền vận động bà con trong vùng về nước sạch - vệ sinh môi trường. Hàng tháng mỗi tuyên truyền viên được bồi dưỡng 50.000 đồng. Mỗi câu lạc bộ Nước sạch vệ sinh môi trường của phường được hỗ trợ 300.000 đồng/tháng để tổ chức các hoạt động tuyên truyền. Các buổi nói chuyện chuyên đề, các buổi sinh hoạt văn nghệ, tiểu phẩm về nước sạch-vệ sinh môi trường hay các hội thi tuyên truyền viên giỏi đều thu hút đông đảo bà con đến dự. Ngoài ra, các đội PEEP còn phối hợp với y tế phường tổ chức các đợt kiểm tra về vệ sinh môi trường, nhắc nhở người dân phải biết giữ vệ sinh chung, đặc biệt là những hộ ở các khu vực trong hẻm, trên núi Bà Hỏa, ven biển…
THU HÀ
|